Sunday, September 30, 2018

Mì Quảng thời kỳ quá

Tạ Phong Tần
Sau ngày Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam thì mỗi ngày dân miền Nam đều phải nghe radio, báo, sách giáo khoa, loa phường, các cuộc họp dân… ra rả câu: “Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong giai đoạn thời kỳ quá độ thì phải gặp khó khăn do hậu quả chiến tranh, tàn dư Mỹ -Ngụy để lại, phải thắt lưng buộc bụng chịu thiếu thốn thì xây dựng chủ nghĩa xã hội mới thành công”. Người dân miền Nam nói chệch “thời kỳ quá độ” thành “thời kỳ quá khổ”.

 Khoảng năm 1995, báo chí trong nước rầm rộ chuyện “Cô bé bán khoai đậu ba trường đại học”. Có người đem bài báo đưa tôi coi, tấm tắc xuýt xoa khen lấy khen để.
Tôi trả lời
– Tưởng gì lạ, bé này có khoai lang luộc, có cơm rang ăn sáng mỗi ngày, có xe đạp để đi học, có tiền để mua đến ba bộ hồ sơ nộp vô ba trường đại học dự thi, không đậu trường này vẫn còn vớt vát trường khác, cô bé còn giàu hơn tôi nhiều. Tôi ngày trước suốt mười mấy năm đi học chưa bao giờ có cái gì để ăn sáng, khoai lang khoai mì mắc như vàng, tôi đi bộ đến trường, tôi chỉ đủ tiền mua duy nhất một bộ hồ sơ nộp vô dự thi trường Ðại học Pháp Lý (nay là đại học Luật), tôi mà thi rớt trường Luật là xong phim luôn.
Người kia nghe vậy cụt hứng, hỏi:
– Có chuyện đó sao?
Tôi trả lời:
– Hỏi tất cả những người tầm tuổi tôi có đi học mà nhà nghèo như tôi coi có phải họ giống như tôi không?
Giới trẻ bây giờ hiếm có ai hình dung được người dân miền Nam sống trong chế độ cộng sản thập niên 70, 80 nó khốn khổ đến mức độ nào, nếu những người như tôi không nói ra thì không ai biết. Cái xóm nhỏ nơi gia đình tôi sinh sống lúc bấy giờ đoạn ngoài là người Kinh ở xen lẫn với người Hoa, đoạn trong là người gốc miền Trung di cư (vô lúc nào không rõ) nói giọng trọ trẹ. Dân ở đây không phân biệt được họ là người vùng nào, cứ nói giọng trọ trẹ là gắn cho chữ “Huế” hết, nên xóm trong kêu là xóm Huế, xóm ngoài là xóm Chệt. Xóm Huế phần lớn sống bằng nghề thu mua ve chai lông vịt, bán cà rem dạo, bán nước sâm dạo, bán hàng rong. Cứ tầm năm giờ sáng, tôi nghe tiếng xe cà rem, xe nước sâm đẩy đi ngang nhà tôi kêu lạch cạch, lạch cạch đều đều suốt hơn ba chục phút. Chiều chạng vạng họ lại lạch cạch, lạch cạch đẩy về. Tôi đi chợ, thấy họ đẩy xe đi bán dạo ngoài đường, hoặc đứng bán ở vỉa hè ven chợ. Trời nắng chang chang, không khí nóng bức, mồ hôi mồ kê tuôn chảy ròng ròng, thấy thì thèm lắm nhưng tôi chưa bao giờ có tiền mua một ly nước sâm, một cây cà rem để ăn.
Năm học lớp Chín, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Buổi sáng ngày đi thi cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được mẹ dẫn đi ăn tô mì Quảng trong xóm Huế. Con đường đi sâu vô xóm Huế lầy lội bùn đất xen lẫn đá lục cục. Hai mẹ con dò dẫm cố sải chưn bước trên những cục đá cho khỏi dơ dép. Ðến nơi, tôi thấy chơ vơ một bà đứng tuổi ngồi sau đôi quang gánh bằng mây tại bãi đất trống có vẻ như là một nền nhà cũ của ai đó. Chỗ này không bị dơ dáy, lầy lội như con đường đi vô. Xa xa có khúm nhà nhỏ bé lợp bằng lá dừa nước, lụp xụp, cũ kỹ là xóm Huế.
