Monday, April 13, 2020

SOCIAL DISTANCING

Trương Hữu - Hien Yuken
Vietnamese refugees from 1978 - 84 in Okinawa Japan
Bài viết từ cảm xúc của những dòng tin nhắn




Đầu tháng tư, những chồi hoa tulip trước sân nhà tôi chỉ vừa chớm nhú lên khỏi mặt đất độ gang tay, và dù cho màu sắc mỗi đóa vẫn còn là một điều bí ẩn cần phải tiên đoán thì có vẽ như mùa xuân đã về ngang qua chốn. Nhưng năm nay cái không khí rộn ràng dạo này năm trước đã chẳng còn, phố vẫn im lìm và nhà nhà vẫn mãi cài then đóng cổng. Cái không khí nô nức mọi người cùng ùa ra dọn cho sạch lại mảnh vườn, chăm chút lại từng cụm hoa xơ xác qua mùa đông đã vắng lặng. Ẩn hiện trong khung cửa sổ chỉ là những ánh mắt mệt mõi ngóng nhìn ra chừng như đang cố nhẵn nại chờ đợi một điều gì sắp đến mang theo nữa hy vọng nữa hồi hộp khốn khó. Tất cả lặng lẽ như một ngày mùa đông bão tuyết ập đến, chỉ khác chăng là cái màu trắng đục bao phủ khắp nẻo nay thay bằng nắng vỏ vàng vây kín.

Thật ra thì từ đầu tháng giêng tin về dịch Coronavirus đã xuất hiện tràn lan ở Vũ Hán. Nhưng chuyện bệnh tật từ tận đâu bên Tàu dường như chỉ là những bản tin tức thời sự nóng bỏng hàng ngày chớ ít ai ngờ chỉ mươi bữa thôi, thoáng một cái nó đã ập đến Âu châu rồi sang ngay cận kề nước Mỹ. Nếu ví cơn dịch bệnh này là một cuộc chiến thì tầm ảnh hưởng của nó còn hơn cả chiến tranh thế giới ở tốc độ lây lan và tàn khốc. Nó như một cuộc chiến mà hai bên thù địch không cần phải tuyên chiến, nó cứ lù lù lan đến và mạng người thay nhau ngả guc. Không một tiếng súng mà nay thành phố gần như ban hành tình trạng thiết quân lực. Lệnh cách ly xã hội (social distancing), khuyến cáo mọi người không nên ra khỏi nhà là giọt nước tràn ly khi tình trạng vượt mức chịu đựng về số người bị lây nhiễm và mất mác.

Cơn dịch bệnh từ con siêu vi trùng mang tên Vũ Hán hay Corona ập đến làm đảo lộn tất cả mọi thứ. Những sinh hoạt tụ tập đông người đều được lệnh huỷ bỏ. Độ giữa tháng hai vợ chồng tôi còn hớn hở đặt vé máy bay để qua thăm con gái bên kia bờ tây. Nay thì bao dự tính dẹp bỏ hết, đi vài bước ra khỏi nhà mà còn sợ sệt huống gì xách va li bay từ thành phố này sang thành phố khác. Cuối tháng ba còn có sự kiện kỷ niệm mà mấy tháng này tôi vẫn hào hứng theo dõi, chương trình hội ngộ có tên Về nguồn của nhóm tỵ nạn từng ở trại Motobu Okinawa những năm 78-84 tổ chức. Lâu nay tôi cứ tiếc mãi vì công việc bận rộn nên không thể về tham dự được. Vậy đó mà bao hoạch định chương trình thật công phu của các anh chị trong ban tổ chức nay vì con coronavirus đành phải bỏ dở cả. Rốt cuộc, chỉ có vài người đại diện về lại chốn cũ cố gắng thực hiện các tiết mục chính của chương trình tri ân con người và vùng đất đã từng cưu mang mình. Cảm ơn những tấm lòng quí hóa của các anh chị đã không ngại công sức và cả phiền toái trong cơn dịch bệnh để hoàn thành chương trình hội ngộ Về nguồn một cách thật ý nghĩa. Dù chỉ gói gọn trong những hoạt động có thể, nhưng khi xem những tấm hình và video tường thuật lại vẫn mang đến cho những người từng ở trại Okinawa những bồi hồi cảm xúc khó tả. Hy vọng vẫn có lần tới và chúng ta sẽ gặp nhau đông đủ hơn.

