Saturday, July 31, 2021

O Bán Chè Trước Hiên Nhà

Trương Hữu Hiền



Hơn cả năm rưỡi nay, từ hồi con dịch vật Corona xuất hiện khắp xứ Cờ hoa thì chuyện ra ngoài ăn hàng quán, mà nói theo kiểu bình dân quê tôi là “đi kéo ghế” hầu như mọi người tạm quên hẳn. Mỗi ngày cứ ăn theo thực đơn Mỹ đế nấu sẵn riết rồi ngán tận cổ, nhưng mấy món Việt xa quá tìm đâu ra trong lúc này! Biết tôi thèm và nhớ nào bún bò huế, phở bắc rồi mỳ quảng, chè cháo đủ thứ nên bà nhà tôi thi thoảng cũng chịu khó bày ra nấu nướng đôi món. Dĩ nhiên chỉ để tạm thời qua cơn nhớ nhung chớ sao bằng ghé tiệm được!

Tháng bảy trời Boston chiều hay đổ cơn dông. Thời tiết mùa hè mưa nắng bất chợt làm nhớ không khí nơi quê nhà. Sáng nay đang nhâm nhi ly cà phê thì bà nhà tôi nói:

“Sẳn có đậu nếp đường hôm nay em nấu một nồi chè, anh thích ăn chè gì?”

Mừng quá tôi trả lời ngay không suy nghĩ:

“Chè đậu nấu đặc với nếp đi, thèm ghê, lâu lắm rồi!”

“Biết ngay mà, cứ chè đặc tối ngày, hôm nay nấu chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa ăn cho mát mẻ”

Biết là nói vậy nhưng thế nào nàng cũng chìu mà nấu một nồi chè nhỏ nếp đậu ngọt bùi riêng cho tôi. Bà nhà tôi quê vùng trong Nha trang nên ít ăn mặn, nêm nếm thức ăn thường có vị ngọt hơn quê tôi. Riêng món chè thì thích chè đậu nấu lỏng bỏng thêm chút nước dừa. Còn tôi, Quảng nam gốc nên ăn chi cũng phải đậm đà một cách hơi cực đoan. Mặn ra mặn, ngọt ra ngọt, và nhất là món gì cũng chỉ thích chan vừa đủ sanh sánh nước. Bún bò huế, phở bắc vẫn thích nhưng biểu chọn lựa thì mê nhất mì quảng, thứ mì vị đậm đà dân dã ít nước không chan ngập tràn như hai món kia. Riêng chè, tôi mê nhất là cách nấu sao cho hơi keo đặc lại một chút, chè sẽ có vị đậm thơm đặc trưng của mùi nếp trộn đậu nấu chín không lẫn vào đâu được. Món chè đặc này ăn theo kiểu nóng hay lạnh gì cũng đều đả cả.

Nhắc đến chè làm tôi nhớ đến gánh chè mỗi chiều hay đặt ngay trước hiên nhà mình hồi những năm xa lắm. Chủ gánh là một bà khoảng trên 60 mà tụi tôi vẫn gọi là O theo cách của người Huế gọi người họ hàng vai cô hay dì. O bán chè xuất hiện đâu khoảng sau mùa hè năm 1972. Mùa hè mà chúng ta hay gọi theo nhà văn Phan Nhật Nam là Mùa hè đỏ lửa. Mùa hè bắt đầu một trận chiến thảm khốc với bao tang thương chết chóc cho người dân vùng cực bắc miền nam. Có lẽ vì nỗi sợ ám ảnh sau cái Tết Mậu Thân 68 nên ngoài dân tỵ nạn vùng Quảng trị, một số người dân Huế cũng bỏ chạy vào Đà nẵng rồi ở lại định cư luôn. O bán chè trước nhà tôi cũng từ Huế vào để đương nhiên trong gánh của O là những món chè thơm ngon của vùng đất thần kinh văn vật. Xóm nhà tôi ở cũng có vài gia đình là bà con của O, nhưng không hiểu sao O cứ muốn đặt gánh trước hàng hiên nhà tôi. Chắc có lẽ vì bà con với nhau thì tâm lý lại ngại chuyện chung đụng, một phần vì thấy ba mẹ tôi hiền, tính dễ dãi gần gũi. Vậy đó mà từ khi ở Huế vào rồi dừng chân đặt gánh xuống, O đã có cả hơn mười năm hiện diện trước hiên nhà tôi. Chè của O ngon tuyệt, rẻ hợp túi tiền, anh chị em tôi lại mê ăn hàng nên lâu ngày mặc nhiên O đã thành như một người thân trong gia đình.

