Hai tháng nay, vì cái bệnh dịch Corona quái ác mà ngoài công việc phải đến sở thì ngày nghỉ tôi rất hạn chế ra ngoài, chỉ loay hoay trong nhà hết đi ra lại đi vào, hết ngồi thì lại đứng. Thời giờ thừa thải quá cũng chán, cho bớt trống trải tôi hay lên mạng internet tìm những cuốn phim hay coi lai. Tình cờ có hôm xem được một trong những tuyệt phẩm thuộc hàng top 10 của lịch sử điện ảnh thế giới: SAVING PRIVATE RYAN. Cuốn phim từng nhận được 11 đề cử tại giải Oscar và giành về 5 giải trong đó có tượng vàng cho đạo diễn và quay phim xuất sắc nhất.
“Giải cứu binh nhì Ryan” (Saving Private Ryan) là một bộ phim lấy bối cảnh trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 của đạo diễn Steven Spielberg. Nội dung cuốn phim: Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đại úy John H. Miller (vai do Tom Hanks đóng) dẫn đầu toán biệt kích đang cố gắng tìm một người lính là binh nhì James Francis Ryan thuộc đội nhảy dù đang bị kẹt trong căn cứ địch. Lý do họ phải giải cứu Ryan là bởi anh ta là con của một gia đình có bốn anh em đều đi lính mà ba người anh trai đều đã hy sinh. Ryan là đứa con còn lại duy nhất nên họ phải quyết tâm cứu Ryan để đưa anh về đoàn tụ với gia đình. Cuối phim, sau trận giao chiến khốc liệt thì toán biệt kích hoàn thành nhiệm vụ, nhưng họ chịu tổn thất lớn, trong đó bao gồm sự hy sinh của đại úy Miller.
Phim lôi cuốn vì tài dàn dựng, lối diễn xuất tuyệt vời của ekip làm phim. Nhưng trên hết có lẻ là nội dung cảm động của nó. Cuốn phim đã đề cao tinh thần nhân đạo và nhân bản. Đó là tinh thần của đạo lý hay đạo đức và lấy con người làm gốc. Xã hội nhân bản là một môi trường sống luôn coi trọng con người như là một thực thể hiện hữu – bao gồm sự sống còn và bản chất người. Trong phim Saving Private Ryan gia đình của Ryan cần phải được bảo vệ để chấm dứt chịu đựng thêm nữa những mất mác. Đó là tinh thần nhân đạo. Cần phải mang Ryan, đứa còn duy nhất còn lại của mẹ anh ấy về nhà. Đó là tinh thần nhân bản. Tôi đã xem đi xem lại cuốn phim này biết bao lần. Nhưng hể đến phân cảnh bà mẹ của anh em nhà Ryan sửng người gục xuống vì được tin 3 đứa con mình cùng tử trận, không thể chịu đựng được, tôi vội quay mặt giả vờ lờ đi cho đoạn phim trôi qua. Tôi không dám nhìn thẳng nỗi đau tột cùng của một người mẹ trong hoàn cảnh bi thảm ấy. Chiến tranh mang đến nỗi chết chóc cho những người tham dự cuộc chiến đã đành. Nhưng người thân, người vợ, người mẹ…của họ phải chịu thiệt thòi đau đớn nhiều hơn nữa. Vì họ vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân mang dai dẳng nỗi đau thập tự giá. Làm sao giảm thiểu đau thương ấy là điều quan tâm nhất trong một xã hội lấy con người làm thực thể cứu cánh. Nội dung của “giải cứu binh nhì Ryan” đã thành công khi hướng được đến điều đó.
