Monday, February 8, 2021

KHÔNG CÓ GÌ LÀ RÁC

THIỀN SƯ SOKO MORINAGA (1925 – 1995)


Thiền sư Soko Morinaga (1925 – 1995) là người Nhật Bản, tu theo Thiền tông, được thọ giới với thiền sư Zuigan Goto vào năm 1948. Khoảng thời gian từ 1949 đến 1963 ngài tu trong thiền viện Daitokuji và được thiền sư Sesso Ota ấn chứng. Cuộc đời ngài hoạt động tích cực với cộng đồng cư sĩ, đi thuyết giảng các nơi, viết bài, viết sách, và làm viện trưởng viện đại học Hanazono, trường đại học chuyên môn của tông Lâm Tế ở Kyoto.
Ngài có một liên hệ lâu dài với Hội Phật giáo ở London và đi du hành qua đó mỗi năm để tham dự khóa giảng mùa hè được bảo trợ bởi nhiều hệ phái Phật giáo khác nhau.
Dưới đây là câu chuyện thiền sư Soko Morinaga kể về bài học đầu tiên được sư phụ (thiền sư Zuigan) dạy.
----

Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.
Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đó đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn gõ cửa. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:
- Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.
Soko trả lời:
- Con xin hết lòng tin tưởng.
Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:
- Theo ta.
“Hãy đi theo ta”, Đại sư ra lệnh, và ngài giao cho tôi công việc đầu tiên, đó là quét dọn vườn. Đi cùng với lão sư bảy mươi tuổi ra ngoài vườn, tôi bắt đầu làm việc quét dọn với một cây chổi tre. Những vườn thiền trong khuôn viên các chùa thường được bố trí cẩn thận với những loại cây cho lá rụng quanh năm. Không những mùa thu những cây phong lá rụng đầy, mùa xuân đến những cây sồi và cây khuynh diệp cũng thay lá luôn. Khi tôi vừa đến đó vào tháng tư, mảnh vườn đã rải rác đầy lá rụng khắp nơi.


