Thursday, April 2, 2020

Coronavirus : Tuổi tác và các nguy cơ

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

 Một khách bộ hành đi ngang nơi có bảng hiệu
Stay Safe and Healthy ở Los Angeles, California
(Hình : Mario Tama/Getty Images)


Độ rày, tuy có lệnh cấm không được ra khỏi nhà, nhất là cho người cao tuổi, thế nhưng, tôi vẫn phải đến phòng mạch để chăm lo sức khỏe của bệnh nhân đang cần. Có điều, tự dưng, các cô y tá có vẻ như lo lắng cho bác sĩ nhiều hơn : “Bác sĩ không còn trẻ nữa !”. Họ luôn nhắc nhở, bác sĩ phải mang khẩu trang, găng tay khi khám bệnh, thường xuyên rửa tay, lau bàn, lau tay nắm cửa cẩn thận…

Úi dào, khi con người ta không còn trẻ nữa ! Nhất là trong thời kỳ COVID-19 đang hoành hành.
Hầu như trên tất cả các quốc gia đang bị nạn dịch, lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là độ tuổi 65 trở lên. Gần đây, khi con số người nhiễm bệnh tăng cao, người ta nhận thấy Coronavirus cũng gây ra tử vong cho cả những người trẻ tuổi hơn.
Thế thì, lý do nào đã khiến cho người ta dễ bị nhiễm bệnh, và dễ sa vào những tình thế hiểm nguy, đi đến tử vong vì COVID-19 ?
Câu trả lời quy vào một mối, đó là sức đề kháng của cơ thể trước khi bị nhiễm bệnh. Khi tuổi hạc càng cao, nguy cơ bị các bệnh kinh niên như suy tim mạch, tiểu đường, suy phổi, hay ung thư càng tăng cao. Cho dù là tuổi trẻ hơn đi nữa, nếu bị một trong các chứng bệnh trên, cũng dễ bị lâm bệnh và mất mạng vì Coronavirus. Chỉ khác chăng, nguy cơ tử vong cho người cao tuổi tăng gấp đôi so với bệnh nhân trẻ tuổi hơn.
So với người còn trẻ tuổi, sức đề kháng của người cao niên không còn nhạy bén nữa. Một trong những hệ quả của tuổi già là sự xuống dốc của hệ thống miễn nhiễm : không còn đủ khả năng chống chọi với vi khuẩn xâm nhập, kể cả vi trùng cũ lẫn mới.
Lý do, bạch huyết cầu được sản xuất từ tủy xương, mà xương tủy của người già thì yếu, cho nên không thể cung cấp đủ số lượng bạch huyết khi cần. Thêm vào đó, hệ thống miễn nhiễm của người già, kém khả năng phân biệt giữa “bạn” và “thù”, có khi giết lầm luôn những tế bào bình thường của cơ thể. Hệ quả là virus không bị huỷ diệt toàn bộ, và cấu trúc của hai lá phổi bị hủy hoại tàn phá vì cả bạn lẫn thù, làm cho khó thở, mất khả năng thu nhập oxygen. Cuối cùng virrus tràn lan qua mạch máu, gọi là nhiễm trùng máu, đi đến các cơ phận khác của cơ thể, tiếp tục phá hoại và hủy diệt.
Bình thường, một người trẻ tuổi, sau khi bị nhiễm vi khuẩn và qua khỏi, sẽ được miễn nhiễm tự nhiên với loại vi khuẩn đó. Nhưng người cao tuổi thì khác, sự miễn nhiễm tự nhiên không được hoàn toàn. Do vậy, người già có thể bị tái nhiễm khuẩn nhiều lần, và thuốc chủng ngừa cũng kém hiệu lực cho người cao tuổi.
Những sự thay đổi về hệ thống miễn nhiễm liên hệ đến tuổi tác, cũng là lý do tại sao, người già dễ bị tử vong khi bị sưng phổi, cho dù là bị cúm influenza, trong mỗi mùa cúm hằng năm. Thật ra, hằng năm có độ 25,000 đến 60,000 người Mỹ chết vì cúm mùa, mà trong đó 60% là người cao tuổi.
Bảng nhắc nhở giữ khoảng cách nơi công cộng
tại sân bay Sydney International Airport ở Úc
(Hình : Mark Metcalfe/Getty Images)

