Wednesday, June 20, 2018

IM LẶNG CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT

Đinh Tấn Khương

Thấy điều đúng mà không hành động, đó là hèn nhát. - Nho giáo

                                   "Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối
                                    Và dại khờ là những lũ người câm
                                    Trên đường đi như những bóng âm thầm
                                    Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng” (TH)
                                                  (Văn nô Tố Hữu, 7/1938)
Lâu nay gần như tôi không còn muốn quan tâm đến tình hình Việt Nam, vùng đất mà tôi luôn nhận là quê hương thứ nhất. Lý do không phải là vì thời gian sống ở quê hương thứ hai này dài hơn nơi tôi được sinh ra, được nuôi lớn và đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Cũng không phải giờ đây chúng tôi đang có một cuộc sống ổn định, tài chánh sung túc và các con đều thành đạt mà quên mất Việt Nam. Mà chính là, tôi thật sự ngao ngán khi chứng kiến sự im lặng kéo dài của người trong nước trước những bất công và hiểm họa Hán hóa không còn xa.


Dù sao chúng ta cũng nên thông cảm cho những ai cảm thấy cần phải in lặng, im lặng như một con lừa cứ mãi âm thầm ra sức kéo cái cỗ xe để nuôi hy vọng một ngày nào đó ăn được cái bó cỏ đang treo phía trước. Cũng đúng thôi, người ta đang sống dưới sự kiểm soát khắc nghiệt của một chế độ mà ở đó LÝ LỊCH là điều quyết định sự thành bại trong cuộc sống. Những gia đình nào bị ghi vào “sổ đen” thì tương lai của những thành viên trong gia đình đó coi như mờ mịt. Cái chế độ mà những thành phần nịnh bợ, gian ác và thiếu trình độ (nhưng đỏ) thì được trọng dụng. Thử nghĩ xem, những thành phần như vậy mà được ưu đãi để trở thành nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe, những người hoạch định chính sách kinh tế và những nhà lãnh đạo đất nước v.v… thì Việt Nam sẽ đi về đâu.

Những người ngay thẳng chất phát chỉ biết lo nuôi con ăn học với một hy vọng đổi đời. Chính bởi cái hy vọng đó mà các bậc phụ huynh đã chọn sự im lặng, im lặng để con mình được vào đại học, im lặng để con mình được tốt nghiệp và lại tiếp tục im lặng để con mình tìm được việc làm. Rồi những ai có con tìm được việc làm thì bổng trở thành những người đồng lõa với cái sai cái ác, trở thành những cái loa tâng bốc chế độ cho dù họ biết rằng đó là một sự dối trá ngay cả với chính họ!

Theo tài liệu thống kê gần đây, ở Việt Nam có tới hơn hai trăm năm mươi ngàn thanh niên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm. Bậc phụ huynh của các em nầy đã chọn sự im lặng trong nhiều năm, vay mượn tiền bạc cho con mình đi học để rồi cuối cùng cũng không đạt nguyện. Xin hỏi, sự chọn lựa im lặng của quý vị trong suốt nhiều năm qua có phải là điều cần thiết?

Một số không ít người Việt đang sống tại những quốc gia tiên tiến, nơi mà họ đang có một cuộc sống an toàn về mặt xã hội, môi trường, y tế và giáo dục thì gần như họ không mấy quan tâm đến tình hình chính trị tại Việt Nam, họ chọn sự im lặng với nhiều lý do riêng tư. Có những lúc tôi cũng chọn sự im lặng như thế vì nghĩ rằng tuổi đời đã cao, thời gian còn lại chẳng có là bao.Tại sao không dành hết thì giờ ít ỏi đó cho bản thân và gia đình. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chẳng biết có phải do dòng máu Việt Nam còn lưu trong huyết quản đã khiến cho tôi không thể thờ ơ!

Cái đám dư luận viên và một vài kẻ theo đốm ăn tàn thì gán rằng, người Việt tỵ nạn ở nước ngoài như chúng tôi là những người lưu vong, mất quê hương, và “không có quê hương thì sẽ không thể sống thành người” cho nên chúng tôi bất mãn. Chúng tôi không tức giận với cái đám nầy nhưng buồn cho tuổi trẻ Việt Nam hôm nay quá nhu nhược, chỉ biết cúi đầu khuất phục để tìm quyền lợi riêng tư cho bản thân mình. Họ không màng đến chuyện dân tộc Việt Nam sẽ là một Tây Tạng trong tương lai không xa.

Nhiều người tỏ ra lạc quan sau những ngày sôi động mới đây tại Việt Nam, trong số đó có cả Qui Nhơn một người bạn, người phụ nữ mạnh mẽ dám nói những gì mà không ít người, ngay cả ở hải ngoại đang né tránh. Nhưng theo nhận xét của riêng tôi thì không có gì đáng để lạc quan bởi vì còn rất nhiều người chưa thấy hiểm họa Hán hóa và chưa dám nói lên tiếng nói của mình để đòi hỏi một sự công bằng.

Những đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam thường bị người nhà bệnh nhân uy hiếp bằng bạo lực nhưng lại không dám lên tiếng để yêu cầu chính quyền can thiệp và bảo vệ mà chỉ biết tổ chức những khóa học võ nhằm bảo vệ cho chính mình, một việc làm mà tôi chưa từng thấy xảy ra ở bất cứ một đất nước nào trên trái đất nầy ngoài Việt Nam. Ở những quốc gia dân chủ tây phương, giới chức bị chèn ép, bị uy hiếp họ đều đồng tình bày tỏ bằng cách đình công. Đó là phương cách ôn hòa và hợp pháp để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Nếu (gần như) toàn bộ bác sĩ/giáo viên đình công trong một vài ngày thì chắc chắn người bệnh/học sinh sẽ là thành phần áp lực chính quyền giải quyết vấn đề qua thương lượng một cách nhanh chóng.

Tôi biết lý do tại sao họ không dám làm điều đó, bởi họ quen với cách hành xử “cúi đầu vâng lệnh”. Thế thì đành bó tay!

Để kết thúc bài viết tôi xin trích dẫn bốn câu thơ trong bài “Liên Hiệp Lại”của nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ cọng sản để gởi tặng những người trong nước.

“Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối
 Và dại khờ là những lũ người câm
 Trên đường đi như những bóng âm thầm
 Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng”

     (Tố Hữu, 7/1938)
Nếu các bạn thấy im lặng là điều cần thiết thì hãy cứ ngoan ngoãn mà tiếp tục im lặng!
Sydney, ngày 20/06/2018
đinh tấn khương

_________________________________

No comments:

Post a Comment