Monday, November 23, 2020

VAI TRÒ SINH TỐ D VÀ SỨC KHỎE

BS Đinh Tấn Khương

Hầu hết chúng ta đã nghe và biết sinh tố D cần thiết cho sức khỏe, hãy thử tìm hiểu vai trò của sinh tố D đối với cơ thể là gì và nguồn cung cấp của loại sinh tố nầy đến từ đâu.

Vai trò của sinh tố D là gì:
-  Cơ thể chúng ta cần sinh tố D để giúp hấp thu calcium, hổ trợ sự phát triển của xương và giữ cho xương được rắn chắc và khỏe mạnh.

-  Sinh tố D ngăn chận sự phóng thích kích thích tố tuyến phó giáp trạng. Kích thích tố nầy tái hấp thu mô xương khiến cho xương bị dòn, mỏng và dễ gãy

-  Cơ thể chúng ta cũng còn cần sinh tố D cho một số chức năng quan trọng khác nữa. Theo một số khảo sát cho thấy sinh tố D có thể giúp ngăn ngừa ung thư đường ruột, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến… và cũng còn giúp trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh tự miễn nhiễm (autoimmune diseases), loãng xương, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim, cao huyết áp và multiple sclerosis.

-  Một số khảo sát cũng cho thấy những người có lượng sinh tố D trong máu cao thì khả năng mắc bệnh thấp mặc dù chưa minh chứng được rằng, thiếu sinh tố D là nguyên nhân gây bệnh
Nguồn sinh tố D:
1.     Từ ánh sáng mặt trời:
Sinh tố D được tạo ra từ da một khi tiếp xúc với tia hồng ngoại trong ánh nắng mặt trời. Số lượng sinh tố D được tạo ra từ da tùy thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như màu da, thời gian trong ngày, mùa nào trong năm, nơi sinh sống và cũng tùy thuộc vào bầu trời có bị mây che mờ hay bụi phủ kín hay không.

Phần lớn những phụ nữ Á đông thường sợ làn da của mính bị rám nắng cho nên mỗi khi ra đường luôn che chắn nhằm tránh cho ánh nắng mặt trời tiếp xúc với da (những người thấy rõ mặt trời nhưng mặt trời lại không thấy được họ), những người làm việc trong các hang xưởng hay văn phòng là những người dễ bị thiếu lượng sinh tố D cần thiết cho cơ thể.

2.     Từ  thức ăn:
Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá kiếm (swordfish), thịt bò, gan, sữa, bơ và trứng v.v…

3.     Thuốc bổ sung:
Có 2 dạng sinh tố D được bán trên thị trường hiện nay, đó là D2 (Ergocalciferol) và D3 (Cholecalciferol). Dựa theo một số khảo sát cho thấy cả hai dạng sinh tố D nầy đều tốt ngang nhau đối với sức khỏe của xương chúng ta.

Những chứng bệnh có thể gây ra thiếu lượng sinh tố D trong máu:
Thiếu lượng sinh tố D trong máu có thể là do một số chứng bệnh:
-  Bệnh thận và gan làm giảm men cần thiết cho sự chuyển dạng sinh tố D cần thiết cho cơ thể

-  Bệnh cystic fibrosis, Crohn’s disease, Celiac disease không cho phép ruột non hấp thu đủ lượng sinh tố D.

-  Béo phì (BMI>30) thường có lượng sinh tố D trong máu thấp, có thể do sự bám chặt, không cho phép  sinh tố D phóng thích vào mạch máu.

-  Những người làm phẩu thuật cắt bỏ một phần bao tử và ruột non để giảm cân (Gastric bypass surgery) khiến giảm sự hấp thu sinh tố D vào máu.
Những yếu tố khác có thể gây nên thiếu lượng sinh tố D trong máu:
-  Khả năng tạo sinh tố D bị suy giảm ở tuổi già
-  Da sẫm màu tạo ít lượng sinh tố D hơn người da trắng
-  Những người ít khi ra nắng (làm văn phòng, hãng xưởng và ở trại dưỡng lão…) thường thiếu lượng sinh tố D trong máu
-  Một số thuốc cũng có thể làm giảm lượng sinh tố D trong máu, chẳng hạn như thuốc nhuận trường, thuốc kháng viêm (prednisone), thuốc giảm mỡ, thuốc giảm cân, thuốc trị chứng kinh phong và thuốc trị bệnh lao (Rifamycin)

Điều trị và ngăn ngừa sự thiếu hụt lượng sinh tố D:
Mục dích của việc điều trị cũng như ngăn ngừa đều giống nhau, đó là làm thế nào để đạt mức cần thiết và duy trì được lượng sinh tố D cần thiết đó tồn tại trong cơ thể.
Để đạt mục đích đó, cần phải kết hợp trong việc ăn nhiều thức ăn có chứa sinh tố D, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nếu cần thì dùng thêm sinh tố D bổ sung.
Theo giáo sư Rebecca Mason, chuyên khoa nội tiết đại học Sydney thì mỗi ngày bỏ ra chừng 10 phút đi bộ dưới ánh nắng mặt trời thì tốt hơn là uống sinh tố D bổ sung.
Cũng theo giáo sư Rebecca Manson, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời còn có những lợi ích khác ngoài việc tạo ra sinh tố D cho cơ thể chúng ta, chẳng hạn làm giảm chứng cao huyết áp, ngăn ngừa những căn bệnh tự miễn nhiễm và tăng lượng endeorphine trong máu (Endorphine có tác dụng giúp tăng khả năng tập trung, tâm trạng vui vẻ, giảm ức chế cũng như làm giảm nhẹ những cơn đau thể chất và cơn đau cảm xúc.)
Mùa hè, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào giữa buổi sáng và giữa trưa. Mùa đông thì đi bộ vào buổi trưa. Những người da trắng nên đi bộ dưới ánh nắng mặt trởi độ chừng 10 phút, tay xắn cao trong khi người có da màu sẫm thì cần thời gian 3-4 lần lâu hơn.
Những người làm việc ở các hãng xưởng và văn phòng cũng nên tìm cách tiếp cận ánh nắng mặt trời mỗi ngày, điều nầy  sẽ tốt hơn là đợi đến mùa nghỉ lễ mới dành hết thời gian để tắm nắng bù trừ.
Cũng nên nhớ rằng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời có thể có nguy cơ bị ung thư da cho nên được đề nghị là hãy dùng kem chống nắng mỗi khi tiếp xúc.
Và cũng nên biết rằng, lượng sinh tố D quá cao trong máu cũng có thể gây ra buồn nôn, ói mửa, loạn nhịp tim, hư thận, yếu cơ, táo bón, giảm cân, kém ăn, khát nước, đi tiểu nhiều và có thể gây chứng ung thư tụy tạng.

Sydney, ngày 08/06/2018 
đinh tấn khương
________________________________

No comments:

Post a Comment