Sunday, November 10, 2019

Nhà Thơ Ngân Giang

Người Việt

Tuyết Vân: Tôi chưa đọc thơ của bà viết. Tôi thật sự chỉ mới biết về bà trên Người Việt mới đây thôi. Nhưng cuộc đời bà đã làm tôi xúc động, nhà thơ Ngân Giang. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 ở miền Bắc. Năm lên 8 tuổi bà đã làm thơ. Năm lên 9 bà định quyên sinh nhưng kip cứu được. Năm 22 tuổi bà vào Sài Gòn làm báo, sau trở ra Hà Nội và sống cực khổ ở đó cho đến khi từ giă cõi đời. Làm một người đàn đà đã khó, mà một người đàn bà làm báo làm thơ thì phải khổ hơn. Lớn lên trong xã hội miền Bắc lúc bấy giờ với một tâm hồn của một nhà thơ chắc là phải não lòng lắm. Tôi thật sự cảm ơn Người Việt đã giới thiệu bà cho tôi biết và hôm nay tôi muốn giới thiệu bà cho các bạn đọc khác, nhà thơ Ngân Giang. Chúng tôi muốn trân trong cuộc đời của bà và cảm ơn bà những bài thơ đẹp bà để lại.



Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế. Các bút danh khác: Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên. 

Bà sinh ngày 20 Tháng Ba, 1916, trong một gia đình Nho học tại phố HàngTrống, Hà Nội; nhưng quê quán gốc của bà thì ở thôn Hướng Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

Dòng họ của bà tuy đa phần sống bằng cái nghề thêu ren và bốc thuốc bắc, nhưng lại là một dòng họ có truyền thống văn học. Nhờ vậy, mới lên 8 tuổi, bà đã có bài thơ đầu tiên tên “Vịnh Kiều” đăng trên báo Đông Pháp, với bút danh Nguyệt Quyên.

Năm 9 tuổi, đọc kinh Phật, tự cảm thấy mình mắc nhiều tội lỗi quá, nên bà định quyên sinh. Rất may, người nhà đã kịp thời phát hiện và cứu chữa.

Năm 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên Giọt Lệ Xuân, ký bút danh Hạnh Liên. Năm 21 tuổi, bà có thơ in chung trong cuốn Duyên văn. Năm 22 tuổi (1938), bà rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết cho Điện Tín nhật báo, báo Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông bán nguyệt san, Đàn Bà…

Cuộc sống hôn nhân đầy sóng gió, bà lui về bãi sông Hồng quét lá khô để bán, tối về rửa bát thuê, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho những đứa con lay lắt sống qua ngày. Rồi bà được nhận vào Hợp tác xã thêu ren. “Một bận người ta phát động chống tiêu cực, tôi mạnh dạn vạch mặt kẻ tham ô, nào ngờ tham ô thì không chết mà mình bị đuổi việc”, bà kể. Khi không còn đủ sức để ra bờ sông quét lá nữa, bà ra đầu đường mở quán bán hàng nước. Bà Ngân Giang đã sống hẩm hiu như vậy, trải hơn ba mươi năm cho đến ngày từ giã cõi đời. Bà mất ngày 17 Tháng Tám, 2002, và được chôn tại quê quán gốc của bà là làng Hướng Dương, huyện Thường Tín…

Xuân Chiến Địa

Gió dịu, mây hiền, ánh nắng tươi,
Núi sông bừng nở vạn hoa cười.
Bãi sa trường ngát men tranh đấu
Chiến sĩ say nhìn chốn viễn khơi.

Người đẹp phương trời xiết đợi mong
Một chiều nhạc ngựa rộn ven sông
Chàng đi lo trả thù dân tộc,
Đã trở về cùng những chiến công.

Lời thư và áo giai nhân ấy
Giữa độ thu sang chớm lá vàng
Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ,
Quên tình riêng nhé, nhớ giang san.

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ
Bởi say sự nghiệp khách anh hùng
Em cũng mơ người trai đất Việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.

Đẹp gì chăn gối trong khi cả
Dân tộc sôi lên chí quật cường
Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn,
Để dòng máu giặc dội biên cương.

Ngày mai trọn phận người dân nước
Vó ngựa xin dừng trước mái tranh
Để ngắm ai xưa ngồi dệt lụa,
Má đào còn thắm tóc đương xanh.

Nếu sớm hy sinh nơi chiến địa
Chữ vàng chói lọi ánh vinh quang
Em kiêu hãnh như chồng em đã
Sống với thời gian, vượt thế gian.

Đêm nay vườn trước bao nhiêu lá
Đã rụng theo nhiều với gió may
Em vội vàng đan xong chiếc áo,
Gửi người muôn dặm chắc vừa tay.

Hẳn đã nêu cao gương chiến sĩ
Nên hoa hồng nở báo vinh quang
Lòng đầy nguyện ước, đầy tin tưởng
Chép vội lời thơ gửi đến chàng.

Trăng trong một mảnh soi đôi ngả
In chếch tường hoa chiếc bóng chờ
Nguyện sẽ ấm lòng khi nhạc ngựa,
Rung đều dưới dáng liễu lơ thơ.

Lời ai xúc động lòng anh dũng
Chiến sĩ cao nhìn thẳng núi sông
Ta quyết hứa người trai đất việt,
Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.

Phất phới cờ đào bay gió cuốn
Mây vàng, kiếm sáng lóa hào quang
Các anh, một mối thù dân tộc,
Cả một mùa xuân giữa chiến trường.


Ngân Giang1946

_________________________

No comments:

Post a Comment