Wednesday, May 6, 2020

Tóc gió thôi bay

Nhưng.. tất cả đã thuộc về quá khứ  và chỉ có giá trị trong quá khứ..

Phạm Diễm Hương




Bà Khuê

Cũng đến hai năm chưa gặp bà, nhưng tôi biết bà vẫn mạnh giỏi, vẫn làm những công việc bà ưa thích. Đôi lúc nhìn hình của bà chụp chung với cácbạn, tôi muốn điện thoại hoặc viết email cho bà, nhưng khi định nhấc điện thoại,hay bắt đầu gõ email, tôi lại thôi.
Chúng ta là bạn hàng xóm từ lúc nhỏ, lại cùng trường, cùng lớp suốt bậc Trung Học, sự cảm mến cũng lớn dần theo thời gian. Nhưng tất cả đã thuộc về quá khứ và chỉ có giá trị trong quá khứ.

Hiện tại, chúng ta đã có gia đình, tình nghĩa, đạo đức vợ chồng, con cái, cháu chắt ràng buộc, chúng ta đã được đặt vào một khuôn phép của nhân cách. Những gì lương tâm mách bảo có thể làm tổn hại nhân cách đó, chúng ta phải lắng nghe và ngừng lại. Tôi đã vẫn nghe và tuân thủ từ nhiều năm qua.

Vì điều tôi muốn viết cho bà không phải là lời khuyên giữ gìn sức khoẻ, để tránh bệnh tật của tuổi già, hay khoe bà một chậu hoa đẹp, hoặc tặng bà chậu ớt Mễ cay xè, mời bà đến lấy!. Điều tôi muốn bày tỏ thuộc lãnh vực nghệ thuật, được phủ bằng tấm voan mỏng tinh khiết của ân tình thuở thanh xuân. Ân tình cũ đó cứ nhấp nhổm chân trước chân sau, giữa lằn ranh quá khứ và hiện tại. 

Lần này, cũng có những đắn đo như bao lần trước. Tôi cũng tự vấn lương tâm, tự soi rọi tâm tư của mình,và trong khoảnh khắc bình an nhất, trong suốt và tinh anh nhất của lý trí, tôi viết nhanh thư này, sẽ bấm “send” và không cần đọc lại.

Bà Khuê ạ , bà phải đồng ý với tôi là chúng ta đã có một thời thanh xuân đẹp đẽ và vô cùng quý báu, đúng không? Tôi nhớ lúc xem bảng niêm yết tên thí sinh thi đậu vào Đệ Thất trường Trung Học Công Lập Phan Chu Trinh Đà Nẵng, thấy tên mình ở gần đầu bảng, tôi không vui bằng thấy tên bà kế tiếp tên tôi, vì tên của hai chúng ta cùng vần K. Tôi len khỏi đám đông định chạy về baó tin cho bà, thì thấy bà nắm tay ông cụ hớt hải đi vào sân trường, tôi giơ hai tay quơ quơ trong không khí làm dấu cho bà và la toáng lên: “Hai đứa mình đậu rồi!” Bà mở to mắt bẽn lẽn nhìn tôi, còn ông cụ xoa đầu tôi tươi cười: “Chaú cũng đậu hở? Thế thì mỗi sáng cháu sang đi học chung với Khuê nhé!” Tôi sướng rơn, trái tim của chú bé 11 tuổi đầu, bỗng đập sang nhịp của người lớn. Tôi không ngại đạp xe đạp đến trường, ngay cả đi bộ cũng vậy, vì mấy năm tiểu học, tôi đã từng xách chiếc ghế con, theo gánh đậu hũ nước đường của mẹ ngang dọc xóm trên, xóm dưới, thì đi bộ một đỗi ngắn để đến ngôi trường cao quý, chẳng nhằm nhò gì cả. Thế nhưng được đi học chung với bà, quả là nguồn hạnh phúc vô biên.

Tôi nhớ hôm trường mình khai giảng, tôi được mẹ dắt sang nhà ông bà cụ của bà, hai bên nói gì tôi không rõ, chỉ biết từ đó, suốt năm Đệ Thất chúng ta đi học chung, về chung, làm bài tập chung. Hai đưá mình thay phiên nhau đứng nhất nhì trong lớp.
Bà biết tôi nhớ gì nhất trong thời gian này không? Tôi nhớ tôi với bà ngồi ở băng ghế sau chiếc xe Traction đen cùng ôn lại bài. Xe chạy, gió thổi tung mái tóc “cum bê” của bà, thỉnh thoảng vài sợi tóc ngắn tung tăng trước mắt tôi, tôi cứ để vậy vì ngửi được mùi xà phòng thơm.
Sang đến Đệ Lục tôi bị đổi sang lớp toàn nam sinh. Thế là chúngta học khác lớp, khác giờ. Nhưng vì vậy mà tình cảm tôi dành cho bà mỗi năm càng thêm háo hức và nồng ấm.

Sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, lên Đệ Tam tôi chọn ban B, bà chọn ban A. Tôi có dịp giúp bà giải mấy bài toán khó. Ngồi cạnh bà, tôi giảng thật lâu, từng chút một, bà vừa nghe, vừa mân mê mấy sợi tóc, lúc này đã dài đến lưng. Thỉnh thoảng bà vắt tóc qua vai trái, rồi vai phải, những lần như thế, hương tóc thơm lại đậu ở mũi tôi thật lâu.

Năm tụi mình học Đệ Nhị Cấp, xảy ra biến cố Tết Mậu Thân, bọn nam sinh tụi tôi qua một đêm, đã trưởng thành rất nhiều. Riêng tôi, cảm nhận được ý nghĩa thực sự của môn công dân giáo dục dạy về lòng yêu nước, về trách nhiệm của người dân đối với quốc gia.
Nhưng âm ỉ và song hành với tình cảm thiêng liêng đó, là một hạnh phúc lãng mạn, ngoài tầm tay. Tôi không thề quên hình ảnh của bà mong manh trong buổi trưa đứng chờ xe tại sân bay Phú Bài, khi chúng ta làm xong công tác xã hội sau biến cố Mậu Thân. Tóc bà dài, bị gió cuộn rối mù, bà đứng bên tôi vừa vuốt tóc, vừa than thở: “Không biết cái kẹp ba lá tui bỏ đâu tìm không ra!” Tôi chẳng biết nói gì, tóc bà theo chiều gió vừa phủ vừa mơn man vào mặt tôi. Tôi đã ước, gió cứ thổi theo chiều này mãi.

Đệ Nhị, Đệ Nhất là hai năm khó chịu nhất trong đời học sinh của tôi. Hình như lúc đó bọn nam sinh cùng khoá và mấy ông trên lớp, mới nhận ra sự hiện hữu của bà. Bọn họ như lên cơn sốt, mỗi buổi sáng trước khi vào lớp, hay giờ ra chơi, thậm chí giờ tan học, các ông tướng ấy chen lấn nhau để có chỗ tốt nhất, có thể chiêm ngưỡng bà. Tôi cố nghe xem các ông ấy bình luận gì về bà. Tim tôi đập thình thịch, chỉ sợ họ nhận ra mái tóc, mà ở một nghĩa nào đó, tôi đã tự nhận là của riêng mình, từ thuở tóc còn rất xanh, thời “cum bê” đung đưa khờ dại.

Đến hè năm Đệ Nhất, đang học thi túi bụi, một hôm Long, tên bạn thân hỏi: “Khang, hồi Đệ Thất mi đi học chung với bà Khuê hả? mi có thân với Khuê không?” Tôi ấm ứ: “Ờ, cũng thân!”; “Mi giới thiệu cho tao được không?” Tôi chưa biết trả lời thế nào, thì nó xuống nước: “Mi làm ơn giới thiệu tao với Khuê nghe. Bữa trước, Khuê đứng dưới nắng, trời gió, tóc bay tứ tung, Khuê cuống quýt đưa hai tay…bắt tóc. Đẹp quá!” Tôi trợn mắt: “Ê, không phải một mình mi thấy đẹp nghe, cả trường đều thấy, trong đó có tao!” Long tâm sự: “Tao để ý Khuê từ lâu rồi, Khuê là con nhà giàu, học giỏi, nhưng đơn giản, hiền lành. Nhiều khi tao nghĩ, chắc gì Khuê chịu mình, chắc gì đến phiên mình nhưng mê thì vẫn mê, phải không?”Tôi cười bảo nó: “Đúng rồi, mi xếp hàng sau tao rồi. Thôi học đi cha, ráng thi cho đậu, chứ rớt là khoác chiến y đó.” Long trả lời thật bất ngờ: “Đậu rớt gìtao cũng nhập ngũ!” 

Tôi chưng hửng nhìn thằng bạn thân. Hồi nào tới giờ, nó ít nói, chăm chỉ, cần cù, đã có không ít lần Long thổ lộ nó sẽ cố học đế xin học bổng đi du học. Bây giờ nó thay đổi ý kiến, tôi ngạc nhiên hỏi: “Tại sao mi có quyết định này!”; Long thản nhiên:“Gia đình dì tao bị chôn sống hồi Mậu Thân. Họ chết tức tưởi lắm! Tao chịu khôngnổi!” Tôi bàng hoàng, học cũng không vô. Hôm đó, tôi dắt Long sang thăm bà, nhớ không?
Tôi biết tình cảm của bà đối với bạn bè thật đẹp, thật bình đẳng và nhẹ nhàng. Bà không nhận nhưng không ngăn cản những tình cảm đặc biệt bọn nam sinh chúng tôi dành cho bà. Cái đó mới chết những thằng yêu thầm trộm nhớ nhưng đắm đuối như tôi và Long.

