NguyenUSA
Hắn tay đẩy cái xe đi chợ ra
bãi đậu xe, tay kia loay hoay rút chìa khoá thì hắn chợt thấy cái bóp của ai,
đánh rơi dưới đất. Tò mò hắn cúi xuống, lượm cái bóp lên, mở ra xem thì chỉ có
tờ giấy 5 đô-la và một phong bì thư, ngoài ra
không có gì khác, không giấy tờ, hình ảnh, biên lai,…
Hắn thấy trên phong bì tên
người gửi là TTT, cư ngụ tại... đường HBT - Đà Lạt còn người
nhận là LVB, khu bưu chính của
VNCH ngày xưa, rồi ngay cả con tem cũng của VNCH với cái dấu mộc ngày
18-02-1975. Cái địa chỉ làm hắn nhớ đến cái xóm vườn bà H, vì xóm này nổi tiếng
với gia đình ông Y, có 4 bà vợ, 18 đứa con, sống đề huề dưới chung mái nhà. Ông
y tá này làm ở viện Pasteur thì phải, chiều chiều đi chích dạo. Ai bị bệnh, đau
ốm gì thì cứ sai con lên nhà ông Y này kêu đến nhà tiêm vài ống thuốc bổ. Ông
có cái tật tiêm mông xong thì tiêm luôn phía trước nên cuối cùng đem 4 bà vợ về
ở cùng nhà. Gia đình sống rất đầm ấm, không có vụ ghen tương lộn xộn như những
nhà khác.
Hắn tò mò mở phong bì ra xem
để coi có tin tức của khổ chủ, chỉ vỏn vẹn một lá thư
cũ. Hắn tò mò đọc thì hoá ra lá thư cuối cùng của một cô gái cự ngụ tại Đà Lạt,
gửi cho một quân nhân VNCH, cho biết là Đà Lạt sắp
bỏ ngỏ nên gia đình cô nàng chuẩn bị, di tản về Sài Gòn. Có gì thì cô ta sẽ thông báo sau. Cuối thư có ký tên TTT, vợ tương
lai của anh.
Hắn trầm ngâm, không biết làm
gì, tính lấy 5 đô đi mua cà phê uống, xem như được tổ cà phê đãi. Lên xe chạy về
nhà mà cứ liên tưởng đến lá thư của một cô gái gửi cho người yêu trước khi Đà Lạt
bị mất chủ đến nay gần 43 năm, vậy mà người mất cái ví vẫn giữ trong cái bóp,
không giấy tờ, ngoài tờ giấy 5 đô-la. Hắn cười thầm
vì gặp trường hợp này, hắn chắc đã quăng thùng rác vì cô nàng chắc chắn đã lên
xe hoa rồi. Nay chắc con đàn cháu đống.
Về nhà hắn đem câu chuyện cái
ví lượm được mà không giấy tờ gì cả kể rồi đưa lá thư cho vợ đọc. Vợ hắn nói
sao không liên lạc với hội thân hữu Đà Lạt ở vùng này, biết đâu họ biết tên cô
TTT rồi lần ra khổ chủ.
Hắn lên mạng tra Gú Gồ về Hội Thân Hữu Đà Lạt, tìm email của hội để liên lạc. Hắn imeo cho biết có lượm cái
ví của một người từng sống tại Đà Lạt, tại số... đường HBT, tên TTT. Xong rồi hắn cũng quên
tuốt luốt.
Một tháng sau thì hắn nhận được
imeo trả lời của Hội Thân Hữu Đà Lạt, cho biết bà TTT, hiện nay đang ở nhà dưỡng
lão, ở vùng Bolsa, ngay góc Brookhurst và McFadden, và cho địa chỉ và số phòng.
Cuối tuần, hắn và vợ đi chợ xong thì ghé qua nhà dưỡng lão này để xem có tìm ra
bà TTT hay không.
Hai vợ chồng hắn hồi hộp đi
vào nhà dưỡng lão như đang phiêu lưu mạo hiểm tìm cái gì là lạ đồ cổ. Sau ghi
tên ở bàn tiếp tân thì được biết bà TTT đang ngồi xem truyền hình ở lầu 2. Hai
vợ chồng hắn run run lấy thang máy lên lầu 2 rồi hỏi một điều dưỡng viên ở đó
thì được dẫn đến gặp bà TTT, đang xem truyền hình.
