Đặng Mỹ Hạnh
Ở Hà Nội lâu ngày, tôi có cái thú lang thang trên những con đường bán gốm sứ. Có thứ gốm rất lạ mắt với những bình, lọ thô mộc, nước men sần sùi không như đồ sứ láng bóng của Bát Tràng hay đồ sứ Giang Tây của Trung quốc. Gốm Phù Lãng! Cả cái Tết với những chậu quất cảnh đều cắm trong lọ gốm đỏ sần sùi hoa văn này. Cái thì rách miệng, cái thì bẻ cổ với những họa tiết khắc và đắp nổi, sờ vào là thấy độ thô ráp chạm vào từng ngón tay. Sự tò mò đã dẫn tôi đến một địa danh ở bên sông Cầu, đất của quan họ Kinh Bắc…
Cơn gió lạnh của tháng Giêng pha loãng những cột khói lò gốm bên sông Cầu. Những mái nhà nơi đây thưa hơn làng sứ Bát Tràng. Không như sự sầm uất của làng sứ Bát Tràng, nhịp sống ở làng Phù Lãng vẫn giữ nguyên nét thôn dã yên ả. Từng đàn trâu bò ngang nhiên lạc lối giữa đường làng, bầy trẻ trong làng vẫn vô tư phóng vù vù trên những chiếc xe điện. Một nóc nhà trong thôn vẫn mang nét cũ với mái ngói âm dương, bức tường long vữa, mảnh hiên rêu ám có chú chó ốm o với cái dây xích ngắn, nằm thè lưỡi.
Ngoài củi, là đất sét được đổ lộ thiên mọi ngõ ngách. Những đống đất sét đổ đống được mua từ Yên Dũng, Bắc Giang. Hai triệu một xe tấn rưỡi, cứ ở dạng cục thế này, đổ đống trước cửa nhà rồi dùng xe rùa mang tới máy xay đất. Phải lặp lại ba lượt mới ra cái đất sét đỏ đều mà dùng làm xương gốm. Không phải đất sét xanh Thổ Hà, hay sét trắng Bát Tràng, vì tuồng như chỉ là đất đỏ hồng mới làm cho gốm Phù Lãng khi gõ vào có tiếng vang vang. Gốm thường được nung trong 3 ngày, được châm vào buổi sáng và cũng chỉ tắt lò sau ba ngày trước giờ trưa.
Một lần ở quán café cổ Loading T, tôi bị thu hút bởi cái thú sưu tập gốm đủ chủng loại của ông chủ quán. Ở Hà Nội, giờ có cái thú sưu tập gốm đủ thương hiệu như gốm Chi, gốm Nhung…
Giữa những chồng đồ gốm vàng nâu, vàng nhạt, vàng thẫm… là những phụ nữ đầu buộc khăn turban sắc màu. “Thời trang lao động” chỉ để tránh bụi bẩn suốt một ngày công cực nhọc. Vẻ như cái công việc nặn gốm, tô men chỉ dành cho phụ nữ ở làng này. Có lẽ, họ khéo tay hơn chăng? Ở đây, đàn ông hiển nhiên trở thành bác tài cho công việc vận chuyển hàng phương xa.
Nhìn đâu cũng thấy vô số những khối gỗ vun vắn xếp chồng. Là gỗ rừng, từ cây keo, những súc gỗ lớn được bổ ra thành cây củi nhỏ, xếp chồng lộ thiên cho khô ráo để đốt lò. Gần vựa than Quảng Ninh mà lại chẳng dùng than. Một người làng đã nói với tôi rằng dân làng này đã thử dùng gas nhưng thất bại vì gas quá nóng nên xương gốm dày Phù Lãng lại trở nên quá giòn mà hư hại. Hơn nữa dùng gas thì lại “không kinh tế”, nên cứ lấy gỗ keo rừng đốt thì được nước men và xương gốm đẹp hơn.
Ở làng gốm thường xuất hiện cặp đôi phụ nữ làm cùng nhóm, gọi là “tổ chuốt” tạo hình trên bàn xoay. Nếu ở Bát Tràng thường thấy cả hai phương pháp là dùng bàn xoay và đổ khuôn để tạo xương gốm, thì hầu như ở Phù Lãng tôi chỉ thấy xương gốm được nặn trên bàn xoay. Họ, một người lăn đất thành đòn vòng xuyến gọi là “xe đòn” (tôi chẳng hiểu thay vì có lẽ là “se đòn”?), người kia chồng các vòng xuyến đất lên để chuốt trên bàn xoay mà tạo hình ra các bình lọ kích thước hình thù khác nhau.
Chạm nổi, vẽ vào xương gốm, hay đắp nổi như chữ “Lộc” ở chiếc bình gốm này là những công việc Sau khi chạm thì các nghệ nhân mới dùng cọ mà tô lên các nước men. Men ở Phù Lãng thường dùng men tự nhiên với các màu men xanh da lươn, vàng quả duối, đen hạt na, cua đá, … hiếm khi dùng men hóa chất như ở Bát Tràng. Tuy vậy, cũng có màu men được lấy từ Bát Tràng. Xương gốm dày hơn nên không dùng gas, cũng không dùng than mà dùng lửa từ củi để lấy sự biến thiên nhiệt độ để lửa táp vào xương gốm mà tạo nên sự thô mộc chứ không láng đều.
Cậu chủ xưởng gốm, mặt dợm nét kham khổ, sự tỉ mỉ và cần mẫn trong cái dáng ngồi hàng giờ vẽ họa tiết được gọi là “chạm bong”. Cậu kể với tôi về những tuần làm việc không ngày nghỉ, gốm Phù Lãng vẫn còn chông chênh trên thị trường.
Làng Phù Lãng vẫn có truyền thống làm tiểu, quách, chum, vại từ bao thời nay. Và chẳng phải gia đình nào cũng theo kịp sự chuyển biến của phương cách làm gốm hiện đại. Gốm Phù Lãng ngày nay là sự kết hợp giữa sự thô mộc của đồ sành, như chum vại muối dưa, muối cà, thêm những nét vẻ chạm bong, đắp nổi. Ngoài ra họ còn có sản xuất gốm mỹ nghệ với hàng chục loại như đèn, bình hoa, đôn, phù điêu… Về tính mỹ thuật, theo tôi, thì nó vẫn rất dân dã!
Gốm Phù Lãng như một cái xác thô được vực dậy bởi vài người trong làng theo học trường Mỹ thuật rồi kết hợp với nghề làm gốm của cha ông mà biến tấu. Dần thì những gia đình ở làng chuyển sang gốm mỹ thuật nhiều hơn.
Nặn gốm trên cái bàn xoay, chị thợ làng với thao tác nhuần nhuyễn!
Làng Phù Lãng vẫn mang hình thái của những gia đình tiểu thủ công nghiệp thôn quê. Ông chủ xưởng gốm này, vẫn chân trần đẩy xe rùa; chạm, đắp với bàn xoay… chứ chưa cổ cồn trắng mà “ngồi không quản lý” như những làng làm nghề giàu có.
Mảng tường ốp gốm được chụp trước một xưởng gốm trong làng. Ở xưởng này, không cho phép quay phim, chụp hình. Có lẽ, làng gốm này chưa đủ cái sinh khí để thu hút khách thập phương. Cả cái chợ Lãng, có cổng đình đàng hoàng vẫn vắng tanh như cái chợ ma, như chẳng hề có buổi họp chợ nào.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào ngôi làng này là một thế giới la liệt những tiểu, quách. Bắc bộ đất chật người đông nên hài cốt sau một thời gian chôn cất được bốc lên chôn vào tiểu quách để thu gọn lại. Một người bạn tôi đã đôi lần đề cập đến “tục bốc mộ” hay “cải táng” kỳ quặc ở Bắc bộ. Thật khó tin, chỉ khi tận mắt thấy những khuôn tiểu quách chứa hài cốt này mới hiểu thấu cái lề thói này. Chẳng hiểu sao, nó vẫn khiến tôi rùng mình!
Nhiều nhà trong làng Phù Lãng vẫn trung thành với nghề làm tiểu quách. Mỗi một mẻ gốm cũng đến mười mấy triệu đồng. Trong số này nhiều gia đình theo lối cũ là chẳng cần đến những bí quyết mỹ thuật hay sự tinh tế của nghệ nhân nặn gốm, tô men, và cũng chẳng cần phải chuyển đổi lò nung cố đế, vốn đã rất lâu đời rồi!
Lò nung gốm dốc 10 độ, dài chừng hai chục mét, phía dưới chất củi đốt, phía trên cứ 3 đến 4 mét lại là những lỗ để tiếp thêm củi. Phần lớn các lò gốm đều nằm tiếp giáp mé hữu ngạn sông Cầu và được xây ngay trong khuôn viên của gia đình.
Tôi với một cái bình gốm chưa nung! haha
Đặng Mỹ Hạnh - Cõi riêng
_______________________________________
No comments:
Post a Comment