Friday, December 27, 2019

Nghĩ về ngày Lễ Giáng Sinh

Huy Phương


Khung cảnh Noel - (Hình: Getty Images)
Giáng Sinh, trẻ em mơ đến quà, người già nghĩ đến thời gian, kẻ lang thang mong một mái ấm ! - “Mới đó mà đã lại Giáng sinh rồi !” - Phải chăng câu nói hay ý nghĩ đó đã được lặp đi lặp lại trong những năm khi chúng ta bắt đầu bước vào tuổi già !

Một ngày qua đã nhanh, một tháng, một năm, nghĩ lại vô cùng ngắn ngủi. Nhưng nếu cuộc đời không có ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, không có Ngày Mẹ, Ngày Cha, không có  ngày Lễ Tạ Ơn, không có Giáng Sinh, thì cuộc sống này bằng phẳng, đơn điệu như một cánh đồng tuyết, trắng xóa, lạnh lẽo, vô tận, đơn điệu và buồn nản đến chừng nào !

Giáng Sinh ngày nay, trên thế giới này, không còn chỉ là một ngày lễ của Thiên Chúa Giáo nữa, vì vào ngày này hình ảnh của Đức Chúa hình như cũng mờ nhạt, nhường chỗ cho hình ảnh của Ông Già Noel Santa Claus, và thập tự giá cũng lu mờ trước ánh sáng của những ngôi sao lạ lấp lánh trên bầu trời và cả trên đường phố đêm nay.

Ví như một đấng Cứu Thế vì hạnh phúc của nhân loại, chọn sinh ra trong hình hài của một con người bình thường, tình nguyện vào đời, thì ý nghĩ của ngày lễ Giáng Sinh cũng có nghĩa là tấm lòng vị tha, nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của người khác. Ví như vào dịp lễ Noel, người ta ít chú ý đến bản thân mình, vào tiệm sắm một bộ cánh hay một đôi giày mới cho mình, mà đi tìm mua những món quà cho người khác, không chỉ một người thân mà nhiều.

Gần gũi thì vợ chồng, thương yêu thì dành cho con cái, rồi đến bạn bè và những người quen thuộc trong sinh hoạt hằng ngày. Cả đến người đưa thư mỗi ngày, hay người lao công đổ rác, có khi chúng ta không biết đến tên tuổi của họ, nhưng họ có mặt trong đời sống của chúng ta hằng ngày.

Câu chuyện mùa Giáng Sinh nổi tiếng của tác giả O’ Henry, kể lại câu chuyện hai vợ chồng nghèo. Nàng thì có mái tóc óng ả, mượt mà, mà đã lâu, không có nỗi một chiếc lược cài đẹp đẽ, chàng thì có một cái đồng hồ đeo tay, của gia bảo quý giá nhưng chưa bao giờ có được một sợi dây đeo tương xứng. Giáng Sinh là dịp họ nghĩ đến nhau nhiều nhất.

Hy vọng dành cho nhau sự ngạc nhiên, lúc Jim vắng nhà, Della xuống phố quyết định cắt mớ tóc của nàng bán đi, để mua cho Jim một sợi dây đeo chiếc đồng hồ gía trị; trong lúc trên đường về nhà, Jim tìm nơi bán chiếc đồng hồ gia bảo, hy vọng Della sẽ vui mừng khi có một chiếc lược cài mà lâu nay nàng vẫn ao ước. Buổi chiều trước Giáng Sinh, bước vào nhà, với chiếc cài trên tay, Jim ngỡ ngàng khi thấy mái tóc đẹp của vợ không còn nữa, và trên tay vợ một chiếc dây đồng hồ đẹp đẽ, sẵn sàng cho chiếc đồng hồ của chàng.

Della không còn mái tóc cho chiếc cài đẹp đẽ, Jim cũng không còn chiếc đồng hồ gia bảo xứng đáng với sợi dây đeo kia, nhưng thật sự họ đã hạnh phúc, vì tấm lòng nghĩ đến nhau.

