Thursday, February 18, 2021

Vườn phong lan

Ngọc Linh

Lan Hồ Điệp và Cattleya khoe sắc (Ảnh: TC)

Từ đường Jupiter quẹo vào Rockcrest cạnh khu Sài Gòn Mall thuộc thành phố Garland, có một ngôi nhà phía sân trước trồng đầy các loài hoa. Mảnh vườn cắt tỉa gọn gàng rất mỹ thuật dễ làm cho người ta thích thú. Chủ nhân là ông Trần Chương, một người đam mê các loài thực vật, đặc biệt là nhà vườn phong lan đúng nghĩa trồng ở phía sau nhà.
Phóng viên Trẻ (PV Trẻ)Nhìn qua cây cảnh vườn nhà có thể thấy ông là một người đam mê hoa cỏ. Chắc hẳn đam mê này đã mở đường cho ông trở thành người trồng hoa chuyên nghiệp?
Ông Trần Chương (Ông T.C): Tôi mê phong lan từ khi còn là quân nhân. Thuở đó mê thì chỉ mê thôi chứ nào có thực hiện được mong muốn của mình. Thời buổi chiến tranh rày đây mai đó, hoa phong lan chỉ giữ trong lòng. Cho đến năm 1983 sang định cư tại Garland, cố gắng ổn định cuộc sống mới, tôi dành chút thì giờ đi học mấy khoá dạy trồng phong lan. Trồng loài hoa này thật thú vị, nó là một loài thực vật ký sinh không cần đất, khác với loại ký sinh thông thường có tác động huỷ hoại ký chủ, trái lại đa số lan là loại phụ sinh chỉ xem cây chủ là một giá thể. Thế cho nên cha ông ta xem phong lan là loài hoa biểu hiện cho người quân tử trong nhóm “Mai, Lan, Cúc, Trúc”.
Sau nhiều năm trồng lan có kinh nghiệm, có một cơ hội đến tôi quyết định hùn hạp với một người Do Thái mở một nhà vườn trồng phong lan ở Plano. Làm ăn được vài năm thì nhà vườn đóng cửa do nhiều nguyên nhân. Trong thời gian làm nhà vườn tôi học thêm được nhiều kinh nghiệm. Làm nhà vườn cấy lan, trồng lan bán cho khách có nhu cầu là điều phụ, điều chủ yếu của nhà vườn là tuyển chọn được nhiều giò lan đẹp, khoẻ để nhân giống và cho thuê trưng bày ở các khách sạn hay các nơi tổ chức hội nghị. Cho thuê mới có thu nhập đáng kể.
PV Trẻ: Nghe thú vị nhưng ông có thể giải thích cụ thể hơn về việc bán hoa và cho thuê phong lan để trưng bày.
Ông T.C: Thực ra khách chơi lan không nhiều, phải là người yêu hoa lan mới thích trồng vì loài này là loài hoa vương giả, khá đắt tiền. Lan ở nhà vườn bán là loại lan chưa được chọn lọc nên giá thấp, phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi người chơi lan. Lan trưng bày được tuyển chọn hiếm hoi hơn, nhánh khoẻ, khả năng ra hoa to và nhiều, hoa ra đúng hướng đồng đều. Những nhánh lan này có giá rất cao dù loại gì đi nữa. Lan là loài hoa lâu tàn hơn các loài hoa khác. Hồng thì chỉ chưng được ba ngày, Cúc hữu sắc vô hương, khoe sắc nửa tháng là tàn. Lan thì khác, hoa nở kéo dài cả tháng lại có chút hương thơm, đẹp kiêu kỳ và mê hoặc.
PV Trẻ: Nhiều người cho rằng hoa lan là loài chịu gió, khí hậu mát mẻ và cũng khó trồng, nhất là làm sao trồng để cho ra hoa. Theo kinh nghiệm của ông trồng hoa lan có khó như vậy không?
Ông T.C:  Lan không khó trồng như người ta tưởng. Lan chịu rét khá tốt và cũng có thể trồng trên bậu cửa nhà, dưới ánh đèn hay trong nhà kiếng. Tôi nghĩ trồng lan là một nghệ thuật hơn là khoa học. Bạn càng quan tâm đến chúng thì chúng càng sẽ ra hoa, tươi tốt hơn. Phong lan rất dễ trồng, tất nhiên phải biết một số kỹ thuật về sinh lý, sinh thái để chăm sóc và biết chọn giống hợp với môi trường, biết cách thúc phân cho hoa ra theo ý muốn. Ngày nay, kỹ thuật sinh học tiến bộ, muốn ra hoa chỗ nào người ta chích chỗ đó một mũi thuốc kích thích. Hoa nở quanh năm, chẳng theo mùa nào.
PV Trẻ: Xin ông giới thiệu đôi chút về vườn lan nhà của ông, có giống lạ nào không?

