Sunday, November 3, 2019

Khi hội nghị thành... “hội chợ”


Ngọc Lan/Người Việt

Một buổi sinh hoạt chính trị tại Little Saigon, cử tọa trên sân khấu đang nói
nhưng người tham dự phía dưới vẫn thản nhiên nói chuyện và chụp hình
(Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


WESTMINSTER, California (NV) – “Xin quý vị vui lòng giữ yên lặng!…”. Mặc cho lời “xin xỏ” nhẹ nhàng của người điều khiển chương trình, những quý ông quý bà ngồi bên dưới vẫn tiếp tục cười nói và chìm đắm trong câu chuyện riêng của mình.
Đến lời “nhắc nhở” lần nữa mang âm hưởng hơi bực bội “Đề nghị quý vị giữ yên lặng!”  thì các bà các ông có vẻ như mới giật mình ngó lên phía sân khấu và… lại tiếp tục bận rộn với cái chợ mỗi người mang theo vào trong buổi họp mặt.

Tui được sếp phân công đi viết bài cho một sinh hoạt chính trị cộng đồng. Dĩ nhiên một buổi như vậy thì luôn có đủ các vị tai to mặt lớn, có các tổ chức đoàn thể, các hội các nhóm. Có diễn văn, có phát biểu, có ca ngợi, có tuyên dương.

Nhưng mà, ôi chao là ồn không thua gì một cái chợ vào giờ đông nhất.

Tui có thói quen đứng cuối hội trường, hay một góc nào đó cách xa sân khấu để quan sát, ghi nhận những gì diễn ra mỗi khi được cắt cử đi viết bài về một sự kiện nào đó. Bởi lẽ, ở vị trí như vậy thì mới nhìn thấy đủ mọi “hỷ nộ ái ố” của cuộc đời.

Trên sân khấu, ai nói gì nói, ai phát biểu gì phát biểu, ai muốn chụp hình đưa tin gì cứ việc. Ở bên dưới mọi người cũng sốt sắng hoàn tất việc của mình, là nói. Mặc ai nấy nói. Cứ như một buổi họp mặt của mình và những người cùng bàn.

Chưa hết. Hey, có thím A, chú B, cô D, bác X ngồi ở bàn kia kìa, mình kéo qua đó chào một tiếng. Và thế là, cho dù ông thị trưởng có đang chúc mừng thành tích, ông dân biểu liên bang có đang cổ võ động viên, thì bà con bên dưới cũng cứ tưng bừng đi lại, nói năng hớn hở, và làm dáng chụp hình!

Tiếng ồn ào, tiếng nói cười dường như có sức lôi kéo, bởi người này xướng người kia họa người nọ cười thì người khác cũng muốn tham gia. Và rồi họ quên mất mình đang ở đâu, làm gì.

Nhiều ánh mắt của những người ngồi phía trên quay xuống, hướng đến nơi phát ra những tiếng ồn, như một dấu hiệu “Xin giữ yên lặng”. Nhưng tiếc là những cái miệng cứ mải mê cười nói, nên không thể nào nhận ra mình đã quá lố.

Tui cảm thấy bất bình thay cho người tổ chức, ái ngại cho những khách mời lên phát biểu, và muốn nổi giận với những người góp phần biến không gian xung quanh thành… hội chợ.

Tất nhiên là đã đi tham dự bất cứ sự kiện gì thì cũng đều phải có cười có nói, trừ lúc đi đám ma thì nói nhiều hơn cười. Nhưng “sông có khúc, nói có lúc”, lúc người khác được mời lên nói thì mình vui lòng nhịn nói một chút, đôi khi cũng chẳng phải vì mình thích nghe, mà thiết nghĩ, đó là cách hành xử của người lịch sự.

Có những sự kiện tui đi viết bài, người ta không ồn ào cười nói, nhưng họ lại… ríu rít chụp hình. Thật không thể nào hiểu nổi khi mà trên bục, trên sân khấu có người đang nói một vấn đề gì đó, mà một số người bên dưới lại rủ nhau đứng chụp hình làm duyên, làm kỷ niệm. Ối trời ơi, hình như họ không thể chờ cho đến lúc thuận tiện, lúc kết thúc hay sao ?

