Tuesday, July 16, 2019

Seattle – Microsoft & Amazon

Trần Lý Lê



Những số liệu về Seattle khiến bá tánh tần ngần nghi ngại vì chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố ấy đã từ từ đi vào danh sách những nơi “đắt đỏ” nhất Hoa Kỳ.
Trong khi cư dân Seattle lo ngại về thành phố của họ sẽ trở thành một San Francisco thứ nhì, nghĩa là nhà cửa mang một bảng giá nghễu nghện, cư dân trung bình khó lòng mua nổi một căn nhà và những người ít tiền hơn khó có thể thuê mướn một chỗ trú ngụ thoải mái. Nhà cửa cao giá cũng có nghĩa là giá sinh hoạt, món gì cũng cao, từ xăng nhớt, thực phẩm, đến các dịch vụ lớn nhỏ.


Như San Francisco, vì không thể thuê mướn riêng lẻ nên người ta sẽ phải chia nhau các căn chung cư chật chội, nhỏ xíu hoặc sẽ phải sống lang thang trên đường phố như kẻ không nhà.

Những người [rất] nghèo bị thu hút vì một vài yếu tố như xin trợ cấp xã hội khá dễ dãi và khí hậu ôn hòa, không quá lạnh cũng không quá nóng khiến người lang thang đổ xô về ở, tạo thành một vấn nạn khó giải quyết êm đẹp cho chính quyền và cư dân thành phố.

Thành phố ấy thu hút kẻ [rất] giàu vì địa thế rất đẹp, chung quanh là biển cả chưa kể nền văn hóa lâu đời với các viện bảo tàng, hý viện, công viên và khí hậu ôn hòa, hàng quán rầm rộ đủ món ăn chơ
Còn Seattle mưa dầm ướt át thì sao? Theo một bài báo gần đây của tờ New York Times, giá sinh hoạt tại Seattle đã nhảy vọt, gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn mọi thành phố lớn tại Hoa Kỳ và người ta bắt đầu dùng chữ “Seattle-ization” để mô tả hiện tượng “gia tăng cấp kỳ” từ giá nhà cửa đến mức lương bổng của cư dân, nhất là những người làm việc trong ngành “kỹ thuật cao” hay “hi tech”.

Tiền bạc đã thay đổi “bộ mặt” của thành phố nhanh chóng. Ðây là điều dễ hiểu vì khi kiếm ra nhiều tiền, mức tiêu xài của con người sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận. Những thứ mà tiền bạc có thể mua đều mang bảng giá cao hơn khi người tiêu thụ dư dả kén chọn và đòi hỏi phẩm chất cao hơn.

Với các số liệu sơ khởi, người Huê Kỳ sinh sống trong các thành phố lớn bắt đầu thắc mắc về thành phố họ cư ngụ, liệu nơi ta đang sống có trở thành một Seattle thứ nhì không trong khi cư dân Seattle lại lo âu về việc thành phố trở thành một San Francisco thứ nhì!? Từa tựa như việc cư dân New York la làng vì Amazon định mở trụ sở thứ nhì nơi họ sinh sống; e ngại sự leo thang của vật giá, cư dân hè nhau phản đối và Amazon đổi ý! Chẳng biết đây là điều có lợi hay tai hại cho thành phố ấy?

Người ủng hộ và mời gọi Amazon đến làm ăn thì cho rằng công ty kềnh càng kia sẽ mang theo nhiều việc làm, “cõng” bớt một phần gánh nặng thuế má, góp tay xây dựng thành phố.

Kẻ chống đối thì lo âu vì giá sinh hoạt sẽ nhảy vọt, và người nghèo sẽ khốn đốn hơn nữa. Họ cho rằng với “khu phố” Amazon, New York sẽ trở thành một thành phố “sưng trướng” quá độ, một hình thức “Seattle on steroids” như tạp chí Vice Magazine phỏng đoán!

Trở lại với sự “sưng trướng” quá độ của Seattle, chẳng những thành phố đã trở nên quá đắt đỏ mà tốc độ gia tăng giá cả quá nhanh chóng ấy khiến cư dân bất an. Nhanh chóng quá nên hội đồng thành phố và cả cư dân khó lòng xoay trở, hoạch định kế sách hầu kịp thời đáp ứng và thích nghi với hoàn cảnh mới.

Năm 2013, khi các dữ kiện về dân số cho thấy Seattle đã trở thành thành phố phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ, một hiện tượng xem ra bất ngờ, không định trước. Nhưng hiện tượng ấy, hôm nay nhìn lại, chỉ là điểm bắt đầu. Năm ấy, Amazon vừa hoàn tất việc cải tổ nhân lực và đặt trụ sở chính tại South Lake Union, gần Seattle. Không mấy ai để ý đến đợt sóng thần vừa khởi sự cho đến khi các hậu quả rùng rùng theo chân. 

Những hoạt động phát triển tiếp tục diễn tiến rầm rộ, và trong chỉ dăm năm, Seattle đã thay da đổi thịt. Theo bài tường trình của tờ Seattle Times, Chỉ Số Sinh Hoạt (tạm dịch từ “Cost of Living Index*”) của Seattle là 115.2, nghĩa là giá sinh hoạt [ở đó] 15.2% cao hơn chỉ số trung bình tại Hoa Kỳ (Chỉ Số Sinh Hoạt trung bình là 100).

Nơi trú ngụ thường là nỗi bận tâm hàng đầu trên ngân sách gia đình nên bá tánh thường để ý đến giá nhà cửa, thực ra hầu như mọi thứ từ nhu yếu phẩm đến dịch vụ đều gia tăng theo. Với chỉ số này, Seattle được xếp hạng 35 trong 300 thành phố lớn, tương đương với Portland, chỉ đứng sau một vài thành phố [ít nghe danh “đắt đỏ”] khác như Sacramento (California), Philadelphia (Pennsylvania) và Anchorage (Alaska).

