TuyếtVân
Năm 1974 đậu xong tú tài tôi ra Huế học. Đó là một lựa chọn tự nhiên vì gia đình tôi có gốc gác bà con ở Huế, chi phí học ở đó nhẹ nhàng hơn ở SàiGòn, và chị tôi cũng đang học năm cuối ở đây nữa.
Tháng Ba năm 1975, Huế bắt đầu di tản. Từng đoàn người từ Quảng Trị vào Huế, rồi từng đoàn người từ Huế đi vào Đà Nẵng. Trong cái nắng gay gắt của miền Trung, chiếc xe tôi nằm ì ạch trên đèo Hải Vân.
Hơn hai tháng sau đó tôi có trở ra Huế một lần nữa thăm gia đình chú thím. Rồi Huế trở thành quá khứ.
Tôi cứ thường ví bạn bè xưa như những vì sao. Nhận ra được thì mình có thể kết nối lại và có được một cái gì đó cụ thể hơn như những chòm sao có cái tên riêng của chúng. Còn không thì chúng nằm lẽ loi trên nền trời. Nhìn thấy đó nhưng không làm sao với tới.
Tôi vẫn còn có những vì sao như thế. Chị Bông ở Tam Kỳ, Vũ đình Quảng ở Quảng Ngải, Truật, Tố, Nguyễn thị Phượng và một vài bạn bè khác tôi không nhớ tên khi học một năm ở Cao Đẳng Sư Phạm Qui Nhơn. Hà và anh ở Huế.
Nhà văn Duyên Anh có viết, có hai thứ chúng ta không thể nào dấu được, đó là khói và tình yêu. Tôi biết anh có cảm tình với tôi, qua cách nói chuyện và nhất là qua cái nhìn. Riêng tôi vẫn giữ tình cảm trong giới hạn tình bạn hoặc là một tình cảm bạn bè đặc biệt hơn một chút. Hà thì đi xe đạp tới trường. Tôi đi bộ. Còn anh đi chiếc motocycle. Mỗi lần đi thư viện anh lái xe chầm chậm theo chiếc xe đạp của Hà có tôi ngồi phía sau.
Tình bạn chỉ vài tháng ngắn ngủi rồi mọi sự đều thay đổi khốc liệt. Tháng Năm của năm 1975 tôi trở ra Huế thăm chú thím tình cờ gặp lại Hà khi đang đi chợ Đông Ba. Hà nói gia đình phải về quê ngoại sống. Cái lo âu hối hả của tình thế lúc đó nó lớn hơn cái mừng của hai người bạn gặp nhau. Nhưng dù vậy, Hà có nói cho tôi biết, nhiều bạn bè tưởng tôi bị đắm tàu trong đêm ra khỏi Đà Nẵng. Anh nghe và buồn ứa nước mắt.
Năm nay tôi đã có liên lạc lại với nhiều bạn bè xưa. Trong cái vui tìm lại được bạn cũ thì lại có những giây phút nao nao nghĩ đến những người bạn mà sợ rằng không bao giờ gặp được. Trong đó có Hà và anh. Ở cái tuổi thường hay nghĩ đến quá khứ, nhất là tuổi thanh xuân, thì Hà và anh là những người tôi vẫn thường nghĩ tới. Tôi không nhớ tên anh nhưng người thì nhớ rất rõ. Anh dáng người cao cao thường hay mặc chiếc áo sơ mi màu vàng úa. Tôi cũng không biết nguyên tên họ của Hà. Chỉ biết Hà đạp xe đạp đi học từ một vùng phụ cận Huế. Đó là Huế còn lại của tôi.
Đã hơn 40 năm trôi qua cuộc đời của hai người đó như thế nào. Anh có phải đi kinh tế mới như một vài người bạn khác của tôi? Anh có gia đình riêng và ở tuổi này đã có cháu hay chết trẻ bất ngờ? Còn Hà nữa. Tôi mong sao cuộc sống của cô bình yên, có gia đình, chăm non cho chồng con. Tôi còn nhớ đôi mắt của Hà lúc nào cũng cười. Chắc số phận cô cũng êm ấm.
Đã từ lâu tôi không có ý định trở lại Huế. Hai chị em tôi cứ thường ước ao được đi chuyến xe từ trong Nam ra Bắc, rồi sẽ ghé lại những địa danh đã từng biết qua lịch sử hay sách vở khác. Tôi nói với chị tôi là nếu đi sẽ không ghé Huế. Cho tôi bây giờ tôi cũng nghĩ mình sẽ không ghé Huế. Tôi không hiểu vì sao mình lại có ý nghĩ như vậy nhưng bây giờ tôi đã nghĩ ra. Bởi vì Huế không phải là nơi chốn lạ. Nhưng để trở về không có Hà và anh Huế sẽ trở thành một chổ dừng chân để viếng thăm cho người du khách. Mà tôi đâu phải là du khách. Hà và anh đã cho tôi những ngày tháng rất dễ thương ở khuông viên của trường đại họcVăn Khoa. Tôi muốn giữ lấy nó cho dù chỉ nhìn qua sau lớp bụi.
Nếu có ai hỏi tôi đã biết Huế chưa, thì vâng, tôi có ở đó gần một năm. Huế có cầu Gia Hội và những con đường mà ba tôi đã đi qua trong thời trai trẻ của ông. Ở Huế có Bao Vinh, căn nhà cổ đại gia đình Chú Thím đã từng sống.
Huế có sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, và nhiều địa danh mà trong văn thơ và nhạc vẫn nhắc tới.
Riêng tôi, Huế còn có những vì sao.
Riêng tôi, Huế còn có những vì sao.
Tuyết Vân.
__________________________________________
Giọng văn từ tốn mà sao vẫn xôn xao một nỗi buồn .
ReplyDeleteLạc Miên.