Con người (hay có lẽ là tâm tôi thì đúng hơn) thật sự ra rất xấu tính. Tôi đứng đây, trong tâm trạng rủa thầm “ông già lẩm cẩm” này và chống lại ngay cả cái ý tưởng là có thể tin tưởng dễ dàng được một điều gì như vậy; nhưng cùng lúc đó, tôi lại muốn ông già này chú ý tới tôi, nên tôi cầm chổi lên quét lia quét lịa. Chẳng mấy chốc tôi đã vun đám lá rụng thành một đống lớn. 
Hăng say tỏ ra vẻ chăm chỉ, tôi hỏi: “Đại sư, con vứt đống rác này đi đâu?”
Lời nói vừa mới ra khỏi miệng tôi, ông đã mắng ngay:
“Không có rác gì hết!”
“Không có rác à … thế sao, Thầy xem cái đống này”, tôi gắng chỉ cho ông thấy đống lá trước mặt.
“Vậy là mi không tin ta hả! Có phải không?”
“Không phải thế … nhưng … con phải vứt mấy cái lá này đi đâu bây giờ?” Tôi chỉ còn biết nói như vậy.
“Mấy cái lá ấy không vứt đi đâu cả!” Ông lại gầm lên.
“Vậy con phải làm gì?” Tôi hỏi.
“Đi ra nhà kho đàng kia lấy cho ta cái túi đựng than”, thầy ra lệnh.
Khi tôi trở lại, thầy đang cắm cúi cào cái núi lá kia, sàng cho những lá nhẹ lên trên mặt, và đất cát, sỏi đá nặng hơn cho rơi xuống dưới. Sau đó ông bắt đầu nhồi lá vào trong cái túi tôi đem ra từ nhà kho, lấy chân dậm cho chúng xẹp xuống. Sau khi đã nhét chặt tới chiếc lá cuối cùng vào trong túi rồi, ông nói: “Đem cái này ra nhà kho. Mình sẽ dùng nó để đun nước tắm.”
Trong lúc đi ra nhà kho, tôi thầm công nhận rằng cái túi lá tôi đang mang trên vai này có lẽ chẳng phải là rác; tôi cũng nhủ thầm rằng cái đống còn lại ngoài vườn kia rõ ràng chỉ là rác, và không có gì khác hơn là rác cả. Nhưng khi trở lại, tôi thấy Thầy đang ngồi xổm trên cái đống còn lại, lượm ra từng viên đá. Sau khi Thầy đã cẩn thận nhặt lên viên đá cuối cùng, ông nói: “Lấy mấy đá sỏi này ra trải ở dưới ống máng nước mưa.”
Khi tôi trải những viên đá trộn lẫn với sỏi đã có sẵn ở đó, và lấp đầy những chỗ bị xoáy bởi nước mưa, tôi nhận thấy những lỗ này không những được lấp đầy, mà trông còn đẹp hẳn lên. Tôi lại phải công nhận rằng những viên đá này cũng không xếp loại là rác được. Nhưng chưa hết: vẫn còn những miếng đất, những mảnh rêu sót lại từ cái đống hồi nãy. Ai có thể làm gì được với những thứ đó, tôi tự hỏi.
Tôi thấy Thầy đang lúi húi nhặt những miếng này lên và để chúng vào trong lòng bàn tay, từng cái một. Ông đảo mắt tìm kiếm những cái khe, những chỗ lõm trên mặt đất, rồi trám chúng vào đó và đập chân lên cho bằng. Rốt cuộc, chẳng còn lại một chút gì từ đống lá hồi nãy cả.
“Sao?” ông hỏi. “Mi có hiểu hơn được một chút nào chưa? Từ nguyên thủy, dù là người hay vật, chẳng có cái gì là rác cả.”
Đấy là bài pháp đầu tiên mà tôi được nghe từ Đại sư Zuigan. Tuy bài pháp đó có gây cho tôi một ấn tượng, nhưng tiếc thay, tôi không có đủ trí tuệ để đạt ngộ khi nghe những lời lẽ đó.
“Từ nguyên thủy, dù là người hay vật, không có cái gì là rác cả.” Những lời lẽ này chỉ thẳng tới chân lý căn bản của Đạo Phật, một chân lý tôi chưa thể nhận ra được trong những ngày tháng đó.
“Kỳ diệu thay! Mọi chúng sanh vốn đều là Phật, đều có sẵn trí huệ và đức hạnh nơi mình. Chỉ vì chấp chặt nơi những vọng tưởng sai lầm mà chúng sanh mới không thể nhận ra điều đó được.” Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thốt lên điều đó trong giây phút ngài được giác ngộ. Nói một cách khác, mọi chúng sanh nguyên thủy vốn đã hoàn hảo, nhưng bởi vì bám víu vào những khái niệm si mê, nên họ không thể nhận thức được Phật tánh có sẵn nơi mình.
Trong giây phút chớp nhoáng, màn sương che phủ trước mắt ngài tan biến đi, và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thấy được chân lý hiện tiền.
