Wednesday, September 30, 2020

Trung Thu về, nhớ “Ông Lồng Đèn” năm xưa

 Phạm Lê Huy

“Ông Lồng Đèn” năm xưa đó chính là người Ba muôn vàn kính yêu của chúng tôi.

Không phải chờ đến Trung Thu năm này, mà lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến Ba mình. Nỗi nhớ ấy cứ mãi canh canh trong lòng chúng tôi.

Trong bài tôi viết Vài Mẫu Chuyện Về Ba Tôi có đoạn : “Trong thời gian tôi làm thợ mộc, Ba tôi đạp xe lên Chợ Dinh mua vài cây tre về chẻ lạt, làm lồng đèn bán cho trẻ em chơi Tết Trung Thu. Anh em tôi xúm vô mỗi đứa một tay, cột sườn, phất giấy màu, vẽ bông hoa trang trí…

Rồi những chiếc lồng đèn căng bóng, màu sắc sặc sỡ ấy được treo trước cửa tiệm đã ‘hấp dẫn’ không ít trẻ con trong xóm. Chúng đặt Ba tôi là ‘Ông Lồng Đèn’. Bán cũng được, nhờ rẻ hơn lồng đèn từ Sài Gòn chở ra. Thiệt đúng là làm ‘Kinh tế gia đình, lấy công làm lời’. Trung Thu năm sau, lồng đèn từ bên Tàu tuôn qua ào ạt, giá lại rẻ quá rẻ nên ‘nghề làm lồng đèn’ của gia đình tôi phải… chào thua, phải tính chuyện khác.

Và rồi, may nhờ có chút ít khéo tay cộng với sáng kiến ‘cò con’, Ba và tôi lại vót tre làm cánh cung nho nhỏ, cắt ván cây gòn thành hình con lật đật, khi bóp cái cung tre thì con lật đật làm xiếc nhào lộn, coi vui mắt lắm, bán cho trẻ con chơi. Nhờ vậy mà mua được ít gạo với ít mì ghé cơm, để có cái mà bỏ mõm. Không đói nhăn răng cả nhà có đông miệng ăn là may lắm rồi. Đúng là ‘Cùng nghề đan thúng, túng nghề đan mủng’”.

Ngược về năm ’75, tôi ở tù, cùng với các thân nhân trong gia đình thay phiên nhau, Ba tôi đã chịu thương chịu khó, gồng gánh những món thăm nuôi nặng trĩu trên đôi vai già nua gầy còm của mình, lên trại tù để “bón sức” cho tôi.

Trong bài thơ Tìm Con kể lại chuyến đi thăm tôi ở tù, có đoạn dưới đây mà mỗi khi đọc lại tôi không khỏi không xúc động rươm rướm nước mắt :

"... Vai mang bị gạo nai lưng đạp

Mong ước bao giờ gặp mặt con

Con tôi tuổi trẻ hãy còn non

Ai xui chinh chiến cho nên nỗi này

... … …

Cái cảnh rừng già ôi thảm thương

Không chăn không chiếu lại không giường

Móc võng giữa rừng đành chịu vậy

Mệt lả người mê tự lúc nào

Mất thở năm giây nào ai biết

Tưởng mình phách lạc lại hồn xiu... "

Còn chuyện này nữa, đến giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy rất xót xa áy náy trong lòng. Đó là thời gian tôi bị sốt rét ác tính, nằm điều trị (hay chờ chết ?) ở trạm xá trong tù. Vì phải dùng nhiều thuốc trị sốt rét (Chloroquine, Fansida) nhờ gia đình đem lên, nên đêm đêm tôi mất ngủ do bị di ứng thuốc, ngứa ngáy khắp người, Ba tôi phải thức suốt đêm để gãi ngứa, quạt muỗi cho tôi.

Trong những năm tháng gạo châu củi quế vô cùng khốn khó khốn khổ đó, tuy sức già tuổi cao nhưng Ba Má tôi vẫn phải gồng mình, lo lắng cho sự sống còn của gia đình đang chênh vênh chới với bên bờ vực thẳm. Anh chị em tôi cũng ráng góp sức vào nhưng có thấm gì đâu so với công ơn trời biển cùng sự hy sinh vô bờ bến của song thân mình.

* * *

Ngày 9/6/2008, Ba tôi qua đời tại Việt Nam, hưởng thọ 84 tuổi. Hay hung tin này, tôi vội thu xếp bay về thọ tang, nhưng không kịp.

Không khí gia đình tôi lúc này trầm buồn lắm. Chúng tôi đầu chít khăn tang, quây quần bên nhau ở bộ sofa và trên chiếc đi-văng để chia sẻ nhau nỗi đau, đau nhứt trong đời. Cạnh đó, bên cửa sổ là bàn thờ Ba tôi với ánh đèn cầy lung linh chập chờn trong khói nhang tù mù lảng bảng. Giữa bàn là di ảnh Ba với nụ cười hiền hòa như đang ngắm nhìn và hài lòng khi thấy con cháu mình đã tụ về gần như đông đủ. Nhìn chăm chăm vào di ảnh Ba lòng tôi lắng xuống. Tôi chợt buột miệng :

- Trời ơi... Ba đó con đây mà sao nghìn trùng xa cách !

Không cầm được nước mắt, môi tôi mấp máy, chẳng thốt lên được lời nào.

Hôm sau, anh em tôi ra nghĩa trang viếng mộ phần Ba mình. Tôi đã ngậm ngùi, nói với Ba trong nước mắt lưng tròng :

"Ba ơi... Vậy là ba con mình đã vĩnh viễn xa nhau, đã vĩnh viễn nghìn trùng xa cách. Cách đây 15 năm, Má qua đời đã là một mất mát lớn lao cho chúng con; nay Ba lại ra đi thì sự mất mát ấy lại càng lớn lao hơn nữa. Ba Má ơi... Không có lời nào nói hết được và cũng chẳng có dòng nước mắt nào khóc giùm được cho nỗi thương tiếc vô hạn của chúng con dành cho Ba Má. Hình ảnh Ba Má mãi mãi nằm sâu trong tâm khảm chúng con đó, Ba Má à !".

Và, tôi luôn mãi nhớ, “Ông Lồng Đèn” năm xưa đó chính là người Ba muôn vàn kính yêu của chúng tôi.

Phạm Lê Huy

(Los Angeles, Trung Thu 2020)                                                                                                                                                                 

__________________________________________

2 comments: