.
Hiện nay có rất nhiều thông tin về sức khỏe trên mạng hay qua email. Nhiều người theo những lời khuyên này mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Điển hình là việc uống aspirin liều thấp mỗi ngày, như anh thợ đấm bóp cho nhà tôi vẫn thường khuyên tôi uống (!). Chúng ta nên tìm hiểu kỹ về việc uống thuốc thường xuyên này, dù aspirin tưởng chừng như chỉ là một thứ thuốc vô hại. Thực ra uống liều thấp aspirin mỗi ngày có nhiều nguy hiểm hơn là chúng ta tưởng.
Nếu bạn đã từng bị cơn đau tim (heart attack) hoặc đột quỵ (stroke), bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng aspirin hàng ngày trừ khi bạn bị dị ứng nghiêm trọng với nó hoặc có tiền sử chảy máu. Nếu bạn có nguy cơ cao bị heart attack lần đầu, bác sĩ có thể sẽ khuyên dùng aspirin sau khi cân nhắc các rủi ro và lợi ích.
Tuy nhiên, bạn không nên tự mình bắt đầu trị liệu bằng aspirin uống hằng ngày. Lâu lâu dùng aspirin một, hai lần thì vẫn an toàn cho hầu hết những người lớn khi họ uống để trị nhức đầu, đau nhức cơ thể hoặc sốt. Nhưng sử dụng aspirin hàng ngày có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm chảy máu bên trong.
*Aspirin có tác dụng lên việc đông máu
Khi bạn chảy máu, các tế bào giúp đông máu gọi là tiểu cầu tích tụ tại vị trí vết thương. Các tiểu cầu giúp hình thành một nút chặn đóng vào chỗ hở trên thành mạch máu để cầm máu.
Sự đông máu này cũng có thể xảy ra trong các mạch máu nuôi tim. Nếu các mạch máu này đã bị hẹp do xơ vữa động mạch (sự tích tụ của các mảnh chất béo trong động mạch), mảnh chất béo tích tụ trong niêm mạc mạch máu có thể vỡ ra.
Sau đó, một cục máu đông có thể nhanh chóng hình thành và chặn động mạch làm tắc tị lưu lượng máu đến tim và gây ra cơn heart attack. Aspirin làm giảm hoạt động đóng cục của tiểu cầu, vì thế có thể ngăn ngừa cơn đau tim.
*Nên hay không nên?
Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc uống aspirin hàng ngày có thể giúp bạn ngăn ngừa cơn đau tim hay không. Bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng aspirin hàng ngày nếu:
- Bạn đã từng bị cơn đau tim hoặc đột quỵ.
- Bạn chưa từng bị cơn đau tim, nhưng bạn đã đặt stent trong động mạch vành, bạn đã được giải phẫu bắc cầu động mạch vành (bypass) hoặc bạn bị đau ngực do bệnh động mạch vành (đau thắt ngực angina).
- Bạn chưa bao giờ bị cơn đau tim heart attack, nhưng bạn có nguy cơ cao.
- Bạn bị tiểu đường và ít nhất một yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim khác - chẳng hạn như hút thuốc hoặc huyết áp cao - và bạn là một người đàn ông trên 50 tuổi hoặc một phụ nữ trên 60 tuổi. Việc sử dụng aspirin để ngăn ngừa các cơn đau tim ở những người mắc bệnh tiểu đường nhưng không có yếu tố rủi ro nào khác hiện đang gây tranh cãi.
Ủy Ban Đặc Nhiệm của Dịch Vụ Phòng Ngừa Hoa Kỳ khuyên nên điều trị bằng aspirin hàng ngày nếu bạn ở độ tuổi 50 đến 59, không có nguy cơ chảy máu cao và có nguy cơ bị cơn đau tim hoặc đột quỵ từ 10% trở lên trong 10 năm tới. Nếu bạn ở độ tuổi 60 đến 69, không có nguy cơ chảy máu cao và có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ từ 10% trở lên trong 10 năm tới, hãy nói chuyện với bác sĩ về liệu pháp aspirin hàng ngày.