Gần đây, theo số liệu từ các nước như Ý, Tây Ban Nha, và Pháp, tuy rằng 80% người chết vì cúm COVID-19 ở trong độ tuổi trên 70, nhưng phần còn lại, 5% cho tuổi 60 đến 70, và 15% cho người dưới 50 tuổi. Nếu không tính tuổi tác, thì các bệnh kinh niên như bệnh tim mạch, tiểu đường, các loại bệnh phổi, hay ung thư, cũng đóng phần quan trọng đưa đến tử vong. Chỉ có 2% người tử vong mà trước đây hoàn toàn khỏe mạnh.
Người bị bệnh tim mạch thì dễ bị suy tim khi bị nhiễm coronavirus. Còn người bị bệnh tiểu đường làm cho hệ thống đề kháng không còn bén nhạy và hiệu quả như giải thích ở trên. Riêng về bệnh phổi đa phần là vì bị giản phổi hay nghẽn phổi, gọi là COPD do ghiền thuốc lá chẳng hạn. Một phần nhỏ khác, do bị suyễn kinh niên.
Quan sát cũng cho thấy, đàn ông dễ bị tử vong hơn đàn bà. Có thể do vì nề nếp sống, như hút thuốc lá, nghiện rượu, nhưng yếu tố hormone về sinh dục, testosterone so với estrogen cũng chiếm một phần chưa thể giải thích được tại sao.
Một câu hỏi khác, tại sao nước Nhật, tỉ lệ người cao tuổi rất nhiều, có thể nói là cao hơn cả Ý và các nước Âu Châu, lại sống đông đúc ở đô thị, nhưng số người bị tử vong lại rất thấp. Một số giải thích cho rằng, người Nhật nói chung có nếp sống rất lành mạnh, ít hút thuốc lá và uống rượu nhiều như người Âu Châu, và môi trường sống rất vệ sinh.
Làm thế nào để tránh nhiễm bệnh Coronavirus ? Làm sao để tăng sức đề kháng của cơ thể ?
Cách ly xã hội, rửa tay thường xuyên, và nếu có ra ngoài thì nên giữ khoảng cách 6 feet giữa người và người. Còn chuyện tăng cường sức đề kháng của cơ thể, câu trả lời ngắn gọn là… không.
Hệ thống đề kháng của chúng ta không đơn giản để cho các loại thức ăn, thuốc bổ có thể tắt mở dễ dàng. Hai chữ “hệ thống” ở đây bao gồm một sự kết hợp phức tạp giữa nhiều tế bào, cơ phận, các chất protein, hormone làm việc với nhau để vô hiệu hoá, và huỷ diệt vi trùng. Chính trong hệ thống đề kháng, có sự kiềm chế, điều khiển hoài hoà, không dễ gì kích thích được. Cơ bản vẫn là nếp sống tốt đã có sẵn, hoặc còn quá tệ thì hãy tìm cách sửa sai. Ví dụ như giảm stress, ngủ ngon giấc, ăn uống điều độ, và tập thể dục đều đặn. Ngoài ra, không có một loại thuốc tiên nào, một sớm một chiều, có thể làm tăng sức đề kháng.
Mới đây, Tổng Thống Trump đã cho lệnh kéo dài thời gian cách ly cho đến cuối tháng Tư. Thôi thì, “thời phải thế, thế thời phải thế”, cách xa 6 feet còn hơn là nằm sâu 6 feet dưới lòng đất ! Nhất là khi, mình không còn trẻ nữa. 
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh
(Người Việt Online – Apr. 2, 2020)

No comments:

Post a Comment