Thanh Quí
Cứ mỗi khi tôi đọc một đoản văn của bạn nào đó nhắc về quê nội, quê ngoại của mình, những địa danh như Tuy Phước, Diêu Trì, Phú Phong, Bình Định, Đập Đá, Phù Mỹ hay Bồng Sơn... nghe rất ư là quen thuộc đối với tôi, như tôi đã có đôi ba lần ghé qua ngày còn nhỏ nhưng sao lạ tôi vẫn không thể nào tưởng tượng ra được một cách tường tận cảnh làng quê của bạn với cây đa, giếng nước, trường làng, con đê...
Tôi, một con nhỏ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Qui Nhơn này. Ba mẹ tôi, chính xác không phải là dân Qui Nhơn, mà là dân ở tận nơi khác đến đây lập nghiệp, rồi sinh ra mấy anh chị em tôi tất cả ở đây. Quê mẹ tôi, một nửa Quảng Nam và một nửa Huế, rất tiếc là tôi chưa bao giờ có dịp về thăm quê ngoại vào những năm trước 75, còn những năm sau này có đôi lần tôi đã đi đến Đà Nẵng-Huế như là một du khách vậy thôi. Còn quê ba tôi ở Phú Yên, ngày còn nhỏ tôi cũng năm ba lần được đi về quê nội với gia đình nhưng những lần đó không giữ lại chút gì trong ký ức của tôi, có lẽ vì đó là những chuyến đi ngắn trong ngày, sáng đi chiều về hay là vì ông bà nội tôi mất vào những năm mà tôi chưa được sinh ra nên tôi không có kỷ niệm nhiều ở quê nội là vậy...
Với tôi Qui Nhơn là những ngày đi học tiểu học, trung học với bạn bè, có trường lớp với thầy cô. Qui Nhơn với những tháng ngày tuổi nhỏ thường hay phân bì quà ăn vặt với mấy ông anh, ham rong chơi với bạn bè và thích nghịch phá hàng xóm. Qui Nhơn với những tháng hè mỗi sáng sáng cả nhà tôi thường kéo nhau đi tắm biển và những ngày mưa dầm dề, trời ẩm lạnh buổi chiều không đi học tôi lại có cớ nằm lì ở trong giường đắp mền vừa ôm cuốn truyện đọc, vừa xé bánh tráng khoai ăn. Hay những hôm trời mưa như trút nước hai chị em tôi lấy thau hứng nước mưa để được bà nướng cho mấy trái bồ kết, nấu nồi nước gội đầu với chanh. Và ngày đó cũng ở nơi này tôi đã bắt đầu một thời mới lớn biết mắc cở, biết cảm nhận những rung động đầu đời...
Tôi nhớ Qui Nhơn có khu một với bến cảng, chạy dọc theo đường Gia Long đi ngang qua bệnh viện Thánh Gia, Tu viện, nhà thờ Chánh tòa, trường Trinh Vương còn đối diện bệnh viện phía bên kia là khu gia binh. Đi tiếp là nhà sách Trinh Vương đến nhà bảo sanh Nguyễn Thị Hằng, nơi mà nhiều thế hệ chúng ta được sinh ra ở đây. Rồi tiệm Nguyễn Gia Phước nhà chị Thuận, nhìn qua là tiệm vàng nhà Kim Quy và tiệm ảnh Trần Đức Cầu nhà anh Lụt, nơi mà thỉnh thoảng ba mẹ và anh chị em tôi đến để chụp hình gia đình làm kỷ niệm vào những dịp đặc biệt. Đi lên chút nữa là tiệm may Diệp Nga, nhà Kim Tiến, Café Mocca, bên kia là nhà in Chi Lăng, Đại lý Air Vietnam rồi tiệm Bích Phong, đi lên nữa gặp Việt Hoa nhà cô Phương Thảo, đến Lợi Hưng nhà anh em Hạc-Vân, rồi Pharmacie Trung Tâm và cái quán nhỏ bán pâté chaud thật ngon lúc nào cũng chật cứng khách, thơm nứt mũi mỗi khi tôi đi ngang qua. Qua Phan Đình Phùng là đến Xuân Cầu nhà chị Thủy cò, đến Khánh Hưng, Đại Chúng nhà Quỳnh Hương. Bên kia đường là Trung Thành nhà chị em Lan-Hồng-Lý, Tân Thích, Minh Châu, đi nữa là Phước Tân nhà chị em Liễu-Hoa là đến bến xe cũ. Đó là những tiệm trên đường Gia Long còn trong trí nhớ của tôi.
