Hè về, chợt nhớ sam quê
Trang Thy
Nắng hè làm khô héo cỏ cây nhưng rau sam vẫn mướt xanh pha sắc tím. Mưa giông ngày hạ tưới tắm cho rau thêm non tươi, mọng nước, nhiều nhánh rau to bằng chiếc đũa ăn cơm.
Rau sam chế biến được nhiều món: xào, trộn dầu và dấm, nấu canh… nhưng khá đơn giản là rau sam kho với dầu phộng. Dùng tay ngắt những đoạn ngắn rồi rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo nước. Đun nước trên bếp với vài hạt muối và ít dầu phộng đến khi nước sôi thì cho rau vào. Dùng đũa đảo nhẹ cho rau chín đều rồi nhấc xuống khỏi bếp, vớt rau ra đĩa, đặt vào mâm bên cạnh bát nước mắm giã ớt, tỏi, đường và pha ít nước cốt chanh. Nước kho rau có thể dùng thay cho món canh, bữa cơm dân dã mà không kém phần ý vị.
Vài nhánh rau chấm mắm giòn tan trong miệng tạo cảm giác thích thú cho người thưởng thức. Vị chua dịu của rau và chanh lẫn vị mặn của mắm hòa cùng hương vị cay nồng của ớt, tỏi cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Bát nước luộc rau phơn phớt tím với vị chua dịu tiết ra từ rau, vị béo của dầu phộng xua đi mệt nhọc giữa trưa hè.
Thiên nhiên diệu kỳ. Mặc cho nắng như đổ lửa, rau sam cùng nhiều loại rau dại vẫn tốt tươi. Có lẽ chúng hấp thu hơi nóng của trời kết hợp với dưỡng chất của đất để tạo nên những chất mát lành cho cơ thể con người.
Món rau sam thường hiện diện trong bữa cơm đạm bạc giữa ngày nắng hạn, khi các loại rau, trái “vắng bóng” vì không chịu nổi những trưa nắng đổ lửa. Sau buổi làm đồng, các mẹ, các chị cắp chiếc rổ tìm nhặt những nhánh rau non tơ.
Trẻ thơ chăn trâu, bò cũng lúi húi nhặt những ngọn rau mọng nước để nhận được cái xoa đầu của mẹ, ánh mắt trìu mến của cha.Giữa chốn thị thành, những người con xa quê chợt bồi hồi khi gặp mớ rau tươi xanh pha sắc tím nằm khiêm nhường bên các loại rau trái khác. Hình bóng ngày xưa chợt hiện về với những bữa cơm gia đình đầy ắp tiếng cười nơi làng quê.
Nao lòng cá ngạnh kho tương
Cá ngạnh kho tương trong bữa cơm gia đình
Ảnh: Trang Thy
|
Cá ngạnh kho tương sẫm màu tỏa hương thơm dịu như gọi mời. Đĩa cá kho dân dã phảng phất hương vị làng quê làm ấm lòng chiều mưa lạnh.
Mưa giăng kín đất trời. Ruộng đồng sau mùa gặt ngập chìm trong nước. Cá nối đuôi nhau ngược sông suối lên đồng kiếm thức ăn, tìm bạn tình. Dân gian gọi hiện tượng này là “cá lên” sau cả năm đợi chờ.
Người trong làng í ới gọi nhau mang áo che mưa ra đồng bắt cá. Đồng quê nhộn nhịp, bước chân bì bõm làm xao động mặt nước. Những tấm lưới giăng nơi ruộng sâu đón cá tung tăng bơi lội. Nhiều bậc cao niên dạo bộ bên bờ suối rồi thong thả buông nhá cạnh vũng nước xoáy.
Mọi người gọi nhau về nhà với nụ cười tươi khi nghe tiếng cá quẫy rột roạt trong chiếc giỏ đeo bên hông. Nhác thấy bóng cha ngoài đầu ngõ, lũ trẻ tíu tít nói cười rồi xăng xái tìm rổ tre cho mẹ đổ cá ra khỏi giỏ. Anh em tranh nhau lựa cá chợt "ối, đau quá" khi bị cá ngạnh đâm vào tay. Loại cá lớn chừng hơn ngón tay cái với ngạnh nhọn trên lưng và hai bên thân đâm vào thịt da đau buốt tựa kim châm. Dẫu vậy, nhiều người vẫn chuộng loại cá "đến chết cũng không bỏ nết đâm bừa" vì thịt khá thơm ngon.
Cá ngạnh nấu canh chua, um với khế hay kho tương được người dân quê "ưu ái" trong bữa cơm gia đình nơi làng quê. Nhiều bà nội trợ lựa mớ cá ngạnh để kho tương với phương pháp chế biến đơn giản. Dùng dao chặt ngạnh cá, mổ bỏ ruột rồi xát qua muối và rửa sạch, vớt ra rổ cho ráo nước. Sau đó, cho cá cùng dăm lát ớt xắt mỏng vào nồi rồi đổ nước tương ngập lên trên và bắc lên bếp đun nhỏ lửa.
Tương làm từ cơm gạo, muối và bánh dầu (xác đậu phộng sau khi ép lấy dầu) cùng những loại gia vị trong gian bếp nhỏ. Qua bàn tay khéo léo, những nguyên liệu sẵn có trở thành món nước chấm tuyệt hảo làm nao lòng bao người. Vị ngọt, mặn, béo cùng hương thơm của tương cho món cá kho thêm đậm đà, phảng phất hương vị làng quê yên ả
Cơm gạo lúa mới dẻo thơm ăn cùng cá ngạnh kho tương là sự kết hợp tuyệt vời cho bữa cơm gia đình thêm ấm cúng trong một chiều mưa lạnh.
Trang Thy (TN.VN)
___________________________
No comments:
Post a Comment