Người nhà Quê
Thỉnh thoảng vào thăm nhà em, bắt gặp đây đó những ý tưởng thật tử tế, thấy thích, nên QN mượn, đem lên đây để chia sẽ cùng mọi người - Cám ơn Hải - NNQ nhiều nhen.
Tiền bạc hay gì không tiết kiệm thì chỉ mình mình đói, nhưng lời nói mà hào phóng quá có khi bị hố, như tên đã bắn cắm vào tai muôn vạn người, muốn rút lại cũng khôn bề rút lại.
Mình chơi facebook, dần nhận ra viết nhẹ nhàng từ tốn chẳng phải là cao thượng gì cả, nhưng là cho bản thân mình một đường lui, quan toà muốn kết án tử một người rất dễ, người viết muốn huỷ diệt kẻ khác cũng không phải là chuyện gì quá ghê gớm. Nhưng khi kết án một người bằng ngòi bút, ban đầu chưa thấy gì, nhưng rồi chỉ một đốm lửa nhỏ trong đầu, hỏi rằng liệu có sai có vội, thì chẳng mấy chốc nó bùng cháy như bó đuốc, đêm ngày thiêu đốt tâm can.
Nhớ lúc nhỏ, nhà trồng nhãn, mấy anh em đi vườn thấy có người ăn nhãn nhả vỏ xuống mương nước, dấu lội nước còn mới và vỏ nhãn còn tươi. Cả đám đinh ninh là ăn trộm, gào thét tru tréo lên như gặp giặc Hà Tiên. Lát sau phát hiện, là hai vợ chồng ông bà cụ già bắt ốc. Hỏi thăm thì nghe nói nhà ở dưới Đình, con cái bỏ đi hết không nuôi, gọi là ông bà Chín. Mấy anh em không đứa nào nói câu nào, nhưng chẳng dám nhìn nhau vì xấu hổ. Nửa mẫu đất nhãn chín, tính bằng tấn, chẳng có rào dậu gì, cô bác đi ngang tiện tay hái một hai trái ăn còn thấy vui. Tự nhiên quỷ giục rồi nghe theo hay gì mà làm quá. Khi ấy tôi lớn nhất, lối 10 tuổi, tự ý đi lựa mấy cây nhãn chín ngon nhất bẻ một ôm tới dâng tặng hai ông bà ấy, chẳng nói gì nhiều. Trong thâm tâm nghĩ ngày nào lớn lên sẽ tìm tới nhà để thăm.
Sau đó, khi lớn lên, làm có tiền, tôi có tìm tới xóm Đình hỏi thăm, nhưng không kiếm được. Bây giờ chuyện đã qua hai mươi năm, nhớ lại trống ngực vẫn còn đập liên hồi, bởi biết sự háo thắng ngu muội đó sẽ không thể nào đền trả được. Nhiều khi bị dính thị phi đến như chẳng còn gì, lại tự nhủ âu bị vậy cũng là đáng, là đền trả lại những nghiệp chướng nguyền rủa người ta lúc nhỏ.
Hôm nay nhắn tin với một người bạn, hỏi những điều nên và không nên, rồi chợt nhớ một câu của ông Lý Gia Thành: “Ai cũng có một ngày mưa quên mang dù” - thấy thật là thấm thía. Ai cũng quên, mình cũng sẽ có lúc quên, chìa cây dù lúc người ta còn khô ráo, đâu cần nói gì. Cũng vậy, chậm rãi lại một chút, hà tiện lời lẽ tấn công người ta, biết ngọn ngành rồi nói cũng không có gì muộn. Như Giê-su, bị trói lôi ra công hội, bị mắng nhiếc rồi bị táng muốn rớt hàm, cũng chỉ hỏi lại: “Nếu ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó, còn nếu không phải, sao lại đánh ta?”. Họ đã im lặng...
Người nhà Quê
No comments:
Post a Comment