Wednesday, April 8, 2020

Màu tím

Trong thế giới màu sắc, tím dường như được xem là quý giá, sang trọng trong phong tục Âu Châu. Màu tím là biểu tượng của hoàng gia, uy quyền và sang giàu từ nhiều thế kỷ và chính Nữ Hoàng Anh Elizabeth I đã cấm dân dã sử dụng màu tím.
Ngày xa xưa, màu tím có bảng giá rất cao vì việc chế tạo khá khó khăn nên quý hiếm, những tấm vải màu tím thường đắt giá nên chỉ một số vua chúa có thể cáng đáng nổi.
Theo lịch sử, màu tím đã xuất hiện rất sớm trong nghệ thuật, từ thời Neolith; nghệ sĩ thủa ấy đã dùng bột mangan và hematite để vẽ và tô màu bàn tay họ trên vách đá hang động. Trong thời Trung Cổ, các họa sĩ pha trộn bột màu xanh dương từ azurite hoặc lapis-lazuli với đất sét chứa sắt (đỏ), cinnabar hoặc minimum để tạo ra màu tím xanh.
Tựu trung để tạo màu tím, nghệ sĩ pha trộn các loại bột từ đất đá hoặc vỏ cây. Ðến từ vật liệu thiên nhiên nên các màu sắc ấy thay đổi, không thuần nhất, lúc đậm lúc nhạt, khi có sắc đỏ hồng, khi xanh xám… Tạm hiểu là màu tím thủa ấy có nhiều sắc khác nhau. Tuy nhiên, những sắc màu này thường hòa tan trong nước nên dễ bị phai; ánh nắng mặt trời cũng làm phai màu sắc.
Ðến thế kỷ XV, cư dân vùng Sidon và Tyre, biển Ðịa Trung Hải, đã chế tạo màu tím từ loài ốc Bolinus brandaris (tên cũ là Murex brandaris), tên dân gian là “purple dye murex”. Tyre là một hải cảng buôn bán nổi tiếng trong thời Phượng Hoàng (Phoenix), ngày nay là một địa phương trong lãnh thổ Lebanon.
Ðể thu góp “thuốc nhuộm” tím, cư dân đập vỏ ốc lấy xác và từ xác, lấy ra một hạch nội tiết. Chất lỏng từ hạch nội tiết được thu góp rồi phơi nắng; dưới ánh mặt trời chất lỏng từ màu trắng đục chuyển sang vàng – xanh lục, xanh tím, rồi trở thành đỏ, đỏ sậm và sau cùng, màu tím thẫm như màu máu khô. Và “thuốc nhuộm” màu tím từ thiên nhiên ra đời, không bị ánh nắng làm phai nhạt.
Khoảng 9,000 con ốc kể trên mới thu góp được một gram thuốc nhuộm tím có tên “Tyrian purple”. Khó khăn như thế nên điều dễ hiểu là sản phẩm này có bảng giá rất cao; và cao giá như thế nên chỉ có vua chúa Ý, Ai Cập và Ba Tư mới dùng màu tím. Cũng tại các quốc gia này, vua chúa được xem như thần thánh và khi chỉ thần thánh mới dùng màu tím thì sắc màu ấy nghiễm nhiên trở thành “linh thiêng”, “huyền bí”.

