Hải Linh
Hôm nay tôi search một vòng
trên youtube, bắt gặp bài Ngày Tạm Biệt của nhạc sĩ Lam Phương qua
giọng ca trữ tình ngọt ngào của Hương Lan, nghe hay quá ! Nghe đi nghe
lại vài lần mà vẫn thấy hay !
Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau
bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao...
Bài hát này gợi cho tôi nhớ lại thời còn đi học, nhất là vào hai năm cuối Đệ Nhị và Đệ Nhất bậc trung học. Đó là hai năm quyết định cuộc đời của người học trò – nhất là nam sinh – vẫn còn ở “trang học trò” hay phải lật sang “trang chinh chiến”.
Đây cũng là bài hát luôn được hát vào những giờ Sinh Hoạt Hiệu Đoàn trong lớp hay trong những buổi văn nghệ cuối năm của nhà trường.
Tôi còn nhớ, vào những năm đó, lớp tôi có hai giọng ca một nam một nữ “chuyên trị” các ca khúc có hơi hướm tình bạn học trò, phượng vỹ sân trường, mùa Hè chia tay, v.v... nghe mà thấm thía não lòng...
Nhưng anh ơi ngày mai ta cách xa
anh kinh đô tôi phải về miền xa...
“Anh kinh đô” là anh được diễm phúc đi học tiếp. Còn “tôi phải về miền xa” là tôi phải mang ba-lô lên đường làm nhiệm vụ trai thời chiến. Đó là một chuyến “về miền xa” khó hẹn ngày trở lại. Và, bạn bè lớp tôi thường vỗ vai nháy mắt kháo nhau cứ ngầm hiểu... “biết đâu” mình sẽ là một trong những “héros sans retour” – tựa đề của một cuốn film chiến tranh đầy hy sinh và mất mát, chia lìa…
Nhạc phẩm Ngày Tạm Biệt như là điềm báo trước chuyện chia ly giữa bạn bè với nhau.
Hồi đó hai đứa tôi - Dân và tôi, thân nhau lắm - học cùng lớp từ Đệ Thất Cường Để lên đến các lớp trên. Dân học giỏi - hạng Nhất / Nhì trong lớp; còn tôi thì thuộc hạng “thường thường bậc trung”. Tôi quí Dân ở cái trực tính nhưng nhỏ nhẹ, không nóng nảy. Còn Dân, có lẽ thích tôi qua “ngón đờn” mandolin và guitar. Tuy hai nhà không gần nhau nhưng chúng tôi vẫn thường đạp xe đi chơi chung, tắm biển, đá banh...
Mùa Hè Đệ Tam, có lẽ thấy tôi “ham đờn hơn ham học” nên Dân nói (như nhắc tôi) :
- Mình phải ráng học nghe... “Tuổi lính”
sắp tới rồi đó... Mau lắm !
- Ờ... Phải ráng thôi !
Vậy là tôi... “bỗng dưng chăm học”. Bớt
tắm biển bớt đá banh, nhưng đờn địch thì không bớt được vì tôi cần
phải relax chút đỉnh sau mỗi lần học khuya... Tôi vẫn thường khâm phục
và ngưỡng mộ Dân vì cuối năm học nào bạn cũng được nhận phần
thưởng Danh Dự Học Sinh Giỏi.
Dân và tôi thường đi “học đường ban đêm”,
nghĩa là thay vì ở nhà học lại ra đường học dưới ngọn đèn điện
trên đường Cường Để đoạn trước trường mình, vì nơi này yên tĩnh, mát
mẻ. Chúng tôi dùng phấn viết / vẽ xuống mặt đường và nhờ đố qua đố
lại, hỏi qua hỏi lại mà chúng tôi thuộc bài hiểu bài khá nhanh.
* * *
Xong Tú Tài II, vì lý do gia cảnh bạn tôi vào Sư Phạm Qui Nhơn. Phần tôi, loay hoay với đại học chưa được một năm thì xảy ra “Biến Cố Mậu Thân 1968”. Và, theo tình hình khẩn trương của đất nước cùng với điều luật mới, đa số lứa tuổi chúng tôi đều phải lên đường nhập ngũ tòng quân. Cái “biến cố” cay nghiệt ấy đã chận đứng và đốt cháy tương lai của tuổi trẻ chúng tôi.
