Friday, July 10, 2020

CÀNG ĐƠN GIẢN CÀNG HAY

.


Ít ai ngờ là men bromalin trong trai thơm, papain trong đu đủ lại đa dạng đến thế. Câu chuyện về tầm ứng dụng của diếu tố cho thấy vai trò của sự đơn giản trong quy trình điều trị.
Con người không sinh ra với tập đơn thuốc trên tay. Dược phẩm cho dù dẫn xuất từ dược liệu thiên nhiên, với cơ thể vẫn là hóa chất ngoại lai. Bất kỳ dược phẩm nào, muốn có tác dụng trị liệu, đều phải được cơ thể dung nạp, chế biến, tích trữ và đào thải. Tác dụng tốt hay xấu của dược phẩm vì thế hoàn toàn tùy thuộc vào tiến trình biến dưỡng của thuốc, sao cho vừa nhanh lại vừa gọn. 

Thầy thuốc, như tên gọi, nói đúng hơn, như ước vọng của người bệnh, phải là bậc “thầy” về “thuốc”. Gặp nhà điều trị hào phóng cho nhiều thuốc theo kiểu “không bổ chiều dọc thì cũng bổ chiều ngang” chẳng qua vì không nắm vững cơ chế tác dụng cũng như phản ứng tương tác giữa các nhóm dược phẩm, thì toa thuốc có khác gì giấy chuyển bệnh đến phòng cấp cứu!


Người bệnh trong nỗi lo sợ trước bệnh tật đương nhiên tìm thấy ít nhiều an ủi khi rời phòng mạch với toa thuốc chi chít tên thuốc trên tay. Điều đó không mấy khó hiểu vì bệnh nhân rất dễ là… nạn nhân! Nhưng điều đó sẽ rất khó hiểu nếu thầy thuốc khi biên toa chỉ dựa vào thông tin thương mại, hay do động cơ nào đó, vì thầy thuốc cảm thấy “yên tâm” và “thoải mái” hơn khi biên thuốc đến hết chỗ trên toa thuốc!

 Không riêng gì với thuốc tây, một thang thuốc Nam, thuốc Bắc với quá nhiều vị thuốc, quá nhiều thang thuốc trong suốt liệu trình cũng đi ngược mục tiêu của liệu pháp. Các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Kanbo ở Nhật đã có luận cứ vững chắc khi “đơn giản hóa” nhiều thang thuốc cổ truyền kinh điển của Trung Y bằng cách loại bỏ nhiều vị thuốc mà vẫn giữ nguyên hay thậm chí còn tăng cường hiệu năng của bài thuốc!

 Hơn nữa, dù Đông hay Tây, phương pháp điều trị không thể xa rời nguyên tắc “biện chứng luận trị”, theo đó thầy thuốc có bổn phận theo dõi sát sao diễn biến của bệnh tình để liệu cách thay đổi thuốc cho kịp thời. Thay đổi không luôn luôn đồng nghĩa với gia tăng. Bằng chứng cụ thể là triệu chứng bệnh lý trong nhiều trường hợp bỗng thuyên giảm rõ rệt sau khi thầy thuốc giảm số thuốc, bớt lượng thuốc hay thậm chí ngưng thuốc một thời gian ngắn.

Xin phép nhắn nhủ bạn đọc một điều rất “phản bổn”: Thuốc là phương tiện để điều trị. Nếu “đói ăn rau” thì đúng là “đau phải uống thuốc”. Nhưng giữa phải và nên bao giờ cũng có một khoảng cách. Đó là khoảng cách khi gần khi xa, khi mờ khi tỏ, giữa thiết yếu và cần thiết. Cũng chính vì thế mà chức năng tư vấn của thầy thuốc khi cho thuốc, của dược sĩ khi trao thuốc, không thể thiếu trong quy trình điều trị. Thầy thuốc không chỉ mang hình ảnh của người biên toa thuốc mà còn là người biết lúc nào nên trao toa thuốc cho bệnh nhân, để người bệnh trong suốt liệu trình không phải mang cảm giác cô đơn của kẻ bị bỏ rơi sau khi nhận… toa thuốc!

Bệnh tật và y thuật là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Cuộc sống mới nhìn lắm nỗi nhiêu khê nhưng trên thực tế có thể trở thành đơn giản hơn nhiều nếu con người đừng tìm cách phức tạp hóa cuộc đời. Một liệu pháp nào đó, dù là dùng thuốc hay không dùng thuốc, dù Đông hay Tây, chắc chắn sẽ gần với người bệnh hơn nhiều, khi phương pháp điều trị đừng vì mục tiêu ngoài y khoa, chẳng hạn vì huê hồng của đơn thuốc, nên xa rời yêu cầu khẩn thiết và hợp lý của người bệnh. Đó là đơn giản trong quy trình và rõ ràng về mục tiêu. Điểm khác biệt giữa y khoa và y thuật chính là tiếng gọi hoàn nguyên. Riêng với thầy thuốc hai tiếng “nguyên bổn” còn có tên khác: lương tâm!

(trích từ "Thuốc đắng đã tật”)
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng


___________________________________

No comments:

Post a Comment