Ông T.C: Có vài ba giống: Hồ Ðiệp (Phalaenopsis), Cattleya, Hoàng thảo (Dendrobium). Hồ Ðiệp và Cattleya là loại khá phổ biến trong thương mại. Giống Hoàng Thảo người Việt mình gọi là Phi Ðiệp cũng có người gọi là Giả Hạc.
 Nhưng theo tôi cũng chung giống lan Hoàng Thảo nhưng loại này có nhiều chi. Giả Hạc thân, lá nhỏ hơn Phi Ðiệp thân to, lá dầy có đốt rõ ràng. Ðây là loại lan rừng phổ biến ở khu vực châu Á. Giống lan này được tìm thấy ở Việt Nam nhiều năm trước nhưng hiện nay vẫn là loài lan được săn lùng và rất đắt tiền.
 Hồ Ðiệp và Cattleya ở Mỹ đã nhân giống khá nhiều và quá quen thuộc với người chơi lan. Giả Hạc và Phi Ðiệp còn khá mới ở Hoa Kỳ. Mấy năm trước, tôi về Việt Nam may mắn mang qua được một ít đốt giống Giả Hạc và Phi Ðiệp nuôi trồng cấy cây con. May thay, sau một thời gian thích ứng với môi trường, đến nay tôi nhân ra được hơn trăm cây, đến mùa Xuân là chúng ra những chùm hoa màu tím đẹp mê hồn. Bây giờ tôi tiếp tục nhân giống F2, F3.


Lan Phi Điệp ra hoa (Ảnh: CT)


Giò hoa Giả Hạc (Ảnh: CT)













PV Trẻ: Nhìn đám lan nhân giống thấy phát triển mạnh mẽ thật thích ghê. Biết đâu trong đám này có một nhánh đột biến cho màu sắc hoa đặc biệt, lúc đó chắc phải đặt tên riêng cho nó?
Ông T.C: Chuyện đó bình thường. Người chơi lan nếu tìm được hoặc nhân giống ra một nhánh lan mang màu sắc đột biến có quyền đặt tên cho nó và ghi danh bản quyền. Chẳng hạn Cattleya Barbara Bush. Bà cựu đệ nhất phu nhân này mê trồng lan, sau này còn có các bà phu nhân TT khác như Hillary Clinton, Laura Bush, Michelle Obama. Thường lan được lai tạo cho màu sắc đặc biệt hơn với giống nguyên thuỷ nên dễ có đột biến.

