Saturday, November 2, 2019

Những nhớ và quên

Tôi viết lại câu chuyện này để tặng người bạn thân yêu của tôi là Thanh Sâm, hiện cũng đang bị bệnh lúc nhớ lúc quên trong căn nhà ở Seattle. Với lời nhắn nhủ chung: Hãy thương yêu và chăm sóc những người bị Alzheimer; họ đang sống những ngày cô quạnh và lãng quên giữa đời.
Cái đập vào mắt tôi khi tôi trông thấy người phụ nữ lớn tuổi ấy trên hè phố, là bà không mang theo ví xách tay bên người.
Ấy là vào một  một buổi chiều. Tôi đang chở Bryan cậu con trai mười tuổi của tôi đi học piano về. Vừa quẹo trái ở một ngã tư đường nhộn nhịp thì tôi trông thấy bà đang bước đi không vững trên lối đi lát đá bên đường. Bà ấy đang làm gì ở đó nhỉ khi xe cộ vun vút chạy qua? Bà ấy đang đi về đâu? Bà trông đã ngoài bảy mươi gần tám mươi trong chiếc áo đầm hoa thẳng nếp và áo len đan màu trắng. Nhưng ví xách tay của bà đâu rồi? Có điều gì đó bất ổn ở người phụ nữ lớn tuổi này khiến tôi phải dừng xe lại.
“Con ngồi yên trong xe chờ nhé,” tôi nói với Bryan khi cởi seatbelt. Xuống xe, tôi chạy băng qua đường. Nhìn gần, người phụ nữ trông càng mỏng manh. Ở bà, cái gì cũng dễ thương – mái tóc trắng, nụ cười tin cậy.
“Chào cô,” bà nhẹ nhàng nói.
“Cháu có thể giúp bà gì không ạ?” Tôi hỏi.
“Ồ không, bà bình thường thôi,” bà nói cho tôi yên tâm. “Bà đang trên đường đi làm việc mà!” Giọng nói của bà mạnh mẽ. Rõ ràng và dứt khoát. Có thể bà bình yên, không sao hết. Có thể tôi nghĩ quá. Nhưng có điều gì đó hơi khác thường ở đây.
“Bà làm việc ở đâu ạ?”
“Bệnh viện St. Joseph. Tôi là nữ y tá trong khu phụ sản.” Bệnh viện St. Joseph ư? Chẳng thể nào như thế được. Tôi có biết bệnh viện này. Bố tôi là bác sĩ phẫu thuật và là y sĩ trưởng ở đó trước khi ông qua đời vào năm 1983. Nó ở ngay trung tâm thành phố Philadelphia, cách đây ít ra là hai mươi miles. Quanh vùng không có phương tiện chuyên chở công cộng nào cả, và tất nhiên người phụ nữ cao tuổi kia không thể nào cuốc bộ tới được. Quả có cái gì đó không ổn chút nào.
Bà lịch sự xin đi, nói là bà không thể trễ ca làm được. Mấy đứa trẻ sơ sinh đang cần bà tới tắm. Khi tôi nắm tay bà để dắt lên chỗ lề đường an toàn thì tôi thấy bà đang cầm trong lòng bàn tay một đồng 5 xu (nickel) và 2 đồng một xu (pennies). Cả tôi và bà đều chăm chú nhìn những đồng tiền sáng. “Tiền đi xe,” bà nói thì thầm khi chúng tôi nhìn vào mắt nhau.
Chuyện là thế. Bà và tôi cùng rảo bước về phía nhà tôi.
“Trời tối rồi,” tôi nói. “Bà về nhà cháu nha, và chúng ta cùng nhau dùng trà. Cháu sẽ gọi điện cho bệnh viện biết, không có gì phải lo lắng cả.” Tôi nhẹ nhõm khi thấy bà bằng lòng cho tôi dẫn ra xe.
“Tên cháu là Linda,” tôi nói khi cài thắt lưng an toàn cho bà. “Còn tên bà là gì nhỉ?”
Cái nhìn bất thần hoảng hốt của bà cho tôi hiểu mọi chuyện. Bà già rồi, trí óc đã lẫn, và tôi biết rằng người bạn mới của tôi là một trong số 24 triệu người Mỹ mắc bệnh Alzheimer, thường gặp nguy hiểm khi bỏ nhà đi lang thang.
“Ðây là con trai Bryan của tôi,” tôi nói để cho bà thanh thản trở lại. “Bryan con, con chào bà đi. Bà là nữ y tá ở bệnh viện nơi ông từng làm việc.”