Hiện người ta cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích và rủi ro của việc sử dụng aspirin hàng ngày ở người lớn dưới 50 tuổi và trên 70 tuổi trước khi có thể đưa ra lời khuyên nên hoặc chống lại việc sử dụng aspirin để ngăn ngừa bệnh tim mạch và ung thư đại trực tràng cho các nhóm tuổi này.
Mặc dù trước đây, aspirin đã được khuyên dùng cho một số nhóm người không có tiền sử cơn đau tim, nhưng có một số bất đồng giữa các chuyên gia về việc liệu lợi ích của aspirin có vượt quá nguy cơ tiềm ẩn hay không.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm không khuyên dùng liệu pháp aspirin để phòng ngừa các cơn đau tim ở những người chưa từng bị cơn đau tim, đột quỵ hoặc một bệnh tim mạch khác.
Hiện có những lời hướng dẫn rất khác nhau giữa các tổ chức, nhưng sẽ thống nhất hơn khi có nhiều nghiên cứu được thực hiện. Lợi ích của việc điều trị bằng aspirin hàng ngày không vượt quá nguy cơ chảy máu ở những người có nguy cơ cơn đau tim thấp. Nguy cơ cơn đau tim của bạn càng cao thì khả năng lợi ích của aspirin hàng ngày càng cao hơn nguy cơ chảy máu.
*Tăng nguy cơ chảy máu
Điểm mấu chốt là trước khi dùng aspirin hàng ngày, bạn nên thảo luận với bác sĩ. Trước khi bắt đầu điều trị bằng aspirin hàng ngày theo lời khuyên của bác sĩ, bạn nên cho họ biết nếu bạn có tình trạng sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc các biến chứng khác. Những điều kiện này bao gồm:
- Bị bệnh rối loạn chảy máu hoặc đông máu (dễ chảy máu)
- Dị ứng với Aspirin, có thể bao gồm hen suyễn gây ra do aspirin
- Loét dạ dày chảy máu
Bác sĩ sẽ thảo luận về liều lượng phù hợp với bạn. Liều aspirin rất thấp - chẳng hạn như 75 đến 150 miligam (mg), nhưng thường nhất là 81 mg - có thể có hiệu quả. Bác sĩ của bạn thường sẽ kê toa một liều hàng ngày từ 75 mg đến 325 mg.
*Khi nào nên ngừng uống?
Nếu bạn từng bị heart attack hoặc đặt stent tim, việc dùng aspirin và bất kỳ loại thuốc làm loãng máu nào khác đúng theo lời khuyên là rất quan trọng.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng việc ngừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể có tác dụng ngược làm tăng nguy cơ đau tim. Nếu bạn đã từng bị heart attack hoặc đặt stent trong một hoặc nhiều động mạch tim, ngừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể dẫn đến một cơn đau tim đe dọa tính mạng.
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng việc ngừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể có tác dụng ngược làm tăng nguy cơ đau tim. Nếu bạn đã từng bị heart attack hoặc đặt stent trong một hoặc nhiều động mạch tim, ngừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể dẫn đến một cơn đau tim đe dọa tính mạng.
Nếu bạn đang dùng liệu pháp aspirin hàng ngày và muốn dừng lại, điều quan trọng là nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Đột ngột dừng điều trị bằng aspirin hàng ngày có thể có tác dụng ngược có thể kích hoạt cục máu đông.
*Thuốc NSAD
Cả aspirin và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Motrin IB, Advil) và naproxen natri (Aleve), làm giảm hoạt động đông máu của tiểu cầu trong máu. Sử dụng thường xuyên các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ chảy máu của bạn.
Một số NSAID có thể tự nó làm tăng nguy cơ cơn đau tim. Ngoài ra, một số NSAID có thể tương tác bất lợi với aspirin, làm tăng nguy cơ chảy máu nhiều hơn.
Nếu bạn chỉ cần một liều ibuprofen, hãy uống hai giờ sau khi dùng aspirin. Nếu bạn cần dùng ibuprofen hoặc NSAID khác thường xuyên hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn khác, không can thiệp vào liệu pháp aspirin hàng ngày.
*Tác dụng phụ và biến chứng của việc dùng aspirin
Tác dụng phụ và biến chứng của việc dùng aspirin bao gồm:
- Đột quỵ (stroke) do mạch máu bể. Mặc dù uống aspirin hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ gây ra do cục máu đông, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do chảy máu.