Rồi đường Phan Bội Châu khoảng gần chợ lớn Qui Nhơn là Pharmacie Tâm Thuận nhà chị em Ngọc Bông, tiệm vàng Thanh Trúc, tiệm vải Xuân Loan, rồi mấy tiệm bán đồ đất nung nào lò đất, bùng binh, siêu sắc thuốc, nồi niêu đất... mà tôi năm nào cũng là khách hàng quen thuộc ở đây. Hồi nhỏ cứ mỗi năm tôi thường hay có lệ ghé qua đây mua cho mình cái bùng binh để gom tiền lì xì Tết để dành. Qua Lê Lợi là quán Café Dung nhà chị em Nhạn-Nhơn, qua Ngô Quyền đến tiệm giày Tân Toàn, rồi tiệm hoa nhà chị em Nhung-Hằng, đến nhà chị em Dung-Dao, đối diện phía bên kia là một dãy quán bán chè và bánh bèo mà khách đến ăn tự phục vụ và tự trả tiền. Đi một khoảng nữa đến khách sạn Hoành Sơn, Pharmacie Tự Do, Hồng Bàng, kem Phi Điệp rồi đến công viên thành phố.
Ngay vòng xoay công viên thành phố có rạp Trưng Vương, nơi mà thời tuổi nhỏ mỗi khi có gánh hát ở trong Sài Gòn ra là tối tối chị em bạn dì chúng tôi thay phiên nhau đi coi hát cải lương với bà ngoại. Phía bên kia là rạp Kim Khánh của ông Diệp Năng Đức ba chị Phương thường hay chiếu phim Tàu. Phía bên hông rạp là đường Phan Đình Phùng với những tiệm sách nhỏ. Tôi nhớ lúc mười mấy tuổi tôi rất thường hay ghé qua đây, trước là để coi cọp sách truyện, sau tìm mua vài cuốn tuổi hoa. Nhìn xa xa bên kia là khách sạn Thanh Bình, từ vòng xoay này có một con đường dẫn đi ngang qua sân bay Qui Nhơn theo hướng đi vô khu sáu. Lúc đó khu sáu tôi chỉ biết có mỗi đường Nguyễn Thái Học, trường mẫu giáo Đồng Tiến của mấy sœur và phở Công Binh. Gần rạp Kim Khánh là tiệm ảnh Hồng Hà nhà Khánh Hà-Khánh Mỹ, lên hướng bến xe cũ là Pharmacie Trường Sơn, rồi quán giải khát Như Ý nhà Hà với gánh bún bò bà Cam ngon đặc biệt vào giấc chiều tối, đến Pharmacie Trung Ương của ông Lê Thanh Trình ngay vòng xoay bến xe cũ. Từ vòng xoay bến xe cũ đi tiếp con đường Gia Long theo hướng khu năm rồi rẽ qua đường Đống Đa chạy dọc theo đầm Thị Nại hay cứ việc đi thẳng con đường Gia Long ngang qua nhà thờ Qui Đức, Tháp Đôi, Cầu Đôi đến ngả ba Phú Tài gặp quốc lộ huyết mạch 1A nối liền Nam-Bắc.
Còn đường Võ Tánh chạy từ Nguyễn Huệ đến bến xe cũ, ngang qua trại hòm Minh Cảnh, vũ trường Phấn Thông Vàng của ông Chù, hẻm chùa Thầy Năm, rồi nhà thầy Minh-cô Ngọc Anh đến sân vận động Qui Nhơn. Đối diện sân vận động là Ty Thông Tin và Đài Phát Thanh, lên nữa gặp Café Lệ Đá, tiệm ảnh Mê Linh, trường tiểu học Nguyễn Huệ rồi tiệm hoa Hồng Nam nhà chị Phúc-Hải-Hà thẳng đến công viên. Còn nhà mấy chị em Diệp Kiều học giỏi ở đường Mai Xuân Thưởng, phía sau rạp Trưng Vương.
