Friday, April 2, 2021

Nhật ký Cali – Thư Gửi Người Đã Xa Xăm

Phạm Thiên Thu


Anh thương nhớ,

Hôm nay nữa là tròn bốn mươi lăm năm tính từ lần cuối cùng chúng mình gặp được nhau nơi vùng biển quê nhà, sau những ngày Miền Nam bắt đầu bước vào những tháng ngày bất ổn do tuyên truyền của việt cộng, cũng như do những đài phát thanh ngoại quốc nhưng thuộc loại thiên tả khiến tình hình đất nước càng thêm rối ren và xáo trộn, và cho dù tất cả đã được nằm trên bàn cờ quốc tế, chúng ta với thân phận  nhược tiểu, nhưng cũng đã anh dũng chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, và cũng vì Việt Nam Cộng Hòa là đất nước của những con người được  giáo dục trên nền tảng Nhân Bản và Yêu Thương, cũng như Trung Thực và Ngay Thẳng, nên việt cộng đã lợi dụng những yếu tố rất Người đó của chúng ta để đáp lại bằng sự xảo trá, đểu cáng của kẻ ăn cắp hèn hạ, nên đã ngang nhiên cưỡng chiếm  Miền Nam, những người dân Miền Nam “ Ăn cơm Quốc Gia, thờ ma cộng sản “, cũng như những người dân ngây thơ tin vào Tự Do, Hòa Bình, khiến cho bao nhiêu đau thương phủ trùm bao thế hệ kể từ sau ngày 30/4 tối tăm đó

. . .  Và cũng từ đó chúng ta chưa lần gặp lại, bốn mươi lăm năm ngày Nước Mất Nhà Tan, bốn mươi lăm năm những người con thân yêu của Miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã phải sống lưu vong, cho dù rất nhiều người hiện vẫn còn phải “ Ôm một mối căm hờn trong cũi sắt” như chú hổ nhớ rừng già của Thế Lữ xa xưa ngay trên quê hương của mình. Niềm đau nằm ngay chính chỗ mình đang phải lưu vong ngay trên quê hương thân yêu . . . Những góc phố, những con đường thân quen từ những ngày thơ ấu, hay những  tháng ngày bước vào tuổi mộng mơ,  tuổi biết buồn, tuổi biết âm thầm đếm từng bước chân theo cô bạn cùng lớp mỗi khi tan trường, những quán café thân quen như La Pagode, Brodard, quán kem Mai Hương, Phương Lan ngày xưa cùng ngồi nhâm nhi với nhau từng ly café Liegoise béo ngậy, những chiếc bánh ngọt của Givral hay Thanh Bạch, và cả những  quán cóc vỉa hè góc đường Pasteur ngày xưa . . . Con hẻm Casino với bún thịt nướng thơm phức, và cả quán café rất nổi tiếng và quen thuộc với  rất nhiều thanh niên thời đó ở khu Bàn Cờ, chắc là anh còn nhớ, Café Năm Dưỡng . . . Những bữa cơm trưa ở quán cơm, tuy nhỏ bé nhưng lúc nào cũng rất đông đúc, và được giới văn nghệ sĩ thường xuyên ghé qua, và cả bọn sinh viên tụi em cũng tập tành chen lấn để ăn những bữa cơm trưa giống như mẹ nấu ở nhà, những món ăn “Rất Ư là Bắc Kỳ”ở quán cơm có tên gọi cũng đặc biệt, vì do chính những thực khách thường xuyên “Ký Sổ” đặt cho. Cái tên rất thân thương và trở nên quen thuộc, dù cho không có bảng hiệu : “ Quán bà Cả Đọi”, vì có lẽ chỉ những lúc cạn túi, hay chỉ còn chút tiền còm là ghé vào ăn và ghi sổ nợ mà chẳng bao giờ bị chủ nhân phàn nàn  . . .  Và cả những lúc có tiền rủng rẻng trong túi để cùng nhau thưởng thức món Chateaux Briand với ly nước cam vắt thơm ngát ở Cafeteria Rex, hay khi túi chỉ vừa đủ với tô bún riêu cua ốc ở vỉa hè phía sau rạp Eden của bà cụ người Bắc vấn khăn nhung, và cả những buổi trưa lê la nơi hành  lang của Đại Học Văn Khoa với ổ bánh mì thịt nướng, bỏ tương ớt cay xé họng và chữa cháy bằng ly chè Đậu đỏ bánh lọt . . . Tất cả đã trở thành dĩ vãng, trở thành ký ức nhạt nhòa như ở  thế giới nào đó không có thật trong cuộc đời, chì mới thoảng như cơn mộng, nhưng khốn thay lại là  cơn mộng dữ   . . . Sài Gòn của chúng ta đúng như một câu hát của nhạc sĩ nào đó mà em không biết, vì chỉ được nghe lén khi còn ở trong nước : “ Sài Gòn đã chết rồi, phải mang tên xác người . . . ” Đúng thật đó, cái tên gọi nghe thật lạ lẫm, và rồi những địa danh cũ cũng đã đổi thay theo một cách nào đó anh ạ . . .

Những ngày tháng Ba và tháng Tư của năm nay vì đại dịch cúm tầu mà mọi người dường như quên đi vết thương hơn bốn mươi năm chưa lành miệng thì phải . . . riêng em thì không thể quên, bởi hàng ngày vẫn nhận được những email nói về “Tháng Ba Gãy Súng ”, và “tháng Tư Đen”, nhưng dường như em thấy mình quá mệt mỏi để có thể nhớ về những tháng ngày xưa cũ, em như một người không còn sức sống, không thể viết được dòng chữ nào về những ngày tháng cũ, cho dù đầu óc em tràn ngập những kỷ niệm, những ký ức đau buồn, và tất cả như một mớ bòng bong  cứ chực tuôn trào ra, nhưng không  hiểu sao em không thể làm được chuyện gì cho ra hồn . . .  có lẽ em đang nản lòng và tuyệt vọng vì những tin tức không mấy gì sáng sủa đang xảy ra cho quê hương đất nước chúng ta . . .  cái viễn cảnh  của “ Một ngàn năm Nô lệ giặc tầu” như đang thấp thoáng, à không phải thấp thoáng đâu, dường như nó đang đứng ngay trước cổng nhà chúng ta rồi anh ạ

Anh thương nhớ,

 Dưòng như ngày tháng  cứ vô vị trôi vèo qua cuộc đời em, ai cũng nghĩ thời gian Quarantine này là có nhiều thời gian rảnh rỗi lắm hay sao ấy, ai cũng nghĩ mình có thể làm được nhiều việc mà từ trước đến giờ do bận rộn với cơm áo gạo tiền nên đành gác lại. . . riêng với em thì lại thấy như quá mỏi mệt, thật lòng em cũng muốn “ Về  Thu Xếp lại” để làm điều gì đó mà từ lâu em rất muốn nhưng chẳng hiểu sao em lại chẳng làm được gì . ..  chắc em đành bỏ dở dang ở đây thôi, cho dù đã hẹn với anh Nam Giang sẽ viết và sẽ kể cho anh ấy nghe về chuyện chúng mình, vì tình cờ liên lạc được với anh Nam Giang, sau “ Nửa Thế Kỷ Tình ca”, và cũng tình cờ biết hai anh cùng quen biết , cùng ở một thành phố . . . Chắc đành phải nói với anh N.G. thôi thì cứ coi  :“Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình”, như câu hát của  Y Vân trong bài Ngăn Cách để anh ấy khỏi thắc mắc bận tâm làm gì chuyện của chúng mình

Anh thương yêu,

Bây giờ là 22:30g tối ngày 29/4/2020 giờ California nghĩa là 10:30 sáng ngày 30/4/2020 giờ Sài Gòn. Cũng đồng nghĩa với thời khắc đau thương của Đất Nước Việt Nam Cộng Hòa, cách đây tròn bốn mươi lăm năm. Thời khắc mà tên tướng đốn mạt, cùng bè lũ, ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản ngồi trong Dinh Độc Lập chờ “phía bên kia” để bàn giao đất nước. Bốn mươi lăm năm trước, vào giờ phút này, giờ phút mà tên hèn tướng Big Minh kêu gọi quân nhân các cấp buông súng vô điều kiện, cũng chính là hồi chuông báo tử cho  nền văn minh sắp bị lũ đười ươi dày xéo, và cũng chính trong giờ phút đó đã  có thêm bao nhiêu linh hồn oan nghiệt đau thương rời cõi thế, cho dù là giờ thứ hai mươi lăm của cuộc chiến đã tàn, nhưng những người chọn cho mình và gia đình sự vĩnh biệt cõi đời này không hề tiếc nuối

Có lẽ cho đến tận ngày nhắm mắt lìa đời, em cũng không bao giờ quên được giờ phút này của bốn mươi lăm năm trước, khi nghe tin phải buông súng vô điều kiện, em thấy như cả bầu trời đang sập xuống dưới chân mình, tiếng súng đâu đó vẫn vang lên từ hướng xa lộ, những loạt đạn vẫn đang từ hướng trường Bộ Binh Thủ Đức nổ đì đùng, em như không còn nhận biết thời khắc lúc đó như thế nào, trong tiếng đạn vang lên em nghe như có tiếng cười cay đắng, tiếng cười như một câu thơ nào đó “ Cười là tiếng khóc khô không lệ” xen lẫn tiếng la hét của những thằng “cách mạng ba mươi”, mới mấy ngày hôm trước chúng còn đến nhà mình xin từng bữa cơm, ký gạo, hôm nay đã đeo mảnh vải đỏ trên cánh tay với danh nghĩa, “cách mạng” để đi hôi của. em còn nhớ hôm đó cả nhà không ai nuốt nổi hạt cơm nào, ngoại trừ  lũ trẻ nhỏ, con của những người lính chạy từ QN vào đang ở tại nhà em  . . . Tối hôm đó, ba mẹ phải đem đồ đạc ra ngoài xa lộ vứt bỏ, ba và em  phải đốt hết cả tài liệu giấy tờ, cả học bạ của em vì lý lịch khai nghề nghiệp của cha là Quân Nhân, cũng đêm hôm đó,  ba mẹ dằn lòng để em cùng hai đứa bạn lái chiếc xe của nhà đi về miền tây, vì nghe đồn Tướng Hưng, Tướng Nam còn cố thủ, ba mẹ muốn tụi  em đi về miền sông nước  tìm đường vượt thoát.  Tụi em lái đến cầu Bến Lức Long An thì xe kẹt luôn ở đó không tài nào qua cầu . . . Những người lính và dân chúng từ miệt dưới ngược về Sài Gòn, người đi bộ chật cả đường, sau nhiều tiếng đồng  hồ vật vã, em thấy quá tuyệt vọng, và không đành lòng bỏ lại cha mẹ, cũng như đoạn đường trước mặt không chút ánh sáng cuối đường hầm, em và hai đứa bạn đành trở lại nhà và cuộc sống đày đọa thế nào chắc không cần phải kể thì anh cũng đã biết . . .

Bốn mươi lăm năm chúng mình chưa lần gặp, mà hình như  không phải chúng mình là cá biệt đâu anh, biết bao mảnh đời tan tác chia xa từ tháng tư tăm tối đó . . . Em và hai người bạn cùng đi với nhau đêm đó, đến  hôm nay chúng em cũng chưa lần gặp lại, không biết còn sống hay đã chết, thành đại gia hay thân tàn ma dại chốn nào, anh thì em không gặp nhưng cũng được biết anh cũng có được một cuộc sống yên bình, thôi thì không gặp lại nhau cũng chẳng sao, anh không còn nhớ em là ai cũng được, bởi lòng người chỉ là giấy thôi anh ạ, giấy thì có thể cháy khi gặp lửa, hay rách nát khi ngấm nước . . .  Nên em chẳng trách gì đâu, thôi thì cứ như câu thơ nào đó cũng được  “ Người đi qua đời tôi không nhớ gì sao người . . .”.


Phạm Thiên Thu
California : 11PM 29/4/2020

____________________________________

1 comment: