Tuesday, January 1, 2019

ĐẦU NĂM KHAI BÚT

Đinh Tấn Khương




Pan là tên thường gọi của chú chó nuôi của chúng tôi. Hồ sơ bệnh lý của chú được lưu giữ tại phòng khám địa phương với tên họ đầy đủ là Pantalimon Dinh. Chú Pan thuộc giòng giống Labrador, đến với gia đình chúng tôi được coi như là do số trời. Trước đó, cô con gái của chúng tôi đã quyết định mua một chú chó khác.Trả tiền và chờ ngày người chủ đem tới giao, nhưng những ngày sau đó có trận lụt lớn, giao thông ở vùng đó bị trở ngại cho nên hợp đồng đành phải hủy bỏ. Thế là cô con gái searched tiếp một vài nơi khác, cuối cùng quyết định chọn và đón Pan về nhà. Pan rất dễ chịu và dễ dạy cho nên không có điều gì khiến cho chúng tôi phiền lòng. Chú có biệt tài bắt banh (tennis) bằng miệng rất chuyên nghiệp cho dù ở độ cao hay là với tốc độ nhanh. Bắt banh là sở thích số 1 của Pan.

Bởi, chúng tôi phải làm việc 5 ngày một tuần cho nên thì giờ dành cho Pan rất hạn chế. Tuy vậy Pan lúc nào cũng vui vẻ và ăn thì cũng rất khỏe (người ta nói Lavador có tinh thần ăn uống rất cao quả không sai). Những ngày trời quá nóng hay quá lạnh cũng như vào những ngày được dự đoán là có sấm chớp thì Pan được cho ở trong nhà. Suôt một ngày ở trong nhà nhưng không bao giờ chú phá phách cũng như phóng uế bừa bãi.Chính vì thế mà chúng tôi có khuynh hướng cho ở trong nhà nhiều hơn và mùa đông cũng là cái cớ để không dắt chú đi bộ thường xuyên. Đó là lý do tại sao bây giờ chúng tổi cảm thấy có lỗi với chú. Và, một sai lầm lớn hơn nữa là chúng tôi đã không đóng bảo hiểm sức khỏe cho Pan lúc còn trẻ, khỏe.

Mấy tháng nay, chú Pan bổng dưng yếu dần hai chân sau. Ở cái tuổi gần 13 nhưng nhìn chung thì sức khỏe tổng quát có phần ổn định ngoại trừ mỗi lần đứng lên trông có vẻ khó khăn chút đỉnh. Nghĩ là do tuổi già hay là do chạy nhảy chụp banh nhiều cho nên khớp bị đau mà chân yếu không chừng. Tình hình có vẻ tệ dần, mang đến Vet thì được khám, cho thử máu, thử nước tiểu rồi chụp hình phổi & cột sống… tất cả đều bình thường. Giống ý tôi (biết được qua tham khảo các bài viết nói về nguyên nhân của chứng liệt 2 chân sau của chó), bác sĩ cũng đoán “thoái hóa màng bao dây thần kinh cột sống” được coi là một trong những nguyên nhân gây liệt và đề nghị chuyển đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để chẩn trị tiếp. Do thời gian hạn chế, vả lại nghĩ rằng cũng cần theo dõi thêm tình hình bệnh trạng tiến triển thêm một thời gian nữa xem sao cho nên chưa quyết định đi gặp bác sĩ chuyên khoa sớm.

Đọc bài viết của một số trang Thú y ở trong nước, theo những bài viết đó thì những nguyên thông thường gây liệt hai chân sau của chó là do thiếu calcium, thiếu Vit D, chó thường bị nhốt một chỗ thiếu đi bộ và hoạt động thể thao. Đọc xong, nghĩ cũng có lý và cảm thấy hối hận vì mình thường nhốt Pan trong nhà, ít dẫn đi bộ (chỉ có quăng banh cho chú nhặt mỗi ngày không quá 30 phút). Thế là, mua thêm calcium, Vit D và thức ăn có chứa nhiều loại nầy để tăng cường cũng như dắt Pan đi bộ nhiều hơn kể cả mùa đông lạnh buốt vừa qua. Mỗi ngày còn phải massage, tập vật lý trị liệu thêm nữa để hy vọng được phục hồi sớm.