Hồi đó cứ chiều chiều tôi hay ra ngồi nói chuyện với O, dĩ nhiên là không quên để nhẹ vài chén chè nếp đậu O múc cho. Tỗi vẫn còn nhớ là O có một cô cháu nhà ở khúc gần chùa Tĩnh Hội, mỗi chiều hay đi chợ ngang ghé qua hỏi O cần mua gì không. Cô bé rất xinh, dáng thanh mảnh, có nụ cười rất duyên răng khểnh gọi O bằng nội. Có lần tôi nói, “O gả cháu O cho con nghe!” O cười vui trả lời, “ Mi thiệt tình thích nó thì tau nói cho”, “Con nói thiệt mà, cháu O xinh quá!”… Từ lần đó, không biết về nhà O nói chi mà cô bé mỗi lần ghé hỏi thăm nội cứ tránh chạm ánh mắt tôi, cô ít cười nói như mọi lần. Thời gian sau tôi vô Sài gòn học, lần cuối về không thấy cô cháu O ngang qua nhà nữa, định hỏi nhưng nghĩ sao lại thôi…

Sau khi ba mẹ và mấy em còn lại của tôi từ Việt nam sang Mỹ đoàn tụ, anh chị em trong nhà mỗi khi có dịp tụ họp hay nhắc đến O bán chè. Nghe nói O vẫn còn đặt gánh trước sân nhà tôi thêm vài năm nữa, sau đó không còn thấy ghé. Mấy em tôi kể, sau khi tôi vượt biên lâu lâu O lại hỏi sao không thấy Hiền về thăm nhà. Bao năm gần gũi qua gánh chè mỗi chiều đặt trước nhà, không nói ra nhưng qua cách ân cần hỏi han, có lẽ O xem anh chị em tôi cũng như người thân ngoài gia đình ruột thịt của mình. O buồn khi không còn thấy tôi về nữa. Rồi hai cô em gái, đến người chị cả và em trai tôi cũng bỏ đi xa. Nghe kể, mấy hôm sau khi hai cô em tôi xuống thuyền vượt biển chưa biết tin tức ra sao, một buổi sáng thấy vắng lâu O mới hỏi, biết ra chuyện O ngồi khóc tấm tức một mình. O thương mấy anh chị em tôi từ nay phải xa gia đình, bỏ lại tất cả để đến một nơi chốn quá xa lạ không có ai nương tựa. O khóc vì một phần đời chung quanh O vừa tan biến đi, hay O vừa đánh mất một khoảng đời của chính mình đó là hình ảnh hằng ngày có mấy chị em tôi xúm xít trước hiên nhà. Hay O đang mũi lòng mà khóc xót xa cả cho một thời khốn khổ của dân mình… Nghe mấy đứa em kể lại mà tôi không cầm được nước mắt. Nhớ nhà, nhớ hàng xóm. Nhớ O và mấy chén chè mỗi ngày tôi ngồi vừa ăn vừa nói chuyện. Nhớ giọng Huế chân chất thật thà của O!

Cái tình với nhau của người Việt mình là vậy. Khác với cách biểu lộ tình cảm ra ngoài của người phương Tây. Mình ngó ít nói, khi gặp nhau ngại chuyện ôm ấp hun hít, nhưng đâu đó ẩn chứa bao nhiêu là thương mến. Ngoài tình gia đình, mình còn có tình hàng xóm láng giềng, có cả tình thân với những người thường gặp gỡ hằng ngày. Bình thường thi it ai cảm nhận được, nhưng khi mất đi mới ngậm ngùi tiếc…

Vài lần về thăm lại Đà nẵng tôi đều không quên tạt ngang qua nhà cũ trên đường Ông Ích Khiêm. Bồi hồi xúc động khi nhìn lại căn nhà, hinh dung ra bao kỷ niệm của gia đình. Có hôm tôi đứng đó thật lâu đợi chiều xuống, đợi đến khi bóng râm trước hàng hiên nhà mình rủ đủ che cả một khoảng sân rộng. Và tôi chợt thấy lại hình ảnh một người đàn bà hiền lành ngồi cạnh gánh hàng, hai nồi chè nhỏ bốc khói hai bên, giữa là những chiếc ly úp gọn đợi khách hàng trong xóm đến. Giọng O chân chất hiền khi nói, tay O nhẹ nhàng múc vào ly những hạt đậu đen, đậu đỏ lẫn trong màu nếp, thứ màu nếp chín ngã vàng đục chưa bỏ vào miệng đã nghe thơm mềm đầu lưỡi. Tôi nhớ O lắm! Bây giờ thì ba mẹ tôi không còn, nghe nói mấy bác trai, bác gái xóm tôi cũng đã khuất bóng gần hết. Dạo đó trông O lớn tuổi hơn ba mẹ tôi nhiều, không biết nay O có còn không! Nếu O vẫn còn trên dương gian này thì con kính chúc O được nhiều sức khỏe, vui và hạnh phúc bên con cháu. Còn giá như O đã về nơi xa xăm vĩnh hằng thì con xin thắp cho O một nén hương lòng mà tưởng nhớ!

Boston, ngày cuối cùng tháng 7, 2021
Trương Hữu Hiền

__________________________________

1 comment:

  1. Bài viết bình dị mà gợi nhớ nhiều đến quê nhà, về những ngày thơ ấu. Cám ơn anh Hiền.

    ReplyDelete