Tuyết Vân
Dân gian ta có câu
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nói lên đời sống người dân trong nông nghiệp
khi các vụ mùa đã xong, năm đã hết, gia đình chuẩn bị ăn Tết, hưởng thụ những
ngày nghỉ ngơi nhàn nhã của tháng Giêng.
Cái vui tháng
Giêng ở quê nhà ngày xưa đem qua Mỹ, từ khi những năm đầu cho đến nay, rộn ràng
không kém. Mỗi năm Tết lớn hơn, vui hơn, chợ hoa đẹp hơn, diễn hành dài hơn, và
Tết dần dà được tổ chức ở nhiều thành phố khác nhau. Nhưng năm nay, với đại dịch
Covid-19 vẫn tiếp tục lên cao, người Việt mình đành phải ca bài “Tháng Giêng ăn
Tết ở nhà” một mình vậy.
Ăn Tết ở nhà, nên
hôm nay xin được nhắc lại chuyện ăn Tết của năm trước khi cái tên Covid-19 chưa
hề bước vào cuộc đời của chúng ta.
Bánh Mứt: Thường thì chừng một tháng trước Tết, các siêu thị đã trưng
bày nhiều bánh mứt. Ở Bolsa, có mấy tiệm làm bánh đã nổi tiếng từ trước năm 54.
Cũng có nhiều bánh mứt được đưa vào từ Việt Nam. Hột dưa đỏ, mứt sen vàng, mứt
bí trắng, mứt gừng cay, mứt dừa, thèo lèo, mè xửng bày biện đầy ra và đủ màu sắc.
Các hộp bánh cookie bằng thiết cũng có nhiều kiểu khác nhau mà hộp nào cũng bắt
mắt.
Ngày xưa, thời mà
bánh trái không có nhiều như bây giờ, Má tôi rất thích mua những hộp bánh này để
biếu Tết. Hoặc nếu có bà con nào biếu lại, sau khi ăn hết bánh, bà thường giữ
những chiếc hộp này để cất những món đồ lặt vặt.
Năm nay siêu thị
thấy có trưng bày đồ Tết đó nhưng không được rầm rộ cho lắm. Người đi chợ chỉ
lướt qua nhìn. Đâu có đi thăm Tết nhà ai để mua mà biếu tặng. Tháng Giêng về
nhưng Tết không đến. Buồn quá. Đi chợ, thỉnh thoảng nghe bà con nhắc như vậy.
Những năm trước, cứ
khoảng hăm lăm Tết, Má sai hai chị em đi biếu đồ Tết
cho bà con. Nhiều gia đình dặn sang năm đừng cho nữa, đường xá xa xôi, gọi thăm
là được rồi, nhưng Má tôi vẫn muốn giữ lại những phong tục cổ truyền ngày trước.
Chợ Hoa: Trong chừng ba tuần lễ trước Tết, những lều chợ hoa như chợ hoa
khu Ngọc Quang, hay khu Seafood Paradise, và dĩ nhiên chợ hoa Phước Lộc Thọ đã
bắt đầu trưng bày những chậu hoa đẹp nhất để chào khách.
Chợ hoa Phước Lộc
Thọ còn bán nhiều đồ Tết khác nhau, như bánh mứt, đồ cúng Tết, hay quần áo mặc
Tết. Nhiều nhất là hoa Cúc đại đóa vàng, hoa Mai, hoa Đào, hoa Lan, cây cấm
quách. Tôi thích nhất là cây hoa Thiết Mộc Lan. Cây vào mùa này không còn lá,
khẳng khiu với nét khúc gãy rất nghệ thuật tô điểm bởi những cánh hoa Mộc Lan
màu hồng nhạt.
Năm nào cũng vậy,
còn chừng một tuần trước Tết, tôi đi lựa mua 8 chậu cúc đại đóa để chưng Tết
cho các vị tiền bối ở nghĩa trang vườn bông Hồng. Mình ăn Tết thì các vị cũng
ăn Tết mới vui.
Thi Tết: Khoảng chừng hai cái weekend trước Tết là có cuộc thi
mặc áo dài truyền thống, thi nấu bánh Tét và bày Mâm Ngũ Quả ở Phước Lộc Thọ.
Nhiều em còn trẻ
nhưng đã nấu bánh Tét rành điệu ra phết. Thi áo dài truyền thống lúc nào cũng
được khách dự thăm hâm mộ. Nhiều gia đình có cha hay có mẹ là người Mỹ cũng dắt
con tới dự thi. Những chiếc áo dài bằng hàng gấm hay lụa với những hoa văn thêu
thùa trên hai vạt áo, chiếc khăn đóng tròn làm tăng thêm nét đẹp duyên dáng và
quý phái của y phục cổ truyền.
Người tới thăm dự
đứng ngồi đông đúc ở hai tầng lầu nghe kết quả. Tết năm nay, hai cuộc thi này sẽ
không diễn ra trên sân khấu của Phước Lộc Thọ. Tháng Giêng, đành phải chỉ ăn Tết
ở nhà thôi.
