Friday, March 15, 2019

Tản Mạn Quanh Chiếc Bàn Ăn


Tuyết Vân




Mới đây tôi đọc cái Facebook post nói về 50 phong cách lịch sự và lễ phép khi ngồi bàn ăn với tựa đề Cẩm Nang Ra Mắt Nhà Người Yêu. Bài viết có phần hài hước nhưng không kém những điều thực tế của tư cách bàn ăn (table etiquette). Tôi email cho cô bạn đồng sở cùng đọc và bảo với cô là vui lắm, chị đọc mà cười quá chừng. Đâu chừng vài hôm gặp lại cô, nhắc tới cái post đó, cô trả lời, em có thấy tức cười gì đâu, toàn là những chuyện thiệt không mà.Cô tiếp tục, đó là những điều gia đình em nhắc nhở luôn đó chị.Nghe có nói, tôi giật mình.

Đọc lại cái list 50 điều thì thấy điều nào mình cũng biết rành rẽ mà còn biết từ lúc còn nhỏ nữa mặc dù tôi không nhớ ba má mình đã nhắc nhở từng điều một về cung cách ngồi bàn ăn bao giờ. Đến giờ ăn thì cứ vào bàn ngồi ăn chung với nhau. Nhìn lại thì thấy điều nào mình cũng đã biết nhưng ở xứ này, không phải dễ dàng áp dụng những điều nêu trong list này đâu. Cái bàn ăn ở đây nó khác lắm. Cái bàn ăn nó biến dạng lung tung. Nhớ câu tục ngữ ngày xưa học ở năm Tiểu Học, “Ăn theo thuở, ở theo thời”, bàn ăn bây giờ có nhiều phong cách khác nhau.

Điều thứ nhất, “không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng”. Bộ lên hai hoặc ba lần thì không bị chê sao? Với tôi, chỉ một lần. Gia đình tôi không dùng đũa hằng ngày bởi có nhiều lúc đồ ăn dọn lên phải dùng đến nĩa thôi như món mì Ý chẳng hạn, hoặc phải dùng tay như món bánh mì thịt nguội. Và cơm xong thì có điều 15 ngay, “Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói”. Điều nầy hai đứa con tôi rất cấm kỵ và cứ thường nhắc tôi luôn bởi trong lúc hấp tấp dặn dò công chuyện cho con, tôi cứ vừa nhai vừa nói. Nghe con sửa sai mình lại thấy vui. Con hơn cha là nhà có phúc!

Điều thứ 6, “Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm”.Trong nhà của ba má tôi không có bát nước chấm. Mỗi người có một cái dĩa nhỏ đựng nước mắm hay xì dầu riêng cho mình. Tôi cũng tiếp tục như vậy với bàn ăn gia đình mình. Thêm vào đó tôi sắm mỗi người một cái khay riêng. Cái chén, đôi đũa, dĩa nước chấm của mình thì để trong khay của mình. Cái khay nầy, lúc đầu tôi mua ở chợ Good Will và nó chỉ là một miếng ny lông dày hình chữ nhật. Sau này, tôi mua nguyên bộ ở tiệm Ikea. Mùa nào tôi có bộ khay mùa đó. Điều thứ 6 không áp dụng ở nhà tôi được.

Điều 26, “Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình”. Bây giờ khi gia đình bà con tụ họp ăn uống với nhau thì thường là ăn theo kiểu tự giúp (self service). Bao nhiêu khay đồ ăn sắp ra ngay ngắn trên bàn. Mỗi khay có cái thìa, hay đôi đũa hay cái kẹp (thong) riêng. Nếu thật sự có gắp liên tục một món chắc cũng chẳng ai biết. Có khi, bữa ăn nhà tôi chỉ là một món. Như bữa ăn tối hôm qua, tôi chiên khổ qua với trứng. Nếu có nhiều món đồ ăn, tôi sẽ cắt trứng ra nhiều miếng nhỏ cỡ bite size nhưng nếu là món duy nhất tôi chia ra làm bốn phần cho bốn thành viên gia đình. Có nhiều món đâu mà lựa chọn để không gắp liên tục được.

Bàn ăn có đủ kích thước lớn nhỏ, đẳng cấp khác nhau nhưng đều chia xẻ chung một giá trị đó là tư cách. Gia đình ngồi ăn chung với nhau rất cần thiết, không chỉ cho con cái mà cho cả người lớn vì nó làm tình cảm gia đình chặt chẽ hơn.

