Thursday, November 8, 2018

Một lời xin lỗi chân thành


Bùi Bảo Trúc

Thương Tiếc - (Ảnh: Internet)

Nói theo một lối nói của người Mỹ mà nay nhiều người chúng ta đã rất quen, là tôi nợ những bản nhạc mà chúng ta thường gọi là "nhạc lính" một lời xin lỗi. Một lời xin lỗi thật lớn, thật chân tình nhất và thành thật nhất.

Xin lỗi những bản nhạc lính, những người trình diễn chúng, những người yêu chúng, không chỉ một, mà một ngàn lời xin lỗi. Một vạn lời xin lỗi. Mà vẫn thấy chưa đủ.

Một buổi tối tuần trước, ngồi với Phan Nhật Nam, chúng tôi nhận ra một điều là cuộc chiến Việt Nam bi thảm và vô cùng tàn bạo nhưng đã để lại cho chúng ta, những người ở miền Nam, một kho tàng hết sức quí báu, đó là những bản nhạc viết về những người lính trong chiến tranh. Và, tuy ngày nay, cuộc chiến đã kết thúc, những bài hát ấy vẫn còn ở lại với chúng ta và chúng vẫn còn tạo ra biết bao nhiêu là cảm động, biết bao nhiêu xao xuyến; và vẫn còn được hát lên để nhớ lại nguyên một thời binh đao tưởng như cung kiếm đã xếp lại, bụi dầy đã phủ kín. Bức tượng người lính dáng điệu mệt mỏi ở lối vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa bị kéo sập không biết nay ở đâu nhưng những bài hát viết cho những người lính này vẫn còn ở mãi với chúng ta.

Những bài hát đầu tiên về những người lính ấy mơ hồ tôi nghe từ chiếc radio trên căn gác ở Hà Nội của người chú... Bài Chiến Sĩ Của Lòng Em với những câu "... Khi nước nhà phút ngã nghiêng em mơ người trai anh dũng mang thân thế hiến giang sơn chí quật cường hiên ngang... Chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ ở chiến trường xa dãi nắng dầm mưa nhịp bước oai hùng chàng tiến trong tim em trong khi vang ca say theo chiến thắng...".

Vài tháng sau chú tôi tử trận.

Vào Sài Gòn, khoảng năm 1957, tôi nghe bài Em Gắng Chờ của Huỳnh Anh và yêu ngay những câu này: "... Vai súng hiên ngang hẹn cùng người cũ... Trong bóng vinh quang rộn ràng anh bước hiên ngang về làng, trời Nam hân hoan reo vang thanh bình ca... ". Tôi yêu bài hát ấy vì một cô bạn hàng xóm, tưởng tượng cô là người đứng trên bến sông... 

Nhưng đó mới chỉ là những bài hát về lính còn quá hiền lành, khi cuộc chiến chỉ mới bắt đầu... Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới gốc dừa nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ... Anh chiến binh tiền tuyến ơi về giải phóng quê hương...”.

Một thời gian sau, vài ba người bạn trong lớp bỏ học lên đường nhập ngũ... “Bạn ơi, mai này ai hỏi đến tên tôi, thì xin hãy đáp khoác chiến y rồi... Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền...”. Lời ca lãng mạn, hơi by đặt, rẻ tiền nhưng tội nghiệp vô cùng. Tôi nhớ một tối lén đi uống bia với người bạn tiển chàng đi lính. Bài hát ấy được hát lên bởi một người bạn bên những chai bia đầu tiên. Nội trong năm ấy, cả hai đều chết trận.