Nhưng, mấy tháng sau đó, hai chân sau cứ yếu dần, tiến triển giống như mô tả về bệnh thoái hóa màng bao dây thần kinh cột sống (Degenrative Myelopathy). Đây là căn bệnh thường xảy ra ở tuổi già của chó, không có phương cách định bệnh chắc chắn, chỉ định bệnh theo lối loại trừ mà thôi. Có nghĩa là, nếu không tìm ra được nguyên nhân hay điều trị theo dự đoán mà không thấy khả quan thì mới nghĩ đến bệnh đó vậy! Bệnh nầy không thể trị được và tiến triển chậm có thể từ 6 tháng đến 1 năm, cũng có khi kéo dài đến 2 năm mới bị liệt hoàn toàn, vấn đề tiêu tiểu là một trở ngại lớn trong thời gian đó. Đa số trường hợp thì lúc ấy người ta thường chọn phương cách cho ra đi bằng một liều thuốc dù quyết định đó không phải là một quyết định dễ dàng cho nhiều chủ nhân!

Nếu quí vị nào có nuôi thú mà một khi mắc bệnh thì sẽ biết chi phí khám chẩn và điều trị không hề nhỏ
.
Xin kể một vài câu chuyện điển hình:

 1. Ông chồng của đồng nghiệp tôi có nuôi một cô két biết nói (chút đỉnh) tiếng người, ông mua nó với số tiền là 900 Úc kim. Một hôm nó ngã bệnh, không biết bệnh gì mà bỏ ăn bỏ uống. Mang vào bệnh viện thú y, được cho nhập viện, chụp hình thử máu truyền thuốc và ở lại đó một đêm. Hôm sau ông đến đón về và phải trả 1800 Úc kim cho viện phí, phí điều trị và mấy gói thức ăn.

2. Một bà Úc trông có vẻ nghèo tiền nhưng giàu tình thương, hôm bà đến đón chú chó cưng của bà về. Thủ tục xuất viện là đóng tiền, thấy bà lấy ra từng cái thẻ tín dụng đưa cho cô nhân viên thu ngân nhưng thẻ nào cũng bị từ chối, chắc là đã dùng hết ngưỡng cho phép. Cuối cùng thì cũng còn được một thẻ chịu trả với cái bill là 1250 Úc kim và rồi chú chó được y tá dẫn ra giao lại cho bà. 
Hỏi, mắc phải bệnh gì thì bà nói là không biết. Hỏi, bác sĩ có nói là bệnh gỉ hay không thì bà bảo họ cũng không biết nhưng giờ nó khỏe lại rồi nên được cho về nhà sau một đêm nằm viện. Hỏi, lý do tại sao mà phải mang nó vào bệnh viện cấp cứu thì được cho biết là bụng nó phình lớn. Thấy bụng bị cạo trọc lông thì biết là được cho làm siêu âm (tổn phí siêu âm bao gồm cả gây mê chừng hơn 500 Úc kim rồi)

3. Một người mà bạn tôi biết, đã chi trên 10,000 Úc kim để trả cho phẩu thuật cột sống của chú khuyển nuôi, chưa kể chi phí định bệnh và điều trị trước đó với số tiền không ít hơn 8,000 Úc kim.

4. Cô bạn làm chung với cậu con trai chúng tôi phải trả viện phí và phí điều trị là 4,000 Úc kim cho chú chó nuôi của cô mắc chứng suy tim. Được cho về, vài hôm sau nhập viện lần nữa và cuối cùng thì không cứu được nhưng cũng phải trả thêm một số tiền như lần trước kia nữa.

Hôm cháu gái về thăm nhà, Pan bị ói và không chịu ăn uống gì cả, phải mang Pan vào bệnh viện vì nhằm ngày cuối tuần, phòng khám Vet đã đóng cửa. Nằm viện mấy hôm được cho truyền nước biển, thuốc giảm đau, thử máu chụp quang tuyến và siêu âm bụng cũng như mời bác sĩ chuyên khoa thần kinh đến để hội chẩn thêm về bệnh liệt 2 chân sau. CT Scan và MRI cột sống được đề nghị. Chi phí cho tất cả cũng hơn 8,000 Úc kim (Phí tổn MRI bao gồm chi phí gây mê đã là 4200 Úc kim, tiền nằm viện được tính 180 Úc kim mỗi ngày). Nếu phát hiện ra bệnh ở cột sống thì phẩu thuật sẽ được tiến hành và chi phí sẽ là không nhỏ.

Không phải tiền là lý do chính khiến chúng tôi lưỡng lự nhưng chúng tôi nghĩ, nếu biết chắc việc điều trị mà dẫn tới kết quả khả quan hay là nếu tuổi Pan mà còn trẻ một chút thì cũng dễ dàng quyết định. Đằng nầy, ở tuổi 13 thì cũng đã đạt tới tuổi thọ rồi (với loại chó lớn con), nếu điều trị khỏi thì cũng không sống thọ hơn bao lâu mà lại phải trải qua những đau đớn trong thời gian điều trị. Bệnh nầy lại còn có thể kéo dài đến một hai năm không chừng (mới liệt hoàn toàn) thì lúc đó cũng đã vượt tuổi thọ cho phép rồi. Tuy nhiên, cô con gái chúng tôi khóc mãi và xin cho Pan được chạy chữa tiếp, may đâu bệnh khỏi để sống thêm một thời gian nữa.