Tôi còn nhớ Lê Lợi là một trong những con đường quen thuộc tập trung các nữ sinh ở những con đường cắt ngang lân cận đổ về để đi ra Nguyễn Huệ đến trường nữ. Tôi nhớ khoảng ngã ba Bạch Đằng-Lê Lợi có hãng B.G.I. (hãng bia) ở gần đó, đi qua biệt thự của bà Tạ Xuân Lan, rồi bảo sanh viện bà Hằng, tiệm may Âu phục Hoài Xuân, tiệm may áo dài Cát Long, tiệm vàng Đồng Thạnh nhìn qua bên này quán ăn bà Kỳ nhà chị em Mai-Mỹ. Rồi rạp Lê Lợi mà hồi đó những khi được nghỉ học, bọn học trò chúng tôi vẫn còn mặc áo dài trắng, kéo nhau tới đây coi phim. Đối diện rạp, phía bên kia là tiệm thuốc bắc Dân Hòa, gần đó là quán Café Thanh Thanh nhà chị em Thanh-Vinh. Qua bên đường Phan Bội Châu là quán Café Dung, rồi đi ngang qua nhà chị Tòng, Mỹ bước đến Tăng Bạt Hổ, rồi gần ngã tư Hai Bà Trưng là nhà thầy Giác-cô Chi, rồi nhà Mỹ, nhà Nhơn, nhà chị Bạch Yến-Bạch Nga, thẳng hướng biển đi ngang qua khách sạn Quang Đạt gặp Nguyễn Huệ. Ngay vòng xoay đầu đường Lê Lợi là Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp.
Con đường Hai Bà Trưng cũng giống như Lê Lợi, là một trong những con đường tập trung nam sinh ở nhiều con đường gần đó đổ về để đi đến đường Cường Để, nơi có trường Cường Để tọa lạc. Hai Bà Trưng bắt đầu từ Lê Thánh Tôn đi ngang qua nhà tướng Ngô Du, nhà anh em Hội-Nhân, đi một mạch đến cây bông gòn nhà Hoánh, Hiếu. Qua ngã tư nhà Mỹ, Nhơn đến nhà thờ Tin Lành rồi đến ngã ba Ngô Quyền nhà thầy Huỳnh Thử, nhà ông Nguyễn Lụt ba anh Tiên, nhà anh em Kim-Tưởng-Toản, lên chút nữa là nhà thầy Túc dạy Anh Văn ở trường nữ, nhà Thăng-Thủy cao. Qua Trần Cao Vân đi lên một khoảng là quán Café Mây Mùa Thu rồi nhìn xéo qua là nhà Hồng Loan con bác sĩ Châu ở đầu hẻm. Hẻm này cũng là hẻm nhà thầy cô Độ và là ngõ sau của trường tiểu học Mai Xuân Thưởng. Đến ngã tư Võ Tánh gặp vũ trường Phấn Thông Vàng, từ đây đi hết con dốc xuống đường Cường Để gặp Bưu Điện Qui Nhơn phía bên trái, rồi Ty Ngân Khố ở đường Cường Để đến trường Cường Để, Ty Giáo Dục, rồi nhà thầy Du dạy thể dục ở trường nữ. Nhắc đến Bưu Điện tôi mới nhớ, trong những lần về Qui Nhơn có lần tình cờ tôi đã gặp lại chú phát thơ năm nào, đây cũng là một nhân vật đặc biệt của Qui Nhơn, chú ấy tên gì tôi không nhớ nữa chỉ nhớ chú là ba nuôi của chị Tòng.
Và Nguyễn Huệ là con đường dọc theo biển, đoạn đầu là khu quân sự, đó là nơi ở của gia đình mấy ông sĩ quan cấp cao. Con đường này được giao thông từ đoạn Lê Thánh Tôn trở đi. Một bên là biển với bãi cát trắng và hàng thông, một bên là Ty Y Tế, Ty Thanh Niên rồi đến trường Nữ Trung Học, Trung Tâm Văn Hóa, Tòa hành chánh đến Ngân Hàng PT Nông Nghiệp. Và từ vòng xoay trở đi Nguyễn Huệ hai bên đường là nhà dân ở, dân khu hai, đi ngang qua Tòa Sơ Thẩm, Tòa Thượng Thẩm đến Bệnh Viện Qui Nhơn, qua nhà thờ đến eo nín thở ôm lấy một đầu sân bay Qui Nhơn đến trường Lasan, rồi đi ngang trường Sư Phạm, trường Kỹ Thuật và Quân Y Viện đến Ghềnh Ráng với mộ Hàn Mặc Tử. Ở cuối đường này ôm cua đi tiếp nữa là đến nghĩa địa Công giáo, rồi nghĩa địa Phật giáo...
Nhớ về Qui Nhơn mà tôi không nhớ đến chợ lớn Qui Nhơn thì quả là một thiếu sót lớn. Chợ lớn Qui Nhơn với hai vòm nhà lồng chợ được xây dọc theo đường Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ và khuôn viên chợ là ranh giới của bốn con đường, Phan Bội Châu-Hoàng Diệu-Tăng Bạt Hổ-Trần Quý Cáp. Con đường Tăng Bạt Hổ đi ngang qua chợ, chùa sư nữ, trường Bồ Đề, chùa Long Khánh, sân vận động... Còn đường Hoàng Diệu là một cạnh của chợ, đoạn đối diện chợ có tiệm gạch bông Kim Hạnh nhà Hạnh Nhân học NK 67-74, đi lên một chút nữa là nhà có mấy chị đẹp đẹp, đó là nhà chị Nguyệt-Nga-Kiều-Ngọc Châu...
