Thức Trần
Lúc mới qua Mỹ, Dì bảo trợ
nói với tôi
: "... ở xứ Mỹ này người nào càng ở
lâu thì càng thiếu nợ nhiều đó con".
Lúc đó thật tình chẳng hiểu
sao Dì nói vậy, ở một thời gian thì thấy thiệt y chang.
Tụi tư bản xứ này nó móc tiền
người ta tinh vi lắm, nó dụ cho người ta thiếu nợ từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn,
này nhé :
Cái phone mới mua mấy tháng
đang xài ngon lành chẳng hư hao gì, đùng cái nó ra mẫu mới đẹp hơn, thêm một
vài chức năng mới mà chưa chắc mình cần đến, nhưng rồi thấy thiên hạ ai cũng
đùng đùng đổi phone mới, mà muốn có cái phone mới thì dễ ợt, cứ ra lấy về xài rồi
mỗi tháng trả thêm vào bill điện thoại mười mấy đồng, thế là cầm lòng không đặng
để cho có với người ta và... thiếu nợ.
Cái xe đang đi chẳng hư hao
gì, cuối năm nó ra mẫu mới, rồi nó gởi thư về nhà bảo mình là đem chiếc xe cũ của
mình ra nó đổi cho chiếc xe mới về xài chỉ trả thêm mỗi tháng có vài trăm nhằm
nhò gì... nghe lời nó ra đổi xe mới về vi vu cho bạn bè lác mắt chơi và thế là
lại thiếu thêm nợ.
Rồi từ cái tivi, tủ lạnh, máy
hát... cho đến nhà cửa, nói chung là suốt ngày suốt đêm nó gởi
giấy quảng cáo về tận nhà, mở tivi lên thì nó quảng cáo đầy các kênh, mà khổ nỗi
thẻ tín dụng nó cứ gởi về cả đống biểu xài đi, xài đi, xài đặng tạo điểm tín dụng
này nọ... Ta nói, cái tâm phải tĩnh như tâm của Phật thì mới mong thoát được những
cám dỗ hàng ngày này.
Người Mỹ có câu : “Phần lớn người ta bỏ tiền ra mua thứ người
ta không cần, để tạo ấn tượng với những người mà người ta không thích”.
Phật dạy : "Căn nguyên của đau khổ là sự lệ thuộc
vào những ham muốn".
Bởi ham muốn là một cảm xúc vốn
thay đổi liền liền, hôm nay muốn cái phone này nhưng ngày mai có thể lại muốn
cái phone khác. Nếu những quyết định trong đời của một người mà bị lệ thuộc vào
một thứ nay thay mai đổi như lòng ham muốn kia thì cuộc đời người đó sẽ mãi xáo
trộn không bao giờ tĩnh. Mà hễ không thể tĩnh được là vướng cái khổ rồi.
Cách tốt nhất, theo Phật, là
đừng để mình bị lệ thuộc hay điều khiển bởi bất cứ một sự ham muốn nào.
Và ở Mỹ, ngày càng có nhiều
người nhận ra điều mà Đức Phật đã nhìn thấy hàng ngàn năm trước. Những người
này tự gọi họ là The Minimalists (Những Người Tối Thiểu). Những Người Tối Thiểu này quan niệm rằng trong
cuộc sống đôi khi nhiều hơn chưa chắc đã tốt hơn, nó cũng giống như khi bạn đã
ăn no rồi thì dù cho bạn có nốc thêm vào bao nhiêu cao lương mỹ vị thì rồi cuối
cùng cũng chỉ là chất thải hết. Với họ vừa đủ là tốt, một cái phone nếu nó đáp ứng
được những điều cần thiết của một cái phone như là gọi điện, nhắn tin vv thì
không có lí do gì để phải bỏ nó mà mua cái phone mới. Một chiếc xe vẫn còn chạy
tốt và đưa bạn từ điểm A đến điểm B hay ngược lại thì chẳng việc gì phải mua xe
mới, một người vợ vẫn còn nấu cho bạn được bữa cơm và tối để cho bạn ngủ chung
giường thì chẳng việc gì phải kiếm vợ mới... (cái cuối cùng này tui bịa ra cho
vui... hehe...)
Bởi vậy mỗi lần ra lục thùng
thư mà mang vô nhà cả đống bills (hoá đơn) phải trả thì tôi lại thấy mấy Người
Tối Thiểu này có lý, rồi lắm lúc khùng khùng cũng muốn đi kiếm cái hang nào ở
được thì dọn dẹp rồi chui vô ở khỏi mất công trả tiền nhà, nuôi con ngựa cưỡi
đi làm khỏi trả tiền xăng, và tập ăn sống các thứ gì ăn sống được để khỏi mất
công trả tiền “chất đốt”.
Có khi sống vậy mà lòng thanh
thản hơn chăng ?
Thức Trần
No comments:
Post a Comment