Lê Hoàng
Đưa cho tôi chiếc lồng đèn ông sao được trang trí bằng giấy kiếng màu đỏ sẫm, cha tôi bảo : “Xong rồi nè, đi đi con !”. Vì vội quá, chưa kịp chào cha, tôi đã vội vã cầm chiếc lồng đèn hòa cùng chúng bạn đến trường để kịp vui Hội Trăng Rằm.
Năm tôi lên 6 tuổi, mẹ tôi đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về lại quê thăm cha con tôi. Trong suốt thời gian đó, tôi sống trong tình yêu thương và lo lắng cha tôi. Thời đó ở quê, đám con nít chúng tôi không được người lớn tổ chức chơi Trung Thu nên gần như chẳng biết đến cái gọi là đêm Hội Trăng Rằm.
Năm tôi học lớp 5, mẹ tôi cũng đi xa biền biệt. Trong những lần về thăm nhà, mẹ cũng chỉ nói với tôi là đi làm kiếm tiền để cho tôi ăn học. Tôi không trách mẹ vì tôi nghĩ đơn giản lắm, cha tôi đã cho tôi đầy đủ tình yêu thương và có mẹ đôi khi cũng chẳng để làm gì. Sau này tôi mới biết, những suy nghĩ vụng dại ấy quá ư sai lầm, bởi việc mẹ rời khỏi tôi cũng chỉ vì lo cho tương lai của con cái. Thuở đó, nhà tôi nghèo lắm, cha tôi ngày ngày phải đi phụ hồ kiếm tiền đong gạo và trang trải việc học cho tôi. Mỗi quyển sách, tấm áo trắng mà tôi có được đều do một tay cha làm nên. Nhà không đất đai, vườn tược, vì ngày ngày thức khuya dậy sớm phụ hồ, sức khỏe của cha dần dần yếu đi trông thấy.
Mùa Trung Thu năm ấy, trường tôi lần đầu tiên tổ chức vui Tết Trung Thu cho học sinh. Điểm tập trung là tại sân trường, điều kiện là mỗi bạn phải chuẩn bị một chiếc đèn Trung Thu để hòa cùng chúng bạn vui hội trăm rằm. Trước ngày hôm đó, tôi đã nói với cha tôi đi chợ mua chiếc lồng đèn, cha tôi gật đầu rồi sáng hôm sau lại đi làm từ sáng sớm. Mới sáng, tụi bạn tôi đã được cha mẹ đưa đi chợ sắm sửa quần áo mới cùng chiếc lồng đèn xinh xắn. Riêng tôi thì nằm nhà một mình, chỉ biết đợi cha đi làm về mua lồng đèn cho tôi như đã hứa.
Chiều đến, tôi đi ra đi vào chờ mãi mà không thấy bóng cha về. Khi đó, tiếng trống trường đã giục lên từng hồi rộn rã, lác đác có một vài bạn tay xách lồng đèn đến trường. Cách giờ tập trung chừng một tiếng mà không thấy cha đâu, tim tôi đập liên hồi vì trách cha quên lời hứa. Một phút sau đó, cha tôi trông bộ dạng hớt hãi, quần áo còn dính bê tông, tay cầm mấy thanh tre dài cùng tấm giấy kiếng đỏ màu cỡ lớn. Thấy cha, tôi buông lời trách móc thì cha bảo : “Cha biết chứ con, giờ cha làm lồng đèn cho con đây này !”.
Sau này tôi mới biết, cách đó mấy hôm vì bệnh nên cha tôi đã dùngtiền phụ hồ (lấy trước) mua thuốc nên không có tiền mua lồng đèn cho tôi. Cha định nghỉ ngày hôm đó để làm cho tôi nhưng chủ thầu không cho phép. Ngày hôm đó, cha tôi không nghỉ trưa để chiều được về sớm, ghé vào nhà một người quen xin tre về làm chiếc lồng đèn. Tấm giấy kiếng màu đỏ là do cha tôi xin một người làm chung vì họ còn dư, làm không hết. Ôi ! Vậy là chỉ vì nóng vội mà tôi đã trách lầm cha, tôi không biết rằng cha tôi đã dốc sức vì niềm vui của con mình.
Sau khi trấn an tôi xong, cha tôi bắt đầu dùng thước đo và cắt thanh tre xếp thành 2 hình ngôi sao đều đặn. Rồi cha dùng những thanh tre nhỏ hơn chêm vào điểm giao nhau giữa các ngôi sau. Chỉ thoáng chốc, giấy màu cũng được cha dán lên khung ngôi sao và hoàn thành xong chiếc lồng đèn ông sao xinh xắn. Tôi vội thay chiếc áo mới xách chiếc lồng đến sân trường hòa cùng niềm vui trong ngày Hội Trăm Rằm cùng chúng bạn.
Chiếc lồng đèn ông sao của cha tuy không sặc sỡ, đa sắc màu như của đám bạn tôi nhưng đối với tôi nó vô cùng ý nghĩa. Chiếc lồng đèn ấy không được mua vội trên vỉa hè hay trong tiệm mà nó được tạo nên từ đôi tay cần mẫn và tấm lòng yêu thương con vô hạn của cha.
Mùa Trung Thu nữa lại về, tôi lại nhớ về cha tôi với chiếc lồng đèn ông sao năm nào trong ký ức.
Lê Hoàng
________________________________________
No comments:
Post a Comment