Tuesday, May 18, 2021

Love Story

 Chuyển dịch từ LA Times, Hailey Branson-Potts, 04/28/21

Louis and Nellie (Family Foto)

Họ gặp và yêu nhau sau đệ nhị thế chiến và sau khi trại tập trung của người Nhật được giải tán, ở cái tuổi 98, Louis Moore xuất bản tập hồi ký vinh danh cho vợ ông, bà Nellie Hatsumi Maeda.

Câu chuyện của họ bắt đầu từ mấy mươi năm về trước khi Louise Moore không ngừng chăm chú nhìn cô gái đứng hàng thứ ba trong đoàn vũ nữ ở câu lạc bộ China Doll, thành phố New York.
Đó là mùa xuân 1946, chiến tranh thế giới thứ hai vừa mới chấm dứt. Louis, 23 tuổi, vừa mới được xuất ngũ ở quân đoàn Không Quân sau khi đóng quân ở châu Âu về. Anh cùng cha mẹ và cô em gái tới câu lạc bộ để thưởng thức một đêm vui chơi.
Và anh đã thấy Nellie ở đó. Cô gái có đôi mắt thật dễ thương. Anh đã trở lại câu lạc bộ hằng đêm với hy vọng sẽ được cô chú ý.
Vài tuần sau đó, anh lại tình cờ thấy cô ngồi bên trong khung cửa sổ của một quán cà phê. Cô đã mỉm cười khi anh tới xin phép được ngồi cùng bàn. Họ đã cùng nhau dạo bộ ở công viên và ngồi nói chuyện đến hằng giờ.
Hai người đã làm đám cưới 10 ngày sau đó. Cái đám cưới gấp rút nhưng cuộc hôn nhân kéo dài 74 năm. Cha mẹ anh, vì không thích người Nhật, đã từ nói chuyện với anh trong 7 năm đầu.
Louis bây giờ đã 98 tuổi. Ông muốn chia xẻ câu chuyện tình và cuộc đời của vợ chồng ông cho nhiều người biết dù bây giờ nạn phân biệt người châu Á đang lên cao giữa cái lo sợ về đại dịch.
Nếu có cái gì mà thế giới này cần, đối với ông, thì đó là tình yêu.
Louis đang sống ở cộng đồng hưu trí ở Lancaster, vừa mới xuất bản 78 trang hồi ký về cuộc đời của vợ chồng ông, Louis Moore và Nellie Hatsumi Maeda. Ông lấy tựa đề của cuốn sách là Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Louis, với thân hình thanh mảnh, giọng nói mạnh mẽ, va óc khôi hài tinh tế vừa mới làm lễ chào cờ với quân đoàn (American Legion) 311 ở Lancaster. Ông đã ký sách ở đây và hy vọng sẽ “dạy” cho bọn đàn ông biết làm thế nào để làm một ông chồng tốt.
Đó cũng là ngày họp mặt bên trong đầu tiên của quân đoàn 311 kể từ khi phải đóng cửa vì đại dịch. Phòng họp đông đúc người tới dự.

Cựu chiến binh của Đệ Nhị Thế Chiến đã chết vì tuổi già nhiều lắm, bà Bonnie Navarro, người tổ chức cho buổi họp này đã nói như vậy. Những câu chuyện như thế này chúng ta chưa nghe qua, và nếu không được kể lại, thì không bao giờ có lại được.

Louis ước sao được có Nellie bên cạnh khi ông ký sách tặng.

Tôi nói cho các ông đang đứng ở đây hay: Hãy yêu quý vợ mình, bởi vì đó là người sẽ luôn chung lưng sát cánh bên mình, khổ hay sướng, người sẽ khóc khi mình đau, và thương mình cho đến ngày cuối cùng của họ. Như Nellie, vợ của tôi.

Nellie là con gái của một cặp vợ chồng di dân người Nhật. Cô được sinh ra ở Fresno năm 1922 và lớn lên ở Visalia nơi cha mẹ cô sinh sống bằng nghề nông.

Trong thời gian chiến tranh, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt 120 ngàn người Nhật mà 2/3 số người này là công dân Hoa Kỳ phải dồn vào trại tập trung để sống. Gia đình của Nellie bị đưa qua Arizona. Nellie ít thường kể về thời gian này, có lẽ, nó như một vết thương trong lòng cô.

Khi được thả tự do, gia đình cô đã mất đi nông trại. Cha mẹ cô khuyên Nellie dọn qua New York kiếm sống vì phía bên miền Tây người Mỹ chẳng ưa gì người Nhật cả. Lúc đầu, Nellie làm người bảo mẫu, sau đó, cô được tham gia vào vũ đoàn China Doll.

Louis được sinh ra ở San Francisco vào tháng Mười, năm 1922. Ông là thế hệ thứ ba ở Mỹ. Họ của ông nội ông bị đổi là Moore bởi một nhân viên trong sở di dân đã không phát âm được cái tên họ Trung Hoa đó.  

Louis gia nhập vào binh đoàn Không Quân. Lúc đó, có khoảng 13,000 thanh niên người Mỹ gốc Hoa đã gia nhập vào binh ngũ. Louis hãnh diện nói, những người bạn của tôi và tôi đã vào binh ngũ để đi cứu thế giới.

