Hải
Linh
Hôm nay, ngồi buồn nhớ lại bài ca Biệt Kinh Kỳ của nhạc sĩ Minh Kỳ do Nguyễn Quốc Tuấn hát với Tony Tâm trong một nhạc cảnh nhân ngày Đại Hội CHS LTQN năm 2017 : “Bạn ơi… Quan hà xin cạn chén ly bôi / Ngày mai tôi đã... ”. Với chất giọng khỏe khoắn và thiết tha, đôi song ca này – một lính, một học trò – đã hát và diễn thật hay, thật “tới”.
Xuất phát từ lòng tưởng nhớ và quí trọng những người bạn của chúng tôi cùng các tử sĩ khác đã anh dũng hy sinh vì quê hương đất nước trong cuộc chiến nên Ban Văn Nghệ CHS LTQN mới thực hiện nhạc cảnh này.
Nhạc cảnh này khiến tôi nhớ đến Trần Chí Dũng - bạn rất thân, gần nhà tôi - đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Phù Mỹ.
Chúng tôi ba đứa thân nhau từ thời Tiểu Học Nguyễn Huệ - Qui Nhơn. Mỗi đứa có một mong muốn trong tương lai. Trần Chí Dũng muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho... ba mình (vì ba của Dũng bị bệnh triền miên). Phạm Quốc Huệ (đang ở Texas) muốn trở thành tướng lãnh trong quân đội nên khi có Tú Tài I là Huệ vào Thiếu Sinh Quân ngay. Còn tôi thì đơn giản hơn (có lẽ vì máu ham chơi, lêu lổng) nên chỉ muốn làm hướng dẫn viên du lịch để được tha hồ giong ruổi đó đây.
Ba đứa chúng tôi nhà ở gần nhau nên gặp mặt hằng ngày, cũng chỉ để chuyện trò tầm phào và “đờn ca sáo thổi”. Huệ thổi harmonica, Dũng thổi sáo, tôi đánh guitar. Thỉnh thoảng có Trần Chí Thành (muốn làm nhạc sĩ) ghé chơi cũng vui. Đậu Tú Tài II xong, Thành vô Sài Gòn vào Văn Khoa và học nhạc nơi nhạc sĩ Đỗ Lễ. “Ban nhạc” chúng tôi chẳng “nổi đình nổi đám” gì, tự vui với nhau là... sướng rồi - “tự sướng” ?
Thời thanh thiếu niên của chúng tôi là thời chiến nên “tủ nhạc” chúng tôi đa số là nhạc lính. Tôi thường ghé nhà sách Việt Long, Duyên Nam, Khánh Hưng, Bốn Phương... mua những tờ nhạc rời mà mình ưng ý. Chúng tôi say mê nhạc lính hơn nhạc... thất tình, vì cả ba đã có mối tình “vắt vai” nào đâu mà... “thất”.
Tình Thư Của Lính, Biển Mặn, Không Bao Giờ Ngăn Cách, Anh Về Với Em... là những nhạc phẩm “ruột”, chúng tôi thuộc nằm lòng. Đắc ý nhất là bài Biệt Kinh Kỳ - nó là “gạch nối” giữa Tuổi Học Trò và Tuổi Lính - nghe gần gũi làm sao :
Rồi đây, mai này ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi... Hãy nói khoác chiến y rồi...
Và chúng tôi thường chơi bài này lắm.
Có lần Dũng nói với tôi :
- Tao rất thích bài này... Tao thấy có
tụi mình trong đó.
- Ủa... Mày muốn làm bác sĩ mà !
- Nhưng làm lính “ngầu” hơn - Dũng nhiệt tình nói.
Huệ xen vào, “Ông Cụ Non” hơn :
- Làm gì cũng được, miễn là giúp ích
xã hội, có ích cho nước...
Đó rồi đến tuổi mười-chín đôi-mươi chúng tôi
“đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai” – (sic!).
Tôi vào quân trường Thủ Đức trước Dũng hai khóa, được coi là “Siêu Huynh Trưởng” nên có vài lần tôi “đỡ đòn” cho Dũng trước các Huynh Trưởng khác trong thời kỳ huấn nhục. Cứ cuối tuần là tôi đến đại đội của Dũng xin phép cho nó ra Khu Sinh Hoạt với tôi để ăn chè, ăn hột vịt lộn...