Sự đặc thù của màu tím được đề cao suốt mấy trăm năm cho đến giữa thế kỷ XIX, năm 1856, khi một nhà hóa học Anh, William Henry Perkin, tình cờ tìm ra hóa chất cho ra màu tím trong lúc loay hoay chế tạo quinine (ký ninh), một loại thuốc trị sốt rét.
Năm ấy, William Henry Perkin chỉ mới 18 tuổi, đang theo học tại Royal College of Chemistry, Luân Ðôn, và phải làm “bài tập” tại nhà trong thời gian nhà trường đóng cửa nghỉ lễ Phục Sinh. Chủ đề của bài tập là tìm cách chế ký ninh một cách dễ dàng và rẻ tiền hơn bằng các chất hóa học.
Ðể chế tạo ký ninh, chàng sinh viên trẻ tuổi đã dùng muội than, chất phế thải từ các lò gas vì thủa ấy, các nhà hóa học cho rằng ký ninh và muội than có cấu trúc hóa học từa tựa như nhau. Nhưng sau khi pha chế, thay vì tìm thấy một hợp chất trong suốt "như ký ninh", ông Perkin lại thấy một hợp chất dẻo, đen thui. Khi cố gắng chùi rửa vật dụng thí nghiệm thì hợp chất đen thui nọ để lại một màu tím sẫm; chất tím sẫm ấy lại “nhuộm” tím các món vải vóc đã dùng để lau chùi vật dụng, giặt giũ thế nào cũng không “sạch”. Dù thí nghiệm chế tạo ký ninh không thành công nhưng ông Perkin đã vô tình tìm ra cách chế tạo thuốc nhuộm tím.
Thấy hợp chất này có thể dùng để nhuộm vải nên ông Perkin nộp và xin được bản quyền về cách chế tạo thuốc nhuộm màu tím dưới tên “aniline purple” và “Tyrian purple”. Màu tím được đổi tên thành màu mận “Mauve” vào năm 1859, dựa trên tên tiếng Pháp của loài hoa purple mallow, các nhà hóa học gọi tên thuốc nhuộm ấy là “mauverine”.
Theo bà Regina Lee Blaszczyk, giáo sư ngành lịch sử thương mại tại University of Leeds và cũng là tác giả cuốn “The Color Revolution”, màu tím năm ấy lại là màu sắc được thế giới thời trang ưa chuộng, đủ mọi sắc màu tím đậm nhạt, hồng… được trưng bày khắp nơi. Và khám phá của ông Perkin đã xuất hiện đúng lúc. Tổ chức Society of Chemical Industry đã hân hoan gọi phát minh của ông Perkin là “món quà của bà tiên đỡ đầu” trao cho nhà hóa học đúng lúc, hợp tình hợp cảnh.
Khi được chế tạo dễ dàng, nhanh chóng thì màu tím không còn quý hiếm nữa, giá cả rẻ hơn; các quý tộc không còn ưa chuộng các món “rẻ tiền” nữa nên thứ dân tha hồ sử dụng.  Màu tím trở thành một món thời trang hàng đầu. Từ Pháp, Thụy Sĩ, các hãng xưởng chế tạo đều đưa ra thị trường những món vải vóc có sắc tím đậm, nhạt để may quần áo, màn mùng, rèm cửa…
Chính Hoàng Hậu Eugénie, vợ vua Napoleon III, là người dẫn đầu của “phong trào” dùng màu tím tại Âu Châu và các phụ nữ quý tộc theo sát gót!
Riêng ông Perkin, thấy khám phá của mình “ăn khách” quá nên bỏ ngang việc “học” để xúc tiến việc “hành”, ông ấy vay tiền người cha để mở xưởng sản xuất thuốc nhuộm tím, tạo nền tảng cho ngành kỹ nghệ chế tạo sản phẩm bằng hóa chất. Ðó cũng là lần đầu tiên một kỹ nghệ thành hình dựa trên khám phá khoa học. Kỹ nghệ hóa học đã đưa kỹ nghệ thời trang đến thứ dân.
Ngày nay, khi các nhà hóa học thử chế tạo “Tyrian purple” theo phương cách cổ truyền, nhà hóa học Ðức, Paul Friedlander, đã phải dùng đến 12,000 con ốc để thu góp khoảng 1.4 oz thuốc nhuộm tím, đủ để nhuộm một chiếc khăn tay và giá thành lên đến 2,000 Euro!
Dưới cái nhìn khoa học, tím nằm giữa quang phổ xanh dương và đỏ, có sắc xanh tím (violet) nhưng không phải là màu xanh tím. Xanh tím hay violet là một phần của quang phổ (color spectrum) trong khi màu tím là loại sắc màu “phụ”, chuyển biến từ hợp chất đỏ và xanh dương. Màu “bổ sung” của tím là vàng trên khuôn mẫu màu sắc Red-Yellow-Blue hay RYB.  Tím cũng không nằm trong các màu sắc của cầu vồng [do ông Isaac Newton nhận diện] nên được gọi là “non spectral color”.
Hiện nay, ta có khá nhiều “sắc” của màu tím, tùy theo mỗi “lý thuyết” về màu sắc, colorwheel, theory of color … ngay cả “ngôn ngữ” điện toán như HTML, màu sắc xuất hiện trên màn hình là kết quả từ sự pha trộn giữa đỏ, xanh lục và xanh dương; màu tím cũng là một gam màu nhiều sắc, pha trộn giữa đỏ và xanh dương, tùy theo nồng độ đỏ hay xanh dương mà ta có các sắc tím khác nhau.
Trong sách vở Việt, màu tím cũng có nhiều tên gọi: tím hoa cà, tím hoa sim, tím Huế … tùy theo độ đậm nhạt và ít nhiều sắc xanh dương hoặc sắc đỏ.
Trở lại với câu chuyện của ông Perkin: Nhà hóa học trẻ tuổi tiếp tục đưa ra thị trường các món thuốc nhuộm khác nhưng nền tảng “khoa học-kỹ nghệ” do ông ấy khởi đầu đã dẫn đến việc thành lập các kỹ nghệ khác từ hãng xưởng chế tạo sơn, bột màu … và đi xa hơn, hóa chất từ phòng thí nghiệm đã tạo nên kỹ nghệ chế tạo cao su (thay vì thu góp mủ từ cây cao su), kỹ nghệ chế tạo sợi (thay vì cạo lông thú để lấy len, nuôi tằm lấy tơ…).
Theo khái niệm kể trên thì William Henry Perkin đã là người mở đường cho các tài phiệt về sau như các ông Bill Gates, Steve Jobs, và Jeff Bezos… Tạm hiểu là sáng kiến [hữu dụng] mới mẻ nào cũng dẫn đến sự giàu có, càng hữu dụng càng kiếm được nhiều bạc, bạc triệu, bạc tỷ!
Nhìn xa hơn, người trẻ tuổi với những ý kiến tân kỳ nên được ủng hộ và trợ giúp để phát huy tiềm năng nhanh chóng và rộng rãi hơn; sự dè bỉu, cấm đoán từ người chung quanh sẽ cản trở bước tiến của xã hội?!
TLL - 21 Tháng Ba, 2020 Orlando, FL 
____________________________

No comments:

Post a Comment