Đi Chùa: Tôi không được tiếp cận với những tôn gia khác nên
không rành lắm, riêng với các chùa Phật Giáo thì đêm ba mươi hay sáng mồng Một
là những giây phút cúng bái rất trọng thể và thiêng liêng.
Nhiều chùa ở đây
có chương trình văn nghệ đón Giao Thừa. Gia đình dẫn con cháu đi chùa để chúng
biết đến phong tục của người Việt ta. Khói nhang nghi ngút. Tiếng pháo đốt nổ
bùng vào giờ phút giữa cũ và mới khi trời đất như là một. Ngay cả khi chỉ ở nhà
coi đón giao thừa trên TV tôi cũng cảm nhận được sự thiêng liêng trong khoảnh
khắc đó.
Ngày xưa, cứ sáng
mồng Một tết, Má tôi dắt tôi đi cúng ở chùa Ông, xong đi cúng bên chùa Phật. Đó
là những cái Tết cách đây có hơn 50 năm. Nhớ đến những cái Tết cũ mà lòng cảm
thấy bùi ngùi như Bà Huyện Thanh Quang đã viết, “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”.
Lối xưa không biết có còn ở đó nữa không.
Tết Parade: Nói tới Tết ở đây là phải nói tới Tết Parade, Tết diễn
hành trên đường phố Bolsa. Bánh trái có thể ít, hoa quả có thể ít nhưng Tết diễn
hành thì nhất định không. Mỗi năm Tết Parade lớn hơn. Nhiều hội đoàn trong cộng
đồng tham dự đã đành mà còn có nhiều hội đoàn của các cộng đồng bạn cùng tham
gia diễn hành ở đây. Đặc biệt, nhiều viên chức cao cấp trong chính quyền cũng
tham dự và đi chúc mừng Tết với đồng bào đang đứng coi diễn hành hai bên đường.
Các đoàn xe đua
nhau trang trí để xe của mình được bắt mắt dành được sự chú ý của người thưởng
ngoạn. Nhiều đài TV đóng dọc theo Bosa tường trình về Tết diễn hành. Thật là một
quang cảnh như người xưa đã có câu, vui như Tết.
Tết diễn hành là một
sinh hoạt không những để phục vụ người Việt mình cùng ăn Tết hứng khởi với nhau
nhưng cũng là để thể hiện sức mạnh cộng đồng, một cộng đồng mới và phát triển
nhanh trong mấy mươi năm nay.
Năm nay, với
Covid-19 đang tiếp tục lên cao, Tết Parade phải tạm dừng. Mọi hoạt động đều phải
tạm dừng để sang năm chúng ta có thể cùng nhau ăn một cái Tết lớn hơn.
Hội Chợ Tết: Hội chợ Tết khai mạc sau khi diễn hành chấm dứt. Có
hai hội chợ, một của công động và một của Tổng Hội Sinh Viên đều diễn ra trong
ba ngày. Cá nhân tôi, tôi ưu ái cho hội chợ của Tổng Hội Sinh Viên. Đây là hội
chợ đầu tiên trong cộng đồng mình.
Đa số các sinh
viên từ trường đại học cộng đồng Golden West, Long Beach và một ít trường khác
đã thành lập hội chợ này và cuộc thi hoạ hậu áo dài từ những năm đầu tiên mới đến
Hoa Kỳ. Sinh viên là tiếng nói của người trẻ đẩy sự cởi mở, nhiệt huyết, và lý
tưởng. Những sinh viên trong thời gian đó cũng khoảng trang lứa với tôi. Một ít
người vẫn còn hoạt động, một ít trao lại ngọn đuốc cho thế hệ sau.
Hội chợ Tết sinh
viên bây giờ tổ chức ở OC Fair, có khuông viên rộng rãi, nhiều gian hàng khác
nhau và nhiều chương trình thi thố tài năng như Hoa Khôi Liên Trường, Đại Nhạc
Hội, Thi Ăn Hột Vịt Lộn, Thi Ăn Dưa Hấu,
Thi Trẻ Em Mặc Quốc Phục Đẹp…
Thường thì có một
ngày vé sẽ được miễn phí cho khách viếng thăm khi mặc các quốc phục truyền thống
Việt Nam, đồng phục Hướng Đạo, hoặc đồng phục Quân Đội. Thôi, đành phải hẹn lại
Tết năm sau vậy, các bạn sinh viên nhé.
Để có một cái Tết lớn là công sức và lòng thiện
nguyện của nhiều đoàn thể và cá nhân. Hàng năm, mình chỉ biết ngồi thưởng thức
Tết và phê bình uu khuyết điểm. Năm nay, ăn Tết ở nhà, nhớ lại những sinh hoạt
Tết năm ngoái, lòng nhận thấy được cái công lao to lớn của những người tổ chức.
Nhớ Tết, nhớ cái nắng, cái mệt đi chơi Tết. Nhiều năm còn bảo với nhau, thôi, ở
nhà ăn Tết trên TV thấy khoẻ hơn. Vậy mà bây giờ lại nhớ những cái mà đôi khi
mình than thở.
Đại dịch sẽ qua. Sang năm, chúng ta nhất định cùng nhau ăn Tết lớn.
No comments:
Post a Comment