Phạm Lê Huy
Tôi đi "giũa"
Thế
là tôi chính thức được thu nhận vào tiệm nail của chị chủ...
"casino".
Thời gian đầu, tuy đã có bằng nhưng chưa
"chiến" gì mấy, nên tôi chỉ được làm chân tay nước cho khách nhí hay
highschool cho quen... "chiến trường" cái đã. Rồi dần dần tôi được
cho fill một vài móng lẻ tẻ của khách dễ tính. Chừng ba bốn tháng sau thì tôi
fill được nguyên bộ, sơn phết không đến nỗi tệ. Rồi “tiến lên” làm full set cũng
khá ngon lành.
Nhớ có lần làm "chân nước" rồi massage cho một "em" khách Mễ có hẹn - vì nó chỉ chịu cái “way” của tôi mà thôi - Chợt nghe có tiếng cưa gỗ hay xay lúa đâu đây, tôi ngước mắt nhìn lên, thì ra cái nàng khách ruột của tôi vì "phê" quá mà đi vào giấc điệp hồi nào không hay, lại "vô tư" há mõm ngáy khò khò nữa.
Tin tưởng hai vợ chồng tôi có thể "build" được khách nên chị chủ ấy rút lui dần dần vào... casino. Khách hẹn quen và khách walk-in cũng theo... chân chỉ mà rút qua tiệm khác. Chắc quý vị cũng đoán ra vì sao rồi. Vậy là vợ chồng tôi lặng lẽ giao tiệm lại cho chị chủ "casino" rồi cũng... rút đi tìm tiệm khác.
Ở tiệm thứ nhì này, khách khá đông, nhưng vợ chồng tôi chẳng sao tranh lại được với các cô thợ trẻ tỏ mắt lẹ tay. Tiệm này có cô thợ be bé tên Tracy lanh và lém lắm - nếu không muốn nói là láu một cây. Tay thì làm mà Tracy cứ liếc mắt dòm chừng ra cửa, thoáng thấy khách bước vào là cổ xí ngay : "Con đó của Tracy nha !" hoặc : "Con đó có hẹn với Tracy đó !". Tôi nghe bắt "nực gà" luôn, mà nghĩ lại mình là người lớn, chẳng lẽ mình lại... , nên thôi, cứ làm như mình đui mình điếc không thấy không nghe gì hết. Mà anh chị chủ tiệm lại hiền quá, cứ để mặc nó muốn "múa sao thì múa".
Nhưng
rồi "ăn quen, chồn đèn mắc bẫy". Một hôm, cô bé đó bị một "nữ lưu đồng nghiệp" trị cho
một trận bằng một cái tát tai nhá lửa, vị "nữ lưu" ấy còn thét ngay
vào mặt anh chị chủ : "Ông bà không biết làm cái con... mẹ
gì hết !", rồi túm đồ nghề đi luôn. Cô
bé Tracy kia co vòi quịt mặt chừng một tuần rồi lại chứng nào tật nấy. Chẳng
biết nó là cái thá gì
với anh chị chủ mà sao nó vẫn trơ trơ ra đấy. Vợ chồng tôi chịu đựng ở đây chừng nửa năm,
thấy cũng chẳng khá gì vì nó phức tạp quá, nên lại khăn gói quả mướp đi tìm nơi
"đất lành chim đậu".
Ở tiệm thứ ba này, xem qua thì ổn rồi. Cô chủ trẻ nhưng khéo xử sự với thợ lắm. Đâu đó thật rõ ràng, nhất là chia khách cho thợ, tránh mếch lòng nhau. Biết tôi "có tuổi kém mắt chậm tay", nên khi có khách mà đến phiên cổ thì cổ lại nhường cho tôi. Nhưng - lại nhưng - cũng có một chút lấn cấn. Đó là, có một cô thợ nhỏ tuổi nhất, là "thợ mới nhú", vậy mà lại lanh chanh tự cho mình cái quyền chia khách cho các bậc anh chị trong tiệm. Một hai lần thì chẳng nói làm gì, nhưng nhiều lần quá, nên tôi buộc phải nói xa nói gần : "Con rắn bình thường thì chỉ có một đầu. Nếu nó có hai đầu thì nó là con... quái vật". Có lẽ cô đó đã thấm ý phần nào nên thấy cái chuyện lanh chanh kia có giảm đi chút ít. Cũng may là thời gian sau, cô này đi nơi khác, cái gai trước mắt những thợ còn lại đã tự động biến mất.
