BS Nguyễn Quỳnh Anh & BS Hồ
Văn Hiền
Hàn Lâm Viện Nhãn Khoa khuyên bịnh nhân 40-65 tuổi nên đi
khám mắt ở bác sĩ chuyên môn (ophthalmologist) từ 2 đến 4 năm một lần dù không
có bịnh. Trên 65 tuổi nên khám một lần mỗi năm là ít nhất, có thể thường hơn.
Lý do: Những thay đổi mắt ở người già xảy ra rất
chậm, từ từ, làm bịnh nhân thích ứng với hoàn cảnh mà không để ý, không biết
rằng mắt mình mờ hơn trước, hoặc thị trường (visual field) của mình bị thu hẹp
lại, mình không còn thấy rõ những gì xảy ra ở ngoại biên tầm mắt mình, màu sắc
các sự vật mình thấy không trung thực (ví dụ màu trắng mình tưởng là vàng), đêm
tối lái xe, đèn phía trước chiếu vào mắt mình lóa không thấy rõ. Bác sĩ chuyên
khoa mắt sẽ khám thấy những thay đổi đó và sẽ có những biện pháp thích hợp để
chữa trị như cho đeo kính để điều chỉnh khúc xạ mắt (refraction correction),
giải phẫu hay cho thuốc trị chứng cườm nước làm cao áp suất trong mắt, ngăn
chặn những tổn thương có thể xảy tới cho mắt, giải phẩu lấy cườm và thay thế
bằng thấu kính nhân tạo/artificial lens, giúp tránh tai nạn cho người lái xe.
* Hỏi:
Tôi bị bịnh tiểu đường, mắt tôi không sao cả, tại sao bác sĩ bắt tôi đi khám
mắt?
Bịnh tiểu đường (diabetes mellitus) không phải chỉ có
triệu chứng đường được thải ra nước tiểu mà còn ảnh hưởng đến hầu hết các bộ
phận trong cơ thể người bịnh. Mắt là bộ phận bị ảnh hưởng nặng do bịnh tiểu
đường.
Bịnh võng mạc do tiểu đường (diabetic retinopathy), làm
hư hại võng mạc (là màng phía sau tròng mắt, nơi nhận hình ảnh do ánh sáng từ
ngoài mắt chiếu vào), là lý do hàng đầu gây ra bịnh mù ở người lớn.
Bịnh nhân cần được bác sĩ mắt nhỏ thuốc làm nở con ngươi
và khám võng mạc kỹ lưỡng và chữa trị, theo dõi thường xuyên nếu bất bình
thường. Ngoài ra, mổ cườm khô cho người tiểu đường dễ có biến chứng hơn ở người
không tiểu đường.
Người bị tiểu đường cũng dễ bị cườm nước (glaucoma) hơn.
* Hỏi:
Mắt tôi bị cườm khô (cataract), muốn mổ nhưng nhiều người bạn nói mổ xong vẫn
thấy mờ, vẫn mang kính mà không rỏ. Vậy có cần mổ không?
Cataract, hoặc cườm khô, là trường hợp thấu kính (lens)
của mắt bị vẩn đục, cản trở ánh sáng từ ngoài vào rọi trên đáy mắt (retina).
Muốn thị giác toàn hảo, ngoài việc thấu kính phải thông
suốt, cần phải có một võng mạc (đáy mắt, retina) làm việc tốt (ví dụ không bị
hư hoặc kém đi do đã bị thoái hóa vì tuổi già, hoặc hư vì bịnh tiểu đường như
nói trên), và luôn những phần khác của hệ thần kinh phải nguyên vẹn. Cho nên,
mổ mắt lấy cườm sẽ làm thị giác tốt hơn trước, thấy rõ hơn trước khi mổ, nhưng
không nhất thiết là sẽ 20/20 (tối hảo) vì còn tùy thuộc các yếu tố khác của mắt
và hệ thần kinh người bịnh.
Ngoài ra, nếu bị cườm khô (cataract), bác sĩ mắt không
thể nhìn thấy rõ phần sau của mắt nên không theo dõi và chữa trị được những
bịnh của võng mạc (retinopathy). Lấy cườm khô ra giúp cho công việc chăm sóc
của mắt dễ dàng và tốt hơn.