Tất cả chúng ta đều đậu Tú Tài phần Hai. Bà ra Huế học Sư Phạm, tôi có học bổng qua Đức, Long cũng có học bổng của Đức, nhưng nó từ chối và quyết định nhập ngũ. Trước khi chia tay để vào quân trường, Long có nhắc đến bà, hắn nói diễu: “Chắctao không có duyên nợ với Khuê rồi. Nhưng hễ mi có thành gia thất với Khuê, mi nhớ cho tao mượn cái đuôi tóc nghe!” Tôi nhớ tôi đã nhảy như đụng ổ kiến lửa: “Êmày, nhè bửu bối của tao mà đòi chia hả?” Nhưng Long không buông tha: “Tao nói thiệt đó, nếu Khuê là vợ mi, nhớ xin bả cho tao cái đuôi tóc!”.
Chuyện thời trẻ vừa vui, vừa liều mạng và cũng đáng yêu phải không bà?

Một thời gian sau, tôi qua Đức, và không nghe tin gì về Long cùng các bạn nữa. Ngay cả tin tức về bà, tui cũng mù tịt luôn.
Sống ở đâu thì quen đó. Nhưng đời sống ở xứ người, ngoài việc học ngôn ngữ mới, phải làm quen với phong tục tập quán lạ lẫm, còn có khoản thiếu thốn tình cảm quê hương. Hai năm đầu tôi vất vả lắm, có lúc định bỏ về nước, quỳ xuống xin cưới bà làm vợ rồi ra sao thì ra. Nhưng cũng may, những khoảnh khắc yếu đuối ấy đã qua rất nhanh, và tôi bình tĩnh trở lại. Gánh đậu hũ nước đường của mẹ tôi, tiếng kĩu kịt của đôi quang gánh oằn trên đôi vai gầy, hình ảnh thằng em út xách ghế theo mẹ… đã thúc đẩy tôi vừa học vừa kiếm thêm tiền, phụ với khoản tiền dư của học bổng, gửi về giúp mẹ lo cho các em. Trong hoàn cảnh hẩm hiu này, tôi gặp được vợ tôi. Người phụ nữ Đức có tâm hồn Việt Nam, rất dịu dàng và đạo hạnh. Nàng cũng có mái tóc dài như bà. Tôi tìm thấy ở nàng quãng đời thanh xuân của mình. Tôi bình an trong đó và mạnh dạn đi tới.

Năm 75, miền Nam thất thủ, tôi và một số bạn hữu du học ở các nước tìm cách liên lạc về nhà, nhưng Việt Nam lúc đó bị phủ kín bởi tấm màn đen kịt. Chúng tôi mất ăn mất ngủ, dõi mắt hướng về quê nhà. Tin tức về những chuyến tàu từ Việt Nam bất chấp sóng gió đang tràn ra biển tìm Tự Do lan rộng. Chúng tôi hộc tốc đi tìm bạn bè thân nhân.
Kể sao cho xiết nỗi niềm thương nhớ lo âu của tôi khi nghĩ đến Khuê và Long cùng các bạn đồng khóa, đồng môn!.

Sau hơn 20 năm xa cách, chúng ta tìm được nhau, ôn chuyện xưa, kiểm điểm bạn còn, bạn mất. Tôi còn Khuê, nhưng chưa tìm được Long. Ngày tìm được bà tôi đã khóc vì vui, nhưng nhìn ảnh bà với mái tóc dài xưa cũ, tim tôi thực sự thổn thức vì hạnh phúc. Tôi nhớ ngay mái tóc được cột phía sau, hay được vắt qua một bên, như lả lơi chờ cơn gió tinh nghịch hất tung lên, và bà sẽ cuống quýt quơ quào gom tóc lại giữa những ngón tay... 

Nhớ mái tóc của bà, tôi lại thương Long, không biết số phận nó thế nào. Tôi liên lạc được gia đình Long, nhưng họ cũng bặt tin nó từ mấy chục năm nay. Tôi không có cơ duyên để giữ đuôi tóc của bà cho nó, như nó đã dặn, nhưng lại cứ hy vọng bà vẫn giữ mái tóc, để mỗi lần nắng lên, gió lên, tôi sẽ nghĩ đến bà, và chúng ta sẽ đứng giữa trời, tóc bà theo chiều gió sẽ tung lên rối mù và mơn man trên mặt tôi, và cả Long nữa. Tôi muốn khẩn cầu bà điều này, nhưng không dám.

Tuần trước, xem ảnh của bà, mái tóc đã được cắt ngắn. Khuê ơi, bà vẫn là Khuê ngày trước, vẫn tươi cười trong nắng, nhưng tóc đã thôi bay!. Không còn đuôi tóc quấn giữ Long, Long bị vuột trôi sâu vào quá khứ. Và ân tình cũ của tôi cam phận với vị trí của nó.
Khuê ơi, cho dù bây giờ tóc đã thôi bay như trong những ngày đứng gió, nhưng chẳng bao giờ tôi quên được cảm giác những sợi tóc dài của Khuê nương theo gió, đùa giỡn mơn man trên mặt tôi. 
Bạn bà.
Khang. 

(PDH 09/13) 

________________________________________

No comments:

Post a Comment