Đời sống xứ này không phải dễ dàng ngồi ăn chung với nhau. Gia đình tôi bốn người mà có mấy khi ngồi chung bàn đâu. Khi các con còn nhỏ, hai vợ chồng đi làm hai thời khoá biểu khác nhau. Chồng làm sớm, vợ làm trễ. Một người lo cho con buổi sáng; người kia có thể lo buổi chiều. Chỉ trừ hai ngày cuối tuần mới được ăn chung với nhau, còn năm ngày kia cứ như tréo cẳng ngỗng. Mà ngay cả ngày cuối tuần cũng vậy. Lúc con đi cắm trại, lúc đá banh. Đến giờ ăn ai đói bụng thì lo ăn trước. Thấy ai ăn trước được còn mừng nửa. Bao nhiêu năm qua cứ như vậy. Có gia đình cha mẹ đến 8, 9 giờ tối mới về tới nhà. Đến khi con lớn hơn một chút thì lại đi học xa, hoặc đi làm phụ thêm. Mỗi thành viên gia đình có một thời khoá biểu khác nhau.

Trong những ngày giỗ chạp, tết nhất, hay sinh nhật, cho dù bàn ăn có được đặt riêng ra cho các vị cao niên, nhưng đồ ăn cũng vẫn là những chiếc khay ở một bàn khác cho tiện self service. Trong 50 điều trong cái list này nhiều điều không thể áp dụng được. Biết là vậy nhưng nghĩ đến hai đứa con trai nữa Mỹ nữa Việt tôi cũng hơi lo. Con tôi không biết nói “mời ba ăn cơm, mời mẹ an cơm” như tôi thấy trong phim truyền hình Việt Nam. “Let’s eat” có lẽ đó là câu nói chúng tôi thường dùng nhất. Năm giờ rưỡisáng thức dậy để đi làm đầu óc tôi nghĩ ngay đến 50 điều trong cái list. Tôi dặn chồng mình phải để ra mấy ngày nhất định cùng ngồi ăn chung với nhau để cho con thực tập lại .Trong bao cái lo nghĩ của cuộc sống từ trước tới giờ, bây giờ, khi tuổi các con đã lớn, lại có thêm cái lo về chuyện bàn ăn.

Cô co-worker trẻ cười lớn khi nghe tôi than thở, trời ơi chị khéo lo, cũng lo, nhưng đâu đến độ trầm trọng như chị nghĩ đâu. Cô nói, thì mình cũng phải dạy dỗ con cái, nhưng đối với con trai, cuối cùng thì cũng là vợ nó sắp xếp bàn ăn thôi. Cô tiếp:

- Ông nội em người Quảng Nam, bà nội em người Bắc. Chị thấy đó, các cô của em nấu các món Bắc khéo hơn. Người đàn bà trong gia đình chính là người quyết định phong cách lễ nghi ở nhà.
  
Tôi chợt hiểu. Đằng sau cái bàn ăn kia là đôi tay khéo léo của bà hay mẹ hay chị. Những gì tốt đẹp nhất người đàn bà sẽ sắp xếp, trang hoàng, và truyền lại cho con em của bà từ cách nhúng đầu đũa, và cơm, hay gắp món ăn.

À, thì ra thế. Tôi mở cuốn Family Tree của gia đình và cảm thấy một niềm ân sũng đến từ các vị nữ giới của các thế hệ trước. Họ chỉ là những người đàn bà rất bình thường, ngay cả chưa được cắp sách trong thời gian lớn lên.Trong cuốn Family Tree này, họ ngay cả cũng không có tấm hình, chỉ là những cái tên. Nhưng trong căn bếp của mỗi gia đình, hai bàn tay họ vun vén, sắp xếp bàn ăn gia đình mình. Hình như họ cũng là anh hùng như những vị nữ anh hùng khác. Công việc của họ là âm thầm xây dựng gia đình, làm nền tảng cho thế hệ sau…

Lạ, đang nói chuyện tư cách bàn ăn sao lại nhảy sang vai trò đàn bà là sao?

Ngày phụ nữ cho các bà vừa mới đi qua..

Tuyết Vân

_________________________________________

No comments:

Post a Comment