Ông được đưa qua châu Âu trên chiếc tàu Mary Queen. Ông kể, ngày nào cũng ăn món đồ hộp Spam hết. Ông đóng quân ở Pháp, gần biên giới nước Đức. Hồi đó, làm một người lính Mỹ có gốc Trung Hoa cũng gặp nhiều phiền lụy lắm. Đi đâu, tôi cũng chỉ là một người châu Á, nhiều lúc tôi sợ những người lính da trắng kia sẽ đem tôi đi bắn. Sợ chết được.

Louis ít khi nói về chiến tranh.

Một trong những câu chuyện ông rất thích kể lại là chuyện chia khẩu phần. Lúc đó, gia đình ông đang ở Brooklyn. Ông muốn mua kẹo chocolate để tặng mẹ nên ông ra tiệm bán bánh kẹo và đứng xếp hàng chờ. Thời đó, hàng hoá tiêu thụ thiếu thốn, phải mua theo số lượng có chừng mực. Người ta xếp từng hàng dài. Một người đàn ông kéo ông vào bên trong tiệm, cho ông đứng hàng đầu, và nói, không nên để một quân nhân phải xếp hàng mua chocolate chứ các bạn. Mọi người đồng vỗ tay hoan nghênh chào ông. Họ đối với tôi như thượng khách vậy, ông còn nhớ.

Tháng Tư, 1946, Louis giải ngũ nhưng cuộc đời ông chỉ bắt đầu khi ông gặp vợ ông ở quán cà phê vào ngày đầu tháng Sáu. Đến ngày thứ hai tôi mới hôn Nellie. Tôi phải đợi lâu như thế.

Cha mẹ của Louis vì nghĩ rằng Nhật Bản là kẻ thù của Mỹ nên đã không chấp thuận ông cưới Nellie. Họ đuổi ông ra khỏi nhà. Ông cùng Nellie về Cali nơi có gia đình của Nellie sống. Ông cũng lo sợ cha mẹ Nellie cũng không chấp nhận mình.

Khi tới nhà thăm, thình lình một người đàn bà nhỏ nhắn nhưng bước đi mạnh bạo như một đại tướng bước vào nhìn ông chầm chập. Một hồi, trên môi bà nở nụ cười. Louis biết mẹ vợ mình đã đồng ý.

Mấy năm đầu, hai vợ chồng ông nghèo khổ nhưng rất hạnh phúc. Họ làm việc chăm chỉ ở nhà hàng và hãng xưởng. Vào cuối năm 1950, họ để dành đủ tiền để chuẩn bị mua một căn nhà nhỏ ở vùng San Fernando Valley là nơi đang có những xây dựng mới. Lúc đó, người ta không muốn bán nhà cho người châu Á. Một người khách hàng da trắng thường tới ăn ở nhà hàng Nellie làm, đã bán căn nhà của họ cho vợ chồng ông. Những người hàng xóm đã ký giấy yêu cầu Louis và Nellie phải dọn đi nhưng họ quyết tâm ở lại.

Sau này họ mở một nhà hàng Tàu và ở gần với cha mẹ Nellie. Bây giờ, Nellie đã là trưởng ban điều hành dân sự cho một hãng kỹ sư và Louis là một chuyên gia tư vấn về quản trị.

Họ thường nói là họ không có nếp nhăn trên mặt vì họ không bao giờ cãi nhau. Khi ông ký tên của hai người, ông luôn ký tên của Nellie trước.

Nellie dọn vào ở trong viện dưỡng lão sáu năm trước vì bệnh mất trí nhớ trầm trọng hơn. Ông đi thăm vợ hàng ngày cho đến khi đại dịch bùng nổ. Mỗi tháng ông tới thăm vợ, ngồi bên ngoài cửa sổ nhìn vào. Ông gọi bà hàng ngày và nói là ông nhớ bà vô cùng.

Ông bắt đầu tập hồi ký này vào mùa hè năm ngoái. Bàn tay ông đã yếu nhiều nên một người bạn đã tới giúp viết xuống giùm ông.  

Lúc đầu tôi cũng ngại, người bạn nói, nhưng tôi biết ông ở chỉ một mình, chúng tôi đều mang khẩu trang và ngồi cách xa khi gặp nhau.

Louis nói, điều ông mong muốn nhất là Nellie được về nhà. Tôi muốn viết xong cuốn sách rồi chúng tôi ngồi bên nhau, gác chân trên bàn, cầm tay và đọc cho nhau nghe. Nhưng rồi điều đó đã không có được.



Nellie đã ra đi vào tháng Mười ở tuổi 98.
Ông chạy vào viện dưỡng lão để nhìn Nellie lần cuối. Khi cuối xuống, ông thấy đôi mắt của Nellie có nước mắt. Ông la lên nói với y tá là bà vẫn còn sống. Nhưng đó là những giọt nước mắt của ông đã lăn trên đôi má của bà. Tôi phải viết đoạn cuối sau khi bà đã ra đi. Tôi phải viết lời cáo phó mà thật là tôi không muốn chút nào.
Louis treo cái mũ lên. Trên mũ có dòng chữ Cựu Quân Nhân Đệ Nhị Thế Chiến.
Xin lỗi các vị. Ông chặm nước mắt, giọng nói có pha lẫn nghẹn ngào. Tôi yêu bà ấy và bà cũng rất yêu tôi.
Bây giờ ông sẽ đọc cuốn sách này một mình vào mỗi đêm.
Vợ ông đã được hỏa táng. Và ông cũng sẽ vậy. Ông muốn rằng tro của họ sẽ trộn vào nhau, và như vậy, họ luôn luôn ở bên nhau.

Tuyết Vân chuyển dịch

_______________________________

No comments:

Post a Comment