Bà bán mì Quảng thấy chúng tôi tới thì đon đả chào mời khách ngồi xuống hai cái ghế gỗ nhỏ xíu thấp chủn cách mặt đất chừng một tấc (kiểu ghế này người ta thường kêu là ghế giặt đồ, đóng bằng ba miếng gỗ vụn ghép lại), rồi lấy hai cái tô sành cũ kỹ trong quang gánh ra làm mì. Tôi háo hức lõ hai con mắt theo dõi hai bàn tay bà bán mì coi mì Quảng nó khác với mì Tàu ra làm sao. Trước tiên, bà nhúm một ít cải xà lách, rau thơm, húng, quế, dấp cá, dưa leo (đã được xắt nhỏ sẵn) cho vô tô. Lại nhúm một ít sợi mì giống y sợi hủ tiếu, nhưng tráng mỏng hơn và xắt rộng hơn sợi hủ tiếu, cho lên rau sống. Xúc một muỗng canh con ruốc biển nhỏ lí rí bằng que tăm đã được chấy đường màu nâu vàng rải lên trên. Lại xúc một muỗng cà phê đậu phộng đã rang vàng giã nhỏ rải đều lên trên. Bà rưới một cống nhỏ nước mắm đã pha chanh ớt tỏi lên trên. Xong bà rút đôi đũa tre trong ống lon Guigoz đưa cho khách cùng với tô mì. Khách cầm tô mì trên tay ăn, không có bàn gì hết. Trên quang gánh có hũ ớt bằm, ai thích ăn cay cứ tự nhiên múc thêm ớt.
Chỉ đơn giản vậy thôi mà lúc đó tôi thấy mì Quảng ngon quá trời là ngon. Sợi mì làm bằng bột gạo, dai dai giống như sợi hủ tiếu, nhưng không béo như sợi hủ tiếu vì không có thoa dầu lên mặt bánh tráng trước khi xắt sợi. Tô mì đó nếu so với tô phở size nhỏ nhứt trong các tiệm ăn Việt ở Little Sài Gòn (Nam Cali) thì nó cũng chỉ lớn bằng một nửa mà thôi. Bây giờ bán mì Quảng kiểu đó chắc bị thiên hạ quánh cho phù mỏ, nhưng tại thời điểm ấy thì tô mì Quảng đó được coi là “sang trọng”, nó ngon gấp mấy lần phở của cửa hàng mậu dịch quốc doanh chỉ có nước lỏng bỏng có vị muối, đường và bột ngọt, với nhúm bánh phở, vài lát thịt (không biết thịt gì) mỏng như giấy quyến.
Sau này tôi mới biết sợi mì Quảng có màu vàng tươi của bột nghệ, xắt cọng lớn, vừa dai vừa mềm ngọt vị tinh bột gạo. Nước lèo được nấu bằng xương gà, xương heo nêm nếm đậm đà. Ăn chung với mì Quảng ngoài rau sống, đậu phộng rang, hành phi thơm phức còn có thịt gà, chả tôm, chả cua, tôm bự nguyên con, mực ống hoặc bạch tuộc, ăn kèm với bánh tráng mè nướng giòn tan.
Chợ Việt ở Nam Cali có bán đủ loại sợi mì Quảng (tươi, khô), gia vị, rau sống, bánh tráng mè. Muốn nấu mì Quảng ăn trong gia đình không khó. Nấu nước lèo bằng thịt heo hoặc thịt gà đều được. Thịt rửa sạch, chặt miếng vừa ăn để ráo. Giã tỏi, ớt tươi cho nhuyễn, thêm chút nước mắm, bột ngọt hoặc hạt nêm, đường, muối, tiêu, nửa hộp sốt cà chua vô ướp thịt 30 phút. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vô phi hột điều để lấy nước màu điều. Vớt hột điều ra, cho tỏi ớt vô chảo phi thơm rồi cho thịt vô xào cho thịt săn lại. Cho thịt xào vô cái nồi lớn, cho thêm nước dừa tươi vô ngập thịt và nấu tới khi thịt mềm. Nêm nếm lại cho vừa miệng, cho nửa hộp sốt cà chua còn lại vô nồi để màu sắc thêm đẹp và thơm. Nấu nước sôi, cho sợi mì vô trụng đến khi thấy mềm thì trút mì ra rổ để ráo nước. Nếu muốn ăn thêm tôm, cua, mực… cứ việc rửa sạch để ráo rồi cho mấy thứ này vô nồi nước lèo nấu chín vừa ăn là xong.
Vậy là ta có món mì Quảng thơm ngon, nóng hôi hổi, đầy đủ chất lượng và an toàn cho cả nhà rồi. Thêm chén nước mắm ngon có pha tỏi ớt giã nhuyễn để lên bàn cho ai thích ăn đậm đà thì múc thêm. Dọn tô mì nóng hổi ra bàn, bẻ thêm bánh tráng mè nhúng vô nước lèo ăn chung với sợi mì, vị béo, vị ngọt, mặn, cay, giòn, dai hòa quyện, ăn no rồi vẫn muốn ăn thêm.
Mì Quảng thời kỳ quá khổ tất nhiên không có vé để so với mì Quảng chánh hiệu, nhưng kể ra để chúng ta đừng bao giờ quên tội ác cộng sản Việt Nam đã làm cho nước ta, dân tộc ta trở nên bần hàn, khốn khổ.


TPT - http://baotreonline.com/mi-quang-thoi-ky-qua/

___________________________________

No comments:

Post a Comment