Nhưng mấy số liệu kể trên xem ra đã “cũ”, Chỉ số sinh hoạt năm 2018 cho thấy Seattle 53.6% đắt đỏ hơn so với chỉ số trung bình của quốc gia: giá nhà cửa từ 35% đã trở thành 113% trên mức trung bình. Tạm hiểu là chỉ trong sáu năm, chỉ số sinh hoạt của Seattle đã nhảy vọt 38 điểm. Chưa có nơi nào tại Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng như thế.

Ngày nay, Seattle là thành phố đứng thứ sáu về giá sinh hoạt, bỏ Portland khá xa (xếp hạng 10), sinh hoạt đắt đỏ đẩy người nghèo khỏi thành phố vì họ không thể cáng đáng nổi.
Nhìn chung, Seattle là hình ảnh của sự thành công, kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu hút hàng ngàn người khắp nơi đổ về sinh sống. Nhưng cư dân trả giá khá đắt cho sự thành công ấy, tiền bạc mang đến từ ngành “kỹ thuật cao” đã khiến thành phố trở nên “chia cắt”, tách rời vì người giàu và kẻ nghèo xa cách hơn, và sự phát triển nhanh chóng khiến hội đồng thành phố phải tìm cách đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp kỳ. Làm thế nào để giữ chân những nhân công cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho thành phố? Nơi nào cũng cần người quét dọn, đổ rác, dọn bàn, nấu ăn…

Với giá sinh hoạt gia tăng nhanh chóng, người nghèo trở thành nghèo hơn và sự khác biệt về giàu nghèo trở thành rõ rệt hơn. Người giàu gom về khu phố sạch sẽ, an toàn, sang trọng, người nghèo giậm chân ở những xóm nhà lá; cư dân hầu như sống tách biệt trong một thành phố vì cư dân những khu phố khá giả ít cơ hội giao du, gặp gỡ cư dân xóm nghèo.

Trường học tại các khu phố khá giả thường đầy đủ học cụ, máy móc, sân chơi thể thao, phòng âm nhạc… khác hẳn với xóm nghèo. Tiền bạc không còn là mấy con số trong trương mục mà là yếu tố quyết định nơi ta sinh sống, làm việc, giao thiệp, kết bạn…

Microsoft và Amazon đều “đóng đô” tại Seattle & vùng lân cận. Là một trong những công ty dẫn đầu về ngành kỹ thuật cao, Microsoft được chưng ra như một hình ảnh của một công ty “mẫu”, thuê mướn nhiều nhân công để vận hành nên sẽ cần quan tâm đến xã hội chung quanh qua nhà ở, dịch vụ cần thiết… cho cư dân thành phố.

Do đó, không lạ là Microsoft chịu mở hầu bao, đóng góp khoảng 500 triệu Mỹ kim để trợ giúp thành phố với các chương trình xây cất nhà cửa dành cho người nghèo, không chỉ dành riêng cho nhân viên ngoài ngành “hi-tech” của công ty, lương thấp mà cả cảnh sát, lính cứu hỏa, thầy / cô giáo… những người khó cáng đáng giá sinh hoạt.
Sự đóng góp của Microsoft diễn ra sau khi Amazon thành công trong việc chống thuế thành phố: Seattle dự tính sẽ đánh thuế trên mỗi nhân viên lương cao để lấy tiền tài trợ các dịch vụ dành cho người lang thang không nhà, Amazon phản đối vì cho rằng đánh thuế [cao] trên lương bổng nhân viên sẽ khiến công ty khó kiếm người.
Hành động xem ra “không muốn đóng góp” [cho xã hội] của Amazon khiến người New York lo âu về giá nhà cửa, giá sinh hoạt tại thành phố họ, đã khá cao so với nhiều nơi khác và do đó đã chống đối chương trình phát triển của Amazon.

Theo the Regional Affordable Housing Task Force, Seattle và vùng lân cận cần thêm khoảng 156,000 căn nhà cho người nghèo và 88,000 căn nhà khác để đáp ứng với nhu cầu của cư dân thành phố. Sự đóng góp của một công ty lớn, trị giá trên 800 tỷ Mỹ kim, như Microsoft là một dấu hiệu tốt, chia sẻ trách nhiệm với xã hội chung quanh. Nói giản dị là kiếm ra nhiều tiền bạc thì đóng góp để xây dựng nơi họ làm ăn thành công.

Microsoft không phải là công ty duy nhất đóng góp với thành phố nơi họ làm ăn. Google cũng trợ giúp City of Mountain View trong việc xây cất thêm 10,000 căn nhà với 20% dành cho người nghèo. Facebook dự tính sẽ xây cất 1,500 apartment gần trụ sở Menlo Park với 15% dành cho người lương thấp. Riêng ông Jeff Bezos, sếp lớn của Amazon, dù chống thuế nhưng cũng đã trợ giúp các chương trình dành cho người không nhà qua các hoạt động cá nhân.

Nói chung, “uống nước nhớ nguồn” là một hành động “biết ơn”, một cách “bồi hoàn”, trả lại [phần nào] những ân tình, trợ giúp ta thu nhận để đi đến thành công. Các hoạt động trợ giúp cộng đồng nơi công ty ăn nên làm ra, kiếm bạc ào ào lại được xem như [chủ nhân] có cái nhìn xa, một lời khẳng định: họ [tính chuyện] làm ăn lâu dài và sẽ tiếp tục “trụ lại” với cộng đồng.

Ý bạn?

TLL - Orlando, FL

___________________________________

No comments:

Post a Comment