Friday, July 17, 2020

Những dấu hiệu khó nhận ra của bệnh tiểu đường




Hàng triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh tiểu đường nhưng không biết mình mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu của bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường loại 2, không phải lúc nào cũng rõ ràng. Trên thực tế, các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện dần dần theo thời gian đến nỗi người ta có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong nhiều năm trước khi họ được định bệnh.

Nếu bạn nhận thấy bị các dấu hiệu và triệu chứng sau đây, hãy hẹn gặp bác sĩ:

-  Cảm thấy khát nước và đi tiểu thường xuyên
-  Dễ mệt mỏi
-  Mắt nhìn không rõ
-  Giảm cân bất ngờ
-  Hay cảm thấy đói
-  Vết loét chậm lành và nhiễm trùng thường xuyên
-  Nướu răng bị đỏ, sưng
-  Đau ran như kim chích hoặc tê ở tay hoặc chân

Nếu bạn để ý đến các triệu chứng tiểu đường này và đi khám bệnh thì bạn có thể được định bệnh và điều trị sớm, giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường và đưa đến một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

1. Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều
Khát nước quá mức và đi tiểu nhiều là những dấu hiệu tiểu đường thường thấy. Khi bạn bị tiểu đường, đường glucose tích tụ trong máu. Thận bị buộc phải làm việc quá tải để lọc và hấp thụ glucose dư thừa. Khi thận của bạn không thể theo kịp, glucose còn dư sẽ được bài tiết qua nước tiểu, kéo theo chất lỏng từ các mô khiến bạn bị mất nước. Vì thế bạn sẽ cảm thấy khát nước. Khi bạn uống nhiều nước hơn để làm dịu cơn khát, bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Do đó bệnh nhân tiểu đường khát nước và đi tiểu nhiều

2. Mệt mỏi
Bệnh tiểu đường có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Đường trong máu cao làm hư khả năng sử dụng glucose của cơ thể cho nhu cầu năng lượng khiến cơ thể không đủ năng lượng và bạn cảm thấy mệt. Mất nước do đi tiểu nhiều cũng có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.

3. Giảm cân
Khi bạn thải bớt glucose qua việc đi tiểu thường xuyên, bạn cũng mất đi nhiều calories. Đồng thời, bệnh tiểu đường làm cho glucose từ thực phẩm không đến được các tế bào - đưa đến tình trạng bạn cảm thấy đói liên tục. Kết quả là bạn giảm cân nhanh chóng, đặc biệt là với bệnh tiểu đường loại 1.

4. Nhìn không rõ
Tiểu đường đôi khi gây triệu chứng liên quan đến thị lực. Nồng độ glucose trong máu cao kéo theo chất lỏng từ các mô, kể cả các thấu kính của mắt, gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ của bạn. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể khiến các mạch máu mới hình thành trong võng mạc - phần sau của mắt - và làm hỏng các mạch máu đã có từ lâu. Đối với hầu hết mọi người, những thay đổi sớm này không gây ra vấn đề về thị lực. Tuy nhiên, nếu những thay đổi này tiếp tục mà không được tìm ra, chúng có thể đưa đến mất thị lực và mù lòa.

5. Vết loét chậm lành hoặc nhiễm trùng thường xuyên
Nồng độ glucose trong máu cao có thể khiến máu chảy chậm hơn, ảnh hưởng đến tiến trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể, khiến các vết loét chậm lành, đặc biệt là ở bàn chân. Ở phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng vi nấm ở bàng quang và âm đạo có thể xảy ra thường xuyên hơn.

6. Đau tay chân
Quá nhiều glucose trong máu có thể ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh. Bạn có thể cảm thấy ngứa ran và mất cảm giác (tê) ở tay và chân, cũng như đau rát ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân.

7. Nướu đỏ, sưng, đau
Bệnh tiểu đường có thể làm suy yếu khả năng chống lại vi trùng, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở nướu và xương hàm giữ răng. Nướu có thể rút cao khỏi răng, răng có thể bị lỏng ra hoặc bạn có thể bị lở nướu hoặc có túi mủ trong nướu - nhất là khi bạn bị nhiễm trùng nướu trước khi bệnh tiểu đường phát triển.

Đừng coi thường những dấu hiệu của cơ thể
Nếu bạn nhận ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng tiểu đường, nên lấy hẹn đi khám bệnh. Bệnh tiểu đường là một bệnh nghiêm trọng và được định bệnh càng sớm thì việc điều trị càng sớm có thể bắt đầu. Với sự tham gia tích cực của bạn và sự hỗ trợ của đội ngũ chăm sóc sức khỏe, bạn có thể quản lý bệnh tiểu đường và tận hưởng một cuộc sống năng động, khỏe mạnh.

Vài điều cần biết về thử nghiệm A1C
Thử nghiệm A1C là thử nghiệm máu thường dùng để định bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 và để theo dõi mức độ tiến triển và kiểm soát bệnh của bệnh nhân. A1C còn có nhiều tên khác như glycated hemoglobin, glycosylated hemoglobin, hemoglobin A1C và HbA1c.

Thử nghiệm A1C phản ánh mức đường trung bình trong máu trong hai đến ba tháng trước. Nói rõ hơn, thử nghiệm A1C đo số phần trăm huyết sắc tố hemoglobin - một loại protein trong hồng huyết cầu mang oxygen - được phủ bằng đường (glycated). Mức A1C càng cao, sự kiểm soát lượng đường trong máu càng kém và nguy cơ biến chứng tiểu đường xảy ra càng cao.

*Tại sao phải làm thử nghiệm này?