Phim ảnh như một cuốn tiểu thuyết được rút gọn có nội dung mang tính hư cấu. Mặc dù vậy, phim trên màn ảnh vẫn phần nào phản ảnh được đời thực hay nét văn hóa của một quốc gia ở một thời đoạn. Và văn hóa luôn có tính kế thừa và thay đổi thuận chiều theo cái đã có. Xem Saving Private Ryan cho ta biết được giá trị tinh thần mà dân tộc Hoa kỳ đã coi trọng từ hàng trăm năm trước. Tinh thần ấy dù trong cuộc chiến giành độc lập, Chiến tranh thế giới hay nội chiến Nam Bắc đều được thể hiện dưới những hình thức khác nhau…
Trong lịch sử lập quốc Hoa kỳ, chiến tranh nhiều tổn thất nhất là cuộc nội chiến Nam Bắc (1861-1865). Cuộc chiến mà kết quả bi thảm với khoảng 750.000 binh sĩ và một số lượng thương vong dân sự không xác định. Cuộc chiến diễn ra để giải quyết những mâu thuẩn tranh cải đúng sai trong hiến pháp Hoa kỳ: vấn đề người nô lệ da đen và xác quyết tuyên ngôn tự do “Mọi người sinh ra đều bình đẳng (all men are created equal).
Chiến tranh Nam Bắc của Mỹ thường được nhắc đến qua những trận chiến đẫm máu giữa hai vị tướng Robert E. Lee của miền Nam và Ulysses S. Grant của miền Bắc. Có một giai thoại nổi tiếng giữa Bắc quân và Nam quân vào thời điểm cuối cuộc chiến. Khi biết không thể cầm cự nổi, tướng Lee đã xin chuẩn bị đầu hàng. Đến thời điểm hẹn gặp nhau, lẻ ra phải bàn chuyện đầu hàng, nhưng tướng Grant biết là tướng Lee đang buồn thua trận nên ông không nỡ nhắc tới, cứ ngồi nói đến các chuyện chiến tranh với người Mễ của một thời nào khác. Cuối cùng tướng Lee phải nhắc là ông tới để đầu hàng và xin được một số điều kiện. Bấy giờ tướng Grant mới lấy giấy ra viết khoảng một trang giấy rồi giao lại cho tướng Lee.
Nội dung của điều kiện đầu hàng như sau:
1. Những binh lính miền Nam sẽ không bị coi là quân đội phản quốc
2. Những binh lính miền Nam sẽ không bị đi ở tù
3. Chính phủ không được đụng tới hoặc làm họ phiền hà nếu họ chấp hành tốt luật lệ nơi cư ngụ
4. Kỵ binh được quyền mang ngựa và lừa về để giúp gia đình họ cày cấy vào mùa xuân
5. Binh lính được quyền giữ khí giới cá nhân để giúp họ bảo vệ gia đình họ.
Sau lễ đầu hàng, khi tướng Lee ra về thì tướng Grant và mọi tướng lãnh khác đều đứng nghiêm trang chào theo quân cách nhà binh. Một điều đáng nói nữa là sau chiến thắng, khi các binh sĩ miền Bắc muốn ăn mừng chiến thắng, tướng Grant đã ra lệnh cho mọi người không được ăn mừng, ông nói “họ bây giờ đã là người dân của mình” (“they are our countrymen now”).
Theo như ý ông, một khi họ đã đầu hàng thì họ đã trở thành người dân của mình, mình phải có bổn phận bảo vệ và không làm nhục họ. Cũng vì vậy mà cho đến ngày hôm nay nước Mỹ cũng không có ngày nào gọi là ngày kỷ niệm ăn mừng chiến thắng miền Nam cả. Lá cờ của phe miền Nam vẫn được treo ở các toà đô chính ở tiểu bang miền Nam. Những binh sĩ thuộc phe thua trận được trở về với gia đình để xây dựng lại cuộc đời, quê huơng sau đổ nát vì chiến tranh. Kết thúc cuộc nội chiến Hoa kỳ, không có tắm máu, không có tù đày, và một điều rất quan trọng là khái niệm thù hận giữa địch và ta hầu như không tồn tại trong suy nghĩ của người dân hai phía. Chiến tranh là để giải quyết những mâu thuẫn tồn tại chớ không phải mục đích của nó là giết hại và đày đọa con người. Lịch sử ngày càng phát triển của đất nước Hoa kỳ đã chứng minh rằng cách hành xử nhân đạo và nhân bản đó của họ là đúng đắn.
