Phạm Lê Huy
* Để tưởng nhớ Lê Ngọc Thanh - người
bạn tài hoa và dũng cảm của tôi.
Từ lâu, không nhớ năm nào, hay tin Lê Thị Vinh (em gái của
Lê Ngọc Thanh - bạn học tôi) đang ở Irvine, vợ chồng tôi cùng Hồng
Quốc Anh, Trần Viết Sơn chạy xuống Irvine thăm Vinh.
Gặp nhau, anh em bạn bè chúng tôi mừng lắm, vui lắm vì
bất đắc dĩ chúng tôi phải xa cách nhau từ năm 1975. Trong dịp này tôi
nhắc lại cái lần tôi gặp Vinh trong Chợ Lớn / Sài Gòn khi tôi từ
vùng “Kinh Tế Mới” Dương Minh Châu trốn về Sài Gòn. Với chiếc xe đạp
trành, tôi đi kiếm ăn bằng nghề “mua đi bán lại” những miếng sắt vụn
cho Ba Tàu Chợ Lớn làm phụ tùng xe đạp.
Gặp tôi tiều tụy hốc hác trong bộ đồ “lao động truyền
thống chân chính”, Vinh đã bưng mặt thốt lên “Trời anh... Sao anh ra nông nổi này... !?”. Tôi chỉ biết
lặng thinh, rồi vội vã chia tay, hẹn khi khác gặp lại sẽ “kể cho
nghe”. Và, cái “sẽ” ấy cứ kéo dài mãi cho đến nay, chừng 40 năm rồi.
Tôi
nhớ đôi chút về bạn tôi thế này : “Lê Ngọc Thanh có cái mũi "chun
chun" như mũi thỏ nên bị chọc là "Thanh Thỏ". Thanh hát khỏe,
thổi được harmonica, lại có giọng đọc tốt như một xướng ngôn viên của đài phát
thanh BBC hồi đó, nên được đề cử đọc bài cho cả lớp chép hoặc đọc tin tức trong
giờ sinh hoạt hiệu đoàn. Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 Thanh "gãy cánh" trên
chiến trường Ái Tử / Quảng Trị. Đám tang của Thanh chúng tôi đến đưa tiễn
đông lắm. Trong vài giây xúc động tôi khẽ hát : "Anh Quốc ơi... ",
vậy là các bạn tôi lại cất tiếng hát theo như một lời tiễn đưa Thanh vào lòng
đất mẹ”. – (trích Lớp tôi 1960-1967 – qua tấm hình cũ / PLH).
Làm sao bạn bè chúng tôi quên được quán Giải Khát Thanh
Thanh ở trước rạp ciné Lê Lợi, ngay góc Phan Bội Châu / Lê Lợi, bên kia
ngả tư này là Cà Phê Dung – là hai nơi mà lính tráng chúng tôi thường
“ngồi đồng” vào những ngày nghỉ phép hiếm hoi.
Ba anh em nhà Thanh quán xuyến cái quán này, mà “chủ xị
- tay hòm chìa khóa” là nhỏ Vinh. Và, không ít anh hùng tuổi trẻ,
không ít bạch diện thư sinh – là những “con nhạn là đà” lượn lờ,
ngấp nghé... “trồng cây” nơi đây.
Trong lần gặp mặt gần đây, Vinh cho tôi xem tấm thẻ bài của anh mình -
Lê Ngọc Thanh – và trịnh trọng nói :
- Em quí tấm thẻ bài này lắm đó
anh... Nó thật là linh ứng. Em tin là anh Thanh lúc nào cũng phù hộ
cho em những khi em gặp chuyện không may.
- Vậy hả... Kể anh nghe được không ?
- Dạ được... Để hôm nào thư thả em sẽ kể.
Tôi mau miệng xin Vinh chụp hình tấm thẻ bài; và mong sớm đến ngày “thư thả” đó.
- Vậy hả... Kể anh nghe được không ?
- Dạ được... Để hôm nào thư thả em sẽ kể.
Tôi mau miệng xin Vinh chụp hình tấm thẻ bài; và mong sớm đến ngày “thư thả” đó.
