Saturday, May 23, 2020

Vạn Lý Trường Thành ngàn năm không đổ

.


Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) vì sao trải qua hàng ngàn năm sương gió vẫn trơ trơ không đổ? Câu trả lời có thể sẽ khiến nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên.
Những người công nhân xây dựng thời cổ xưa đã dùng cháo gạo nếp và vữa tiêu chuẩn, tạo ra nguyên liệu xây dựng chính, gọi là "vữa gạo nếp" để xây dựng Vạn Lý Trường Thành.

Hỗn hợp vữa gạo nếp này được đánh giá là chắc chắn hơn xi măng ngày nay, thậm chí, tính chịu nước của nó cũng rất tốt.

Các nhà khoa học Trung Quốc nhất loạt khẳng định, Vạn Lý Trường Thành ngàn năm không đổ, tất cả là nhờ hỗn hợp đặc biệt này.
Các nghiên cứu cũng cho biết, dưới thời Trung Quốc cổ đại, vữa gạo nếp thường được dùng để xây dựng những công trình kiến trúc lớn như lăng mộ, tháp ngọc, xây tường thành...
Những kiến trúc được xây dựng từ nguyên liệu này đến nay vẫn tồn tại, thậm chí còn rất chắc chắn, dùng máy ủi cũng khó có thể lật đổ, không chịu ảnh hưởng quá lớn từ những trận động đất.
Nhà khoa học người Trung Quốc – ông Trương Băng Kiếm nhận định, vữa gạo nếp có lẽ là loại vữa phức hợp đầu tiên trên thế giới được tạo ra từ nguyên liệu hữu cơ kết hợp với nguyên liệu vô cơ. Đây cũng là một trong những sáng tạo về mặt kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử.

Phát hiện của các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, vì gạo nếp có chứa thành phần Amylopectin và đây chính là yếu tố quan trọng giúp cho vữa gạo nếp trở nên cứng và chắc chắn.
Không chỉ có trong gạo nếp, Amylopectin còn được tìm thấy ở nhiều loại lương thực khác như gạo tẻ và các thực phẩm tinh bột...
Lịch sử phát triển của hỗn hợp chất kết dính trong các công trình kiến trúc cổ
Các nhà khảo cổ học nghiên cứu và phát hiện ra rằng, trước thời nhà Thương, hỗn hợp chất kết dính được dùng trong kiến trúc, xây dựng chủ yếu làm từ rơm khô trộn với bùn. Từ thời nhà Châu, vôi mới dần được sử dụng để thay thế.
Đến thời Nam Bắc triều vào thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, vôi, đất sét và cát trộn lẫn với nhau hợp thành nguyên liệu có tên "vữa tam hợp" ngày càng thịnh hành. Ba thứ nguyên liệu trên được trộn với nhau theo tỉ lệ nhất định, sau khi khô lại, chúng sẽ trở nên vững chắc lạ thường.
"Vữa tam hợp" vừa có thể dùng để kết dính gạch ngói với nhau, vừa có thể sử dụng trực tiếp để xây thành, lăng mộ... Trải qua ngàn năm cải cách, hỗn hợp chất kết dính ngày càng trở nên mới mẻ hơn, hợp xu thế hơn. Cho đến thế kỷ 20, nguyên liệu này vẫn còn được sử dụng.
Sau đó, người xưa tiếp tục phát hiện ra rằng gạo nếp cũng có tác dụng rất hiệu quả nếu con người sử dụng nó như một vật liệu xây dựng. Kể từ đó, vữa gạo nếp ra đời.
Gạo nếp là một trong những lương thực quan trọng của người dân phía Nam Trung Quốc. Khác với gạo tẻ thông thường, gạo nếp sau khi nấu sẽ kết dính với nhau chặt hơn, để khô sẽ trở nên rất cứng.
Có thể người xưa đã linh cảm được điều khác lạ từ thực tế này mà đưa gạo nếp vào trong ngành xây dựng, coi nó như một thứ vật liệu quý.
Được biết những công trình tháp cổ, cầu cổ được xây dựng dưới thời Đường, Tống ở Tuyền Châu, cho đến nay đã từng trải qua động đất 7,5 độ ritcher nhưng vẫn còn sừng sững với thời gian.
Hay những bức tường thành cổ được xây dựng ở Nam Kinh, Tây An và Hình Châu dưới thời nhà Minh, trải qua 600 năm lịch sử vẫn đứng vững chưa hề có dấu hiệu sụt lún, sập sệ.
Khi người ta khai quật một ngôi mộ cổ được xây dựng vào thời nhà Minh, dù sử dụng đến cuốc, xẻng hay máy ủi, máy xúc, công tác khai quật vẫn gặp không ít khó khăn vì tường xây quá chắc.
Sau đời Tống, Nguyên, vữa gạo nếp được sử dụng đại trà.
Cố cung ở Bắc Kinh, Minh Trường Thành hay sơn trang tránh nắng Thừa Đức, Đông – Tây lăng dưới thời nhà Thanh... rất nhiều công trình khác ra đời dưới hai triều đại Minh, Thanh đều sử dụng cháo gạo nếp trộn lẫn với "đất tam hợp", hình thành nên nguyên liệu cực tốt,  kết dính những viên gạch lại với nhau, cho đến hàng trăm năm sau vẫn chắc chắn như mới.
Tuy nhiên, vữa gạo nếp chỉ là một trong những sản phẩm xa xỉ cao cấp điển hình, không được sử dụng rộng rãi như vữa làm từ bùn hay vôi.

Nguyên Nhung - Theo Trí thức trẻ

__________________________

No comments:

Post a Comment