Thursday, April 25, 2019

Tường nhớ Bác Việt Long


Phạm Lê Huy & Kim Loan


Vẫn biết Sinh - Lão - Bệnh - Tử là chuyện đời thường chẳng ai tránh khỏi, nhưng qua Facebook Liên Trường Qui Nhơn, biết được tin Bác Trai nhà sách Việt Long qua đời (15/4/2019), tôi bỗng bàng hoàng và bần thần suốt cả buổi sáng.

Bàng hoàng và bần thần bởi lẽ gia đình Bác và gia đình ba má tôi là chỗ hàng xóm láng giềng với nhau, thân thiết nhau suốt mấy chục năm trời kể từ năm 1954.

Năm đó, ba má tôi từ xã Đập Đá / Quận An Nhơn xuôi Nam về Qui Nhơn mua đất cất nhà, định cư ở đây luôn. Rồi cũng năm đó, gia đình bác “hàng xóm ấy” từ Huế vô Qui Nhơn mua đất cất nhà, cách nhà ba má tôi chừng hơn mười bước chân.

“An cư” rồi ba má tôi mới lo “lập nghiệp” bằng cách mở tiệm buôn bán tạp hóa. Bác “hàng xóm ấy” mở tiệm bán sách báo lấy tên là Việt Long. Hàng xóm láng giềng gọi là Anh Chị Việt Long, và dĩ nhiên bọn nhóc chúng tôi gọi là hai Bác Việt Long.

Tôi đoan chắc một điều là hai “gia đình ấy” rất... rất thân nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Mấy người con của Bác Việt Long và anh em tôi rất “chère camarade” (dear friend) với nhau. Hồi đó tụi tôi thường nói với nhau như thế. Đi ăn, đi chơi, đi xem ciné “cọp”, đi đá banh, đi tắm biển... lúc nào cũng rủ nhau đi. Có một điều “đặc biệt” là mấy người con của Bác Việt Long đều có tên ở nhà là các... món ăn ngon lành – Hon Anh, Hon Em, Cary, Su Sê, Xíu Xíu... Còn anh em tụi tui là Thằng Hai, Thằng Ba, Cu Anh, Cu Em, Cu Tí, Bé, Út...

À, hồi đó Hon Anh có chiếc xe đạp nhỏ màu đỏ, thỉnh thoảng tôi cũng được nó cho cỡi ké. Tôi thích lắm, nên không dám “chọc giận” nó, sợ bị nó “xúp mày ra” không cho cỡi nữa.

Tôi cũng đoan chắc một điều là, nhà sách Việt Long là nhà sách đầu tiên của thị xã Qui Nhơn sơ khai nhỏ bé của mình. Cứ mỗi chiều chiều khoảng sau 5 giờ, nghe tiếng còi xe lửa hú lên từ Ga Xe Lửa trong xóm Vườn Bông gần đó, là mấy nhóc tụi tui có mặt sẵn tại nhà Bác để chờ xếp báo do xe ba-gác hay xích-lô chở về từ sân ga.

“Thú thật”, chuyện xếp báo của tụi tui chằng qua là cái mánh để coi “cọp” những trang truyện bằng tranh; như Anh Tám Sạt-Ne, Thằng Lo Thằng Lót, Bé Ngôn Bé Luận, Xì-trum... Bàn Tay Máu, Ký Giả Hiếu Kỳ, Thám Tử Kỳ Phát... Có lần thấy tụi tui mê coi “cọp” quá, Bác Gái khẽ nhắc “Mấy đứa ni xếp báo đi chớ... Xếp rồi coi sau, hỉ... !”. Vậy là chúng tôi xếp tiếp, mực báo dính đen cả hai tay. 

Bác có hai người trẻ chuyên đi rao bán báo khắp nơi trong thị xã; đó là anh Sơn và thằng Cu. Kêu là thằng Cu nhưng thật ra anh ta lớn hơn tụi tui vài tuổi. “Báo đê… Báo đê... ! Báo mới nóng hổi vừa thổi vừa coi đê... !”. Có những tin giựt gân nóng hổi như “Vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen, tạt ắc-xít”, “Con ma vú dài trong khám Chí Hòa”, “Tay anh chị Đại Cathay vượt ngục”, “Tướng cướp Điền Khắc Kim bị xộ khám”, v.v... là được hai anh tận tình rao đi rao lại nhiều lần. Nhờ thế mà báo thường được bán sạch ngay ngày hôm sau.

