TUYẾT VÂN
Picture downloaded from internet |
Hôm nữa Tháng Tư, Tổng Thống Joe Biden chính thức cho hay sẽ rút về nước lực lượng Mỹ còn lại ở Afghanistan. Cuoc chien nay da keo dai 20 nam. Tổng Thống Biden khẳng định “Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất lịch sử Mỹ”. Sau khi loan báo quyết định của mình, Tổng Thống Biden viếng thăm nghĩa trang quốc gia Arlington National, đặc biệt thăm khu vực có mộ phần của nhiều quân nhân Mỹ hy sinh trên chiến trường Iraq và Afghanistan.
Đã 20 năm rồi sao? Nhiều người giật mình tự hỏi trong đó có tôi. Đời sống ở đây bình yên quá khiến người ta gần như không nhớ đến có một chiến tranh đang diễn ra ngoài kia.
Tôi vẫn còn nhớ buổi sáng của 9/11 20 năm về trước. Chắc chắn là ai cũng nhớ lúc đó mình đang làm gì khi hai tòa nhà của World Trade Center sụp đổ. Khi nước Mỹ quyết định bước vào cuộc chiến ở A Phủ Hãn nhiều người Việt mình đã lo rằng Mỹ sẽ bị sa lầy như Nga đã từng sa lầy ở đây hoặc như Mỹ đã từng dây dưa ở chiến tranh Việt Nam vừa rồi.
Trong những năm đầu của cuộc chiến, mỗi chủ nhật, chương trình ABC News vẫn dành những phút chót để đọc tên binh sĩ Mỹ vừa mới hy sinh. Họ trẻ lắm, rất nhiều người chỉ 19 hay 20 gì đó. Những khuôn mặt còn non nớt nhưng cuộc đời cắt ngắn. Đã nhiều lần tôi không dám nghe những bản tin nầy bởi nó quá đau lòng.
Khi quyết định chấn dứt chiến tranh đưa ra, Hoa Kỳ còn khoảng 2,500 người lính phục vụ ở A Phú Hãn. Kế hoạch rút quân sẽ hoàn tất vào ngày 11 tháng Chín, đánh dấu 20 năm, từ cuộc tấn công của Al-Qaeda vào New York and Washington năm 2001.
Tổng số binh sĩ đã chết ở Iraq và A phủ Hàn khoảng 7,000 người. Lãnh tụ Al-Quaeda đã bị chính phủ Hoa kỳ truy tìm và cuối cùng, 10 năm sau, bị giết chết. Ai cũng nghĩ rằng đã tới lúc phải chấm dứt thôi. Hình như không ai phải bận tâm gì cả.
Tháng Tư, khi nước Mỹ kế hoạch rút quân trong sự thờ ơ đồng ý của đại đa số dân chúng ở đây thì một ngày của tháng Tư và nếu ngược về lại 1975, 20 năm chiến tranh ở Việt Nam có một sự chấm dứt gần như tương tự. Và cũng như ở năm 2001, chắc là ai cũng còn nhớ mình đang ở đâu,làm gì vào những ngày cuối cùng của tháng Tư, 1975.
Không ai nghĩ rằng chiến tranh A Phu Hãn kéo dài đến 20 năm. Lúc đó, người ta cứ nghĩ đánh nhanh, đánh mạnh rồi thì chấm dứt. Sự chấm dứt đó đã dùng dằng mãi cho đến nay. Thì cũng như chiến tranh Việt Nam, nó không kết thúc ở năm 1975 mà còn kéo dài thêm 20 năm nữa trên một hình thức khác.
Hôm nay, một buổi sáng còn rất sớm khi tháng Chín chưa về, chúng ta biết rằng cuộc chiến đó đã chấm dứt. Tổng thống A Phú Hãn, Ashraf Ghani, đã bỏ trốn, đất nước họ đã rơi vào Taliban. Tôi bàng hoàng và đã hình dung ra được những gì sẽ xảy ra cho người dân A Phủ Hãn. Lịch sử lại một lần lập lại chỉ sau hai mươi năm.
Cho dù sự kết thúc có diễn ra trong trật tự như nước Mỹ đã kế hoạch, chiến tranh Á Phu Hãn không thật sự chấm dứt ở tháng Chín năm nầy bởi những người lính khi trở về sẽ vẫn nhớ tới vết thương của họ, trong thể xác hay tâm hồn, chiến trường đã để lại. Và nhất là, họ sẽ nhớ vô cùng đồng đội mình đã nằm xuống, những người lính tuổi còn rất trẻ, đã cùng với họ trên tuyến đầu lửa đạn. Những người lính đã chẳng được trở về với gia đình và tìm kiếm tạo dựng lại cuộc đời mình. Chẳng phải hai mươi năm vừa qua, có nhiều cựu chiến binh đã phải sống trong ám ảnh đó sao.
Hai mươi năm chiến tranh Á Phu Hãn làm tôi nghĩ tới hai mươi năm chiến tranh ở Việt Nam. Nhìn lại mới thấy được từng cá nhân lớn lên đều bị chiến tranh quay cuồng và thay đổi.
Hai mươi năm đó chúng ta đã ở đâu, làm gì và đi về đầu?
Năm ba tôi và hai bác của tôi cũng như những người trai trẻ khác trong làng phải bỏ quê đi lánh nạn, cũng tưởng chỉ đi vài năm rồi về, nào ngờ, nó kéo dài đến mấy mười năm sau mới có được hy vọng. Cái năm ba tôi được về lại thăm quê thì ông bà nội tôi đã không còn nữa. Khi ba tôi thắp nhang lên vái ông bà trong lòng ông chắc hẳn phải đau buồn lắm.
Khi cậu tôi và những người cùng trong thời gian đó đi tập kết thì cũng tưởng chỉ đi hai năm rồi về, có biết đâu cái hai năm đó trở thành hai mươi năm. Những gia đình thiếu bóng người cha trong bữa chiều ăn cơm hay những người mẹ phải một mình bương chải, cứ như vậy, ngày tháng trôi qua cho tới hai mươi năm. Rồi lịch sử lại một lần nữa lặp lại. Nhiều gia đình khác tiếp tục cái nghiệt ngã của sinh ly tử biệt là đau buồn cho đến gần 20 năm tiếp.
thương ta chớ học theo người cũ
hóa đá làm chi uổng một đời (Nguyễn Thanh Châu)
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa? (Tô Thùy Yên)
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì (Du Tử Lê)
Những người còn lại sau chiến tranh dù A Phú Hãn hay Việt Nam vẫn cứ là ám ảnh của những gì bi thương nhất Hai mươi năm. Con số như một định mệnh cho rất nhiều thế hệ. Khi bước vào tuổi 60, tôi nhận ra rằng, hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời là cái dấu ấn làm nên con người đó. Tôi quay quắt nhớ về thời lớn lên, cắp sách đi học, mơ ước của tuổi trẻ. Những năm sau này, khi gặp lại các bạn bè xưa, thì tình cảm của thời lớn lên vẫn cứ sâu đậm thân thương lắm. Tôi tin rằng, hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời là thời gian rất quan trọng. Chỉ tiếc rằng có những người lính đã chẳng phải sống quá tuổi đôi mươi hay có những người lính đã không sống đến tuổi sáu mươi để nhìn lại đời mình. Chúng ta sẽ không thể nào quên họ được.
Tuyết Vân
________________________________
No comments:
Post a Comment