Nhớ hồi tôi làm Cấp Trưởng huấn nhục khóa “đàn
em”, tình cờ gặp một “cu cậu” (hàng xóm của tôi ở Qui Nhơn) trong đại đội tôi
phụ trách, tôi làm “mặt lạnh” bảo anh ta lên trình diện mình trong một đêm
khuya. “Cu cậu” nói to :
- Tân Khóa Sinh... Số quân... Trình
diện Cấp Trưởng !
- Phắc... ! - Tôi ra lệnh rồi nói nhỏ : Nếu “lỡ”
bị tao phạt dã chiến, mày đừng giận tao nghen !
Như còn sợ “cái oai” của tôi, nó “lắp bắp” trả
lời :
- Da... ạ... !
Không nén được, tôi phì cười nói nhỏ :
- Dạ... dạ... cái con khỉ ! - Bất ngờ
tôi hét lớn, ra lệnh : Hai chục cái hít đất đi anh... !
- Tuân lệnh ! - “cu cậu” bổ nhào xuống, “ngoan
ngoãn” chống tay hít đất, thấy mà thương ! Hít đến cái thứ năm, tôi tha cho “cu
cậu”.
Ra trường vài năm sau, tình cờ gặp “cu cậu” ở Phố Núi trong bộ đồ trận bết bùn đất đỏ, chúng tôi mừng lắm, rủ nhau đi chơi suốt buổi, ăn cà-ri dê ở quán Mỹ Vị rồi lên Cà Phê Văn tán gẫu, nhắc lại chuyện cũ nơi quân trường, tâm sự chuyện hành quân rủi may trong đường tơ kẽ tóc...
* * *
Năm 1970, khi tôi đang thụ huấn ở Huấn Khu Dục Mỹ thì hay tin Dũng tử trận trong một lần bị phục kích tại Eo Trung Xuân, xã Mỹ Chánh, quận Phù Mỹ - Bình Định.
Chừng mười ngày sau ra trường, rời Dục Mỹ, tôi nôn nóng về nhà thật nhanh để xem hư thực ra sao.
Về đến nhà, vừa đặt ba-lô xuống, tôi chạy băng qua nhà Dũng ngay. Bàn thờ Dũng được bài thiết ngay giữa nhà với tấm hình trong bộ đại lễ Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức. Gương mặt Dũng trẻ, rất trẻ, chỉ mới đôi-mươi. Tôi lặng người đi, rồi bất giác rùng mình, toàn thân tôi lạnh buốt... Bát nhang hương khói mong manh lãng đãng, yếu ớt giữa ánh đèn cầy chập chờn leo lét...
Tôi thắp nhang, chắp tay khấn vái quỳ lạy, chào tiễn đưa muộn màng người bạn thân nhất của tôi. Trong cơn kích động, vợ Dũng nhào đến ôm chầm lấy chân tôi, gào lên, nói sảng :
- Anh ơi... Sao anh không chết đi mà
bắt chồng tui chết !
Tôi mím chặt môi, nén lòng, hai hàng nước mắt
lặng lẽ trôi trên đôi gò má hóp trũng, đượm nét phong sương của mình.
Hôm sau, tôi theo gia đình Dũng ra nghĩa trang thăm bạn. Mộ Dũng hãy còn mới, những vòng hoa phúng điếu và nhang đèn vẫn còn quanh đây.
Vậy là thật rồi, Dũng đã anh dũng hy sinh vì quê hương đất nước. Dũng đã vĩnh viễn ra đi sau mười ngày phép của quân trường và mười ngày ra đơn vị.
Cuối năm 1981 được thả về, tôi ra nghĩa trang thăm mộ thân nhân mình và mộ Dũng.
Tấm hình Dũng mặc bộ đại lễ bằng sành đã bị
bắn lỗ chỗ nhiều vết đạn, nằm giữa tấm bia bể nát tưởng như vô hồn… Nhưng
không... !
Hải Linh - (ĐS CHSLTQN 2018)
(Los Angeles, tháng 5/2018)
No comments:
Post a Comment