Sunday, July 7, 2019

GIỚI THIỆU ĐẶC TẬP “40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM TẠI NHẬT”





Ngày 15/6 vừa qua, tại Tokyo nhóm chủ trương Đặc Tập 40 năm Văn học Việt Nam tại Nhật đã ra mắt ấn phẩm trong bầu không khí thân mật và ấm cúng. Xin chia sẻ bài giới thiệu về nội dung của sách cũng như sự ra đời và tiêu chí của nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã với quý độc giả. Rất mong Đặc Tập sẽ nhận được sự ủng hộ của quý độc giả để chúng tôi có thể tiếp tục chung tay ra mắt những tác phẩm kế tiếp trong tinh thần góp phần xây dựng tủ sách Việt Ngữ tại hải ngoại.


Phương thức order sách: xin email về Hải Lê tại địa chỉ: 

bbt@namnghetanxa.com 

Tại Nhật: 2,500 Yen
Các quốc gia khác: 30 USD

Phương thức thanh toán ngoài nước Nhật: Paypal
Phí trên đã bao gồm phí vận chuyển đến địa chỉ người nhận.


Sơ Lượt Nội Dung “40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM TẠI NHẬT”

Hoàn Cảnh, Mục Đích Ra Đời
Cộng đồng người Việt tại Nhật đã có từ khá lâu, không kể các vị tiền bối trong phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX, còn có khoảng 700 du học sinh Việt Nam tiếp tục ở lại Nhật sau năm 1975, và có khoảng 10,000 người tị nạn cộng sản được chính phủ Nhật cho định cư tại Nhật sau năm 1975. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, lượng du học sinh và lao động ngắn hạn dưới hình thức thực tập và tu nghiệp tăng đột biến. Tổng cộng đã có xấp xỉ 300,000 người Việt tại Nhật trong thời điểm hiện tại. Một cộng đồng đông đảo, có bề dày về cả thời gian cư ngụ và nhân số như thế, thì không gian văn hóa tinh thần chắc chắn không thể tầm thường. Tuy nhiên, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, một sự đứt gãy truyền thông trầm trọng đã xảy ra giữa các thế hệ người Việt ở Nhật. Giới trẻ mới đến không biết gì về các tiền bối; những người đi trước muốn trao truyền lại ngọn lửa cho đàn hậu bối cũng loay hoay... Trong hoàn cảnh đó, quyển đặc tập "40 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM TẠI NHẬT" đã được ra đời, khởi đầu từ một nhóm nhỏ chủ trương gồm ba thế hệ: du học trước 1975, tị nạn sau 1975 và thế hệ du học mới qua vài năm gần đây. Đây là nỗ lực để tái lập lại sự truyền thông giữa các thế hệ, một mặt, để tưởng nhớ những người đã ra đi, nhưng mặt khác cũng chính là để hun đúc động viên tinh thần cho những người ở lại không phân biệt tuổi tác xuất thân, tuy kiều cư hải ngoại nhưng trái tim luôn đau đáu hướng về tổ quốc. Ngõ hầu, tái khẳng định lại giá trị văn hóa tinh thần của người Việt tại Nhật nói chung, và đặc biệt là giá trị của dòng văn học đấu tranh vì sự tự do dân chủ cho quê hương, dù qua bao nhiêu năm vẫn không hề mai một.

Nội Dung Đặc Tập
   Đặc tập gồm tổng cộng 785 trang, được chia làm bảy chương. Chương khởi đầu là lược sử những bước thăng trầm của cộng đồng người Việt tại Nhật, từ nguồn tư liệu dồi dào và chi tiết đã được ghi chép cẩn thận chỉn chu từ ngày đầu. Chương II giới thiệu về quá trình từ nhà xuất bản Nam Nghệ Xã của những sinh viên du học trước 1975 cho đến sự ra đời của nhà xuất bản Nam Nghệ Tân Xã là sự kết hợp của mấy thế hệ. Ở chương III, độc giả sẽ có dịp đọc lại những bản văn đã từng xuất bản nhiều chục năm trước tại Nhật, được dịp nhìn thấy lại những cái tên thân thương: Lê Thiệp, Vy Anh - Hổ Cáp, Anh Thuần, Ngô Văn... và sẽ ít nhiều có cảm giác sống lại những ngày rực lửa của phong trào đấu tranh của người Việt tại Nhật qua các ấn phẩm báo chí tưởng như mới vừa in ấn hôm qua hay cảm giác nhẹ nhàng sâu lắng của những phóng sự đời thường mới đó mà đã mấy mươi năm. Trong phần tưởng niệm, những lời tưởng nhớ đẫm tình có lẽ khiến chúng ta ít nhiều xúc động, còn đâu nữa hình bóng xưa, của những con người mà cuộc đời đẹp như huyền thoại: nào cụ Vũ Văn Cầu hội trưởng tiên khởi của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật, nào Ngô Chí Dũng đội trời đạp đất chẳng ngại vào rừng gươm biển lửa, nào Y Yên văn tài lai láng và nhiệt tâm với cộng đồng, nào Âu Minh Dũng cả đời cô độc sống cho trọn lý tưởng vì tổ quốc... Độc giả cũng sẽ có dịp điểm lại một vòng truyền thông và văn nghệ người Việt tại Nhật mấy mươi năm qua một bài biên khảo khá công phu. 


   Kế tiếp ở chương IV, độc giả sẽ có thể điểm sơ qua một vòng những tác phẩm người Việt viết về Nhật Bản. Hình ảnh về đát nước và con người Nhật Bản được diễn tả sinh động và đặc sắc qua các bài tùy bút tuyệt diệu: nét đẹp của quốc kỹ Sumo, cái thú hanami mỗi độ xuân về, tết Nhật đầy màu sắc, những cảm nhận và phân tích sâu sắc về văn học Nhật đương đại, tinh thần samurai độc đáo của người Nhật sau thảm họa động đất sóng thần, câu chuyện về người lính Nhật còn lưu lạc ở rừng núi từ sau thế chiến II, về ẩm thực truyền thống Nhật - một di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận, những phân tích và lý giải về niên hiệu Lệnh Hòa... Chắc chắn độc giả sẽ có thêm nhiều dữ kiện độc đáo qua các góc nhìn khác và mới mẻ.

   Ở chương V, đặc tập đã tập hợp được rất nhiều tác phẩm văn thơ của người Việt đương đại, đủ mọi lứa tuổi và nghề nghiệp, từ du học sinh đến giáo sư đại học, từ tu nghiệp sinh đến ủy viên nghiệp đoàn, từ người đi làm đến linh mục tu sĩ... tất cả cùng xuất hiện hài hòa và tươi mới. Trong chương này độc giả sẽ có dịp gặp gỡ nhiều cây bút vừa xuất hiện trên văn đàn, có dịp đọc nhiều thể loại văn thơ đáng đọc. Những câu chuyện đời lính của nhà văn Nguyễn Văn Mong sẽ đưa người đọc về thời binh lửa với những cảm xúc ngổn ngang của trai thời loạn. Người đọc cũng sẽ vui cười thú vị với những ký sự đường phố của anh chàng "playboy" Huy Nguyễn với những mánh lới pachinko theo điệu nhạc. Và còn rất nhiều điều thú vị đang chờ đón độc giả trong chương này.

      Chương VI chứa bài vở của những tác giả người Việt khắp nơi trên thế giới, những văn hữu có ít nhiều nợ duyên với Nhật Bản. Nơi này có hồi ký về chuyến vượt biên kinh hoàng sóng gió, có kỷ niệm về những bản tình ca Nhật Bản thời sinh viên và tình yêu những năm son trẻ, có phóng sự về Tổng y viện Duy Tân và cuộc chiến, có bài bút ký Một Thoáng Phù Tang công phu và đặc sắc.

    Chương VII là lời kết, tuy nhiên không phải để kết mà để mở lại một cánh cửa, cùng đắp tiếp một con đường, cánh cửa của lâu đài văn hóa Việt tại hải ngoại, con đường đi tới ngày đất nước không còn độc tài, trăm triệu đồng bào đều được thái hòa thịnh vượng.

Nam Nghệ Tân Xã  -  https://namnghetanxa.com/

Fb: Nam Nghệ Tân Xã

_________________________

No comments:

Post a Comment