Tuyết Vân
Một lần,
tình cờ tôi thấy bản Chiều Qua Tuy Hòa của Nguyễn Đức Quang trên Youtube
Playlist. Đây là một trong những bản du ca nổi tiếng của thời bấy giờ. Bản nhạc
gắn liền tuổi trẻ và chiến tranh, giờ nghe vẫn còn thấy xót xa.
Tôi ngân nga
hát theo Nguyễn Đức Quang. Chiều nay tôi đã đi qua Tuy Hòa… Giọng ông trầm buồn
làm tôi muốn khóc. Âm điệu não nuộc. Không hiểu sao tôi cứ liên tưởng tới một
người Chiêm Thành, một người Hời, đang bước đi trên con đường nắng cháy với một
mớ hành trang nhỏ trên đầu. Ấn tượng đó, sáng nay, tôi nghiệm ra rằng, mình đã
nhớ tới cuộc tản cư của người dân từ một làng quê gần nơi tôi ở cách đây gần 60
năm.
Năm đó, sau
thời Đệ Nhất Cộng Hoà, chắc là những năm của 64-65, chiến tranh bắt đầu rải rác
ở nhiều nơi mà căn bản là miền quê. Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa hè, trên con
đường quốc lộ 1, có rất nhiều đồng bào quê ở xã Nhơn Phong chạy tản cư về Đập
Đá. Người ở Nhơn Phong, nói riêng là Cảnh Hàng, đều biết má tôi. Bà sinh ra và
lớn lên ở đó. Người ta kêu nhau ghé vô nhà cô Bảy.
Nhiều gia
đình đã ghé lại nhà tôi tạm trú. Họ đi bằng xe đạp, xe ngựa, hay chỉ chạy
bộ với những gồng gánh có thể mang theo được. Nhiều người rất nghèo. Họ phải chạy
bằng chân đất. Gương mặt ai cũng lộ về hoảng hốt, lo âu và ngay cả ngơ ngác.
Đôi mắt của họ luôn hướng nhìn ra đường nơi vẫn tiếp tục có dòng người tản cư về.
Họ túm lại hỏi thăm nhau về làng xóm của mình. Hình ảnh những người dân quê này
giống như 2 câu trong bài hát.
Cầu xưa xơ
xác sau cơn bão tố
(còn) người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ
Có người ghé
vào nghỉ ngơi vài tiếng, uống ly nước trà rồi đi tiếp. Đó là những người còn có
bà con ở Bình Định hoặc Qui Nhơn. Có người ở lại nhà tôi vài tuần rồi mới bắt đầu
một rẽ quanh khác. Nhờ có phía sân sau rộng rãi, nhiều người đã gửi đồ đạc lại
đây. Nhiều người khóc sướt mướt phải bỏ lại nhà của ruộng đồng nhưng ai cũng mừng
là đã có nhà quen ghé chân.
Năm đó, tôi
còn nhỏ, chỉ nhìn nhiều người ra vô nhà tôi rộn riệp với một sự tò mò. Điều đặc
biệt tôi chú ý là có nhiều gia đình chỉ có đàn bà. Tôi kêu rất nhiều cô. Cô
Hai, cô Ba Tri Sự, cô Sáu, Cô Mười, cô Năm Chư. Nhiều lắm. Sau này, tôi mới biết
là những cô này đều có chồng đi tập kết.
Rồi mỗi gia
đình cũng bắt đầu ra ở riêng sau khi tìm được chỗ ổn định. Má tôi sắp xếp được
cho ba gia đình có chỗ ở và sinh sống bán hàng bánh tại đây. Đó là cái năm
1965. Từ đó không gia đình nào trở lại Cảnh Hàng hết. Chiến tranh đã lấy mất đi
thôn xóm của họ. Những bờ ruộng xanh đã xa lắm rồi. Nhiều người định cư hẳn ở
Qui Nhơn, vài gia đình ở Bình Định, Đập Đá. Một số ít chắc là về lại ở những
thôn làng gần bên, nơi vẫn còn sinh sống
được.
Rồi đến năm
1975, những người tôi gọi bằng cô như cô Hai, cô Năm Chư, cô Mười tới thăm má
tôi với các dượng từ miền Bắc về. Nhiều gia đình tản cư năm đó cũng về lại Cảnh
Hàng sống. Vậy rồi thôi, sau này gia đình tôi không có một tin tức gì của ai cả.
Chiến tranh đã giới thiệu vào cuộc đời tôi bằng một buổi sáng mùa hè như vậy. Mấy mươi năm qua, tôi không nhớ đến, hay nếu có, chỉ là một câu chuyện kể lại bình thường. Nhưng buổi sáng hôm nay, trong căn nhà yên lặng, nghe Chiều Qua Tuy Hòa tôi đã nhớ với tất cả sự xúc động. Nhớ tới những người dân quê năm đó, qua một đêm chiến tranh, cuộc đời đưa đẩy đi tới phương trời khác.
Ôi bước buồn
theo với không gian buồn
Một đêm qua biết bao sầu thương
Năm má tôi
90 tuổi, bà và cậu tôi, hai chị em về thăm Cảnh Hàng. Người quen cùng thời đã mất
nhiều chỉ còn lại một ít người trẻ mà bà vẫn còn biết. Vài năm sau, trí nhớ má
tôi không còn sáng suốt. Cái mà bà nhớ nhiều là quá khứ và đặc biệt quá khứ của
một thời rất xa xưa. Má tôi đã nhiều lần nhắc tên của họ.
Bây giờ tôi
ngồi đây, ngân nga bài hát này mà nhớ rất nhiều những người của một thời xa xưa
đó. Nhớ không gian và thời gian trên con quốc lộ 1.
Đường đi đưa
tới phía Nam nhưng lòng
triền miên ray rứt theo miền Trung
Làm sao mà không nhớ được khi nó nằm trong tâm khảm của mình.
Tuyết Vân
_________________
No comments:
Post a Comment