Tháng tư về tôi hay lật lại mà gặm nhấm những câu chuyện của đất nước mình kể từ có bên thắng bên thua. Những câu chuyện từ tháng tư ấy đã nói lên và nói lại được nhiều thứ. Tôi hay ngồi trước máy tính tần ngần xem lại những tấm hình trong chiến tranh. Để đôi lúc quá xao động ngỡ ngàng! Như khi trước mắt mình là một tấm hình thật đẹp, thật lịch sử của hai người lính trẻ, một của miền Nam và một thuộc quân đội miền Bắc. Họ là hai người lính ở hai bên chiến tuyến. Bức hình được chụp thời gian ngắn sau khi ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình tại Việt Nam. Bức hình thật đẹp và ấn tượng trong tinh thần hòa giải giữa hai người lính, giữa hai bên vừa tham chiến. Tấm hình ấy như một câu chuyện kể bàn bạc về mong ước hướng tìm hòa bình, hòa giải cho dân tộc mình. Để bây giờ nhìn lại ta không khỏi nuối tiếc. Phải chi tinh thần ấy mãi vẫn giữ được bằng cách này hay cách khác thì đất nước mình đâu phải chịu thêm những trầm luân đến bây giờ.
Nghĩ về cách hành xử dù trong phim ảnh hay thực tế ngoài đời của người Mỹ ta lại chua xót khi nhớ những gì đã diễn ra sau ngày 30 tháng 4, 1975 nước mình. Tiếc nuối cho một thời điểm mà đáng lẽ ra là hàn gắn đau thương, là xoa dịu mất mác sau một cuộc chiến dài giữa hai miền, giữa hai ý thức hệ. Nhưng rồi chỉ là trả thù, bắt bớ giam cầm những người bị gán cho là “ngụy”, là đánh tư sản, giật sập, đốt hết nền văn hóa bị gán cho là “đồi trụy”. Hệ lụy là gì, là vượt biên vượt biển, là chia rẻ căm thù ngày càng đào sâu giữa hai bên thắng thua dù cùng chung màu da tiếng nói. Điều đau buồn hơn hết là tinh thần đoàn kết, cái nguyên khí kết tinh cần có nhất của một dân tộc đã bị xoáy mòn. Để rồi chúng ta đã mất biết bao nhiêu đất liền và biến đảo vào tay Trung cộng mà đến cả lên tiếng phản đối thì chính quyền đương tại cũng chẳng dám thế hiện.
Những gì đã thuộc về lịch sử thì làm sao thay đổi được, và chẳng ai có thể bóp méo hay vo tròn lịch sử nổi. Làm sao chúng ta có thể quên được một đoạn đời bi thảm của mình gắn liền với niềm đau chung của dân tộc. Mỗi tháng 4 về, cái vết thương dù đã lành tấy lâu ngày bỗng trở trời lên cơn đau nhức. Tiếc thương cho những hồn oan dân Việt đã bỏ mình trong cuộc chiến hay trên hành trình tìm đường vượt thoát. Uất ức cho những người thua cuộc phải bị giam trong nhà tù gọi hoa mỹ là “trại cải tạo”. Ngậm ngùi, chua xót cho những người mẹ, người vợ phải chịu bao đắng cay, gánh vác khổ ải trên vai trong và sau ngày tàn cuộc chiến. Biết bao giờ dân tộc ta mới được sống trong một đất nước biết coi trọng những giá trị cao quí của tự do, nhân bản! Và biết bao giờ chúng ta mới có khả năng đòi lại được giang sơn đã mất vào tay thế lực chiếm đóng? Câu hỏi chỉ có được lời giải đáp thỏa đáng khi cái chính thể bịp bợm, mang đầu óc đầy hận thù Cộng sản việt nam không còn tồn tại.
___________________________
No comments:
Post a Comment