nhacxua.vn
Duy Khánh - Hùng Cường - Nhật Trường - Chế Linh
Nhạc Vàng là tên thường gọi của một trong số các thể loại nhạc
được sáng tác và trình diễn ở miền Nam trước 1975. Dòng nhạc này được yêu thích
suốt từ những năm thập niên 1950 cho đến nay, kể cả thời kỳ bị cấm ở trong nước.
Hiện nay Nhạc Vàng phổ biến mạnh mẽ và được yêu thích từ Nam
chí Bắc. Theo tôi, Nhạc Vàng được yêu thích và có sức sống mãnh liệt như vậy là
do các nguyên nhân sau đây :
1. Nhạc Vàng có ca từ
đề cập đến cái Buồn.
Bất cứ nền văn nghệ nào, khi đề cập đến số phận con người, đến
cái Buồn, cũng sẽ được nhớ mãi. Âm hưởng buồn (có khi bi thương, bi tráng, bi
hùng, có khi chút thoáng) chiếm phần lớn trong Nhạc Vàng. Cái Buồn luôn chạm đến
trái tim của mọi người, ở mọi thời điểm và hoàn cảnh.
Tình yêu, sự nhớ nhung và niềm đau của các cuộc tình tan vỡ;
nỗi nhớ thương người yêu bé nhỏ nơi quê nhà bùng lên trong bước quân hành hay
giữa vùng biên thùy trong phiên gác đêm xuân. Ước vọng đoàn tụ dưới mái tranh
nghèo khi Tết đến không thành; Người bạn chiến đấu ngã xuống sau một lần xuất
kích, hay những dải khăn xô của mẹ già và thiếu phụ mất con mất chồng… Tất cả gợi
lên những nỗi buồn với nhiều cung bậc khác nhau, chạm đến trái tim của mọi người.
Đó là lý do Nhạc Vàng nhanh chóng tìm được sự đồng cảm và chia sẻ.
2. Nhạc Vàng được hát
tròn vành rõ chữ, đúng theo truyền thống âm nhạc Việt Nam.
Đây chính là lý do là khi Nhạc Vàng ra Bắc, nó như được trở
về với cội nguồn Văn Hóa Việt, từ những người con xưa từng “mang gươm đi mở
cõi”.
Chính vì điểm này, mà nó gần gũi với con người và nó trở
thành quen thuộc với bất cứ ai. Giống như thơ lục bát (ai cũng có thể làm và có
thể làm hay), ai cũng có thể hát Nhạc Vàng, ai cũng có thể hát đúng và có thể
có nhiều người hát hay. Sự lan tỏa và chiếm lĩnh của Nhạc Vàng sâu rộng như vậy
chính là nhờ điểm này.
3. Nhạc Vàng có ca từ
sang trọng và ẩn dụ.
Nhạc Vàng có ca từ sang trọng là bởi sử dụng nhiều từ Hán Việt,
vì từ Hán Việt cô đọng và hàm ẩn nghĩa và giàu sức gợi mà ít phải dùng nhiều chữ.
Thí dụ : “… thì
gót liễu mong manh, làm sao bước song hành” - (Căn Nhà Màu Tím). Thì gót liễu và song hành là những từ rất gợi, để nói đến
người con gái bé nhỏ, liễu yếu đào tơ làm sao bước song hành cùng chàng trai
nơi bưng biền, chiến địa. Chữ “gót liễu” rất gợi, gợi lên hình ảnh mảnh mai và
xinh đẹp của người con gái, đồng thời trong đó cho thấy chàng trai ý thức được
mình là trang nam nhi, dấn thân nơi chiến trường và luôn yêu thương người yêu
bé bỏng.
4. Nhạc Vàng được phối
âm phối khí tốt nhất
Nhạc Vàng được ưa chuộng và rất thịnh hành trong đời sống âm
nhạc đô thị Miền Nam. Thị trường âm nhạc của Nhạc Vàng đem lại lợi nhuận lớn
qua phát hành băng đĩa, sự nở rộ của các phòng trà âm nhạc, các buổi biểu diễn
ngoài trời, các sân khấu lớn. Vì vậy, Nhạc Vàng đã được phối âm phối khí với tất
cả các phương tiện và dàn nhạc hiện đại nhất lúc đương thời. Sự sang trọng và ẩn
dụ của ca từ, những thanh âm da diết của giai điệu, lối hát tròn vành rõ chữ của
nghệ sĩ, trên nền phối khí đầy đủ và hiệu quả, tạo cho nhạc vàng được hoàn thiện.
Tóm lại, Nhạc Vàng là một di sản nghệ thuật nằm trong nguồn
mạch của văn hóa dân tộc. Nó được sinh ra từ tâm hồn người nghệ sĩ yêu tiếng Việt
và con người.
Nhạc Vàng đi từ trái tim và chạm đến trái tim. Ca từ sang trọng và mang tính ẩn dụ khiến cho Nhạc Vàng vượt qua những cái hữu hạn cụ thể (không có trong đó ta – địch, không tuyên truyền, xóa nhòa những hữu hạn) để hướng tới sự trường tồn của văn nghệ.
Nhạc Vàng đi từ trái tim và chạm đến trái tim. Ca từ sang trọng và mang tính ẩn dụ khiến cho Nhạc Vàng vượt qua những cái hữu hạn cụ thể (không có trong đó ta – địch, không tuyên truyền, xóa nhòa những hữu hạn) để hướng tới sự trường tồn của văn nghệ.
nhacxua.vn
No comments:
Post a Comment