Kỷ niệm với chợ Qui Nhơn tôi không có nhiều, tôi chỉ nhớ hàng bánh canh ở trong chợ của một bác người Huế nấu, tôi ăn rất ngon. Nhớ những món ăn vặt rẻ tiền dành cho con nít như miếng kẹo đậu phộng, viên kẹo ú, sim rừng, dú dẻ, chà là... Rồi nhớ tới những lần được mẹ dẫn đi gội đầu ở một cái tiệm gội đầu bình dân nằm ở Trần Quý Cáp khoảng giữa hai vòm nhà lồng chợ. Hồi đó gội đầu tôi được nằm trên chiếc giường vạt tre và được gội đầu bằng nước bồ kết ấm ấm. Mãi mê ngắm trời mây tôi ngủ đi lúc nào không hay, chỉ biết mỗi khi gội đầu xong là tôi được đánh thức dậy để đi về với mẹ. Và nhớ nữa là hàng vải bà Dủ nhà chị Vân-Hà, nhớ đôi bàn tay đẹp, đo và cắt vải của mấy chị. Còn tôi, con nhỏ mới lớn ngớ ngẩn ngày đó vẫn thường hay hỏi, vải này có phai không??? Bà chị tôi đi cùng, đứng bên cạnh phán ngay một câu, tình còn phai mà con nhỏ này không cho vải phai!!!
Biến cố năm 75, rồi một năm sau đó tôi vô Sài Gòn đi học đại học. Từ đó mỗi năm tôi chỉ về lại Qui Nhơn vào những ngày nghỉ Tết hay đâu khoảng một tháng hè để thăm gia đình và gặp gỡ bạn bè... Và tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ tôi còn có dịp về lại quê nhà, về với Qui Nhơn nhưng rồi một ngày tôi lại về đây, điều đó thật và với tôi không gì hạnh phúc bằng!!!
***
Từ năm 79 đến nay tôi về Qui Nhơn cũng được 6,7 lần nhưng nhớ nhiều là lần về năm 88 và 97. Có thể vì lúc đó tôi có thời giờ nhiều nên ở chơi lâu, có dịp đi nhiều nơi gặp nhiều người nên nhớ nhiều. Năm 97 tôi đi du lịch Huế một mình, rồi vô Đà Nẵng, Hội An và trạm cuối tôi dừng chân lại vài ngày ở Qui Nhơn. Một buổi tối tôi chạy xe Honda chậm chậm lòng vòng nhiều con đường rồi khi đến góc Tăng Bạt Hổ-Hoàng Diệu tôi chợt sửng người, trước mặt tôi vẫn ngôi nhà với hàng chữ Đồng Ý bằng bê tông ở trên cánh cửa sắt như năm nào. Lúc đó đã 8g tối nhà hai bên đường đã đóng cửa, tôi dừng xe lại lặng nhìn ngôi nhà và thấy tuổi thơ của mình như hiện ra rất rõ trước mắt... Tôi nhớ lại cái thời tôi đi học tiểu học, thỉnh thoảng cần món gì tôi lại chạy đến đây khi thì mua cuốn vở xích lô, khi thì mua giấy màu thủ công với hồ dán hay bịch me cam thảo, kẹo bánh... Lúc đó ban đêm nhà đóng cửa nên tôi không biết tiệm tạp hóa Đồng Ý có còn đó không hay đã đổi chủ từ lâu rồi??? Hay có những buổi tối 8-9 giờ thời đó, nhiều nhà đã đóng cửa để đi ngủ sớm và tôi đã đi xe chậm chậm chạy ngang qua ngôi nhà cũ của mình nhiều lần để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa và thấy buồn làm sao đó...
