Monday, October 28, 2019

Nails "đến" với tôi - (Phần I)

Phạm Lê Huy
Phần I - Tôi đi học "giũa"

Redondo Beach Beauty College 
Cái việc tôi đi học "giũa" này là do "nó" chọn tôi chớ tôi không có chọn "nó" !
Chắc cũng giông giống như phần lớn dân Mỹ da vàng của mình. Nghề giũa này thì học nhanh để có cái cần câu... bánh mì cũng nhanh. Thêm nữa, người mình có cái lợi thế là rất khéo tay, Mỹ nó cũng công nhận như thế, nên khi mình nhào vô thì nó phải "de" ra.

Sau khi bà xã tôi có bằng nails, đi làm có đồng vô đồng ra rồi thì tôi từ giã... "Mr. Mom" và lớp ESL, để đi học giũa part-time vì tôi còn phải đến trường đón Tí Anh, đến babysitter đón Gái Em, nên thời gian học phải bị kéo dài ra. Nhưng tôi không nản chút nào vì đi học nails vui lắm, đủ cả nam-phụ-xồn xồn-trẻ, đủ cả các sắc dân Việt-Miên-Lào, điểm thêm một vài em Mễ... "làm cảnh" nữa.
Thiệt tình mà nói, tôi phải ráng học cho thiệt chăm chỉ, hai mươi phút ra chơi thì tôi vẫn ở lại trong lớp mà thực tập những gì vừa học qua, vì tôi chỉ có một con đường duy nhất đó để... trả bill trả nợ mà thôi – “No choice !”.
Nhớ hồi nhỏ còn đi học, thầy giáo và ba má tôi thường nhắc nhở là thời giờ qua đi nhanh lắm đó, đừng có lơ là bỏ phí rất uổng, nó qua đi mất rồi thì không lấy lại được đâu. Mà tôi đâu có chịu nghe, bây giờ mới thấy quý, mới thấy thấm thía, mới biết chắt chiu từng ngày từng giờ từng phút. Ở cái xứ siêu công nghiệp này, con người phải chạy đua với cái kim giờ, với cái kim phút đó. Những điều tôi vừa nghĩ đó nghe quá cũ rích, nhưng thực tế là vậy, nên tôi phải tự nghiêm khắc với mình. Tôi tự nhủ mình như vậy. Dứt khoát thế thôi !
Khi "nhập môn", cái khổ nhất mà ai cũng phải "chấp nhận... thương đau" đó là cái mùi hóa chất. Không những nó làm cho mình khó chịu ngay tức khắc mà còn di hại về sau nữa. Lần đầu hít phải mùi acetone là mũi tôi hơi bị nồng, mắt cay cay, da ưng ửng đỏ. Những lần bị dị ứng như thế là mấy... mấy cái bill cái nợ nó lại vờn qua lượn lại trước mặt mình, nên tôi phải ráng gồng mà chịu đựng thôi, vì có ai... ráng gồng giùm cho mình đâu. Có người bị hách xì hơi liên tục, chảy nước mắt ràn rụa phải bỏ học luôn, thiệt tội nghiệp.
Bài học đầu tiên là học làm "chân nước"; khi hơi nhuyễn tay rồi thì tiến lên học làm "tay nước". Cầm cái kềm cắt da mà tay tôi phát run lên vì sợ cắt chảy máu người làm mẫu. Rồi còn massage nữa, phải làm sao cho người mẫu cảm thấy hài lòng thì mới được.

Qua màn sơn móng tay móng chân, tôi ngán nhất là sơn mấy màu đậm - đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím - thất sắc đó, nên đụng tới chúng là tôi... "thất sắc" ngay; nếu lỡ bị lem, mà clean không khéo thì nó lại nhòe nhoẹt tùm lum ra, càng khổ thêm nữa, mà tôi thì cứ... lỡ hoài hà. Tôi rất thích sơn màu... clear, kế đến là màu baby pink; hoặc là... không sơn màu gì hết, khỏe vô cùng. Thỉnh thoảng, mấy lớp tiểu học gần đó dẫn các cháu học trò nhí đến cho học viên thực tập làm chân tay nuớc với giá tượng trưng. Cha mẹ các cháu thật tử tế, cho các cháu thêm một đồng để "tip" cho chúng tôi. Cầm đồng tiền "tip" từ tay các cháu mà tôi nhớ tôi thương hai nhóc của tôi lắm, vì chúng chưa được sung sướng như các cháu này.