- Xuất huyết dạ dày. Sử dụng aspirin hàng ngày làm tăng nguy cơ bị loét dạ dày. Và, nếu bạn đang bị loét chảy máu hoặc chảy máu bất cứ nơi nào khác trong đường tiêu hóa, dùng aspirin sẽ gây ra chảy máu nhiều hơn, có thể đến mức đe dọa đến tính mạng.
- Dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng với aspirin, uống bất kỳ lượng aspirin nào cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Nếu bạn đang dùng aspirin và cần mộ cuộc giải phẫu hoặc chữa răng, cần phải cho bác sĩ giải phẫu hoặc nha sĩ biết rằng bạn dùng aspirin hàng ngày và bao nhiêu. Nếu không, bạn có nguy cơ chảy máu quá nhiều trong khi giải phẫu. Tuy nhiên, không nên ngưng dùng aspirin mà không cho bác sĩ biết.
Những người thường xuyên dùng aspirin và uống rượu có thể tăng nguy cơ chảy máu dạ dày. Hỏi bác sĩ uống bao nhiêu rượu là an toàn. Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống điều độ. Đối với người trưởng thành khỏe mạnh, điều đó có nghĩa là tối đa một ly mỗi ngày cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi và tối đa hai ly mỗi ngày cho nam giới từ 65 tuổi trở xuống.
*Kết hợp với thuốc khác
Nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu, như warfarin (Coumadin, Jantoven), apixaban (Eliquis), dabigatran (Pradaxa) hoặc Rivaroxaban (Xarelto) cho một tình trạng khác, kết hợp nó với aspirin có thể làm tăng đáng kể nguy cơ chảy máu.
Tuy nhiên, có thể kết hợp một liều aspirin thấp với warfarin hoặc thuốc chống đông máu khác. Nhưng, liệu pháp này luôn cần được thảo luận cẩn thận với bác sĩ của bạn.
Các loại thuốc và thảo dược bổ sung khác cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Các loại thuốc có thể tương tác với aspirin bao gồm:
- Heparin
- Ibuprofen (Advil, Motrin IB), khi dùng thường xuyên
- Corticosteroid
- Clopidogrel (Plavix)
- Một số thuốc chống trầm cảm (clomipramine, paroxetine)
Thuốc bổ dược thảo cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu như: Bilberry, Capsaicin, Cat's claw, Danshen, Evening primrose oil, cây bạch quả, Kava, Ma-Huang, Acid béo omega-3 (dầu cá)
*Nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị cơn đau tim heart attack
Điều quan trọng nhất để bạn làm là gọi 911 hoặc dịch vụ y tế khẩn cấp. Đừng trì hoãn gọi giúp đỡ. Chỉ uống Aspirin sẽ không cứu sống bạn nếu bạn bị đau tim.
Người trả lời cuộc gọi 911 có thể khuyên bạn nhai aspirin, nhưng trước tiên sẽ đặt câu hỏi để đảm bảo bạn không bị dị ứng với aspirin hoặc bạn không có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào khác khiến việc uống aspirin trong cơn đau tim quá nguy hiểm. Bạn có thể nhai một viên aspirin nếu trước đó bác sĩ đã bảo bạn làm như vậy nếu bạn nghĩ rằng bạn đang bị cơn đau tim - nhưng hãy gọi 911 hoặc dịch vụ y tế khẩn cấp trước.
*Aspirin có lớp bọc
Aspirin có lớp bọc được chế tạo để đi qua dạ dày và không bị tan rã cho đến khi đến ruột non. Thuốc này nhẹ cho dạ dày và có thể phù hợp với một số người dùng aspirin hàng ngày, đặc biệt ở những người có tiền sử viêm dạ dày hoặc loét.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy dùng aspirin có lớp bọc làm giảm khả năng bị xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng aspirin có lớp bọc có thể không hiệu quả như aspirin thông thường khi dùng tại thời điểm bị cơn đau tim.
Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn quan tâm về các cách để giảm nguy cơ chảy máu.
viendongdaily.com/
___________________________
No comments:
Post a Comment