Trước khi thật sự bước chân vào ngưỡng
cửa quân đội, học sinh sinh viên chúng tôi được trải qua lớp Huấn
Luyện Quân Sự Học Đường mà Cấp Trưởng đa số là lớp sinh viên đàn anh
nhập ngũ trước mình. Tình cờ trong số Cấp Trưởng ấy, tôi được gặp
thầy Quang (sĩ quan chỉ huy toán Cấp Trưởng) dạy Hội Họa lớp tôi hồi
năm Đệ Lục. Thầy Quang hao hao giống kịch sĩ nổi tiếng Vân Hùng
thường đóng kịch với kỳ nữ Kim Cương. Tôi nhắc chuyện cũ, biết thầy
là người từ Miền Nam ra dạy, nên trong một buổi Sinh Hoạt Hiệu Đoàn
chúng tôi yêu cầu (ép) thầy ca cải lương. Từ chối mãi không được,
cuối cùng thầy nhận ca một đoạn ngắn thật ngắn trong vở cải lương
Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà. Khi thầy vừa xuống “câu xề” là cả lớp vỗ
tay tán thưởng, đập bàn đập ghế loạn cả lên. Nghe kể lại thế thầy
vui lắm. Nghe đâu sau lớp huấn luyện đó thầy được chuyển đi làm Quận
Trưởng Quận Đầm Dơi.
Chương Trình Huấn Luyện Quân Sự Học Đường thật sôi nổi hào hứng qua các bài học quân sự cơ bản, “vỡ lòng” về đi đều bước theo nhịp quân hành, đội hình chiến thuật, về tháo ráp súng garant, tập bắn trên quân trường Thủ Đức... Trong giờ huấn luyện, các Cấp Trưởng rất nghiêm, ăn to nói lớn - áp dụng tối đa “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Phạt lia chia – hít đất, nhảy xổm, thụt dầu... Vậy mà ngoài giờ huấn luyện họ lại rất vui vẻ, hòa đồng với đàn em.
Xen vào đó là những bản hùng ca, quân ca hùng tráng đầy khí thế quen thuộc mà chúng ta vẫn thường được nghe trong những buổi duyệt binh vào các ngày lễ lớn. Tôi nhớ từ năm 1967, trên Đài Phát Thanh Quân Đội, trong chương trình Tiếng Nói Động Viên có bài ca của hai nhạc sĩ Xuân Điềm và Đắc Đăng - Cựu Học Sinh Cường Để mình - với câu “Người trai Việt oai hùng, muôn đời rạng rỡ với núi sông... ”.
Bước chân vào ngưỡng cửa quân đội rồi tôi mới thật sự thấy cam go, nhọc nhằn, cay đắng biết bao… “Thao trường đổ mồ hôi / Chiến trường bớt đổ máu / Cố lên cố lên / Dù nhọc nhằn... ” – (Quân Trường Vang Tiếng Gọi – Trầm Tử Thiêng).
Trong quân trường, những bài học, những buổi tập luyện huấn nhục rất gian khổ nhọc nhằn đã biến chúng tôi - những bạch diện thư sinh – thành những chàng trai rắn rỏi hiên ngang đầy tự tin.
Tại nơi này tôi cũng là “dân mồ côi” vì Thứ Bảy / Chủ Nhật cuối tuần chẳng có ai vào thăm mình cả nên buồn lắm. Để giải buồn tôi thường lang thang dạo Khu Sinh Hoạt ngắm cảnh ngắm người hoặc cà phê cà pháo với mấy đứa bạn “mồ côi” khác.
Bất ngờ vào một Chủ Nhật đẹp trời cuối tuần, “ông giáo” Dân cùng cô bạn gái đến thăm tôi với giỏ thức ăn nhẹ. Nói sao cho hết cái vui không thể tả xiết trong buổi đến thăm ấy. Chúng tôi vui lắm, chuyện trò huyên thuyên...
Ra trường khoảng hai năm sau, vào dịp 48 giờ phép ngắn ngủi hiếm hoi, tình cờ tôi gặp Dân ở Cà Phê Dung. Dân đi một mình, mặc bộ quân phục với cặp “quai chảo” (Chuẩn Úy) trên vê áo. Tôi vui miệng nói
- Ủa, mày cũng nhập ngũ hả... Còn nửa
kia đâu ?
Qua cái cười khẽ nhếch mép, Dân đáp
- Tao giờ là quân nhân biệt phái... Thôi
đừng nhắc nửa kia nữa !
Đoán Dân có chuyện không vui, tôi nói lảng
qua chuyện khác rồi rủ bạn đi tìm quán cóc “kiếm mồi đưa cay” – “Lâu
lắm rồi... Tụi mình xỉn một bữa đi... !”. Tàn cuộc, hai đứa
tôi khoác vai nhau, chân nam đá chân xiêu rời quán.
Ghé vào tiệm sách gần đó tôi mua hai tờ nhạc rời Thư Người Chiến Binh của Duy Khánh, đưa nó một tờ - “Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương anh đi sa trường... ”. Trong chếnh choáng hơi men cay nồng, tôi vỗ vai nó “Thôi, mày ở lại, khỏe nha ... Mai tao đi !“.
Hải Linh
(CHS Cường Để - QN)
No comments:
Post a Comment