Từ Uyên
Một mùa Giáng Sinh nữa lại về. Không khí lành lạnh đang bao
phủ khắp đất trời. Trên đường phố, trước của các siêu thị, cửa hàng, trong từng
ngôi nhà… những cây thông Noel được trang hoàng lộng lẫy và đẹp mắt.Bên cạnh những bài nhạc Noel rộn ràng vang lên khắp chốn, đâu đó vẫn văng vẳng những bài hát Giáng Sinh xưa của một thời đáng nhớ. Cùng nghe lại nhạc và hồi tưởng lại không khí của những Giáng Sinh xưa ở Saigon sau đây…
1. Giáng Sinh thời thanh bình
Không biết khởi đi từ năm nào nhưng chắc chắn là vào thời Đệ I Cộng Hòa, mùa Giáng Sinh đến với
người dân Sài Gòn đã trở nên tưng bừng như một lễ hội lớn.
Khi dọc vỉa hè con đường Lê Lợi (lúc ấy nhiều người vẫn còn
gọi là Bonard), những Thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch được bày
bán tràn lan trên những mảnh ni-lông
rộng bằng cái chiếu, thì khách bộ hành ai nấy đều thấy len lén một niềm vui nó
cứ lớn lên dần, cho dù là “người ngoại đạo”. Giáng Sinh lại đến rồi! Một mùa hội
vui cho tuổi trẻ!
Người ta nghĩ đến những “Bal Famille” của nữ Trung Học Marie
Curie, của Ðại Học Dược Khoa và của hàng chục nơi con em của những gia đình cao
sang quyền quí tổ chức. Những lời hẹn hò quấn quít của tuổi trẻ. Tuổi trẻ khi ấy
còn nặng tính e ấp của nề nếp sống “phong gấm rủ là” chưa có được tự do thoải
mái như bây giờ. Nhưng vào dịp
Noel thì các gia đình lại tương đối buông thả cho con em được hưởng những thú
vui của tuổi trẻ nhân ngày lễ tôn giáo nhưng đã trở thành ngày hội vui của nhân
loại. Con gái có thể được phép gia đình cho đi chơi đến khuya. Con trai được
quyền bạo dạn mời các bạn gái cùng lớp, cùng trường mà ngày thường chỉ dám nhìn
trộm, không dám bắt chuyện.
Vào thời gian ấy, những năm cuối thập niên 1950 có thể được
coi như thời thanh bình, chiến tranh chưa ló mặt. Chính quyền đã thực hiện được
nhiều cải cách cho cuộc sống của người dân sau gần 10 ly loạn trước đó. Tuổi trẻ
bắt đầu làm quen với cuộc sống được du nhập về từ Tây Phương qua các du học sinh từ Paris về.
Trên cửa miệng của giới trẻ nhất là nam giới đã thấy xuất hiện những danh từ
“Lolita”, một nhân vật nữ có cuộc sống tình cảm tự do thoải mái trong một cuốn
tiểu thuyết bên trời Âu đã trở thành nếp sống mới của tuổi trẻ. Cùng với phong
trào “Hiện Sinh” với Jean Paul Sartre, Albert Calmus… do các nhà văn nhà thơ
trong tạp chí Sáng Tạo dẫn dắt phổ biến. Tạp chí Sáng Tạo khi ấy là một tờ báo
được tuổi trẻ coi như hình thức của trí thức, hiểu biết.
Ðó có thể coi như những yếu tố khiến cho tuổi trẻ trong giới
sinh viên học sinh đệ II cấp hình thành nên cái không khí Giáng Sinh của Sài
Gòn thời thanh bình.
1. Giáng Sinh của những
mùa ly loạn
Tháng 11 năm 1963, Nền Cộng Hòa Đệ I bị lật đổ, cuối năm đó Giáng Sinh đã
đến trong niềm hy vọng vào một tương lai mới.
Ðêm Giáng Sinh, 24 tháng 12 năm 1963, tuổi trẻ đã không hẹn
mà cùng nhau “xuống đường” hân hoan đón mừng một Mùa Giáng Sinh trong thể chế mới,
tin rằng đã tự do hơn, dân chủ hơn. Nhưng sau Giáng Sinh cũng là lúc bóng đen
chiến tranh bắt đầu kéo đến.
Tuổi trẻ nam giới không mấy người thoát khỏi việc phải vào
quân ngũ. Tuổi trẻ nữ giới không mấy người tránh khỏi cảnh “anh tiền tuyến, em
hậu phương” vào những mùa Giáng Sinh trải rộng khắp thôn quê thành thị. Ðể từ
đó một dòng nhạc giá trị được phát sinh thường được gọi là “nhạc Giáng Sinh” mô
tả nỗi buồn chiến tranh, những chia ly đẫm lệ, những nhớ thương da diết về những
mùa Noel cũ, chúng ta cùng đi “xem lễ” nửa đêm, cùng bên nhau quỳ xin trong
giáo đường, hẹn hò một mùa Giáng Sinh hạnh phúc bên nhau mãi mãi.
Dòng nhạc Giáng Sinh cứ nở ra mãi với những tiết điệu, âm
thanh, lời nhạc của hầu hết các nhạc sĩ và được các ca sĩ thời thượng Khánh Ly,
Lệ Thu, Thanh Thúy, Carol Kim, Thanh Lan… gửi đến da diết trong suốt những mùa
Giáng Sinh hàng năm. Cho đến tận bây giờ, từ trong nước ra đến hải ngoại, nhạc
Giáng Sinh của thời chinh chiến, phân ly vẫn là những dòng nhạc óng ả được mọi
người yêu thích. Nó đã vượt thời gian.
Từ Uyên
(nguoi-viet.com)
No comments:
Post a Comment