Kết quả A1C có thể giúp bác sĩ:

- Xác định tình trạng tiền tiểu đường (prediabetic), tức tình trạng trước khi tiến hẳn đến tiểu đường. Nếu bị tiền tiểu đường, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch cao hơn.

- Định bệnh bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2. Để định bệnh chính xác, bác sĩ thường xem xét kết quả của hai thử nghiệm máu được thực hiện vào hai ngày khác nhau - hai kết quả A1C hoặc một kết quả A1C cộng thêm kết quả của một thử nghiệm tiểu đường khác.

- Theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường của bạn. Kết quả A1C ban đầu giúp thiết lập mức A1C căn bản. Thử nghiệm A1C sau đó được lặp lại thường xuyên để theo dõi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường.

Việc bao lâu mới cần xét nghiệm A1C tùy thuộc vào loại bệnh tiểu đường, kế hoạch điều trị và mức độ kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ: thử nghiệm A1C có thể được cho làm:
-   Mỗi năm một lần nếu bạn bị tiền tiểu đường
-   Hai lần một năm nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2, bạn không sử dụng insulin và lượng đường trong máu luôn nằm trong mức kiểm soát.
-   Bốn lần một năm nếu bạn bị tiểu đường loại 1
-   Bốn lần một năm nếu bạn mắc bệnh tiểu đường loại 2, bạn sử dụng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc bạn gặp khó khăn trong việc giữ lượng đường trong máu trong mức kiểm soát.

Bạn có thể cần thử nghiệm A1C thường xuyên hơn nếu bác sĩ thay đổi kế hoạch điều trị bệnh hoặc bạn bắt đầu dùng thuốc trị tiểu đường mới.

*Kết quả
Kết quả A1C được cho biết dưới dạng phần trăm. Tỷ lệ phần trăm A1C cao tương ứng với lượng đường trung bình trong máu cao. Mức A1C càng cao, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc biến chứng của bệnh tiểu đường càng cao.

Đối với những người không mắc bệnh tiểu đường, mức A1C bình thường là dưới 5,7 phần trăm. Nếu mức A1C của bạn nằm trong khoảng 5,7 đến 6,4 phần trăm, bạn bị tiền tiểu đường (hoặc mực đường lúc đói không tốt) tức bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường trong tương lai.

Mức A1C từ 6,5% trở lên trong hai lần riêng biệt cho thấy bạn bị tiểu đường. Mức A1C trên 8% có nghĩa là bệnh tiểu đường của bạn không được kiểm soát tốt và bạn có nguy cơ cao bị biến chứng.

Đối với hầu hết người lớn mắc bệnh tiểu đường, mức A1C từ 7% trở xuống là mục tiêu điều trị thường được theo. Mục tiêu thấp hơn hoặc cao hơn có thể phù hợp với một số cá nhân. Nếu mức A1C của bạn cao hơn mục tiêu, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường của bạn.

Một số người mắc bệnh tiểu đường có thể theo dõi lượng đường trong máu ở nhà bằng các thiết bị. Mức A1C được cho biết bằng phần trăm, nhưng chúng tương ứng với mức đường huyết trung bình ước tính. Sau đây là con số A1C tương ứng với mức đường trong máu trung bình ước tính:
Mức A1C = Ước tính mức đường trong máu trung bình (glucose)
6% = 126 mg / dL (7 mmol / L)
7% = 154 mg / dL (8,6 mmol / L)
8% = 183 mg / dL (10,2 mmol / L)
9% = 212 mg / dL (11,8 mmol / L)
10% = 240 mg / dL (13,4 mmol / L)
11% = 269 mg / dL (14,9 mmol / L)
12% = 298 mg / dL (16,5 mmol / L)
Điều quan trọng cần lưu ý là hiệu quả của A1C có thể bị hạn chế trong một số trường hợp. Ví dụ:

- Nếu bạn bị chảy máu nặng hoặc mãn tính, dự trữ hemoglobin có thể bị cạn, có thể làm cho kết quả kiểm tra A1C sai lệch.

- Nếu bạn bị thiếu máu do thiếu chất sắt, kết quả xét nghiệm A1C có thể bị sai lệch.

- Hầu hết mọi người chỉ có một loại huyết sắc tố là hemoglobin A. Nếu bạn có một dạng hemoglobin không phổ biến (được biết đến như một biến thể huyết sắc tố), kết quả thử nghiệm A1C có thể cao hoặc thấp, không đúng. Các biến thể huyết sắc tố thường được tìm thấy ở người da đen và người thuộc di sản Địa Trung Hải hoặc Đông Nam Á. Các biến thể huyết sắc tố có thể được xác nhận bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nếu bạn được định bệnh là mang biến thể huyết sắc tố, các xét nghiệm A1C của bạn có thể cần được thực hiện tại phòng thí nghiệm chuyên ngành để có kết quả chính xác nhất.

- Nếu bạn bị một dạng thiếu máu tán huyết (hemolytic) khác, hoặc nếu bạn đã được truyền máu gần đây, thử nghiệm này sẽ không hữu ích vì kết quả có thể sai.

Ngoài ra, hãy nhớ rằng phạm vi bình thường cho kết quả A1C có thể khác nhau đôi chút giữa các phòng thí nghiệm. Nếu bạn tham khảo ý kiến bác sĩ mới hoặc sử dụng một phòng thí nghiệm khác, điều quan trọng là phải xem xét sự thay đổi có thể này khi diễn giải kết quả thử nghiệm A1C của bạn.

http://viendongdaily.com/

______________________________________

No comments:

Post a Comment