Monday, July 15, 2019

Nỗi Buồn Hoa Phượng

Tuyết Vân


Cựu học sinh LTQN, chị Khải Trung, chụp bên tấm tranh do cựu học sinh Nhàn Nguyễn vẽ


“Nỗi Buồn Hoa Phượng” là tên bản nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn mà tôi đã nghe ca sĩ Thanh Tuyền hát những năm còn ở Trung Học. Tiếng hát của cô lảnh lót trong cái nóng cháy bỏng mùa hè ở Bình Định cộng thêm cơn gió Nam từ Hạ Lào đưa qua làm bản nhạc càng sắc lòng người hơn.

Mùa hè lớp 12 năm đó, tôi và cô bạn thân thề với nhau nếu hai đứa không cùng đậu thì cũng chẳng cần phải tìm gặp lại nhau nữa. Bây giờ nghĩ lại, không biết sao lại thề dại dột như thế. Tôi nghĩ có thể vì chúng tôi tin tưởng cả hai cũng sẽ đậu bởi vì cả hai đều là học sinh giỏi. Và đúng vậy, hai đứa tôi có tên trong bảng vàng.

Rồi mùa hè năm sau, nói theo từ ngữ của Nhã Ca, phượng đỏ thôi ngừng nỡ. Hình như không ai còn nói tới tiếng ve sầu và hoa Phượng nữa. Cuộc sống đã có những giai điệu quay cuồng khác. Tôi và bạn tôi, mặc dù hai đứa cùng đậu năm thi đó, nhưng không biết có phải vì lời thề, rồi cũng xa nhau luôn đến mấy mươi năm.

Tôi không nghe lại tiếng ve vang vang hay nhìn thấy màu đỏ thẳm của hoa Phượng nữa. Cũng như mùa hè năm nào, cuộc sống lại có những giai điệu quay cuồng mới. Nơi tôi ở thành phố trồng nhiều cây Jarcaranda nở hoa vào mùa hạ. Hoa có màu tím xanh rất đẹp. Chúng tôi gọi cây Phượng tím. Phượng tím đẹp, nhưng nó không phải là cây Phượng đỏ ngày xưa, và vì vậy, mùa Hè đã chẳng bao giờ đến.

Ba năm trước tôi bắt đầu thấy nhớ quê nhà và thời học sinh cắp sách đến trường. Nhớ quay quắt. Cái hình ảnh hoa Phuơng đỏ bắt đầu trở về trong những lần nhớ như vậy. Bản nhạc “Nỗi Buồn Hoa Phượng” lại thỉnh thoảng vang vang trong ký ức cái nóng bốc lửa của miền Trung. Khi có Facebook và bắt đầu liên lạc được với các bạn học cũ tôi vẫn hay thấy những cái posts viết về mùa hè, tiếng ve ca, và hoa Phượng đỏ. Lòng tôi có chút bùi ngùi khi đọc đến. Chúng tôi đã lớn hết rồi và cuộc sống khác biệt nhau. Nhiều người đã có cháu. Có người chết trẻ và có người vừa mới ra đi. Nhưng chúng tôi có chung một quá khứ và không có quá khứ nào dễ thương hơn là cùng lớn lên trong một sân trường.

Năm ngoái, Người Việt có bài viết nói về một gia đình ở Anaheim đã có trồng 3 cây Phượng hơn 30 năm nay. Cây cao và to lớn. Mỗi mùa hè, cây ra hoa đỏ thắm tô đẹp một khuông viên rộng. Người chủ nhà chia xẻ… Đọc cũng biết vậy thôi. Tôi cũng chưa có dịp đi qua. Nhưng hôm nay nghe người bạn ở San Diego bảo muốn tới đó chụp hình thì lòng tôi cảm thấy xúc động. Từ San Diego tới đây mất cũng phải 3 tiếng đồng hồ lái xe, cô phải yêu hoa Phượng đỏ nhiều lắm mới chịu bỏ công như vậy. Nhạc sĩ Thanh Sơn đã viết: “màu hoa phượng thắm như máu con tim”, tôi tin rằng hoa Phượng nằm ở trong tim cô đó.

Vừa rồi chúng tôi đi dự Liên Trường Qui Nhơn. Thầy cô và học sinh tóc bạc như nhau. Ban tổ chức tưởng niệm những thầy cô vừa qua đời trong năm và ban tổ chức cũng tưởng niệm những bạn học sinh vừa qua đời năm rồi. Những người còn lại, những người tóc bạc như nhau, ngồi chia xẻ và ca hát về đời học sinh, mùa hè, tiếng ve ca, và hoa Phượng đó. Chỉ vậy thôi chứ có còn gì nữa đâu. Gặp nhau trong lớp học ngày xưa đã là hạnh ngộ mà gặp nhau hôm nay là trân quí . “Kỷ niệm mình xin nhớ mãi”, vâng, bởi vì một lúc nào đó không xa lắm đâu, “người xưa biết đâu mà tìm”.

Tôi chỉ còn nhớ cây Phượng một cách loáng thoáng. Nhớ tàng cây cao, lá Phượng nhỏ, và dĩ nhiên là màu đỏ thắm “như máu con tim” người nhạc sĩ đã viết. Một năm nào đó tôi về chắc phải đi ra Huế vào mùa hè để nhìn cây Phượng. Tôi sẽ nhìn một cách kỹ càng hơn như nhìn một người thân. Tôi sẽ xăm xoi thân cây chắc có dấu vết của thời gian để lại. Tôi sẽ lấy tay chạm vào nó và tôi sẽ nghĩ tới những tình cảm của tuổi học trò, tình yêu non dại đã đi qua đây. Chắc cây Phượng cũng phải nhiều lần ngậm ngùi nhớ tới. “Người xưa biết đâu mà tìm”.

Tuyết Vân


___________________________

2 comments:

  1. Tôi thấy bàng bạc Mùa Hè, Phượng Đỏ, Phượng Tím... đâu đây.
    Xin được post lên Facebook LTQN.
    Cảm ơn Tuyết Vân.
    PLH

    ReplyDelete
  2. Bài viết gợi nhớ nhiều về một thời hoa niên - Cám ơn chị TV .
    QN

    ReplyDelete