(Hình : Ngọc Lan / Người Việt Online) |
Vợ tôi làm "chân tay nước" cho một cô khách khác, nó trả tiền đàng hoàng. Hôm sau nó trở lại với cái toa thuốc trên tay trị giá một-trăm-ba-mươi đô-la, nó nói vợ tôi làm chân nó bị nhiễm trùng. Có trời cũng không biết nổi thật hư ra sao. Vậy là vợ tôi phải bấm bụng mà chịu trả số tiền thuốc ấy cho nó.
Rồi có một cô khách, chị bạn của tôi - là một tay thợ giỏi lâu năm - làm bộ set cong cho nó. Sắp sửa sơn thì nó nói làm không đúng ý, nó bắt sửa lui sửa tới; nó lại nói không đúng ý nữa, rồi quày quả đứng dậy, mồm nói : "Shit... ! Shit... !", đi ra một bề. Tụi tôi nhìn theo mà ngao ngán, mà ngậm đáng nuốt cay, cô chủ chỉ nói : "Thôi cho nó đi đi, không thì nó làm ỏm tỏi lên, mình sẽ bị mất thêm khách". Ôi thôi, ba cái chuyện ngang ngược này nói quanh năm suốt tháng cũng không hết. Có những khách xách cặp chân đất cát dơ dáy hôi thúi đến cho thợ mình... rửa ráy, vân vân và vân vân.
Tôi cũng có vài ba khách hẹn cho "tip" hậu, nhưng dần dần vì không chịu nổi cái tỉ mỉ quá đáng, cái sai vặt vô lý của khách nên tôi bỏ lơ luôn cho thợ khác làm. Cái tính đàn ông của mình không chịu được như thế. Phải tận mắt nhìn thấy thợ nail bị đì lên đì xuống, bị dằn xóc ra sao mới biết được đức tính chịu đựng nhịn nhục của thợ như thế nào.
Nghĩ cho cùng, thật là tội nghiệp cho quý bà quý cô của mình, qua đây tuy làm có tiền nhưng phải chịu đựng bao cay đắng khổ nhọc nhục nhằn. Chẳng dễ gì ăn đâu. Tuy thế, cũng có nhiều khách tử tế lắm; làm xong cho tiền "tip" và kèm theo lời cám ơn vui vẻ. Đến những ngày lễ lộc (Valentine’s Day, Mother’s Day, Father’s Day, Thanksgiving Day, Christmas Day, New Year... ) thì tặng hoa tặng thiệp. Chủ và thợ chúng tôi cũng được an ủi phần nào, tạm quên đi và cũng chấp nhận luôn những chuyện bực mình do cái đám khách "ba trợn" đưa đến để yên tâm thanh toán những cái bill mà cứ mỗi cuối tháng lại tới tấp bay về, và phải chi cho xăng cho chợ nữa; nếu không thì...
Nếu
tình cờ quý vị có dịp đến cái mall nhỏ ở góc đường Normandie / Budlong, mắt
liếc nhìn vào một tiệm nails nhỏ nằm khuất sau tiệm Mac Donald, sẽ thấy có một gã đàn ông
không mấy đẫy đà đeo kính lão tóc hơi hơi muối tiêu, vừa nhịp nhịp bàn chân vừa
liêm liếm cái môi vừa đắp đắp giũa giũa thì... người ấy chính là... tôi đó.
Phạm Lê Huy
(Los Angeles, 1995)
No comments:
Post a Comment