Vũ Văn
Chính
Tôi thuộc thế hệ mà trong giấy
khai sanh, trong mục nơi sinh còn ghi tên đường bằng tên Tây - rue Paul Blanchy. Nói theo nam ca sĩ George Michael
trong album Song Of The Last Century, tôi thuộc
nửa sau thế kỷ trước.
Chẳng phải là hoài cổ gì, song, như người Pháp có câu nói : "Paris đã không được dựng nên chỉ trong một đêm". Sài Gòn 300 năm hơn này cũng thế. Sài Gòn như một đô thị thực sự, mới chỉ bắt đầu chưa được 150 năm, kể từ sau khi người Pháp đổ bộ vào đây. Muốn hay không muốn, nếp sống đô thị của Sài Gòn này cũng xuất phát từ một khuôn mẫu mà các ông già xưa gọi là "cô-lô-nhền" (colonial), nay gọi là thuộc địa. Muốn hay không muốn, cái khuôn mẫu đó cũng đã tồn tại gần trăm năm, trước khi nhường chỗ cho một hình thái đô thị khác như đang thấy ngày nay.
Chẳng phải là hoài cổ gì, song, như người Pháp có câu nói : "Paris đã không được dựng nên chỉ trong một đêm". Sài Gòn 300 năm hơn này cũng thế. Sài Gòn như một đô thị thực sự, mới chỉ bắt đầu chưa được 150 năm, kể từ sau khi người Pháp đổ bộ vào đây. Muốn hay không muốn, nếp sống đô thị của Sài Gòn này cũng xuất phát từ một khuôn mẫu mà các ông già xưa gọi là "cô-lô-nhền" (colonial), nay gọi là thuộc địa. Muốn hay không muốn, cái khuôn mẫu đó cũng đã tồn tại gần trăm năm, trước khi nhường chỗ cho một hình thái đô thị khác như đang thấy ngày nay.
Sài Gòn khi đó vẫn còn chưa lớn
rộng như bây giờ. Đường Nguyễn Văn Thoại (ngang khu chợ Tân Bình bây giờ) vẫn rậm
lá rừng cao su. Thậm chí đoạn từ Lăng Cha Cả đến ngả tư Bảy Hiền, trên đường Hoàng Văn Thụ bây giờ, vẫn còn là khuôn viên của
một trung tâm khảo cứu nông nghiệp.
Sài Gòn thời đó vẫn còn giữ
nguyên khuôn mẫu của một thị trấn (bourg), và lối sống
thị thành (bourgeois) trong ý nghĩa của những "đô thị"
nguyên thủy và thị dân trước khi trở thành "tư sản". Một bourg ở Châu
Âu quây quần quanh tâm điểm là mái nhà thờ. Bên cạnh đó là tòa thị chánh. Ở đó
sẽ có một quảng trường, place, park. Chung quanh đó là cái quán rượu, hàng bánh
mì, như là điểm hẹn của cả thị trấn. Người Pháp đã mang cái mô hình đó vào Sài
Gòn này. Với Nhà thờ Đức Bà trên ngọn đồi cao nhất thành phố. Nhà Bưu Điện ở
bên cạnh. Đổ dốc xuống là rue Catinat. Quẹo phải là Tòa Thị chánh, Hôtel De Ville, hết dốc là Nhà Hát Lớn, Théâtre Municipal,
quanh đó là quán xá,... Những Givral nổi tiếng với Người Mỹ Thầm Lặng, La
Pagode, Brodard là những điểm hẹn của các ông Tây bà Đầm. Trong tiếng Pháp có một
động từ rất dễ thương, động từ "s'endimancher" đến từ danh từ
"dimanche" (ngày Chúa nhật), nghĩa là diện đẹp để đi nhà thờ vào ngày
Chúa Nhật.