 “Từ đó tới giờ, ta đã nghĩ rằng tất cả chúng sanh trong thế giới này chỉ sống trong sự đau khổ và khốn cùng, trong những bất hạnh sâu xa. Nhưng thực ra, chẳng phải là tất cả mọi chúng sanh, ngay nơi hiện thân của họ, đều đang sống trong tánh Phật, đều đang có sẵn sự toàn hảo tuyệt đối đó sao? Và chẳng phải là điều này không chỉ áp dụng cho những người đang khỏe mạnh an vui nơi thân và tâm, mà còn với những kẻ mù lòa, những kẻ tật nguyền không có tay chân, phải kéo lê thân xác mình một cách khó khăn đó sao? Chẳng phải là mỗi người trong chúng ta, ngay trong trạng thái hiện tại của mình, đều là một thực thể toàn hảo, không khiếm khuyết đó sao?” Lòng đầy cảm kích và kinh ngạc, Đức Phật đã thốt lên như vậy trong giây phút giác ngộ của ngài.
Mỗi năm, tôi đều đi Hokkaido để thuyết giảng, và có một năm, sau khi nghe tôi nói chuyện, một thiếu phụ xin đến gặp tôi. Thiếu phụ này, vốn là người rất sùng mộ đạo Thiên chúa, đã nói như sau: “Nghe thầy nói chuyện hôm nay, con thấy rằng tất cả những điều Đạo Phật muốn khuyên người ta làm chỉ là buông bỏ hết đi những dục vọng. Trong khi đó, đạo Thiên Chúa nói rằng: “Hãy hỏi xin, ngươi sẽ được cho. Hãy tìm kiếm, ngươi sẽ được thấy. Hãy gõ cửa, cửa sẽ mở ra cho ngươi. Những lời dạy đó đáp ứng được những kỳ vọng của giới thanh niên trẻ tuổi như con đây. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?”
Tôi trả lời cô ta bằng một câu hỏi khác. “Nói như thế có nghĩa là không cần biết cô gõ cửa như thế nào, tìm kiếm ra sao, cô cũng sẽ được ban bố, cũng sẽ được mở cửa ư? Chẳng phải là trừ khi người ta tìm kiếm và gõ cửa cách nào để có thể cảm ứng được với Tâm của Thượng đế, cửa mới mở ra được, và điều ước nguyện mới được ban cho sao?”
Tôi đã nghe nói đến câu nói của đạo Thiên chúa rằng: “Ta làm ra con đường của mình, nhưng Chúa sẽ định hướng những bước đi trên đó.” Một cách tóm tắt, ta có quyền ước muốn và lựa chọn, tìm kiếm tha hồ, nhưng Thượng đế mới định đoạt những nguyện vọng của ta có thể thành tựu được hay không.
Cũng vậy, Đạo Phật không chỉ nói là phải vứt bỏ hết mọi ước muốn, dẹp hết mọi tìm kiếm. Nhất là ở trong sự tu tập Thiền, chúng ta gõ vào cánh cửa ấy qua sự hành trì thật gắt gao, hầu như là có thể mài dũa tới tận xương tủy của mình vậy. Tuy nhiên, đạo Phật chỉ ra rằng, sau khi đã tìm kiếm hết tất cả, điều chúng ta đạt được lại là sự nhận thức rằng những gì ta tìm kiếm vốn đã luôn luôn có sẵn nơi ta, rằng sau tất cả những công phu miên mật, chúng ta thức tỉnh thấy được rằng thật ra là cửa đã sẵn mở từ trước khi chúng ta bắt đầu gõ vào đó.
Như vậy, các bạn thấy rằng, Đại sư Zuigan đã chỉ ra sự thật căn bản nhất từ đầu khi ngài nói, “Từ nguyên thủy, dù cho ở người hay vật, không có gì là rác cả.” Đáng tiếc là tôi đã không hiểu được ngài. Tôi tiếp tục làm ra vẻ như mình là một đệ tử đang tin tưởng hết mình vào Thầy, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn thường chê bai và chống đối lại. Nói trắng ra là, gần như hầu hết những lời Thầy nói đều làm cho tôi cảm thấy bực bội.
---
“Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang. Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản.

“Không có gì là rác cả!” tuy đơn giản mà bao hàm một thông điệp về triết lý duyên khởi. Trong rác có hoa và trong hoa có rác, rác chính là hoa và hoa chính là rác. Nhờ thấy được sự thật này nên không hề có sự loại bỏ, đối kháng và mâu thuẫn mà hoàn toàn nhuần nhuyễn, tùy thuận, các pháp cùng nương vào nhau để tồn tại và phát triển.

Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng loại trừ, vứt bỏ… “Nhìn” cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là rác cả!” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào!

Nguồn: Từ Nụ Đến Hoa (From Novice to Master), Thiền sư Soko Morinaga, Thuần Bạch Ngọc Bảo dịch

_________________________

No comments:

Post a Comment