Hai năm sau, tôi đi học xa, mấy năm sau mới về. Tôi không nghe những bài hát ấy nữa. Tôi nghe Beatles, rock, nhạc cổ điển Tây Phương, nhạc đồng quê, nhạc dân ca Mỹ, nhạc phản chiến... Ở Việt Nam, cuộc chiến đang trở nên khốc liệt hơn. Những bản nhạc tôi nghe trong những năm xa nhà là thứ nhạc hoàn toàn khác. Bob Dylan, Joan Baez, Peter Paul & Mary, Pete Seeger... cũng nói về chiến tranh đấy, nhưng trở lại Sài Gòn tôi mới lại được nghe những bản nhạc lính mà tôi đã bỏ quên đi trong suốt những năm xa nhà. Thư nhà cho biết dăm ba người bạn cùng lớp đã truy thăng thiếu úy...

Sáng nay vừa thức dậy, nghe tin em gục ngã nơi chiến trường...Ttrong vườn tôi vô tình hoa tường vi vẫn nở thêm một đóa... ”. Nếu em không là người yêu của lính... ”. “Tên thật là em các bin, họ hàng em có trăm nghìn... ”. “Từ ngày tôi lên cai việc làm tôi rất nhiều, binh ngoan cho nốt tốt, lười cho coóc-vê... ”. “Đi quân dịch là thương nòi giống... ”. “Hãy nhớ tới anh luôn luôn, yêu em vì lòng chờ mong... ”. “Anh đi chiến dịch... lòng súng nhân đạo cứu người lầm than...”. “Anh là lính đa tình... ”. “Phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên... ”.

Trở lại Sài Gòn, những buổi chiều trong quán nước, mở trang báo ra đọc thấy tên bạn bè mấy người trên trang cáo phó chết trận cao nguyên.

... viết tên người yêu lên ba lô nặng trĩu... đừng trước ngõ cũ nghe giặc tràn qua thôn xóm... thăm em dăm ba ngày rồi anh đi... xuyên lá cành trăng lên lều vải... chiều mưa biên giới anh đi về đâu... anh không chết đâu anh, người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương... quỳ hôn đất thân yêu, Quảng Trị ơi mừng quê hương giải phóng... ”. Nhạc Việt đã đổi khác... “Em ngại ngùng dạo phố... bên người yêu tật nguyền... anh trở về trên đôi nạng gỗ... bại tướng cụt chân... ”.

Những bài hát như thế phải có cả trăm bài cho đến nay vẫn còn được hát lên. Hát để nhớ lại những bất hạnh của một thời tuổi trẻ. Những chuyện đáng lẽ phải quên đi. Nhưng những chuyện đó cũng lại là một phần của đời sống chúng ta.

Chúng ta phải cám ơn những bài hát ấy mặc dù chúng bi thảm, đau đớn. Chúng vẫn nhắc chúng ta về những thương tích không bao giờ lành trên cơ thể của mỗi người.

Trong khi những người lính miền Bắc không có được những bài ca như thế. Chỉ là những bài ca đặt hàng, ngợi ca lãnh tụ hay những “Tiếng chầy trên sóc Bom Bo cum cụp cum... tìm diệt Mỹ giải phóng cho dân mình... bóng cây kơ nia, tiếng đàn ta lư... ”. Họ không có được những ca khúc nên hồn để còn hát lên được cho mãi tận này hôm nay. Trong khi những mất mát của họ không hề nhỏ. Nhưng ngày nay, còn đươc mấy người hát những bài hát ấy. Và nếu hát chúng lên thì có được bao nhiêu người xúc động?

Cám ơn những bài nhạc lính. Xin lỗi những bài nhạc lính, những bài nhạc có một thời mà không ít người trong chúng ta đã coi thường nó, cũng có thể đã khinh bỉ nó, coi nó là quê mùa, sến... trong khi chúng hay biết là chừng nào. Nửa trên vĩ tuyến 17 không có được một nền nhạc như thế.

Tôi thành thật xin lỗi những bài nhạc lính, xin lỗi các tác gỉả, những người hát chúng, một trăm ngàn lần.

Mà vẫn thấy chưa đủ.

Bùi Bảo Trúc

___________________________

No comments:

Post a Comment