Người Pháp ra đi, lớp thị dân
giàu có thế chỗ. Sáng Chúa Nhật, những chiếc Peugeot 203, rồi thì 403 cứ thế mà
đậu chung quanh Nhà Thờ Đức Bà. Từng gia đình nắm tay nhau vô nhà thờ, rồi trở
ra. Trước khi lên xe ra về, cả nhà quây quần trước hai kiosque bánh mì. Hai bên
tòa nhà Bưu Điện xuất hiện hai kiosque chuyên bán bánh mì và bánh ngọt, bên
trái là quán Nguyễn Văn Ngãi, bên phải là quán
Bưu Điện. Người sành điệu mê bánh mì Nguyễn Văn Ngãi hơn, nhất là bánh mì tôm
(với sauce mayonnaise), và bánh baba au rhum nồng nàn mùi rượu. Một ổ bánh mì
tôm cho đứa con học hành khá nhất trong tuần, những đứa con còn lại, học kém
hơn, thì chỉ được ổ bánh mì "pâté" thôi. Một điểm tâm sáng thật
"công bằng", trước khi cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm thịnh soạn của
ngày Chúa Nhật. Hạnh phúc gia đình là như thế. Và ngay cả cái chất
thị dân đích thực cũng là như thế, ngăn nắp trong cả sự trù phú.
Người thị dân Sài Gòn đích thực
không hề có lối nhậu vác cả két "la de" (bia), cả thùng Budweiser, cả
chai rượu Cognac ra dằn trên bàn ! (Cái kiểu uống trăm phần trăm, pha cả lít rượu
vào cả nón sắt đựng nước dừa "ô kê thau !" đó
chỉ dành cho cánh lính trơn, thuộc "chỉ số bóp cò", sống nay chết
mai). Họ không chỉ thưởng thức từng ngụm Cognac, Martell cổ lùn vào Sài Gòn vào năm 1965 thay cho Martell cổ cao, từng
ngụm lade, mà còn thưởng thức cả việc được người phục vụ rót từng ly cho họ. Động
từ "Nhậu", xin lỗi, không được dùng trong giới này. Người thị dân thực
sự không tham "nhậu" bỏ bê gia đình, cho dù họ có là thương gia !
Chính vì lẽ đó, những bữa cơm gia đình vẫn là tối thượng. Sống như thế
không có nghĩa là "trưởng giả học làm
sang". Trái lại ! Tỉ như tui ưa "gu" thuốc lá đen, tui hút
Bastos, anh ưa "gu" thuốc thơm, anh hút Pall Mall, Lucky Strike, tùy
anh. Anh ta ưa "gu" thuốc lá the, anh ta hút "Salem", mặc
anh ta. Không ai phải mặc cảm khi hút đúng "gu" của mình cả. Ông giáo
sư, ông bác sĩ mà "ghiền" quá cũng hút Bastos như mọi người.
Người thị dân có "gia phả"
biết thưởng thức tất cả trong sự thành thật với người, trung thực với chính
"cái tôi" của mình, chứ không vong thân vì gói thuốc. Cũng như, nếu
tui là công chức, nặng gánh gia đình, sáng sáng tui ra quán hủ tíu đầu đường, uống
cà phê, ăn điểm tâm (bánh bao, xíu mại, há cảo...), đâu cần
đợi đến ngày nay mới biết ăn cũng chừng ấy món mà phải tréo quai hàm đọc thành
"dim sum" ! Ngày xưa Tân Gia Ba (Singapore), Hồng Kông làm sao sánh nổi
với Hòn Ngọc Viễn Đông này về sự thanh lịch.
Điều gì làm nên tính cách của
thị dân ? "Sự chịu chơi" ? E rằng không phải. Mà là sự thanh lịch !
Thật ra, sự thanh lịch đó mất dần từ đầu những năm 70, khi mà chiến cuộc khốc
liệt đem lối sống "nhà binh" tràn đầy thành phố.
Tất cả rồi cũng qua đi. Hào
hoa - món hàng xa xỉ trong thời chiến - thì nay lại trở nên lỗi thời giữa nhịp sống công nghiệp gấp gáp thời
bình. Thời nay, hiếm thấy còn một mảy may đấng mày râu mở cửa cho phụ nữ vào, biết kéo ghế cho
phụ nữ ngồi. Bỗng dưng nhớ lại ca khúc từng đoạt giải Grammy "Where Have
All The Cowboys Gone" của nữ ca sĩ Paula Cole. Ôi, đâu rồi những đấng trượng
phu !
Vũ Văn Chính
No comments:
Post a Comment