Mấy hôm nay cứ nghe tin các tiểu bang ở Mỹ lần lượt ban hành đủ loại lệnh khuyến cáo như social distancing, quarantine, isolation hay stay at home (shelter in place)…. Mỗi lệnh khác nhau ở mức độ cần phải thi hành. Tôi đọc báo thấy trong nước diễn đạt những từ này bằng cùng một cụm từ là “cách ly xã hội”, có gì đó mơ hồ không ổn cho lắm. Nhưng thôi, cụm từ nào thì cũng mang hàm ý chia xa, tách rời những con người với nhau. Chưa bao giờ chúng ta thấy một hình thức mang tính tiêu cực mà xã hội văn minh từng phản đối lại được đề cao và mang ra áp dụng như vậy.

Tối hôm qua tôi định ra ngoài đi bộ một lát cho bớt tù túng thì tình cờ gặp vợ chồng người hàng xóm, họ chuẩn bị lái xe rời khỏi nhà. Tôi giơ tay ra dấu chào hỏi và định bước đi thì cánh cửa sổ mở xuống, người vợ nói vọng ra “Chúc ông và gia đình luôn bình an”, tôi khá bất ngờ vội vàng đáp lại “Cám ơn bà. Cầu chúa ban phước lành cho ông bà”. Hai mươi năm tôi dọn về xóm này, ngoài những cái gật đầu, một câu chào ngắn ngũi mỗi khi chạm mặt thì đây là lần đầu tôi nhận được sự thân thiện hiếm hoi của họ. Mà không những đối với hàng xóm, trong sinh hoạt hằng ngày vợ chồng này cũng có vẻ xa cách, có gì đó rất lạnh lùng ngay cả với nhau. Hiếm hoi tôi thấy họ đi chung xe dù là trong nhừng ngày nghỉ. Bà nhà tôi tính tò mò nên hay đoán gần đoán xa là chắc họ sắp chia tay, nhất là mỗi khi ông chồng đi đâu vắng một thời gian. Vậy mà hôm nay họ cất lời thân thiết thăm hỏi người hàng xóm bao năm ở nhà đối diện, họ còn trông rất đỗi gần gũi hạnh phúc. Có điều gì đó thay đổi lớn lao từ khi cơn dịch bệnh Vũ hán ập đến. Những điều tưởng chừng bình thường như cái bắt tay hay ôm choàng thân thiện nay biến mất, bù lại tình cảm con người dường như mong muốn xích lại gần nhau hơn. Tôi chợt thầm nghĩ, con vi trùng mang tên Vũ hán hay Corona cho dù quái ác, nhưng mặt khác cũng mang đến cho chúng ta điều tích cực, như khát khao được gần gũi, điều từng thiếu vắng lâu nay trong một xã hội quá đổi bận rộn.

Chiều cuối tuần tôi lái xe ra khỏi sở làm, đường phố vắng lặng, mưa rả rích. Mọi thứ sáu trước đây là rộn ràng inh ỏi, nhưng nay tất cả âm thanh như bị che chắn bởi ảnh hưởng của con siêu vi trùng Corona quái ác. Cách ly. Social distancing, quarantine, isolation hay stay at home (shelter in place)… Chữ nào diển tả đúng nhất cho tình cảnh của chúng ta hôm nay?

Tôi chợt nhớ lại những dòng nhắn tin ngăn ngắn trưa nay của cô cháu mà mình quen biết từ những năm cùng trại tỵ nạn. Nói là cháu chứ nay tuổi đời cô cũng đã qua 40, nhưng dù sao chưa từng gặp nhau qua bao năm thì trong ý nghĩ của tôi, người đang gõ với mình qua ứng dụng messenger vẫn chỉ là cô gái nhỏ bé. Nghĩa là một cô bé con :). Cô bé kể cho tôi nghe, cuối tuần rồi như thường lệ cô đem thức ăn mình nấu đến thăm mẹ đang ở trong khu dưỡng lão. Bình thường cô bé sẽ được gần gũi nói chuyện với mẹ khá lâu, và mẹ cô vui mừng nhận từ tay cô những món ăn nóng hổi ưa thích. Vậy mà lần này cô chỉ được đậu xe thật xa để nhìn mẹ mình phía tầng trên của tòa nhà, phía sau những tấm kính. Thức ăn thì phải mang về vì viện dưỡng lão sợ mầm bệnh từ ngoài sẽ lan vào trong.

-Chưa bao giờ còn khóc nhiều như vậy đó chú. Con giống mít ướt quá phải không chú!
- Mọi tuần con đều mang thức ăn đến cho mẹ. Mà hôm nay họ không chịu nhận nữa vì trong chỗ mẹ ở vừa rồi có người nhiễm coronavirus đến thăm. Vậy là bây giờ không ai được đến thăm nữa.

-Mỗi khi nhìn lại tấm hình con vẫn còn khóc như mưa đó chú. Giờ thì con chỉ biết hằng ngày gọi cho mẹ thôi.