Bà TTT đưa mắt ngạc nhiên
nhìn hai vợ chồng hắn rồi ú ớ vì đã lâu ít có ai vào thăm bà. Vợ hắn nói là hắn
tình cờ lượm được cái ví có lá thư của bà TTT gửi cho ông LVB nên tìm hỏi để trao lại, may thay Hội Thân Hữu Đà Lạt,
cho địa chỉ của bà vì nghe nói trước kia bà cũng làm việc trong ban trị sự của
hội. Bà T như xúc động, nhìn lại được những dòng chữ của mình.
Cả buổi hôm ấy, hai vợ chồng
hắn, ngồi nghe bà T, kể về cuộc đời của bà. Bà, khi xưa là dân cư ở Đà Lạt,
quen với một anh sinh viên học trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Tốt nghiệp
xong thì ông B được đổi đi tác chiến ở vùng 1, hẹn khi nào ổn định xong thì sẽ
xin gia đình bà T làm đám cưới. Đùng cái thì Cao Nguyên bị bỏ ngỏ, rồi Đà Lạt
di tản nên gia đình cũng chạy theo rồi may có người quen cho lên chiếc tàu Trường
Xuân, di tản ngày 30/4/75. Sang định cư tại Hoa Kỳ. Bà đi học lại rồi đi làm
nhưng không lập gia đình vì vẫn chưa quên hình ảnh của ông B.
Cuộc đời có nhiều điều khó giải
thích. Vợ chồng hắn ra về vì đến giờ ăn cơm của bà T, tự hứa sẽ đến thăm bà T
khi rảnh, đưa đi chơi vì bà ta không có con, thân thích, mấy đứa cháu thì ở tiểu
bang khác. Ra đến bàn tiếp tân để trao lại cái bảng tên khách viếng thì cô quản
lý hỏi hai vợ chồng là thân nhân của bà T phải không, vì ít
khi thấy ai đến thăm bà ta. Hắn kể là tìm được cái ví, có lá thư của bà nên tìm
để xem ai mất bóp thì cơ duyên cho gặp bà ta nhưng người mất bóp thì bà ta đã
không gặp lại từ 43 năm nay. Hắn đưa cái ví như phân trần.
Cô quản lý bổng trố mắt nhìn
cái ví rồi nói đây là cái ví của ông LVB, ở nhà dưỡng
lão Sunrise gần đây, vì tôi làm ở đó cuối tuần. Ông này hay mất ví lắm. Ông bà
muốn thì ghé lại Sunrise ở đường Brookhurst, góc Heil, hỏi thì ra. Vợ chồng hắn
trố mắt nhìn nhau rồi lật đật chạy lại nhà dưỡng lão Sunrise, hỏi ông LVB thì đúng như phép lạ. Ông B ở đây.
Ông B cảm ơn hai vợ chồng hắn rồi kể là ông ta đang đóng quân ở Đà Nẵng, rồi
được lệnh di tản. Ông ta chạy về Sài Gòn thì gia đình cho biết có lá thư của cô
TTT. Sau đó ông ta bị đưa đi “cải tạo” ở ngoài Bắc 10 năm. Về Sài Gòn, ông tìm
cách, thăm dò tin tức, gia đình bà T nhưng vô vọng. Rồi được đi sang Hoa Kỳ
theo diện H.O. Ông đi làm rồi về hưu, không họ hàng thân thích nên dọn vào đây ở
cho thoải mái, gần chợ Việt Nam, phố xá. Hôm qua, có ông bạn đến chở ông đi chợ
Sài Gòn và uống cà phê gần đó.
Vợ hắn hỏi ông B là có muốn gặp
lại bà T không vì sáng nay đã đến gặp bà T. Ông B trố mắt nhìn hai vợ chồng hắn
như bò đội nón, cà lăm cà liếc hỏi “Thật à ?”. Thế là xin
phép quản lý đưa ông B đi thăm đôi mắt người xưa. Cuộc đời quái lạ. Từ cái ví đến
làm Ông Tơ Bà Nguyệt.
Mấy tháng sau thì vợ chồng hắn
được mời đi ăn cưới của đôi vợ chồng H.O. này, gặp nhau lại sau 43 năm xa cách,
mà không ai chịu lập gia đình. Nếu hắn lấy tờ giấy 5 đô đi uống cà phê ở
Starbuck thì chắc chả có chuyện quái quái như vậy, bị mang tiếng làm ông mai rồi
phải đem cái đầu heo quay với Cholesterol về.
NguyenUSA
(Gia Đình Khóa 1 Cựu SVSQ Học Viện CSQG)
_____________________________
1 comment: