Tuyết Vân
Ngồi trên chiếc ghế ở văn phòng nha sĩ nghe tiếng máy chà răng từ cô hygienist đang chăm chú làm việc cho mình mà tôi thấy ê ẩm. Không đau những tiếng rít của máy làm tôi cảm thấy đau thấu. Còn phải ngồi đến cả tiếng đồng hồ. Đầu óc miên man nghĩ ngợi, cố gắng nghĩ ngợi cái gì vui hơn để quên đi tiếng động ác cảm nầy. Thực sự nhìn lại có biết bao nhiêu là tiếng động đã đi qua một đời người. Tiếng động nào đã đến với bạn? Riêng tôi…
Nhớ lần đầu tiên đi mua nhà, agent dẫn chúng tôi đi coi căn nhà ở gần sát xa lộ 22. Năm đó thành phố chưa xây tường ngăn âm thanh nên tiếng xe cộ chạy vang vào trong sân nhà nghe rất rõ. Người chủ nhà nói với tôi ông ở đây đã hơn 20 năm nhưng tiếng động không làm ông bận tâm. Ống nghe nó có âm thanh như tiếng sóng biển. Tôi không có óc tưởng tượng phong phú như vậy nên tiếp tục đi tìm căn nhà khác nhưng mừng là ông đã nghe bằng một âm thanh khác đẹp hơn.
Ai ở Cali cũng biết đây là tiểu bang động đất và mọi người luôn lo sợ chờ đợi ‘the big one’, một trận động đất lớn sẽ xảy ra. Năm 94 trong giấc ngủ ngon của buổi sáng còn sớm, mọi người bật thức dậy với tiếng động khủng khiếp rung chuyển rầm rộ nghe như tiếng xe tăng đang chạy gần đây. Vừa ngồi dậy tôi đã cảm thấy lảo đảo. Động đất, động đất, ba tôi là lên. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh cũng đã nghe thấy bom đạn, vượt qua cái đại dương to lớn mà không thấy đâu là bờ bến, và giờ đến trận động đất thì tiếng động của động đất thấy ghê gớm nhiều lắm. Nó làm mình hoảng sợ không kiềm chế được. Bạn tôi sau này nói, tại cứ sợ chết quá thành sợ chứ có gì đâu. Xin nhắc là mãi sau này bạn tôi mới nói câu đó.
Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên khi nghe tiếng đập trái tim của con khi cháu vừa được vài tháng trong bụng mẹ. Chiếc máy trợ thính làm tiếng động to gấp bội và nghe như tiếng thình thình chứ không có âm hưởng nhẹ nhàng văn thơ như mình nghĩ đến trái tim. Dẫu vậy, vẫn có một cái gì đó rất thiêng liêng huyền bí. Một ngôn ngữ. Sau này lớn lên ở tuổi hay cãi cọ mỗi khi cháu cằn nhằn trả treo thì tôi lại nhớ tới cái tiếng đập thình thình đó. Nó đã ồn ào từ cái năm tháng đó rồi chứ đâu phải đợi tới bây giờ đâu.
Có lẽ một trong những tiếng động thiêng liêng nhất đó là tiếng khóc trẻ thơ khi vừa mới ra đời. Người mẹ nào cũng phải thật vui và nhẹ nhõm khi nghe tiếng con mình, khóc càng lớn lại càng tốt. Cái 9 tháng 10 ngày mệt mề, đợi mong đó trở thành một niềm hân hoan từ một tiếng khóc trẻ. Mấy năm sau nay tới ngày sinh nhật tôi vẫn cứ thường nghĩ tới những giây phút đó với Má tôi, tưởng tượng được cái vui và nhẹ nhõm của bà, trong lòng thấy thương mẹ mình lắm.
Có những tiếng động không gây ra bởi tiếng động vì sự yên lặng còn khủng khiếp hơn cả chính tiếng động nữa. Năm chúng tôi vượt biên, chiếc thuyền chông chênh trên biển cả, tiếng tàu máy chạy ù ù đều đặn mỗi ngày giữa một không gian to lớn. Thình lình, đến ngày thứ năm, máy bị tắt. Tất cả mọi người dừng lại, bất động cùng nhìn về hướng phía người tài công. Gió vẫn thổi, sóng vẫn đập nhưng hình như không ai còn nghe thấy gì hết ngoại trừ một sự yên lặng chết đang bao trùm chiếc thuyền nhỏ. Khi thấy người ta bắt đầu nhốn nháo anh tài công hét to yêu cầu giữ trật tự. Một tiếng đồng hồ sau máy bắt đầu hoạt động trở lại giữa tiếng reo mừng của mọi người. Tiếng reo đó chìm trong sóng và gió nhưng mang lại cho mọi người một năng lực mới. Thuyền của chúng tôi đến bờ vào ngày thứ sáu.
Nhớ có một buổi sáng sớm mùa đông tôi còn đang ở miền Bác Mỹ chợt thức giấc bởi nghe một tiếng động từ xa đưa tới. Nghe như tiếng đò máy trên sông Hương. Năm đó, hai chị em tôi mướn căn phòng bên nầy sông để tôi đi học dễ dàng hơn. Rồi chị em tôi xa thành phố đó vội vàng và từ từ quên lãng. Buổi sáng hôm đó trong một không gian xa lạ tôi lại nghe tiếng đò máy quen thuộc ngày xưa. Tôi cũng lấy làm lạ nhưng mừng, mừng vì đã được gợi nhớ lại một điều mà rất có thể không bao giờ nhớ được. Tôi sẽ không bao giờ quên Huế.
Rồi còn tiếng động nào nữa? Nhiều lắm. Tiếng trái tim đập nhanh của đôi tình nhân trẻ. Tiếng cãi vã của vợ chồng. Tiếng thở dài trong đêm. Có những tiếng động âm thầm nhưng chết lòng người. Có những tiếng động rất mỏng manh như tiếng cánh bướm đập vào nhau khi vừa mới thoát ra khỏi lớp kén ướt. Có những tiếng động dậy lòng qua social media như tiếng kêu gọi của những người trẻ trong cuộc cách mạng Arab Spring năm nào. Và có những tiếng động mà chỉ nghe qua bằng ngòi bút.
Thơ của tôi không phải là thơ
Ở cái tuổi mà hôm nọ bạn tôi đùa gọi tôi là hoa xế chiều thì tôi nhận ra rằng mỗi tiếng động đều cho mình một ý nghĩa và bài học riêng. Còn hơn thế nữa, âm vang của tiếng động trầm hơn, không mãnh liệt như mình đã nghe bao nhiêu năm trước kia. Người ta nói, gừng càng già càng cay, người càng già càng chai chăng???
Xong rồi, cô hygienist nhìn tôi nói, lần này trông bà có vẻ thoải mái khi để tôi làm việc cho bà lắm đó. Tôi giải thích cho cô, tôi cũng sợ tiếng máy của có lắm chớ nhưng tôi tập trung tinh thần suy nghĩ tới chuyện khác.
Thơ của tôi không phải là thơ
Mà là tiếng cuộc đời nức nở (Nguyễn Chí Thiện)
Cô hygienist nhìn tôi tỏ vẻ thán phục. Hay lắm đó bà, tôi nhớ một triết gia nào đó đã nói, mình có lẽ không thay đổi được những gì xung quanh nhưng mình có thể thay đổi được mình. Bà hay thật đó.
Tuyết Vân
_____________________________
No comments:
Post a Comment