Chợt nhớ một lần khác, tui đi viết bài liên quan đến sinh hoạt tưởng niệm một ngày đau buồn của đất nước. Trong khi len lỏi đứng trong đám đông để lắng nghe những xúc động, những nỗi niềm, những tâm tư của người tham dự, thì đồng thời tui cũng chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt. Ra là, bên cạnh những người bỏ công ăn việc làm, bỏ thời gian để có mặt trong ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện, thì cũng có người hiện diện là để khoe quần khoe áo. Và quốc ca thì cứ cất lên, hồn thiêng sông núi vẫn cứ gọi về, nhưng những tiếng rì rầm rỉ tai nhau về chuyện giày chuyện dép vẫn không thể nào ngưng. Trong phim ảnh, người ta hay có cảnh “behind the scenes”, tui đi làm việc có những cảnh “đằng sau sân khấu” như vậy đó. Buồn không thể tả.

Dù sao, nói đi thì cũng phải nói lại. Nhiều khi mấy vị được mời lên nói cũng nhiều quá, nói nhiệt tình, nói mê say, nói đến quên cả người nghe đang ngủ hay thức. Mà cố gắng nghe một người dông dài thôi cũng được, đằng này cứ hết người này nói đến người khác nói, hình như không nói là có lỗi với bản thân nên họ phải cố chen lên để nói, ban tổ chức đôi lúc cũng “kẹt lắm” khi mời người này phát biểu mà không mời người kia cất tiếng. Thành ra người nghe bên dưới lắm lúc như bị “tra tấn” bởi những phát biểu “triền miên khói lửa”.

Lại nhớ một lần, đi dự khai mạc một triển lãm tranh. Tức là mình tới đó để xem tranh. Nhưng sao mà cứ nói. Ông này rồi bà kia đến bác nọ. Đến lúc những tưởng sức chịu đựng của mình hết rồi, muốn làm người “bất lịch sự” luôn, là mấy người cứ nói đi, tui đi coi tranh, thì may quá, người ta ngưng nói. Nhưng rồi họ chuyển qua phần cắt băng khai mạc. Một người được mời lên, hai người được mời lên, rồi ba người, bốn người… đến khi ngó lại, hình như bao nhiêu người khách mời tham dự đều được mời lên hết để cắt băng. Chen nhau mà cắt. Lại cũng không hiểu nổi, họ làm chi vậy.

Nói ra những chuyện “nhạy cảm” như thế này, chắc nhiều người nghĩ tui khó chịu. Nhưng mà… biết làm sao bây giờ, hay là cứ để... từa lưa hột dưa vậy ?

Ngọc Lan
(nguoi-viet.com - Aug. 21 - 2017)

2 comments:

  1. Chúng ta vẫn thường thấy, trong các buổi hội họp hay họp mặt, vào những giây phút thiêng liêng, có vài ba “người mẫu tranh thủ tạo dáng” chụp hình.

    ReplyDelete
  2. Nếu mấy ông, mấy bà tai to mặt lớn nói dài...nói dzai thì cũnh chẳng nên trách những người tham dự làm chi!
    Có lần tui đi đám tang, trên đang làm lễ dưới này có 2 ông nói chuyện còn to hơn tiếng kinh cầu khiến cho ai cũng phải quay lại nhìn.Có người da trắng quay lại ra dấu giữ yên lặng, chỉ được một phút rồi đâu lại vào đấy!
    Một ông da trắng chắc không chịu nổi bèn đứng dậy ra dấu mời 2 ông buôn dưa lê ra ngoài, lúc đó 2 ông mới chịu yên.
    Tui muốn độn thổ vì xấu hổ cho người Việt của mình quá! Pó ..toàn thân luôn.

    ReplyDelete