Dù nhiều người cho ý kiến (với kinh nghiệm riêng) là chớ nên đánh đổi một số tiền không nhỏ cho một kết quả mơ hồ và chẳng mấy khả quan như vậy. Nhưng chúng tôi bàn với nhau rằng, nếu không tiến hành việc chẩn khám và điều trị thì cháu gái sẽ rất buồn, ảnh hưởng không tốt đến tinh thần và công việc làm của cháu. Nghĩ, nếu mình có dành dụm số tiền ấy thì cũng nằm trong số tài sản để lại cho các con sau nấy mà thôi chứ mình đâu có cần đến. Số tiền này, cháu sẽ không thấy nhưng trong lòng cháu lúc nào cũng ám ảnh là ba mẹ đã tiếc tiền không lo chạy chữa cho Pan. Vả lại, quan điểm điều trị trong y khoa là “còn nước còn tát” chứ không đặt trên nền tảng phí tổn. Vì vậy, chúng tôi đã đi đến quyết định cho làm CT Scan & MRI, bước đầu tiên trong tiến trình chẩn đoán và điều trị cho Pan.

Kết quả sau khi chụp MRI, được chẩn đoán là bệnh “Nhiễm trùng đĩa và đốt sống lưng”, hai loại thuốc trụ sinh và thuốc giảm đau được đề nghị cho uống mỗi ngày trong vòng 2 tháng cho đến 6 tháng. Không được cho Pan chạy nhảy, sàn nhà thì không được trơn láng vì sẽ khó gượng đứng dậy. Mừng quá, tưởng chừng bệnh đã được định chính xác và hy vọng sẽ ổn định sau khi uống thuốc. Toàn bộ sàn nhà bằng gạch phải lót những tấm trải để ngăn trơn nhìn thấy bề bộn quá chừng nhưng biết làm sao bây giờ.

Mùa đông lạnh nhưng cũng
phải dắt Pan đi bộ
Pan đang ở bệnh viện          

















Sàn nhà được lót những tấm trải trông thật bề bộn


Tuy nhiên, một tháng sau khi điều trị bằng thuốc tình hình không có gì khả quan. Tái khám, bác sĩ đề nghị sẽ chụp lại MRI để đánh giá tiến triển và nếu bị tổn thương vĩnh viễn thì phẩu thuật là giải pháp kế tiếp. Chi phí sẽ bị đội thêm hơn là mức dự đoán (tổng cọng sẽ hơn 20,000 Úc kim), nhưng kết quả không có gì bảo đảm là sẽ khả quan!

Qua câu chuyện về Pan chúng tôi thấy rằng, nếu một thành viên trong gia đình bị bệnh (chúng tôi vẫn xem Pan là một thành viên của gia đình) thì đó sẽ là một thiệt hại lớn cho những thành viên khác. Gần hơn nửa năm qua, chúng tôi rất bận rộn để chăm sóc và đã không có được những ngày nghỉ xa nhà như thường lệ! Và cũng qua câu chuyện nầy chúng tôi nhận thấy rằng mình rất may mắn khi được sống tại một đất nước mà vấn đề y tế được chăm sóc thật chu đáo mà lại còn miễn phí hoàn toàn. Cảm tạ ơn trên đã cho chúng tôi một may mắn như vậy.

Ngày đầu năm 2019
đinh tấn khương


_________________________________

2 comments:

  1. Chào Anh Khương.
    Chuyện con vật nuôi của mình như Pan của gđ anh thì QN đã trải qua rồi. Nuôi nó từ nhỏ, ngần ấy năm thật không khác gì con. Nhìn nó chết dần mình buồn lắm. Đời vật ngắn ngủi hơn người, chứng kiến xuyên suốt một hành trình sinh lão bệnh tử, mình đau lòng lắm.

    Sau khi 3 con chó nhà mình ra đi, QN nhất quyết dặn lòng từ nay không nuôi nữa. Tốn kém đành rồi, mà mình cũng đã già không còn sức để chăm sóc nó nữa. Nhất là khi nó bịnh.

    Vậy mà vừa rồi, nghe có người bạn bảo mới nuôi thêm một con chó, bạn ấy nói bạn bị trầm cảm nặng, những con vật nuôi bên mình giúp cô ấy thấy ổn định hơn, thấy ấm áp hơn.. nên QN cũng có chút suy nghĩ: biết đâu có ngày mình sẽ đổi ý, lại đem về một con chó hoặc con mèo về bậu bạn?

    Chúc anh và gia đình những điều tốt đẹp trong năm mới.
    Quí mến/QN

    ReplyDelete