Cô bé nhắn cho tôi bằng những dòng chử ngắt quảng:

-Mẹ con mặc áo màu đỏ đứng trên cao đó chú.

-Hôm đó con đến mà chỉ được nhìn qua cửa số thôi ạ

-Họ không nhận bị thức ăn và đồ của con luôn.

-Khi lái xe về, nỗi buồn chưa bao giờ như vậy đó chú. Nước mắt còn tràn ra như mưa luôn. Con không còn nhìn thấy gì được hết!


Đọc những dòng chữ của cô bé làm tôi ứa nước mắt theo. Có gì đó nghèn nghẹn ở những câu nhắn đứt quảng, tôi tưởng tượng đến những giọt nước mắt của cô bé đang rơi xuống ướt cả bàn phiếm chiếc điện thoại. Tôi nghe cả tiếng xót của trái tim cô bé nhói đau vì hình ảnh của mẹ đang vẩy tay từ biệt, dù cách xa chỉ có là một khoảng không ngắn ngủi, dù cách nhau chỉ là một tấm kính trong suốt, nhưng làm sao với tới cầm tay nói lời thương yêu! Cách ly trong một cách ly. Một cái cách ly đã là đau buồn, huống gì thêm một lần cách ly giữa một con người đối với xã hội, đối với người thân. Tôi nghĩ đến những con người vì hoàn cảnh phải vào sống trong những trung tâm điều trị hay viện dưỡng lão, họ bị cách ly với xã hội. Và sợi giây liên lạc với bên ngoài chỉ là những gặp gỡ thăm viếng của người thân. Bây giờ vì dịch bệnh phải cấm đoán hết những gặp gỡ, xem như một lần nữa họ bị cách ly với thế giới bên kia tấm kính ngăn. Tôi cứ ám ảnh bởi tấm hình người mẹ vẩy tay giả từ con mình qua một tấm kính. Còn buồn chi bằng! Cầu mong sao cho dịch bệnh này chóng qua, và cô bé lại được hằng tuần đưa thức ăn vào cho mẹ. Và sẽ được ngồi gần kề bên thỏ thẻ những lời thương yêu như từng bao lần.

Mưa vẫn rơi mỗi lúc một nặng hạt hơn, cái gạt nước chừng như không đủ nhanh cho tôi nhìn rõ mặt đường trước mặt. Mắt tôi nhập nhòa cay nơi mí. Tôi nghĩ đến cô bé, đến người mẹ, đến một gia đình nhỏ mà tôi đã từng gặp đâu 40 năm trước nơi trại ty nạn Okinawa. Thời gian làm thay đổi hết mọi thứ. Cô bé lớn lên theo năm tháng thì người mẹ cũng phải già đi. Như qui luật của tự nhiên, vạn vật đều phải đổi thay… Nhưng sẽ có những thay đổi bình thường và có những điều đổi thay bất bình thường. Như một món đồ phải thay đổi mòn hao theo thời gian, thì có những thứ bất ngờ hư hao vì một vết gảy. Dịch bệnh Corona đã ảnh hưởng đời sống chúng ta như một vết gảy lìa, mà sự hàn gắn có lành lại cũng sẽ chẳng bao giờ nguyên vẹn như cũ. Cơn đau này của nhân loại rồi cũng qua đi, nhưng sẽ có nhiều thay đổi giữa chúng ta, những điều trước đây là bình thường sẽ vắng bóng hay diển ra dưới một hình thái khác. Cái cũ sẽ chỉ còn là hoài niệm.

Trương Hữu - HIEN YUKEN

____________________________

2 comments:

  1. Cám ơn Quinhon11 đã chia sẻ bài viết của tôi lên trang nhà này. Cầu mong điều tốt lành sẽ đến sớm để chận đứng cơn dịch bệnh Corona quái ác này! Chúc bạn và gia đình được an lành. Thân mến.
    Hiền

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào Anh Hiền
      QN cám ơn anh mới phải. Sau 40 năm, tình cờ tìm gặp nhau trên diễn đàn này cũng là một cái duyên. Những bài viết của anh làm QN nhớ nhiều về năm tháng cũ, gần 2 năm ở okinawa, Japan. Hai căn phòng đối diện nhau, ra vô hờ hững. Nàng thì mặt vênh lên trời, chàng thì mái tóc dài che loà xoà đôi mắt, như không cần nhìn ai, chỉ âm thầm đếm bước chân du mục. Mới đó mà 40 năm, vợ chồng, con cháu ai cũng có đủ. Cám ơn sự tình cờ dẫn dắt gặp lại. Xin chúc anh chị một đời hạnh phúc
      Hy vọng vòng tay nối với đại gia đình Okinawa của mình sẽ ngày càng dài ..
      Mến / QN

      Delete