Rồi
cái ngày “thư thả” ấy đã đến. Qua giọng nói nhỏ nhẹ trầm buồn, Vinh
kể : “Hôm đó, đang nghỉ trưa trên lầu, ba em chợt thức dậy nói là anh
Thanh đang hành quân ở Ái Tử / Quảng Trị; và linh tính cho ba em biết
là anh của em gặp chuyện chẳng lành. Cả nhà bồn chồn sốt ruột lắm,
cứ đi ra đi vào, đứng ngồi không yên. Đến xế chiều thì có một Sĩ
Quan Không Quân đến nhà báo hung tin là anh Thanh em vừa tử trận. Cảnh
vật quanh em chao đảo quay cuồng như sụp đổ; má em và em khụy xuống,
anh Phương (anh kế em) thì rắn người lại, vịn chặt ba em cho ba khỏi
ngã.
Vị Sĩ Quan trịnh trọng trao cho ba em tờ công điện báo
tin sét đánh ấy. Ông ta đại diện đơn vị xin trân trọng thành kính gởi
lời phân ưu sâu xa và chân thành nhất đến gia đình em trước sự anh
dũng hy sinh cao cả của Cố Trung Úy Lê Ngọc Thanh. Cả nhà em lặng
người, chết điếng như trời trồng. Bấy giờ em mới thật sự hiểu và
thấm thía câu “... Hỡi bức chân dung
trên công điện buồn... ” trong nhạc phẩm Người Ở Lại Charly của
nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Trong nước mắt ràn rụa của cả nhà, bằng
hai tay, ba em vô cùng đau đớn đón nhận tấm thẻ bài của anh Thanh từ
tay vị Sĩ Quan mà hồn ba như đang ở đâu đâu... Đó là tấm thẻ bài mà
anh chụp hình hôm nọ”.
Tôi lặng thinh, không nói được lời nào. Rồi chợt nhớ
đến những lần tôi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trên chiến trường
mà rùng mình, lạnh gáy...
Vinh tiếp : “Anh biết không... Từ tấm bé, anh Thanh rất
cưng em, chìu chuộng và giúp em nhiều lắm; nên xin ba cho em được giữ
tấm thẻ bài đó. Em luôn đeo nó trong người như bùa hộ mệnh cho mình.
Mà thật, anh ấy linh lắm ! Mỗi khi gặp chuyện gì rắc rối khó xử
hoặc không may, em đều thầm khấn nguyện cầu xin ảnh giúp đỡ, thì
mười lần như một, mọi việc lại được hanh thông, tốt đẹp. Cho nên em tin
lắm.
Lần
nọ, em có việc cần ra Đà Nẵng vài ngày rồi về lại Sài Gòn. Khi vô
đến Cam Ranh thì mới biết là mình bỏ quên tấm thẻ bài ở khách sạn
ngoài Đà Nẵng rồi. Em gọi điện thoại ra đó nói số phòng và nhờ họ
tìm giùm. Gọi thì gọi cầu may thế thôi chứ em không hy vọng gì mấy;
rồi tự trách mình sao bất cẩn quá. Lòng em buồn vô hạn vì đó là
bùa hộ mạng của mình mà”.
Tôi sốt ruột xen vào : “Xui quá há... ! Rồi sao nữa...
?”.
Vinh kể tiếp : “Hôm sau, may quá khách sạn gọi cho biết
họ đã tìm ra tấm thẻ bài đó và sẽ cho người đem vô Cam Ranh cho em.
Em mừng quá, mừng đến chảy nước mắt, còn mừng hơn bắt được vàng. Em
cũng không quên hậu tạ cảm ơn người đem tấm thẻ bài lại cho em. Vậy
là anh Thanh lại phù hộ cho em nữa rồi... Em tin chắc như thế, anh à
!”.
“Vinh
ơi... Anh chị chúc mừng em... Chúc mừng em... !”.
Phạm Lê Huy
(CHS Cường Để – QN)
(Los Angeles, May 2019)
No comments:
Post a Comment