À quên... ! Phải nói tới chuyện học lý thuyết nữa. Mỗi buổi học, từ tám tới mười giờ sáng là phải học lý thuyết. Cái môn này thì ngán như cơm nếp. Ba cái tên hóa chất bằng chữ La Tinh thấy sao lạ quắc, đọc đi đọc lại mà nghe như mình đang... rang bắp, và có dễ gì thuộc đâu. Thôi thì cũng ráng, thi đậu rồi quên phắt đi cho khỏe. Tôi nghĩ ra cách học thuộc mặt chữ, hoặc liên tưởng đến những âm nào na ná như tiếng Việt mình cho dễ nhớ. Tôi chợt thấy mình... "thông minh cực kỳ". Lấy kinh nghiệm hồi đi học chữ, học ngày nào xào ngày nấy; nên buổi sáng học tại trường, tối đến xong việc nhà thì học lại liền; chớ để dồn bài đợi đến gần ngày thi mới vùi đầu chúi mũi vô mà học thì khổ lắm; nhất là ở xứ này, đủ thứ chuyện trên đời nó quần mình thì càng khổ gấp bội. Phần tôi, nhờ đã cùng bà xã học cho bả khỏi nản, nên lúc này tôi mới đỡ khổ phần nào.
Giờ nói đến chuyện học làm móng bột, tức là làm móng tay giả. Phải tập làm móng bột trên ngón tay giả trước, khi quen rồi mới được làm trên ngón tay thật. Có lần, tôi dán cái "tip" (móng giả) lên móng thật của người mẫu, vì không khéo, nên keo nó dán ngón tay tôi với ngón tay người mẫu dính chặt vào nhau, gỡ không ra; vậy là "hai đứa xồn xồn tôi" dắt nhau đi ngâm nước, chặp lâu mới gỡ ra được. Mấy cô cậu tre trẻ được dịp chọc quê : "Cô chú xứng đôi quá, tình quá ! Dắt nhau đi... shopping đó hả !", rồi vỗ tay cười rần lên.
Khóa tôi học giũa đó phải trải qua hai tiết trời nóng và lạnh, nên việc đắp bột khá vất vả, chưa biết canh bột sao cho "vừa phải" để đắp một cái "là vừa là gọn" liền.
À, cái vẻ mặt của học viên khi chăm chú thực tập thì mỗi người mỗi vẻ coi tức cười lắm. Có người khi đắp bột thì cái miệng cũng... đắp theo, khi giũa móng thì cái miệng cũng... giũa theo. Nghiã là, có người thì meo méo miệng, có người thì ha há miệng, có người thì thè thè cái lưỡi, có người thì liêm liếm cái môi... Thôi thì đủ kiểu... "nhát ma" khách. Trông tếu vô cùng.

Có lần, tôi vừa thơ thới nhịp nhịp bàn chân vừa ung dung... liêm liếm cái môi mình mà tập làm nửa bộ full set cho một bạn học nữ trẻ. Bất ngờ cô ấy hỏi :
- Chớ... chú làm gì dzậy ?
Tôi vừa giũa giũa vừa nhỏ nhẹ đáp :

- Thì... tui đang làm nửa bộ full set.

- Thôi đi chú... ! - Cổ kéo dài cái giọng mềm như tơ như lụa.

- Thôi sao được ! Tui cần phải làm dzậy để kiếm chút cháo chớ ! - Tôi thiệt tình trả lời.

- Chú... dòm... xuống bàn coi... ! - Cổ dịu giọng lại.
Dòm xuống bàn mới biết, thì ra tôi đang nhịp nhịp bàn chân tôi lên... bàn chân cổ.
- Sorry nghen !

Cô Kim A và Cô Kim B giảng dạy, chỉ vẽ tận tình lắm. Hai Cô thường đến nói chuyện thân mật cởi mở với học viên để khuyến khích học hành, nhất là các học viên lớn tuổi, dễ bị nản.

Giũa lui giũa tới thì cũng đến ngày nạp đơn đi thi. Khi tôi học hết khóa, "bà xã" xin chị chủ tiệm cho tôi đến tập làm, gọi là "tập bắn đạn thiệt" cho quen tay, cho dạn tay, chỉ bằng lòng. Với lại, chỉ cũng cần có một thợ nam để nhờ việc mở cửa sớm, đóng cửa trễ. Khi tôi đã kha khá tay nghề rồi thì gần như chỉ giao tiệm cho vợ chồng tôi luôn, vì chỉ bận đi... casino. Nhờ vậy mà tôi làm cũng khá nhuyễn.

Phạm Lê Huy
(Los Angeles, 1995)

______________________________________________

No comments:

Post a Comment