PV Trẻ: Vậy để trồng lan phát triển tốt, ra hoa đẹp đòi hỏi những điều kiện căn bản nào, xin ông chia sẻ kinh nghiệm với người chơi lan.
Ông T.C: Có 10 nguyên tắc căn bản các bạn trồng lan cần ghi nhớ:
1/  Độ ẩm: cần giữ cố định ngăn ngừa cây nhiễm bệnh, điều khiển sự ra hoa.
2/  Nhiệt độ: Tuỳ theo chủng loại lan vùng lạnh, vùng trung gian và vùng ấm, trồng ở một nhiệt độ sao cho dung hoà.
3/  Ánh sáng: Lan cần 14 đến 16 giờ chiếu ánh sáng để tăng trưởng và nở hoa.
4/  Độ thông gió: Tuỳ theo phong lan hay địa lan. Ðương nhiên phong lan cần gió nhưng gió nhẹ tốt độ 10-15 km/giờ là tốt nhất.
5/  Nguồn nước và cách tưới nước: Ðộ pH từ 5 đến 6 là tốt nhưng tốt nhất là nước mưa.
6/  Cách bón phân: bón liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cần tưới nước đầy đủ trước khi bón phân.
7/  Sự nghỉ ngơi của cây: lan thiên nhiên có sự nghỉ ngơi định kỳ hàng năm, nhất là lan vùng nhiệt đới. Mùa nắng lan ngưng phát triển, tuỳ theo loại lan chu kỳ nghỉ ngơi có khi 1 đến 2 tháng hoặc 1 đến 2 tuần. Lan lai đã thuần hoá không cần thời gian nghỉ. Mùa nắng tưới và bón phân nhiều hơn.
8/  Thay chậu cho cây lan: thông thường 2 năm thay chậu một lần, thời gian tốt nhất sau khi hoa tàn, mùa Xuân thay chậu là tốt nhất.
9/  Các cách thay chậu: Nếu chậu tốt, cây không mất cân đối, dùng vòi nước phun mạnh làm vệ sinh đáy chậu, bỏ những giá thể, nhúng chậu vào dung dịch có pha thuốc ngừa rêu, rửa cây và chậu lại. Ðể vào chỗ thoáng mát và ẩm phun dung dịch hormon, tuần sau bỏ giá thể mới vào. Nếu chậu cần đập bỏ chừa lại phần có rễ bám chặt, ngâm chậu lan vào dung dịch thuốc ngừa rêu trong 30 phút. Sau đó cột chặt cây vào chậu mới treo ở chỗ thoáng mát.
10/  Đánh giá sự phát triển và thoái hoá của cây: Ðối với loại đa thân, một cây lan gọi là phát triển khi các hành giả (đốt cây) mới luôn căng to hơn hành giả cũ. Ðối với loại đơn thân căn cứ vào bề dài và rộng của lá mới so với lá cũ.
Cây lan Giả Hạc mới ra chồi
 (Ảnh: Ngọc Linh)
Ngoài ra cần chú ý khi có dấu hiệu sau:

– Lá vàng: Lá già rụng là bình thường nhưng nếu bất thường là dư ánh sáng hay nước. Bớt tưới, đừng để ngoài nắng nhiều.

– Lá chuyển màu vàng và rụng: Tự nhiên với một số loài lan rụng lá. Cần giữ nước, đặt cây trong chỗ ẩm để kích thích đâm chồi.
– Lá có những vùng đen hay nâu: Dư ánh sáng hay bị bịnh. Cần đặt cây trong bóng râm, phun thuốc ngừa bệnh.
– Lá mềm, tăng trưởng yếu, gốc mềm: Chậu bị dư nước. Cần giảm nước trong một tuần.
– Không có dấu hiệu tăng trưởng mới: Có thể là thời điểm nghỉ ngơi theo chu kỳ sinh trưởng. Giữ hỗn hợp trong chậu ẩm đều, đừng bón phân hay tưới nước quá độ.
– Cây không ra hoa: Không tuân theo các điều kiện về chu kỳ sinh trưởng và độ dài của ngày. Cần xem lại thời điểm trong năm lúc cây sinh trưởng và nghỉ ngơi, giữ cây trong tối vào ban đêm.
– Chồi rụng: Nhiệt độ thay đổi quá nhiều. Cần đặt cây nơi có nhiệt độ điều hoà hơn.


Ngôi nhà vườn của ông Trần Chương (Ảnh: TC)

PV Trẻ: Cám ơn ông Trần Chương cho cuộc trò chuyện này. Các bạn yêu thích trồng lan Giả Hạc và Phi Điệp có thể liên lạc:
Ông Trần Chương qua điện thoại: 469-264-2967
hoặc email: chuongtran48@iclound.com.
Ngọc Linh
_________________________________________

No comments:

Post a Comment