Vào mùa Giáng Sinh có khi chúng ta nhận được những món qùa đơn giản, rẻ tiền, nhưng đó chính là tấm lòng của người cho quà, đã nghĩ đến chúng ta. Chúng ta có khi cũng ngần ngại vì một món quà tầm thường mang đến cho ai đó, nhưng ít ra trong mùa lễ này, chúng ta có lúc đã nghĩ đến họ.

Một gia đình di dân đón Giáng Sinh trong chiếc lều
ở tạm tại biên giới Mỹ - Mexico

(hình : Guillermo Arias/AFP) 
Những kẻ không nhà, những người đơn chiếc, khốn khó, bình thường có khi không để ý đến cuộc đời mình, nhưng vào ngày lễ cuối năm như Giáng Sinh, kẻ bất hạnh lại cảm thấy xót xa cho thân phận mình, vì đây là ngày lễ tượng trưng cho sự đầm ấm, sum họp và hạnh phúc của nhân loại. Ngày thường, chúng ta không thấy sự tương phản của đời sống, nhưng lúc mùa Giáng Sinh về, bao nhiêu cảnh mua sắm, no ấm, phố xá tấp nập đang diễn ra, bao nhiêu bữa ăn ngon, bao nhiêu ly rượu mừng uống cạn, bên cạnh đó có những người vô gia cư, co ro vì lạnh trên đường, dưới gầm cầu, bụng đói không tìm được một giấc ngủ bình yên.


Chính vì vậy mà một sự ân cần, vị tha, một nghĩa cử trong mùa Giáng Sinh được đánh giá cao hơn cùng một cử chỉ  ấy trong một thời gian khác.

Nước Mỹ có những điều luật khá l lùng ! Vì sao một người chân trần không giày không được bước lên xe bus. Vào mùa Đông năm ấy, Kenya Joyner, một người cảnh sát làm việc ở thành phố Wilmington, Delaware, được yêu cầu đến dẫn độ một người vô gia cư đi chân trần lên xe bus. Thay vì bắt giữ con người bất hạnh này, người cảnh sát dẫn ông này xuống xe và mua cho ông một đôi giày. Thay vì bắt giữ thì họ trao nhau một cái bắt tay.

Một buổi chiều tháng Chạp, cảnh sát viên Carlos Ramos, đang tuần tra trong khu Manhattan, nhìn thấy Robert William, một người không nhà đang ngồi run rẩy trên vỉa hè, vì đôi giày của ông này ướt sũng nên phải cởi chiếc áo ra lót dưới chân cho đỡ lạnh. Viên cảnh sát không ngần ngại cởi ngay chiếc áo ấm đang mặc  cho William.

Câu chuyện của hai nhân viên cảnh sát Kenya Joyner và Carlos Ramos được loan truyền trên internet, được cả nước Mỹ chú ý đến và nhắc nhở cho chúng ta, tình người là điều gì đó cao quý nhất !

Địa cầu này vẫn còn quá nhiều hoàn cảnh khổ đau, bất hạnh ! Hình ảnh của “Cô Bé Bán Diêm” - một câu chuyện chúng ta đọc được trong thời niên thiếu của tác giả người Đan Mạch Hans C. Andersen, là hình ảnh của những trẻ thơ đói nghèo, xót xa vẫn thường xuyên xẩy ra trong cuộc đời thường.

Những sinh hoạt từ thiện cuối năm như một bữa cơm cho người không nhà, một món quà Giáng Sinh nhỏ cho những trẻ em khốn khó tật nguyền, một lần viếng thăm bệnh viện hay nhà dưỡng lão… tựu trung cũng chỉ là những chuyện tượng trưng, trong một thế giới đầy khổ đau của nhân loại, đói khát, tật nguyền, thiên tai, chiến tranh, kỳ thị.

Đã có bao nhiêu lời ca tụng “Vinh danh Thiên Chúa trên Trời” nhưng “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” vẫn chưa thấy giữa trần gian đau khổ. Và nếu những lời cầu nguyện được Thiên Chúa hay một bậc Thần Linh nào đó đáp ứng được, thì cũng xin cầu nguyện cả cho những kẻ ác tâm sớm trở lại lòng lành, chứ không phải chỉ riêng cho người thánh thiện.

Huy Phương
(Người Việt Online - Dec. 22-2019) 


No comments:

Post a Comment