Thời gian sau, thị xã mình phát triển dần, đông dân thêm, nhà cửa, đường sá, chợ búa, trường học... mở thêm và dĩ nhiên là tiệm sách cũng được mở thêm. Như Đại Chúng, Thanh Bình, Duyên Nam, Bốn Phương, Tao Đàn, Văn Hóa, Hưng Bình, Bình Minh, Thời Đại, Lê Sâm, Lê Văn Ba Thư Quán, Khai Trí, Văn Nghệ, Học Đường, v.v...

Nhớ hoài cái lần tôi thi đậu Đệ Thất, Bác Việt Long khen và thưởng cho tôi cây viết máy Pilot màu xanh da trời. Tôi cảm ơn Bác rối rít và quý nó lắm, cất kỹ, đến đầu năm Đệ Lục mới dùng đến nó.

Lại nhớ cứ mỗi cuối tuần, nhà sách Việt Long cũng là nơi hội ngộ của “tài tử giai nhân”. Họ đến đây chỉ để gặp nhau trong những “bộ cánh chiến nhất, lịch sự nhất”, để nói chuyện “trên trời dưới đất, vô thưởng vô phạt” rồi cười xòa với nhau... Thế thôi !

Nhà sách Việt Long cũng là nơi trọ học Sư Phạm Qui Nhơn của Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc Sĩ Thanh Hải (mà tôi đã có cơ hội học đờn guitar nơi anh). Đặc biệt khi đánh đờn ở nhà thì anh chơi nhạc classic hay flamenco, nhưng khi lên sân khấu trình diễn thì anh chơi nhạc thời trang, kích động. Có thể nói anh là nhạc sĩ đầu tiên thổi bùng lên phong trào nhạc trẻ, nhạc kích động sôi nổi ở Qui Nhơn mình. Nhớ có những đêm tôi bò trên mái tole từ nhà mình sang nhà Bác Việt Long để nghe Thanh Hải đệm đờn cho Trịnh Công Sơn hát.

Năm 1972, Bác suýt chết trong đêm Lửa Trại tại sân vận động Qui Nhơn khi bị bọn khủng bố ném lựu đạn.

* * *

Những năm tháng sau bảy-lăm thật là khốn đốn. Gia đình Bác Việt Long tạm ổn định ở Sài Gòn, còn gia đình ba má tôi thì vẫn ở Qui Nhơn.

Một lần, người con trai trưởng của Bác ra Qui Nhơn, nhưng chỉ ở chơi tại nhà tôi có một ngày rồi phải đi nơi khác. Tôi xin lỗi bạn vì tỉnh lẻ mình “rất khó” về chuyện tạm trú tạm vắng. Khi vợ chồng tôi vô Sài Gòn thì “dễ thở” hơn, được lưu lại nhà Bác khoảng hai tuần.

Sang Mỹ, biết gia đình Bác định cư ở Houston / Texas, nhưng chúng tôi vẫn chưa có dịp đến thăm Bác. Có lần được tin hai Bác bay qua thăm vợ chồng Su Sê (con gái bác) ở thành phố West Covina / Nam Cali, vợ chồng tôi vội chạy lên thăm hai Bác ngay, cũng là dịp vợ chồng tôi đa tạ hai Bác đã giúp đỡ chúng tôi trong lúc mình tứ cố vô thân, lông bông lêu bêu ở Sài Gòn.

Lần gặp hai Bác đó, Bác Gái yếu lắm, lẩm đẩm chầm chậm nhích đi từng bước một, hai vợ chồng tôi đi kèm hai bên. Bác Trai nói hai Bác muốn về Huế ở, mua một căn nhà nhỏ gần sông Hương để chiều chiều hai bác dìu nhau ra công viên Thương Bạc trước Phú Văn Lâu để tận hưởng những giây phút nhàn hạ ở tuổi về chiều. Su Sê nói nhỏ với tôi : “Ba em cứ lục tìm passport để mua vế máy bay, nhưng tụi em giấu kỹ rồi... ”.

Sau lần gặp đó vài năm, Bác Gái qua đời (2012). Nay thì đến lượt Bác Trai về trời, hưởng thọ 92 tuổi (1927 - 2019).

Gia đình chúng cháu Thành Kính Phân Ưu cùng Tang Quyến.

Nguyện cầu Hương Hồn Bác Trai sớm Vãng Lai Tiên Cảnh, hội ngộ cùng Bác Gái.

Kính bút,

Phạm Lê Huy & Kim Loan
(Los Angeles, Apr. 23 – 2019)

No comments:

Post a Comment