* Hỏi:
Thế tại sao mổ cườm khô rồi mà vẫn phải mang kính?
Ở người trẻ bình thường, không cần mang kính cũng thấy rõ
vật ở thật xa (vô tận, infinity) cũng như vật ở gần (đọc sách chữ nhỏ). Sở dĩ
được như vậy vì thấu kính (lens) trong mắt người trẻ có khả năng thích ứng
(accommodation), thay đổi tính khúc xạ của nó (tựa như máy hình hiện đại có thể
tự động zoom xa và gần).
Thấu kính nhân tạo (thế thấu kính bịnh đã đục) không có
khả năng thích ứng theo nhu cầu nhìn xa nhìn gần này, nên phải lựa chọn giữa một
loại thấu kính nhìn gần và một loại thấu kính nhìn xa. Thường thì khi mổ mắt
cườm khô, một bên mắt thì bác sĩ gắn thấu kính nhìn gần, mắt kia thì bác sĩ gắn
thấu kính nhìn xa để bịnh nhân có thể sinh hoạt bình thường mà không cần đeo
kính. Tuy nhiên, những trường hợp như đọc sách chữ nhỏ, kéo dài, bịnh nhân cũng
cần mang kính để mắt đỡ mệt và thấy rõ hơn.
Những tiến bộ trong vòng chừng mười năm nay của khoa giải
phẫu chữa bịnh khúc xạ (refraction surgery) dùng laser để trị chứng cận thị,
hay dùng thấu kính nhân tạo trong mắt (intraocular lens) để trị chứng viễn thị
nặng giúp cho một số người cận thị (thấy gần mà không thấy xa) và viễn thị
(thấy xa mà không thấy gần) khỏi cần mang kính nữa. Những tiến bộ này được áp
dụng cho những người mổ mắt vì cườm khô cũng được hưởng những lợi ích đó, là
thêm vào việc mắt họ sáng ra (vì hết bị đục), mắt họ còn được chữa các vấn đề
khúc xạ (refraction errors), giúp cho họ khỏi nhờ cậy đến các kính dày cộm sau
khi mổ, nhưng vẫn có thể cần mang kính một đôi khi.
* Hỏi:
Mắt tôi hay bị “chèm nhem”, bác sĩ cho nhỏ thuốc là nước mắt nhân tạo, tôi nhỏ
vài hôm thì khỏi, sau bây giờ vẫn bị lại như cũ?
Sở dĩ mắt chúng ta luôn luôn trong sáng vì nước mắt được
tiết ra liên tục, giữ cho mắt ướt và có tác dụng ngăn chặn nhiễm trùng, đồng
thời hệ thống ống dẫn thải nước mắt (tear duct) dư đi vào mũi ở phía dưới.
Người gìà, tuyến nước mắt làm việc kém đi, nhất là nếu
mắc những bịnh làm giảm sút cơ năng hạch nước mắt, vì vậy mắt bị khô, nhất là
lúc xem TV chăm chú, đọc sách lâu mà ít chớp mắt (“nhìn không chớp”). Do đó,
mắt bị xốn, do phản xạ, nước mắt lại sản xuất tăng lên, chảy đi không kịp làm
nhòa, nhòe mắt.
Dùng nước mắt nhân tạo có ích cho trường hợp này nhưng
phải dùng thường xuyên, không phải bớt triệu chứng rồi ngưng.
Ngoài ra, nên nhớ chớp mắt thường xuyên lúc đọc sách, xem
phim, mang kính mát hoặc tránh chỗ gió nhiều làm khô mắt nhanh hơn.
Một số trường hợp, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể gắn một
nút (plug) bằng plastic vào kênh dẫn nước mắt để giữ nước mắt lại cho mắt đỡ khô.
Một số người già mí mắt bật ra ngoài (ectropion) nên
không giữ được nước mắt, phải chảy ra ngoài. Có thể giải phẫu nếu cần .
BS Nguyễn
Quỳnh Anh & BS Hồ Văn Hiền
_______________________
No comments:
Post a Comment