Từ năm 79 đến nay tôi về Qui Nhơn cũng được 6,7 lần nhưng nhớ nhiều là lần về năm 88 và 97. Có thể vì lúc đó tôi có thời giờ nhiều nên ở chơi lâu, có dịp đi nhiều nơi gặp nhiều người nên nhớ nhiều. Năm 97 tôi đi du lịch Huế một mình, rồi vô Đà Nẵng, Hội An và trạm cuối tôi dừng chân lại vài ngày ở Qui Nhơn. Một buổi tối tôi chạy xe Honda chậm chậm lòng vòng nhiều con đường rồi khi đến góc Tăng Bạt Hổ-Hoàng Diệu tôi chợt sửng người, trước mặt tôi vẫn ngôi nhà với hàng chữ Đồng Ý bằng bê tông ở trên cánh cửa sắt như năm nào. Lúc đó đã 8g tối nhà hai bên đường đã đóng cửa, tôi dừng xe lại lặng nhìn ngôi nhà và thấy tuổi thơ của mình như hiện ra rất rõ trước mắt... Tôi nhớ lại cái thời tôi đi học tiểu học, thỉnh thoảng cần món gì tôi lại chạy đến đây khi thì mua cuốn vở xích lô, khi thì mua giấy màu thủ công với hồ dán hay bịch me cam thảo, kẹo bánh... Lúc đó ban đêm nhà đóng cửa nên tôi không biết tiệm tạp hóa Đồng Ý có còn đó không hay đã đổi chủ từ lâu rồi??? Hay có những buổi tối 8-9 giờ thời đó, nhiều nhà đã đóng cửa để đi ngủ sớm và tôi đã đi xe chậm chậm chạy ngang qua ngôi nhà cũ của mình nhiều lần để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa và thấy buồn làm sao đó...
Năm 97 lúc đó Qui Nhơn cũng đã có nhiều đổi thay nhưng lẽ dĩ nhiên thành phố đâu đó chưa được khang trang như bây giờ. Đường xá đã mở thêm nhiều nhưng tôi nhớ lúc đó chưa có đường Xuân Diệu, đó là thời gian mà nhà nước còn phải điều đình về việc đền bù giải tỏa thỏa đáng cho dân khu hai. Tôi đi tới, đi lui một mình bằng chiếc xe Honda mượn của cô bạn thân với gia đình. Tôi đi thăm bà con, người quen của gia đình và bạn bè. Những con đường cũ ngày xưa tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu nên tôi còn đi được nhưng những con đường mới thì tôi chịu thua, tôi cần phải có bản đồ thành phố hay cần có một ai đó để chỉ đường. Năm đó tôi nhớ, tôi có ghé vô 3,4 tiệm sách để tìm mua cái bản đồ Qui Nhơn và kết quả chỉ là con số 0, lúc đó tôi mới thấy tội nghiệp cho xứ sở của mình... Rồi có một buổi chiều tôi đi lanh quanh khu chợ lớn để hỏi chỗ gội đầu bằng nước bồ kết nhưng hỏi vài nơi để rồi chỉ thất vọng... Vậy mới biết là mình lạc hậu, thuốc gội đầu đời nay có biết bao nhiêu thứ mà mình vẫn cứ mơ hoài cái nồi nước gội ấm ấm bồ kết ngày xưa mới khổ!!!
Tôi cũng mừng là những năm sau này bộ mặt Qui Nhơn đã dần dần thay da đổi thịt. Thành phố, nói chung đã có những thuận lợi như có cơ sở hạ tầng tốt, có nhà ga xe lửa trong thành phố, có phi trường Phù Cát, có trường đại học, có cầu Nhơn Hội, có hai cảng Qui Nhơn và Thị Nại, có bờ biển dài nhiều cây số và một số danh lam thắng cảnh... Và tôi thật sự vui khi thấy Qui Nhơn đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, qua đó tôi cũng mong mỏi rằng đời sống dân tình quê mình mỗi ngày sẽ tốt hơn.
Tôi đã viết Qui Nhơn, Một Thời Để Nhớ như những chia sẻ với bạn, với những người thân trong gia đình mình. Đó là Qui Nhơn của những năm 65-75 hiền hòa và thân tình, mà tôi lúc đó chỉ là một đứa con gái mới bắt đầu những năm tháng đi học, đó là khoảng trời xanh mỗi khi tôi nghĩ về. Có đôi lúc tôi cứ ước gì Qui Nhơn đừng có những đổi thay, cứ luôn là vậy như trong trí nhớ của tôi, có phải là tôi ích kỹ lắm không??? Tôi biết, dòng đời luôn là những chuỗi ngày biến đổi theo quy luật và thời gian thường vẫn rất vô tình, thử hỏi có ai tắm hai lần trên một dòng sông??? Và hạnh phúc, được định nghĩa từ mỗi người mỗi khác, tôi thấy mình như kẻ lạc loài vì tôi luôn sống trong hoài niệm nhưng tôi hạnh phúc với điều đó. Và tôi vẫn luôn coi những kỷ niệm ngày đó với Qui Nhơn như là một món quà tặng tinh thần quý giá mà chúng ta ai ai cũng có thể có được, bạn có đồng ý với tôi không???
Thanh Quí
______________________________
No comments:
Post a Comment