Khi xe bắt đầu lăn bánh, chúng tôi chuyện trò về những năm làm việc của bà ở bệnh viện, đề tài gây cho bà hứng thú. Khuôn mặt bà chợt rạng rỡ khi nhớ lại những bà mẹ và hài nhi dưới bàn tay chăm sóc của bà. Nhưng câu chuyện của bà thỉnh thoảng lại chen vào những từ cũ xưa bây giờ không ai dùng nữa: trolley car (xe nôi trẻ em), icebox (tủ lạnh), maternity ward (khu phụ sản)… Tôi tự hỏi không biết những từ này được dùng vào giai đoạn nào nhỉ?
Về tới nhà, tôi đưa bà vào phòng khách dùng trà, đoạn bật TV lên mà không mở tiếng để xem tin địa phương. Có thể tin bà đi lạc đã được đưa lên kèm theo hình bà. Lẽ ra tôi gọi báo cảnh sát, nhưng tôi chưa muốn làm thế. Ngồi nhắp ly trà và chơi với cậu con 3 tuổi của tôi là Christian, bà có vẻ an tâm.
Với ý định tìm lại lý lịch của người phụ nữ này, tôi lần hỏi về quãng đời đã qua của bà, đề tài mà bà cảm thấy thoải mái khi trò chuyện. Khi xưa bà đi học ở đâu? Bà sống ở vùng nào khi làm nữ y tá bệnh viện? Bà có chồng con không? Nhưng tất cả các câu trả lời của bà không soi sáng được gì cả.
Chợt tấm ảnh đóng khung trên một cái bàn kề bên sofa làm bà chú ý. Ðó là hình cha tôi với những người trong gia đình. Vẻ mặt bà thoáng ánh lên sự thích thú tỏ ra bà đã nhận được người trong hình.
“Bà biết ông ấy không?” Tôi hỏi, cố không biểu lộ sự ngạc nhiên. Tất nhiên, đây là bệnh viện St. Joseph mà!
“A, đúng rồi.” Bà thốt lên. “Bác sĩ Cherken đó mà, ông lúc nào cũng hòa nhã dễ thương với các nữ y tá. Và không bao giờ quên nói lời cám ơn.”
“Bố cháu đó, bà ơi.” Tôi la lên.
“Vậy cô là con gái của ông ấy, phải không?” Bà nói. “Cô thật là may mắn.”
Thế rồi sự việc ló dạng. “Tôi cũng có một người con gái.” Bà nói và mỉm cười.
“Con gái bà hả? Vậy cô ấy sống ở đâu.“
Khi nồi xúp sắp sủi bọt, tôi bắt đầu gọi tất cả nha sĩ trong vùng.  Nửa giờ sau, tôi tìm được đúng người. “Cô gặp mẹ vợ ông nha sĩ sao?” Người tiếp viên hỏi. Rồi nối đường dây để tôi nói chuyện với ông nha sĩ.
Sau đó không lâu ông ấy tới nhà tôi. Chúng tôi nói chuyện và ông nha sĩ kể cho tôi nghe về người phụ nữ cao tuổi mẹ vợ ông. Bà ấy bị bệnh Alzheimer và ở trong nhà dưỡng lão cách chỗ tôi gặp bà không xa. Con gái của bà, là vợ của ông nha sĩ, thường tới thăm bà mỗi ngày cho tới khi cô ta lìa đời vì bệnh ung thư cách đó mấy tuần. Cái chết của con gái khiến người phụ nữ cao tuổi càng bị lạc lõng, mất phương hướng. Rõ ràng bà đang đi tìm con gái mình khi tôi gặp bà bên đường.
Tôi nắm lấy tay người bạn già đáng thương và dẫn ra ngoài xe, và rồi chúng tôi ôm nhau từ biệt. Ông nha sĩ con rể của bà cám ơn tôi rối rít vì đã tìm ra bà mẹ vợ của ông. Nhưng tôi biết người ông phải cám ơn không phải là tôi. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi còn thấy rõ vẻ mặt bà ấy ánh lên khi nhìn thấy khung ảnh cha tôi. Và tôi biết rằng chính “ông bác sĩ Cherken dễ thương” đã vỗ lên vai tôi khi tôi trên đường lái xe về nhà một buổi chiều khiến tôi quay đầu nhìn ra bên đường để thấy người phụ nữ lớn tuổi ấy bước đi.
Như Sao (theo LindaCarol Cherken)
Tháng Mười 13th, 2019


________________________________

No comments:

Post a Comment